K
Khách

Hãy nhập câu hỏi của bạn vào đây, nếu là tài khoản VIP, bạn sẽ được ưu tiên trả lời.

18 tháng 9 2017

HƯỚNG DẪN

Địa hình nước ta tác động đến khí hậu thể hiện rõ rệt ở độ cao và hướng núi.

a) Độ cao của địa hình tác động đến chế độ nhiệt và mưa

- Độ cao đã làm thay đổi nhiệt ẩm từ thấp lên cao, tạo ra các đai cao khí hậu khác nhau.

+ Đai nhiệt đới gió mùa:

• Ở miền Bắc, đai có độ cao trung bình dưới 600 - 700m, ở miền Nam lên đến độ cao 900 - 1000m.

• Nền nhiệt độ cao, mùa hạ nóng (nhiệt độ trung bình tháng trên 25°C). Độ ấm thay đổi tùy nơi: từ khô hạn đến ẩm ướt.

+ Đai cận nhiệt đới gió mùa trên núi:

• Ở miền Bắc, đai có độ cao từ 600 - 700m đến 2600m; ở miền Nam từ 900 – 1000m đến 2600m.

• Khí hậu mát mẻ, không có tháng nào nhiệt độ trên 25°C, mưa nhiều hơn, độ ẩm tăng.

+ Đai ôn đới gió mùa trên núi:

• Độ cao từ 2600m trở lên (chỉ có ở Hoàng Liên Sơn).

• Khí hậu có nét giống khí hậu ôn đới, quanh năm nhiệt độ dưới 15°C, mùa đông xuống dưới 5°C.

- Độ cao trong sự phối hợp với hướng gió đã tạo nên nhũng nơi mưa nhiều và mưa ít.

+ Những nơi mưa nhiều ở nước ta là những nơi núi cao đón gió. Chẳng hạn như: Bắc Quang (Hà Giang) 4802mm, Hoàng Liên Sơn (Lao Cai) 3552mm, Huế 2867mm, Hòn Ba (Quảng Nam) 3752mm...

+ Nơi mưa ít do nằm giữa núi cao, nhưng địa hình thấp trũng xuống không đón gió được như Mường Xén (Nghệ An), hoặc nằm ở nơi khuất gió, song song với hướng gió...

b) Hướng núi tác động rõ rệt đến chế độ nhiệt và mưa

- Hướng núi vòng cung:

+ Hướng vòng cung của các dãy núi ở Đông Bắc đã tạo điều kiện cho gió mùa Đông Bắc xâm nhập trực tiếp, gây ra một mùa đông lạnh có 3 tháng nhiệt độ xuống dưới 18°C, đặc biệt ở Đông Bắc và đồng bằng Bắc Bộ.

+ Cánh cung Đông Triều đón gió Đông Nam vào mùa hạ, gây mưa lớn ở sườn đón gió, nhưng làm cho vùng khuất gió ở lòng máng Cao - Lạng mưa ít.

- Hướng núi tây bắc - đông nam tác động mạnh mẽ đến khí hậu nước ta.

+ Dãy Hoàng Liên Sơn đã chặn các đợt gió mùa Đông Bắc, không cho xâm nhập trực tiếp vào Tây Bắc, làm cho nhiệt độ vào mùa đông ở Tây Bắc cao hơn Đông Bắc tại những nơi có cùng độ cao.

+ Dãy Bạch Mã ngăn gió mùa Đông Bắc tràn xuống phía nam, làm cho về mùa đông, nhiệt độ có sự phân hóa rõ giữa hai miền khí hậu phía bắc và phía nam.

+ Dãy Trường Sơn đớn gió Đông Bắc vào mùa dông gây mưa; đón gió Tây Nam vào mùa hạ, gây hiện tượng phơn khô nóng ở đồng bằng ven biển Trung Bộ. Từ đó, làm cho mùa mưa ở Trung Bộ lệch về thu đông và mùa mưa ở Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ ngược nhau (mùa mưa ở Tây Nguyên là mùa khô ở Duyên hải Nam Trung Bộ, ngược lại mùa mưa ở Duyên hải Nam Trung Bộ là mùa mưa ở Tây Nguyên).

+ Phan Rang là nơi mưa ít nhất nước ta do nguyên nhân địa hình là chủ yếu. Hai loại gió Đông Bắc và Tây Nam đều gây mưa ở sườn đón gió (mưa ở phía vịnh Cam Ranh là sườn đón gió vào mùa đông và mưa ở phía nam mũi Dinh là sườn đón gió vào mùa hạ), trong khi Phan Rang nằm ở phía sườn khuất gió của cả hai mùa. Phía tây của Phan Rang là núi cực Nam Trung Bộ, tạo ra hiện tượng phơn khô nóng trong mùa hạ.

27 tháng 5 2019

HƯỚNG DẪN

a) Độ cao địa hình

- 3/4 diện tích địa hình Việt Nam là đồi núi, nhưng chủ yếu là đồi núi thấp (85% địa hình cao dưới 1000m), nên khí hậu chủ yếu của nước ta là nhiệt đới ẩm với nhiệt độ trung bình năm trên 20°C.

- Do độ cao địa hình, nên khí hậu nước ta phân hóa thành 3 đai cao: đai nhiệt đới gió mùa (độ cao trung bình đến 600 - 700m ở miền Bắc và đến 900 - 1000m ở miền Nam); đai cận nhiệt đới gió mùa trên núi (độ cao đến 2600m); đai ôn đới gió mùa trên núi (từ 2600m trở lên, chỉ có ở miền Bắc).

- Những đỉnh núi cao đón gió là những nơi mưa nhiều của nước ta (Móng Cái, các núi dọc biên giới Việt - Trung, dãy Bạch Mã, Ngọc Lĩnh, cực Nam Trung Bộ...). Nơi địa hình thấp, trũng, khuất gió có lượng mưa rất thấp (Móng Cái, thung lũng sông Ba...).

b) Hướng địa hình

- Hướng vòng cung:

+ Các cánh cung núi Đông Bắc mở rộng về phía bắc và phía đông đón gió mùa Đông Bắc trực tiếp, làm cho nền nhiệt độ ở đây vào mùa đông thấp nhất nước ta, có 3 tháng nhiệt độ xuống dưới 18°C.

+ Cánh cung Đông Triều thẳng góc với hướng gió Đông Nam vào mùa hạ, gây mưa ở sườn đón gió và ít mưa ở vùng khuất gió (Cao Bằng, Lạng Sơn).

- Hướng tây bắc - đông nam:

+ Dãy Hoàng Liên Sơn cao chắn gió mùa Đông Bắc, chặn sự xâm nhập trực tiếp gió này vào Tây Bắc, làm cho những nơi có cùng độ cao với Đông Bắc đều có nhiệt độ cao hơn.

+ Các dãy núi ở biên giới Việt - Lào cùng với gió Tây Nam đã gây nên hiện tượng phơn khô nóng ở Nam Tây Bắc và cả ở đồng bằng Bắc Bộ vào đầu mùa hạ.

+ Dãy núi Trường Sơn cùng với gió Tây Nam đầu mùa hạ đã gây nên hiện tượng phơn khô nóng ở Duyên hải miền Trung và gây mưa nhiều cho Tây Nguyên (ở sườn đông của Trường Sơn Nam). Về mùa đông, dãy Trường Sơn cùng với gió mùa Đông Bắc gây mưa cho Duyên hải miền Trung (nhất là khu vực từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế), gây hiện tượng phơn ở Tây Nguyên.

+ Nơi núi nhô ra sát biển (mũi Dinh, bán đảo Cam Ranh) đã chặn cả gió mùa Tây Nam về mùa hạ và gió Đông Bắc về mùa đông, làm cho khu vực khuất gió (Phan Rang) lượng mưa rất nhỏ (khoảng chừng 500- 600mm).

+ Dãy Bạch Mã chặn gió mùa Đông Bắc, là nguyên nhân chủ yếu tạo sự phân hóa khí hậu về mùa đông ở hai miền Bắc và Nam nước ta: miền Bắc có một mùa đông lạnh, nhiệt độ thấp và ít mưa; cùng trong thời gian đó, miền Nam là mùa khô rõ rệt, nhiệt độ tương đối cao.

7 tháng 12 2018

HƯỚNG DẪN

Tác động của địa hình đến đất đai và sinh vật nước ta thể hiện rõ rệt nhất là ở độ cao địa hình và một số dạng địa hình.

a) Độ cao của địa hình tác động đến đất đai và sinh vật: Độ cao địa hình đã tạo ra ba đai cao ở nước ta với sự khác nhau về đất và sinh vật bắt nguồn từ tác động của khí hậu

- Đai nhiệt đới gió mùa

+ Ở miền Bắc, đai có độ cao trung binh dưới 600 - 700m, ở miền Nam lên đến độ cao 900 - 1000m.

+ Trong đai này có hai nhóm đất:

• Nhóm đất phù sa: chiếm gần 24% diện tích đất tự nhiên cả nước, bao gồm: đất phù sa ngọt, đất phèn, đất mặn, đất cát...

• Nhóm đất feralit vùng đồi núi thấp: chiếm hơn 60% diện tích đất tự nhiên cả nước, phần lớn là đất feralit đỏ vàng, đất feralit nâu đỏ phát triển trên đá mẹ badan và đá vôi.

+ Sinh vật gồm các hệ sinh thái nhiệt đới:

• Hệ sinh thái nhiệt đới ẩm lá rộng thường xanh hình thành ở những vùng đồi núi thấp mưa nhiều, khí hậu ẩm ướt, mùa khô không rõ. Rừng có cấu trúc nhiều tầng với 3 tầng cây gỗ, có cây cao tới 30 - 40m, phần lớn là các loài cây nhiệt đới xanh quanh năm. Giới động vật nhiệt đới trong rừng đa dạng và phong phú.

• Các hệ sinh thái rừng nhiệt đới gió mùa: rừng thường xanh, rừng nửa rụng lá, rừng thưa nhiệt đới khô. Trên các loại thổ nhưỡng đặc biệt có các hệ sinh thái rừng thường xanh trên đá vôi; rừng ngập mặn trên đất mặn ven biển; rừng tràm trên đất phèn; xavan, cây bụi gai nhiệt đới khô trên đất cát, đất xám vùng khô hạn.

- Đai cận nhiệt đới gió mùa trên núi

+ Ở miền Bắc, đai có độ cao từ 600 - 700m đến 2600m; ở miền Nam từ 900 - 1000m đến 2600m.

• Ở độ cao từ 600 - 700m đến 1600 - 1700m, có hệ sinh thái rừng cận nhiệt đới lá rộng và lá kim. Đất feralit có mùn với đặc tính chua, quá trình phong hóa yếu nên tầng đất mỏng.

• Ở độ cao trên 1600 - 1700m, quá trình feralit ngừng trệ, hình thành đất mùn. Rừng sinh trưởng kém, thực vật thấp nhỏ, đơn giản về thành phần loài; rêu, địa y phủ kín thân, cành cây. Trong rừng có các loài chim di cư thuộc khu hệ Himalaya.

- Đai ôn đới gió mùa trên núi

+ Độ cao từ 2600m trở lên (chỉ có ở Hoàng Liên Sơn).

+ Có các loài thực vật ôn đới như đỗ quyên, lãnh sam, thiết sam. Đất ở đây chủ yếu là đất mùn thô.

b) Ở một số dạng địa hình khác nhau có đất đai và sinh vật khác nhau

- Ở nơi trũng thấp, thường xuyên ngập nước trong mùa mưa và cạn nước trong mùa khô, với sự xâm nhập mặn (như ở Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên...) đã hình thành nên đất phèn, trên đó có thực vật chủ yếu là cây tràm.

- Ở cửa sông ven biển, nơi có sự xâm nhập mặn thường xuyên, đã hình thành đất mặn, với sự có mặt của các loài thực vật của rừng ngập mặn như: đước, sú, vẹt, mắm, bần...

- Trên các địa hình núi đá vôi, đất đỏ đá vôi với rừng thường xanh, phổ biến các loài cây trai, nghiến...

NG
20 tháng 7 2023

Cả 3 Vùng này đều có một đặc điểm chung, đó là cần rất nhiều vốn đầu tư để phát triển. Kinh tế xã hội phát triển đồng nghĩa với việc có nhiều tiền, nhiều tiền thì đầu tư vào giao thộng vận tải vì gtvt chính là tiền đề để hình thành khu công nghiệp( Nước ta đang trong thời kì đổi mới từ một nước nông nghiệp sang một nước công nghiệp), từ đó phát triển nền kinh tế của cả 3 vùng và chung đất nước, 
 

17 tháng 10 2018

HƯỚNG DẪN

- Các loại hình giao thông vận tải nước ta: đường bộ, đường sắt, đường sông, đường biển, hàng không, đường ống; mỗi loại đường phát triển chịu sự tác động của một số loại điều kiện tự nhiên khác nhau.

- Vị trí địa lí

+ Nằm ở rìa đông bán đảo Đông Dượng, hệ thống đường bộ và đường sắt có điều kiện để gắn với hệ thống đường bộ châu Á.

+ Nằm kề đường hàng hải quốc tế từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương, từ Bắc Á đến Ôxtrâylia, thuận lợi cho giao lưu quốc tế bằng đường biển.

+ Nằm gần trung tâm khu vực Đông Nam Á, từ TP. Hồ Chí Minh có đường bay đến các nước trong khu vực Đông Nam Á gần như có độ dài tương đương nhau.

- Lãnh thổ: Nước ta kéo dài theo chiều bắc nam trên 15 độ vĩ tuyến, hẹp ngang, nên giao thông đường bộ và đường sắt nước ta kéo dài trên lãnh thổ, các tuyến đường dài nhất nước ta đều chạy theo hướng bắc nam.

- Địa hình

+ Đồi núi nước ta chiếm 3/4 diện tích lãnh thổ và bị chia cắt dữ dội nên giao thông đường bộ và đường sắt phải chi phí nhiều trong khắc phục độ dốc và xây dựng nhiều cầu cống, các công trình phòng chống thiên tai (trượt đất, núi lở...). Đặc biệt, giao thông đường sắt khó phát triển ở các miền núi vốn có độ dốc lớn.

+ Hướng núi và các thung lũng sông hướng tây bắc - đông nam thuận lợi cho phát triển giao thông theo hướng tây bắc - đông nam hoặc tây - đông từ đồng bằng ven biển đi sâu vào vùng núi phía tây hoặc tây bắc.

+ Ven biển từ bắc vào nam là các đồng bằng thuận lợi cho phát triển giao thông đường bộ từ bắc vào nam. Tuy nhiên, do ở miền Trung có các dãy núi đâm ngang ra biển nên phải chi phí lớn để xây dựng hầm đường bộ và khắc phục độ dốc địa hình trong giao thông đường ô tô và đường sắt.

- Khí hậu

+ Nhiệt đới ẩm gió mùa thuận lợi cho hoạt động giao thông trong suốt năm.

+ Tuy nhiên, do sự phân mùa nên gây khó khăn cho giao thông đường sông về cả mùa khô và mùa mưa bão.

+ Hằng năm, có nhiều cơn bão trên Biển Đông đổ bộ vào đất liền gây gián đoạn cho giao thông đường biển, đường sông và đường hàng không.

- Sông ngòi

+ Mạng lưới sông ngòi dày đặc thuận lợi cho phát triển giao thông đường sông.

+ Tuy nhiên, do diện tích đồng bằng chỉ chiếm 1/4 diện tích lãnh thổ nên giao thông đường sông chỉ phát triển trên từng đoạn ngắn ở hạ lưu các sông.

+ Sông ngòi dày đặc (ở dọc ven biển miền Trung cứ 10 km gặp một cửa sông) nên chi phí xây dựng cầu cống cho giao thông đường bộ và đường sắt rất tốn kém.

- Biển

+ Nước ta có đường bờ biển dài, nhiều vũng, vịnh, cửa sông, nhất là các vịnh biển sâu thuận lợi cho xây dựng các cảng biển, nhất là các cảng nước sâu.

+ Vùng biển nước ta rộng, tiếp giáp với vùng biển của nhiều nước trên Biển Đông, thuận lợi cho mở các tuyến đường biển trong nước và đi đến các nước trong khu vực và thế giới.

10 tháng 6 2018

HƯỚNG DẪN

- Vào mùa đông ở nước ta (tháng XI đến tháng IV), có sự hoạt động của gió mùa Đông Bắc và Tín phong Bán cầu Bắc.

- Gió mùa Đông Bắc:

+ Khối khí lạnh từ cao áp phương Bắc thổi vào nước ta theo hướng đông bắc, gọi là gió mùa Đông Bắc, hoạt động ở miền Bắc nước ta; khi đi về phía nam, gió bị suy yếu và bị chặn lại ở dãy Bạch Mã, chỉ có những đợt có cường độ mạnh mới thổi qua được.

+ Tác động đến chế độ nhiệt: Với tính chất lạnh khô, gió này làm nền nhiệt ở miền Bắc hạ thấp, có 3 tháng nhiệt độ dưới 18°C. Ở Đông Bắc, các thung lũng giữa các cánh cung núi hút gió mạnh làm nhiệt độ thấp nhất; dãy Hoàng Liên Son ngăn không cho gió này xâm nhập trực tiếp vào Tây Bắc, phải xâm nhập theo thung lũng sông Hồng, sông Đà từ đồng bằng Bắc Bộ lên, nên cùng một độ cao, nhiệt độ ở Tây Bắc cao hơn ở Đông Bắc. Càng đi về phía nam, gió mùa Đông Bắc bị suy yếu và biến tính, nên không còn lạnh như ở Bắc Bộ nữa.

+ Tác động đến chế độ mưa: Nửa đàu mùa đông, gió mùa Đông Bắc thổi qua lục địa Trung Hoa rộng lớn, khi đi vào nước ta gây thời tiết hanh khô cho Bắc Bộ; khi vào miền Trung, gặp dãy Trường Sơn Bắc, gây mưa cho khu vực từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế.

- Tín phong Bán cầu Bắc: Tín phong Bán cầu Bắc (còn gọi là Tín phong Đông Bắc) hoạt động quanh năm trên phạm vi cả nước, tính chất của gió này là nóng, khô và tương đối ổn định.

+ Ở miền Bắc, Tín phong Đông Bắc thổi xen kẽ với gió mùa Đông Bắc, mạnh lên khi gió mùa Đông Bắc suy yếu, gây nên thời tiết khô ấm giữa những ngày đông lạnh giá.

+ Ở miền Nam, Tín phong Đông Bắc thống trị, gây nên một mùa khô sâu sắc ở Nam Bộ và Tây Nguyên.

+ Ở Trung Bộ: Tín phong Đông Bắc gặp dãy Trường Sơn gây mưa cho vùng ven biển Trung Bộ.

26 tháng 8 2018

    - Việc phá rừng làm cho quá trình bóc mòn ở đồi núi tăng.

    - Việc khai thác đất, đá gây ra xạt lở, xói mòn.

    - Tạo thêm nhiều dạng địa hình mới: đê sông, đê biển, kênh rạch, hồ chứa nước,…

18 tháng 9 2017

HƯỚNG DẪN

a) Phân tích tác động của điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên tới phát triển nông nghiệp nhiệt đới của nước ta.

- Thuận lợi

+ Nhiệt ẩm dồi dào cho phép cây trồng, vật nuôi sinh trưởng và phát triển quanh năm; tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao năng suất cây trồng, tăng vụ, xen vụ, luân canh...

+ Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa có sự phân hoá rõ rệt theo chiều bắc - nam và theo chiều cao địa hình cho phép đa dạng hoá cơ cấu mùa vụ và cây trồng, vật nuôi...

+ Sự phân hoá mùa của khí hậu là cơ sở để có lịch thời vụ khác nhau giữa các vùng, nhờ thế có sự chuyển dịch mùa vụ từ Nam ra Bắc, từ đồng bằng lên trung du, miền núi.

+ Mùa đông lạnh còn cho phép phát triển tập đoàn cây trồng vụ đông đặc sắc ở Đồng bằng sông Hồng và các cây trồng, vật nuôi cận nhiệt đới và ôn đới trên các vùng núi.

+ Sự phân hoá các điều kiện địa hình, đất trồng cho phép và đồng thời đòi hỏi phải áp dụng các hệ thống canh tác khác nhau giữa các vùng.

• Ở trung du và miền núi, thế mạnh là các cây lâu năm và chăn nuôi gia súc lớn.

• Ớ đồng bằng, thế mạnh là các cây trồng ngắn ngày, thâm canh, tăng vụ và nuôi trồng thuỷ sản.

- Khó khăn

+ Tính thất thuờng của các yếu tố thời tiết và khí hậu gây khó khăn cho hoạt động canh tác, cơ cấu cây trồng, kế hoạch thời vụ, phòng chống thiên tai...

+ Thiên tai, sâu bệnh hại cây trồng, dịch bệnh đối với vật nuôi... thường xảy ra.

b) Nông nghiệp hàng hoá nước ta có điều kiện thuận lợi để phát triển ở những vùng có truyền thống sản xuất hàng hoá, các vùng gần với các trục giao thông và các thành phố lớn

- Đặc trưng của nền nông nghiệp hàng hoá là:

+ Người nông dân quan tâm nhiều hơn đến thị trường tiêu thụ sản phẩm do họ sản xuất ra.

+ Mục đích sản xuất: Tạo ra nhiều lợi nhuận.

+ Sản xuất theo hướng đẩy mạnh thâm canh, chuyên môn hoá, sử dụng nhiều máy móc, vật tư nông nghiệp, công nghệ mới; nông nghiệp gắn liền với công nghiệp chế biến và dịch vụ nông nghiệp.

- Những đặc điểm đó của nông nghiệp hàng hoá được đáp ứng một cách thuận lợi ở ở những vùng có truyền thống sản xuất hàng hoá, các vùng gần với các trục giao thông và các thành phố lớn.

+ Vùng có truyền thống sản xuất hàng hoá là nơi có nhiều kinh nghiệm sản xuất hàng hoá và nhiều thị trường về sản phẩm hàng hoá.

+ Gần với các trục giao thông thuận tiện cho tiêu thụ nông sản và áp dụng cơ giới hoá trong sản xuất, tiếp cận nhanh các dịch vụ nông nghiệp...

+ Gần các thành phố lớn là gần với thị trường tiêu thụ và nguồn cung cấp vật tư, máy móc, dịch vụ...