K
Khách

Hãy nhập câu hỏi của bạn vào đây, nếu là tài khoản VIP, bạn sẽ được ưu tiên trả lời.

15 tháng 10 2017

Mình cho bạn vài bài tham khảo nhé!!!

Bài 1:

Tôi là một cây thông - loài cây đáng yêu được nhà nhà kiếm tìm trong dịp Noel. Sau ngày lễ tưng bừng trang trọng ấy, tôi lại được đem vào trồng lại trong rừng để đến mùa sau tiếp tục góp vui cho con người. Như vậy nghĩa là tôi đã đi qua nhiều mùa Noel lắm và cũng chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động. Nhưng có một câu chuyện khiến tôi nhớ mãi. Câu chuyện về cô bé bán diêm trong một đêm Noel rét mướt.

Phải, đó là một đêm giao thừa, cái rét ùa về như cắt da cắt thịt. Tôi được đặt trong phòng khách sang trọng một ngôi nhà có cửa kính nhìn ra ngoài đường. Tôi đang trầm ngâm chờ thời khắc giao thừa thì ngoài đường có tiếng la ầm ĩ của bọn trẻ con. Tôi nhìn ra, thấy đám trẻ con nhà giàu hư đốn đang chuyền nhau chiếc giày rách nát của một cô bé bán diêm. Cô bé gầy gò, yếu ớt, ăn mặc rách rưới đuổi theo chúng đến ngã nhào trên tuyết. Chiếc giày còn lại của cô tuột ra, một chiếc xe trượt tuyết chạy qua, cô né người vội tránh, bánh xe nghiến vào chiếc giày rồi cuốn cả đi. Cô bé ôm mặt khóc nức nở đầy bất lực. Lòng tôi trào lên niềm thương xót khôn nguôi. Cô bé là con cái nhà ai mà tội vậy?

Tôi đem câu hỏi ấy hỏi cậu bàn ăn trong phòng. Cậu ta lắc đầu ngậm ngùi kể cho tôi nghe về cô bé. Trước đây, nhà cô ở ngay phía sau ngôi nhà tôi đang đứng. Đó cũng là một ngôi nhà bình thường như bao ngôi nhà khác, không giàu có sang trọng nhưng rất ấm áp yên vui. Thế rồi mẹ cô bé mất, bà nội - người yêu thương cô nhất cũng ra đi. Cha cô buồn tủi, chán chường suốt ngày uống rượu không thiết đến chuyện làm ăn khiến gia cảnh ngày một lụi bại. Thế rồi, ngôi nhà bị tịch thu, hai cha con phải dọn đến một ngôi nhà tồi tàn để ở. Cô bé phải đi bán diêm từ ngày ấy. Hàng ngày, cô đi rao suốt dọc phố từ sáng sớm đến tận tối mịt mới về, vậy mà vẫn còn bị cha đánh đập. Đêm nay giao thừa, có lẽ cha cô lại uống say bắt con đi bán diêm...

Cô bé vẫn bơ vơ trên đường. Người như co lại trong chiếc áo choàng rách nát. Gặp ai cô cũng đưa diêm ra mời. Nhưng trong cái đêm đặc biệt như đêm nay, ai ai cũng vội vàng đi về với gia đình, có ai để ý đến một cô bé bán diêm? Hai chân cô bé như tím bầm, đông cứng lại, cô không bước tiếp được nữa. Ánh mắt cô bé nhìn về phía chúng tôi thèm thuồng, xót xa. Rồi cô nhìn xuống những bao diêm... Cô cố gắng len chân về phía khe tường giữa hai ngôi nhà kề nhau. Tôi thấy cô lặng lẽ giở một bao diêm và quẹt que diêm đầu tiên. Ánh sáng của que diêm phản chiếu ánh mắt lấp lánh của bé. Tôi thấy trong đôi mắt ấy hiện lên một lò sưởi ấm áp, đôi chân cô bó khẽ duỗi ra như để sưởi cho ấm. Thế rồi que diêm thứ nhất vụt tắt. Đôi mắt cô bé như hụt hẫng, cô do dự thoáng chốc rồi quẹt tiếp que diêm thứ hai. Đôi mắt cô long lanh, bờ môi khẽ cử động, có lẽ cô đang thấy hình ảnh một bàn ăn đủ đầy, sang trọng. Que diêm thứ hai vụt tắt, cô quẹt tiếp que diêm thứ ba. Lần này, khi ánh sáng vừa loé lên, tôi như thấy chính hình ảnh của mình trong mắt cô bé. Trên mình tôi treo rất nhiều thứ đồ chơi và cô bé đang sung sướng chạy nhảy xung quanh tôi. Nhưng rồi ảo ảnh lại vụt tan, cô bé háo hức quẹt tiếp que diêm thứ tư. Tôi không rõ cô bé nhìn thấy gì trong que diêm ấy, chỉ biết gương mặt cô sáng bừng lên một cách kì lạ. Đôi mắt rạo rực, ấm áp và say mê. Khi que diêm thứ tư vụt tắt, tôi nghe cô hoảng hốt nói trong nước mắt giàn giụa:

Bà ơi! Bà đừng bỏ cháu! Bà cho cháu đi theo bà về với Thượng đế chí nhân! Bà đã hứa là sẽ không bao giờ bỏ cháu....!

Vừa nói cô vừa vội vàng quẹt hết que diêm này đến que diêm khác. Cũng chính lúc ấy, giờ giao thừa đã điểm. Trong ngôi nhà tôi đang đứng, mọi người ùa đến quanh tôi. Tôi phải trở lại với công việc của mình không tiếp tục dõi theo cô bé bán diêm được nữa.

Sáng hôm sau, tôi thấy có tiếng lao xao nơi khe tường tối qua cô bé bán diêm đã đứng. Tôi thấy người ta tụ tập rất đông bàn tán. Cô bé bán diêm đêm qua đã chết. Cô chết giữa rất nhiều những que diêm đã cháy.

Có lẽ nó muốn sưởi cho ấm - tiếng một ai đó cất lên bình thản.

Đã nhiều mùa Giáng sinh qua đi, cái chết của cô bé bán diêm khiến tôi bị ám ảnh khôn nguôi. Tôi không còn thấy vui mừng mỗi khi Giáng sinh về mà ngoài đường còn có những cô bé bán diêm... Và tôi ước trên đời này sẽ không còn những cô bé, cậu bé bán diêm như vậy nữa.

Bài 2:

Đêm giáng sinh năm ấy trời thật lạnh. Đã mấy ngày liền tuyết rơi liên miên, như hối hả điểm trang cho thành phố vẻ thánh khiết để đón mừng ngày kỷ niệm Chúa Cứu Thế ra đời.
Em bé tay ôm bao giấy đầy những hộp diêm, vừa đi vừa cất giọng rao mời. Lạnh thế mà bé phải lê đôi chân trần trên hè phố. Đôi dép cũ rích của bé sáng nay bị lũ nhóc ngoài phố nghịch ngợm dấu đi mất. Trời lạnh như cắt. Hai bàn chân của bé sưng tím cả lên. Bé cố lê từng bước sát dưới mái hiên cho đỡ lạnh, thỉnh thoảng đôi mắt ngây thơ ngước nhìn đám đông hờ hững qua lại, nửa van xin, nửa ngại ngùng. Không hiểu sao bé chỉ bán có một xu một hộp diêm như mọi ngày mà đêm nay không ai thèm hỏi đến.
Càng về đêm, trời càng lạnh. Tuyết vẫn cứ rơi đều trên hè phố. Bé bán diêm thấy người mệt lả. Đôi bàn chân bây giờ tê cứng, không còn chút cảm giác. Bé thèm được về nhà nằm cuộn mình trên chiếc giường tồi tàn trong góc để ngủ một giấc cho quên đói, quên lạnh. Nhưng nghĩ đến những lời đay nghiến, những lằn roi vun vút của người mẹ ghẻ, bé rùng mình hối hả bước mau. Được một lát, bé bắt đầu dán mắt vào những ngôi nhà hai bên đường. Nhà nào cũng vui vẻ, ấm cúng và trang hoàng rực rỡ. Chỗ thì đèn màu nhấp nháy, chỗ có cây giáng sinh với những quà bánh đầy mầu. Có nhà dọn lên bàn gà tây, rượu, bánh trái trông thật ngon lành. Bất giác bé nuốt nước miếng, mắt hoa lên, tay chân run bần bật, bé thấy mình lạnh và đói hơn bao giờ hết. Đưa tay lên ôm mặt, bé thất thểu bước đi trong tiếng nhạc giáng sinh văng vẳng khắp nơi và mọi người thản nhiên, vui vẻ, sung sướng mừng Chúa ra đời...
Càng về khuya, tuyết càng rơi nhiều. Bóng tối, cơn lạnh lẫn cơn đói như phủ lên, như quấn vào hình hài nhỏ bé ốm yếu. Bé vào núp bên vỉa hè giữa hai dẫy nhà cao để tránh cơn gió quái ác và tìm chút hơi ấm trong đêm. Ngồi nghỉ một lát, chợt nhớ ra bao diêm, bé lấy ra một cây, quẹt lên để sưởi cho mấy ngón tay bớt cóng. Cây diêm cháy bùng lên thật sáng, thật ấm, nhưng chỉ một lát thì tắt mất, làm bé càng bực mình hơn trước. Bé thử quẹt lên một cây diêm thứ hai. Khi cây diêm cháy bùng lên, bé thấy trước mặt mình một bàn đầy thức ăn, những món đặc biệt của ngày lễ giáng sinh. Bé mừng quá, đưa tay ra chụp lấy thì ngay lúc ấy cây diêm tắt, để lại bé trong bóng tối dầy đặc, với cái lạnh bây giờ càng khủng khiếp hơn. Bé sợ quá, sợ lạnh, sợ tối, vội vàng lấy bao giấy đổ diêm ra hết, rồi cứ quẹt lên từng cây một, hết cây này đến cây khác. Trong ánh sáng của mỗi cây diêm bé thấy mình được về nhà, được gặp lại người mẹ thân yêu. Mẹ âu yếm bế bé đến gần bên lò sưởi, mặc cho bé chiếc áo choàng dài thật ấm, thật đẹp, xong nhẹ nhàng đút cho bé từng miếng bánh ngon. Mẹ trìu mến ôm bé vào lòng, vuốt ve, hỏi han đủ chuyện. Mồi lần que diêm tắt, hình ảnh người mẹ thân yêu tan biến, bé hoảng sợ, vội vàng quẹt lên một que khác, mẹ lại hiện ra. Cứ như thế, tay bé cứ say sưa quẹt hết mớ diêm này đến mớ diêm khác. Rồi như người điên, bé lấy que diêm châm vào cả hộp diêm. Khi ánh lửa bùng lên, bé thấy mẹ cúi xuống bế bé lên, mang bé bay bổng về nơi đầy tiếng hát, đầy những người thân yêu, bé không còn thấy lạnh, thấy đói gì nữa.
Sáng hôm sau, những người trong phố tìm thấy em bé đáng thương nằm chết bên cạnh đống diêm vãi tung tóe trong ngõ hẻm.

Bài 3:

Tôi là một trong những chiếc que diêm được cô chủ nhỏ mua về từ một tiệm tạp hóa trong thành phố. Tôi co ro trong chiếc hộp nhỏ vì hôm nay là Giáng sinh cơ mà . Tôi nghe tiếng rao bán diêm của cô chủ vang vọng mãi trên các đường phố lạnh cóng ..đầy tuyết lạnh rơi phủ. Cô bán chúng tôi đi để mang về những đồng tiền ít ỏi trang trải phần nào cuộc sống khó khăn của gia đình và bản thân. Cô chủ bán rất rẻ ,chỉ một xu cho một que diêm thế mà không ai mua chúng tôi cả .Càng về đêm ,trời càng lạnh, cô chủ chắc cũng như chúng tôi, đang co ro trong bộ áo mỏng ,rẻ tiền. Tôi nghe văng vẳng tiếng nhạc Giáng sinh, tiếng mọi người vui vẻ chúc nhau năm mới khi cô bé đi qua những con phố. Thỉnh thoảng tôi cảm thấy cô dừng chân rất lâu ở một nơi chốn nào đó. Có thể đó là một cửa hàng với những cây thông trang trí thật đẹp. Có thể đó tiếng cười vui vẻ của một gia đình nào đó trogn thật ấm cúng và đầy đủ với gà tây,rượu và bánh trái ...Cô chủ có vẻ như đói lắm rồi, cô nép vào những tòa nhà để nép mình trước những cơn gió lạnh. Cô bật cháy chúng tôi, từng que diêm một. Khi đến lượt tôi thì cô bé đã ngã xuống nền tuyết giá lạnh. Trước khi vụt tắt tôi vẫn thấy trên môi cô bé hé nở một nụ cười .Nụ cười của hạnh phúc. chắc hẳn cô chủ đang mơ ..một giấc mơ đẹp trong đêm đông. ĐÊM Giáng sinh- noel an lành ...
Cuộc sống không có ước mơ thật nhạt nhẽo, mỗi que diêm là một ước mơ của một tâm hồn bé bổng và trong sáng, mỗi ánh lửa bùng cháy là chút tình thương đâu đó còn sót lại của lòng nhân. Câu chuyện kết thúc thật buồn nhưng đâu đó ta vẫn thấy một kết thúc có hậu, chắc hẳn cô bé đã nghĩ rằng mình đã về với mẹ của mình, được nép vào lòng mẹ như cô hằng mơ ước.
“Hãy biết ước mơ dù đôi khi ước mơ cũng chỉ là mơ ước, nhưng hãy cứ tiếp tục ước mơ …” đó là thông điệp đằng sau câu truyện, cô bé chết nhưng không phải một cái chết vô nghĩa, cô vẫn còn đâu đó trong suy nghĩ của những người lớn chúng ta rằng sống phải có hoài bảo, trong mọi hoàn cảnh khắc nghiệt đến như thế nào thì cũng không được bỏ cuộc hay trong những giấc mơ trẻ thơ thương xót cho một tâm hồn bé bổng không có nhiều điều kiện như mình – đó là lòng nhân ái.
Bài 4:

Đêm Giao thừa rét buốt và lạnh lẽo, một em bé len lỏi giữa đám người đông nghẹt. Bóng nhỏ bé đáng thương đó lọt vào mắt tôi. Không hiểu sao lòng tôi trào dâng một niềm thương cảm vô bờ bến. Bỏ bạn bè để âm thầm đi theo cô bé, tôi nhìn thấy cả ý nghĩ trong đầu của em. Thật đáng thương! Một em bé sớm mất đi người bà và người mẹ - những người thương em nhất, mất đi ngôi nhà xinh xắn có dây thường xuân bao quanh để sống cùng người cha nghiệt ngã độc ác, suốt ngày rượu chè be bét rồi sau đó là trút cả lên đầu em, để sống trong căn gác xép gần sát mái, nơi gió lùa chẳng khác gì ngoài trời rét mướt, cái cuộc sống mà em đang phải chịu khiến lòng tôi đau nhói.
Đôi mắt em ngước nhìn những con người kia với vẻ đáng thương, tôi cứ nghĩ sẽ có ai đó động lòng mà mua cho em một bao diêm. Nhưng hỡi ôi, chẳng ai mua giùm em, cũng chẳng ai bố thí cho em đồng nào. Đôi mắt em ướt nhoẹt nước mắt ~ những giọt nước mắt buồn tủi và cay đắng. Cái đói và cái rét làm bàn chân trần buốt giá của em tê cứng lại, em khép mình trong góc tối của bức tường ngôi nhà gần đó. Gió vẫn rít từng cơn .... Tuyết phủ lên đầu em hờ hững... Chao ôi, cảnh tượng mới đáng thương làm sao! Tôi phải làm gì để em có chút hi vọng vào cuộc sống đây?

Những người đi trên đường ... Họ thực sự độc ác như chính lòng dạ của Mụ Mùa Đông, với áo ấm, với khăn choàng kín cổ và bít tất ấm áp , họ có nhìn thấy em bé cô đơn và mỏng manh ... hay họ nhìn thấy nhưng làm lơ đi, cứ coi như mình không thấy. Tôi chẳng còn hi vọng gì về họ ... Ánh mắt tôi ái ngại nhìn em, thân hình gầy gò run bần bật theo từng cơn gió rít, "Em bé ơi .... quẹt diêm đi, em sẽ chết rét mất ..." Lòng tôi bật ra câu nói đó. Và dường như em hiểu tôi, em ngước đôi mắt lờ đờ và mệt mỏi về phía tôi (mặc dù chẳng bao giờ em nhìn thấy tôi) ... Không, em đang nhìn ngôi nhà bên kia qua cửa sổ với bố, mẹ, những đứa con cùng thức ăn dọn sẵn trên bàn và cây thông Noel, với ấm áp lò sưởi và thơm phức mùi ngỗng quay. Chỉ cách một bức tường thôi, một bức tường thôi .... Là đứa em lạnh cóng bé nhỏ của tôi và là một gia đình hạnh phúc.

Đánh liều, em quẹt diêm thật. Lần thứ nhất, tôi thấy rõ trước mắt em hình ảnh mờ ảo của lò sưởi với hơi ấm bốc lên nghi ngút, em cười và duỗi chân ra, nhưng rồi trước em chỉ còn là màn đêm lạnh lẽo khi diêm vừa tắt. Lần thứ hai, que diêm bốc cháy với bàn ăn và những con ngỗng quay nóng hổi, thơm phức cùng dĩa, dao sẵn sàng. Em giơ tay muốn níu kéo lại tất cả nhưng rồi cũng chỉ là vô vọng. Lần thứ ba, que diêm cháy bùng và cây thông Noel hiện ra, một cây thông thật lộng lẫy và cao to, với những chùm sao giấy và những món quà. Rồi cũng vụt tắt theo những mộng tưởng dường như là bình thường của những đứa trẻ khác nhưng lại có ý nghĩa to lớn đối với em. Tôi khóc .... khóc thật rồi ... Đứa em nhỏ tôi chưa từng biết đến ... Từ khi tôi vẫn chưa trở thành thiên thần nhỏ. Lần thứ tư em quẹt diêm với ánh mắt đờ đẫn và vô vọng, nhưng kìa, Bà hiện lên hiền từ và đẹp lão vô cùng trước mắt em. Những khao khát cháy bùng trong em, em kêu lên - những tiếng kêu từ tận đáy lòng:" Bà ơi, bà đừng đi, bà cho cháu theo với, cháu biết rằng que diêm vụt tắt thì bà cũng biến mất như lò sưởi, ngỗng quay, cây thông... cháu không cần gì hết, cháu chỉ cần bà thôi, bà cho cháu đi cùng nhé" ... Rồi như một kẻ điên, em quẹt hết những que diêm mà em có thể vơ lấy. Diêm cháy sáng rực một vùng như ban ngày, Bà rực rỡ và đẹp vô cùng, rồi bà nắm tay em, hai bà cháu cùng bay lên cao theo những đốm lửa nhỏ bé như vì sao ... sau lưng em, đôi cánh thiên thần hiện ra ... Em trở về với Thượng đế cùng bà, tôi khóc, nhưng nước mắt tôi không mặn mòi và chua chát như trước nữa, tôi thấy hạnh phúc, vì cuối cùng em cũng đã đạt được ước mơ...

Sáng hôm sau, người ta thấy xác em bé nằm giữa góc hai bức tường với nụ cười và đôi má ửng hồng. Và xung quanh em, những bao diêm đốt dở vung vãi ... Không ai hiểu nổi vì sao em chết ... Có ai biết đâu sự vô tâm của họ dẫn đến cái chết đau lòng ... Nhưng cái chết đó là sự giải thoát cho một cuộc sống khốn cùng của đứa trẻ nhỏ bé ...

16 tháng 10 2017

De 1 voi de 3 lac de nha .

30 tháng 11 2016
Nói đến Nguyên Hồng, người ta nhớ ngay một giọng văn như trút cả bao xúc động đắng đót vào trong những câu chuyện của ông. Hồi ký “Những ngày thơ ấu” là kỷ niệm xót xa của cậu bé Hồng, mang theo cái dư vị đắng chát của tuổi thơ khát khao tình mẹ. Cho đến tận bây giờ, khi đọc lại những trang viết này, người đọc vẫn lây lan cảm giác của cậu bé sớm phải chịu thiếu thốn tình cảm, để rồi chợt nhận ra: tình mẫu tử là nguồn sức mạnh thiêng liêng và diệu kỳ, là nguồn an ủi và chở che giúp cho đứa trẻ có thể vượt lên bao đắng cay tủi nhục và bất hạnh.
Đoạn trích Trong lòng mẹ là hồi ức đan xen cay đắng và ngọt ngào của chính nhà văn - cậu bé sinh ra trong một gia đình bất hạnh: người cha nghiện ngập rồi chết mòn, chết rục bên bàn đèn thuốc phiện, người mẹ cùng túng phải đi tha phương cầu thực, cậu bé Hồng đã phải sống trong cảnh hắt hủi ghẻ lạnh đến cay nghiệt của chính những người trong họ hàng. Cậu bé phải đối mặt với bà cô cay nghiệt, luôn luôn “tươi cười” – khiến hình dung đến loại người “bề ngoài thơn thớt nói cười – mà trong nham hiểm giết người không dao”. Đáng sợ hơn, sự tàn nhẫn ấy lại dành cho đứa cháu ruột vô tội của mình. Những diễn biến tâm trạng của bé Hồng trong câu chuyện đã được thuật lại bằng tất cả nỗi niềm đau thắt vì những ký ức hãi hùng kinh khiếp của tuổi thơ. Kỳ diệu thay, những trang viết ấy lại giúp chúng ta hiểu ra một điều thật tự nhiên giản dị: Mẹ là người chỉ có một trên đời, tình mẹ con là mối dây bền chặt không gì chia cắt được.
Trước khi gặp mẹ: Nói một cách công bằng, nếu chỉ nhìn vào bề ngoài cuộc sống của cậu bé Hồng, có thể nói cậu bé ấy vẫn còn may mắn hơn bao đứa trẻ lang thang vì còn có một mái nhà và những người ruột thịt để nương tựa sau khi cha mất và mẹ bỏ đi. Nhưng liệu có thể gọi là gia đình không khi chính những người thân – mà đại diện là bà cô ruột lại đóng vai trò người giám hộ cay nghiệt. Tấm lòng trẻ thơ ấy thật đáng quí. Đối với bé Hồng, bao giờ mẹ cũng là người tốt nhất, đẹp nhất. Tình cảm của đứa con đã giúp bé vượt qua những thành kiến mà người cô đã gieo rắc vào lòng cậu
“Vì tôi biết rõ, nhắc đến mẹ tôi, cô chỉ có ý gieo rắc vào đầu óc tôi những hoài nghi để tôi khinh miệt và ruồng rẫy mẹ tôi, một người đàn bà đã bị cái tội là goá chồng, nợ nần cùng túng quá, phải bỏ con cái đi tha phương cầu thực. Nhưng đời nào lòng thương yêu và lòng kính mến mẹ tôi lại bị những rắp tâm tanh bẩn xâm phạm đến…”
Nhưng ta cũng nhận ra những vết thương lòng đau nhói mà bé Hồng đã sớm phải gánh chịu. Sự tra tấn tinh thần thật ghê gớm. Sức chịu đựng của một cậu bé cũng có chừng mực. Ta chứng kiến và cảm thương cho từng khoảnh khắc đớn đau, cậu đã trở thành tấm bia hứng chịu thay cho mẹ những ghẻ lạnh, thành kiến của người đời: “Tôi lại im lặng cúi đầu xuống đất: lòng tôi thắt lại, khoé mắt tôi đã cay cay”
Ta xúc động biết bao nhiêu trước khoảnh khắc hồi hộp lo lắng của cậu bé khi sợ mình nhận nhầm mẹ. Linh cảm và tình yêu dành cho mẹ đã không đánh lừa cậu, để đền đáp lại là cảm giác của đứa con trong lòng mẹ - cảm giác được chở che, bảo bọc, được thương yêu, an ủi. Hình ảnh mẹ qua những trang viết của nhà văn thật tươi tắn sinh động, là sự diệu kỳ giúp cậu bé vượt lên nỗi cay đắng của những ngày xa mẹ. Mỗi khi đứng trước mẹ, có lẽ mỗi một người trong chúng ta cũng sẽ cảm nhận được tình me giống như cậu bé Hồng: “Mẹ tôi vừa kéo tay tôi, xoa đầu tôi hỏi thì tôi oà lên khóc rồi cứ thế nức nở”. Không khóc sao được, khi những uất ức nén nhịn có dịp bùng phát, khi cậu bé có được cảm giác an toàn và được chở che trong vòng tay mẹ. Thật đẹp khi chúng ta đọc những câu văn, tràn trề cảm giác hạnh phúc:“Phải bé lại và lăn vào lòng một người mẹ, áp mặt vào bầu sữa nóng của người mẹ, để người mẹ vuốt ve từ trán xuống cằm, và gãi rôm ở sống lưng cho, mới thấy mẹ có một êm dịu vô cùng”. Mẹ đã trở về cùng đứa con thân yêu, để cậu bé được thoả lòng mong nhớ và khát khao bé nhỏ của mình. Có lẽ không cần phải bình luận thêm nhiều, khi tất cả tình yêu với mẹ đã được nhà văn giãi bày trên trang giấy.
Một đoạn trích ngắn, một tình yêu vô bờ bến nhà văn dành cho mẹ đã khiến cho bao trái tim trẻ thơ thổn thức. Điều quan trọng hơn, nhà văn đã đem đến cho ta những giờ phút suy ngẫm về vai trò Người Mẹ. Có lẽ vì những ngày thơ ấu in đậm trong hoài niệm đã làm nên một hồn văn nhân ái Nguyên Hồng sau này chăng?
  
27 tháng 9 2017

-Từ tượng hình là từ gợi tả hình ảnh, dáng vẻ, trạng thái của sự vật.

-Từ tượng thanh là từ mô phỏng âm thanh của tự nhiên, của con người.

-Tác dụng là gợi được hình ảnh âm thanh cụ thể, sinh động, có giá trị biểu cảm cao trong văn miêu tả và tự sự.

27 tháng 9 2017

- Từ tượng hình là từ miêu tả trạng thái tính chất của sự vật, sự việc nó giúp cho người đọc hiểu được nội dung va tính chất của hoạt động đó..

- Từ tượng thanh là từ miêu tả về âm thanh cũng cho biết trạng thái của sự vật…

7 tháng 12 2017

Những chiếc lá bên thềm rơi xào xạc ,chợt nhận ra thu đang thỏ thẻ trở về.Cái ngày này năm ngoái vẫn mưa tuôn xói xả ,nắng hè vẫn làm cho những chú ve kêu râm ran ,năm nay thời tiết trái chiều như đang dóng lên hồi chuông cảnh báo mùa mưa lũ bất thường .Mấy cô cậu chuồn chuồn cứ ve vẩy giữa sân trường đòi được du lịch một chuyến giữa ban trưa đây chăng ,còn ông mặt trời thì lờ đờ gửi chùm nắng nhạt cho nhân gian,bọn cá rô phi nhảy tom tóp ,cứ như đang ngứa ngáy lắm nên muốn chạy khỏi cái ao thu lạnh lùng của cụ Khuyến ngày xưa đây !
Tượng thanh :xào xạc,thỏ thẻ,xối xả ,râm ran
Tượng hình : dóng lên hồi chuông cảnh báo,cô câu chuồn chuồn đòi đựoc đi du lịch,ông mặt trời lờ đờ gửi chùm nắng nhạt cho nhân gian,bọn cá rô muốn chạy khỏi ,,,

19 tháng 12 2018

Em bé bán diêm thật tội nghiệp. Người đời đối xử tàn nhẫn với em biết mấy. Họ chẳng thèm để ý đến những lời chào hàng tha thiết của em thậm chí đến lúc chết, cái thi thể lạnh cóng của em cũng chỉ nhận được những ánh nhìn lạnh nhạt. Trong cái xã hội thiếu tình thương ấy, nhà văn An-đéc-xen đã tỏ lòng thương cảm sâu sắc đối với em bé bất hạnh. Chính tình yêu ấy đã khiến nhà văn miêu tả thi thể em với đôi má hồng và đôi môi đang mỉm cười, đồng thời tưởng tượng ra cảnh huy hoàng của hai bà cháu lúc về trời. Song nhìn chung cả câu chuyện nói chung và đoạn kết của truyện nói riêng là một cảnh tượng thương tâm thực sự. Nó gợi lên ở chúng ta bao nỗi xót xa cho những kiếp người nghèo khổ.



19 tháng 12 2018

Em bé bán diêm thật tội nghiệp. Người đời đối xử tàn nhẫn với em biết mấy. Họ chẳng thèm để ý đến những lời chào hàng tha thiết của em thậm chí đến lúc chết, cái thi thể lạnh cóng của em cũng chỉ nhận được những ánh nhìn lạnh nhạt. Trong cái xã hội thiếu tình thương ấy, nhà văn An-đéc-xen đã tỏ lòng thương cảm sâu sắc đối với em bé bất hạnh. Chính tình yêu ấy đã khiến nhà văn miêu tả thi thể em với đôi má hồng và đôi môi đang mỉm cười, đồng thời tưởng tượng ra cảnh huy hoàng của hai bà cháu lúc về trời. Song nhìn chung cả câu chuyện nói chung và đoạn kết của truyện nói riêng là một cảnh tượng thương tâm thực sự. Nó gợi lên ở chúng ta bao nỗi xót xa cho những kiếp người nghèo khổ.