K
Khách

Hãy nhập câu hỏi của bạn vào đây, nếu là tài khoản VIP, bạn sẽ được ưu tiên trả lời.

NG
30 tháng 1

Đoạn văn tham khảo

Giá trị nhân đạo của tác phẩm thể hiện ở chỗ tác giả ca ngợi vẻ đẹp ngoại hình cũng như vẻ đẹp phẩm chất của chị em Thúy Vân, Thúy Kiều. Vẻ đẹp trang trọng, đoan trang của người thiếu nữ được so sánh với những thứ cao đẹp trên đời: trăng, hoa, mây, tuyết, ngọc. Tác giả đã sử dụng những hình ảnh thiên nhiên có vẻ đẹp đặc biệt, trong trắng, tinh khiết, rực rỡ để miêu tả vẻ đẹp của Thúy Vân. Thiên nhiên cũng phải thua, phải nhường sắc đẹp của nàng. Bằng biện pháp nghệ thuật so sánh, ẩn dụ, tác giả đã làm nổi bật vẻ đẹp trung thực, phúc hậu mà quý phái của người thiếu nữ. Chân dung của Thúy Vân là chân dung mang tính cách số phận, vẻ đẹp của Vân tạo nên sự êm đềm, hòa hợp với xung quanh. Điều đó dự báo cuộc đời nàng sẽ suôn sẻ, hạnh phúc. Phải là người biết yêu quý cái đẹp, biết trân trọng cái đẹp Nguyễn Du mới có được sự miêu tả như thế. Ca ngợi Thúy Kiều, Nguyễn Du không chỉ ca ngợi vẻ đẹp hình thức mà tác giả còn ca ngợi vẻ đẹp về mặt tâm hồn, tài năng. Cũng như lúc tả Thúy Vân, câu thơ đầu khái quát đặc điểm nhân vật: “Kiều càng sắc sảo, mặn mà”. Nàng sắc sảo về trí tuệ, mặn mà về tâm hồn, tình cảm. Đáng lưu ý là khi họa bức chân dung Thúy Kiều, tác giả tập trung gợi tả vẻ đẹp đôi mắt, bởi đôi mắt là sự thể hiện phần tinh anh về tâm hồn và trí tuệ. Cái sắc sảo của trí tuệ, cái mặn mà của tâm hồn đều liên quan đến đôi mắt. Thế nhưng, khi tả Kiều, nhà thơ tả sắc một phần còn dành đến hai phần để tả tài năng. Tài của Kiều đạt tới mức lí tưởng, theo quan niệm thẩm mĩ phong kiến gồm đủ cả: cầm, kì, thi, họa. Đặc biệt, tài đánh đàn của nàng đã là sở trường, năng khiếu, vượt lên trên mọi người: “Cung thương làu bậc ngũ âm. Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương”. Nhấn mạnh cái tài của Thúy Kiều cũng là để ngợi ca cái tâm đặc biệt của nàng. Cung đàn bạc mệnh mà Thúy Kiều tự sáng tác chính là sự ghi lại tiếng lòng của một trái tim đa sầu đa cảm. Như vậy, vẻ đẹp của Thúy Kiều là sự hội tụ của cả sắc – tài – tình. Tác giả đã dùng câu thành ngữ “nghiêng nước nghiêng thành” để đặc tả giai nhân. Sắc đẹp của Thúy Kiều có thể làm cho người ta say mê đến nỗi mất thành mất nước. Rõ ràng phải là người có tấm lòng yêu thương mới thấy hết được vẻ đẹp của những con người bất hạnh để mà ca ngợi. Tình cảm xót thương, sự chân trọng về sắc đẹp và tài năng Thúy Kiều giúp ta hiểu được giá trị nhân đạo thể hiện qua các đoạn trích này nói riêng, trong tác phẩm Truyện Kiều nói chung.

HQ
Hà Quang Minh
Giáo viên
30 tháng 1

Lưu ý khi đọc một đoạn trích trong truyện thơ Nôm:

- Hiểu rõ vị trí của văn bản trong tác phẩm.

- Vận dụng được tri thức về nghệ thuật truyện thơ Nôm (nghệ thuật kể chuyện bằng thơ lục bát, bút pháp miêu tả nội tâm nhân vật...) để đọc, phân tích, đánh giá văn bản một cách có cơ sở.

- Với việc đọc hiểu một văn bản tác phẩm khác (thơ chữ Hán), cũng cần nắm vững đặc điểm thể loại của từng tác phẩm cụ thể.

Câu 1. Trình bày ngắn gọn những hiểu biết của bạn về thân thế, sự nghiệp của Đại thi hào Nguyễn Du. Hãy cho biết việc tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp của Đại thi hào Nguyễn Du có ý nghĩa gì cho việc đọc hiểu các sáng tác của Nguyễn Du nói chung và Truyện Kiều nói riêng? Câu 2. Hãy viết bài văn thuyết minh về Truyện Kiều của Nguyễn Du và trình bày ngắn gọn những sáng tạo nổi bật của tác giả thể...
Đọc tiếp

Câu 1. Trình bày ngắn gọn những hiểu biết của bạn về thân thế, sự nghiệp của Đại thi hào Nguyễn Du. Hãy cho biết việc tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp của Đại thi hào Nguyễn Du có ý nghĩa gì cho việc đọc hiểu các sáng tác của Nguyễn Du nói chung và Truyện Kiều nói riêng?

Câu 2. Hãy viết bài văn thuyết minh về Truyện Kiều của Nguyễn Du và trình bày ngắn gọn những sáng tạo nổi bật của tác giả thể hiện trong kiệt tác Truyện Kiều so với Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân (khoảng 800 từ).

Câu 3. Bạn cảm nhận như thế nào về sức sống của Truyện Kiều trong dòng chảy văn hóa, văn học dân tộc? Theo bạn, chúng ta cần phải làm gì để giữ gìn và phát huy giá trị của Truyện Kiều của Nguyễn Du trong tình hình hiện nay ?

Câu 4. Theo bạn, việc tổ chức cuộc thi: “Tìm hiểu về Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du và tác phẩm Truyện Kiều” có ý nghĩa như thế nào trong dịp kỷ niệm 255 năm Ngày sinh và tưởng niệm 200 năm Ngày mất Đại thi hào Nguyễn Du (1765-1820)?

Pls help me :((

0
3 tháng 8 2020

Hà Tĩnh à?

3 tháng 8 2020

đroi nè

QT
Quoc Tran Anh Le
Giáo viên
30 tháng 1

1. Một số điểm nổi bật về con người, cuộc đời và sự nghiệp văn chương của Nguyễn Du:

- Nguyễn Du (1766? –1820) tự là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên. Ông được người Việt kính trọng tôn xưng là "Đại thi hào dân tộc" và được UNESCO vinh danh là "Danh nhân văn hóa thế giới". Ông có một cuộc đời vô cùng gian truân và cực khổ.

- Cuộc đời Nguyễn Du gắn bó sâu sắc với những biến cố lịch sử của giai đoạn cuối thế kỉ XVIII – XIX. Đây là giai đoạn lịch sử đầy biến động với hai đặc điểm nổi bật là chế độ phong kiến Việt Nam khủng hoảng trầm trọng và phong trào nông dân khởi nghĩa nổi lên khắp nơi, đỉnh cao là phong trào Tây Sơn. Yếu tố thời đại đã ảnh hưởng sâu sắc đến ngòi bút của ông.

- Sự nghiệp văn chương:

+ Tác phẩm chữ Hán: "Thanh Hiên thi tập" (78 bài thơ), Nam trung tạp ngâm (40 bài), Bắc hành tạp lục (131 bài thơ).

+ Tác phẩm chữ Nôm: "Đoạn trường tân thanh" (Truyện Kiều), được viết bằng chữ Nôm, gồm 3.254 câu thơ theo thể lục bát; "Văn chiêu hồn" (tức Văn tế thập loại chúng sinh, dịch nghĩa: Văn tế mười loại chúng sinh).

- Với Truyện Kiều, Nguyễn Du đã đưa thể loại truyện thơ Nôm lên một tầm cao mới. Tác phẩm của ông kết hợp giữa văn học phương Đông và phương Tây, từ đó tạo ra một thể loại mới mang tính cách riêng biệt và độc đáo. Truyện Kiều đã trở thành bản mẫu cho các tác phẩm truyện thơ Nôm sau này và là một trong những tác phẩm tiên phong trong việc phát triển văn học dân tộc Việt Nam.

HQ
Hà Quang Minh
Giáo viên
29 tháng 1

Bài phân tích, đánh giá Truyện Kiều

     Phạm Quỳnh đã từng khẳng định: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn”. Từ trước đến nay, Truyện Kiều của Nguyễn Du được đánh giá là kiệt tác văn chương của dân tộc. Thật vậy, để làm nên giá trị đó là những đóng góp, sáng tạo mới mẻ của Nguyễn Du về cả nội dung và hình thức nghệ thuật.

     Trước tiên, dù sáng tác dựa trên cốt truyện của tiểu thuyết chương hồi Trung Quốc Kim Vân Kiều truyện (Thanh Tâm tài nhân) song Nguyễn Du đã sáng tạo nên một tác phẩm mới với những sáng tạo về giá trị nội dung. Truyện Kiều mang giá trị hiện thực phản ánh bức tranh xã hội phong kiến Việt Nam bất công, tàn bạo và xã hội kim tiền chà đạp lên quyền sống con người, đặc biệt là người phụ nữ. Đó là lời tố cáo các thế lực đen tối như sai nha, quan xử kiện, … ích kỉ, tham lam, coi rẻ sinh mạng, phẩm giá con người. Tác phẩm còn cho thấy những tác động tiêu cực của đồng tiền: đó là những lời ngon ngọt “Có ba trăm lạng việc này mới xuôi”, là những lần lừa gạt Thúy Kiều vào lầu xanh của Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Bạc Bà, Bạc Hạnh,… Tất cả chung quy lại cũng vì đồng tiền làm tha hóa nhân cách của con người.

     Không chỉ dừng lại ở giá trị hiện thực rộng lớn, tác phẩm còn mang những giá trị nhân đạo vô cùng sâu sắc. Truyện Kiều là tiếng nói lên án, tố cáo những thế lực xấu xa chà đạp con người như Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Bạc Bà, Bạc Hạnh,… Tác phẩm còn thể hiện tiếng nói thương cảm, xót xa của Nguyễn Du trước số phận bi kịch của con người: “Tiếc thay một đóa trà mi/ Con ong đã tỏ đường đi lối về”, để rồi sau này ông thốt lên: Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”. Thúy Kiều là người con gái tài sắc nhưng số phận lại vô cùng éo le, lấy chữ hiếu làm đầu để rồi sau bao nhiêu trắc trở, nàng lại cô đơn vò võ một mình. Càng xót xa bao nhiêu, nhà thơ lại càng khẳng định, đề cao tài năng, nhân phẩm và những khát vọng chân chính của con người: khát vọng về quyền sống, quyền tự do, công lý, khát vọng tình yêu, hạnh phúc. Mối tình Kim Kiều vượt lên trên lễ giáo phong kiến cùng thái độ chủ động của người con gái khi yêu: “xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” thể hiện khát vọng tình yêu của con người cùng hình ảnh người anh hùng Từ Hải ẩn chứa ước mơ của tác giả về một xã hội công bằng,… Bởi những giá trị hiện thực và nhân đạo cao cả đó, Mộng Liên Đường chủ nhân đã từng ca ngợi Nguyễn Du là người “có con mắt nhìn xuyên sáu cõi, có tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời”.

     Không chỉ có những đặc sắc về nội dung mà Truyện Kiều còn mang những nét sáng tạo vô cùng độc đáo về nghệ thuật. Tác phẩm là sự kết tinh các thành tựu nghệ thuật văn học dân tộc trên các phương diện ngôn ngữ, thể loại. Về thể loại, tác phẩm được viết dưới hình thức một truyện thơ Nôm với thể thơ lục bát truyền thống quen thuộc. Về ngôn ngữ, tác phẩm được viết bằng chữ Nôm có vận dụng kết hợp linh hoạt với các ca dao, thành ngữ quen thuộc. Nghệ thuật trong Truyện Kiều đã có bước phát triển vượt bậc: Nghệ thuật miêu tả thiên nhiên, khắc họa tính cách, miêu tả tâm lí nhân vật. Trong nghệ thuật xây dựng nhân vật, nhà thơ có sự kết hợp giữa ngôn ngữ độc thoại để miêu tả nội tâm và ngôn ngữ đối thoại để thể hiện tính cách, hoàn cảnh nhân vật. Với các nhân vật chính diện, Nguyễn Du sử dụng ngòi bút ước lệ, ẩn dụ tượng trưng quen thuộc trong thơ trung đại; với các nhân vật phản diện, nhà thơ thường sử dụng ngôn từ bình dân tả thực. Bên cạnh đó, ông còn có những đặc sắc nghệ thuật khi tả cảnh với bút pháp tả cảnh ngụ tình sinh động, giúp nhân vật thể hiện cảm xúc, tâm trạng của mình một cách gián tiếp. Tất cả đã làm nên một “Truyện Kiều” với những sáng tạo mới mẻ về hình thức thể hiện.

     Với những đóng góp to lớn cả về nội dung và nghệ thuật, Truyện Kiều xứng đáng được coi là kiệt tác văn học của dân tộc. Thời gian cứ thế trôi và những gì là thơ, là văn, là tuyệt tác thì luôn còn mãi. Và “Truyện Kiều” cũng vậy…

HQ
Hà Quang Minh
Giáo viên
30 tháng 1

Đoạn văn tham khảo

Nếu cuộc đời là một chuyến hành trình, thì những ký ức tuổi thơ chính là những cơn sóng biển. Một đại dương sẽ thế nào nếu thiếu đi những cơn sóng? Một cuộc đời sẽ thế nào nếu không có những những ký ức tuổi thơ? Vì vậy những ký ức tuổi thơ có vai trò rất quan trọng và to lớn đối với cuộc sống của con người. Trước hết rất nhiều kỉ niệm tuổi thơ trong quá khứ ẩn chứa những bài học kinh nghiệm quý giá cho mỗi chúng ta trong cả hiện tại và tương lai. Không những thế những ký ức tuổi thơ còn là nguồn động lực giúp ta vượt qua những thăng trầm, những khoảnh khắc đen tối nhất của cuộc đời. Cuối cùng những ký ức tuổi thơ còn là nguồn cảm hứng khơi nguồn cho những sáng tạo nghệ thuật. Kỉ niệm về tuổi thơ cay xè khói bếp đã giúp Bằng Việt viết nên “Bếp lửa” đầy cảm động, những ký ức một thời thơ ấu ngỗ nghịch, hồn nhiên của cu Mùi quá khứ đã giúp Nguyễn Nhật Ánh của hiện tại viết nên cuốn sách “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” bán chạy hơn 400.000 bản. Cứ thế, bao kỉ niệm êm đềm lại tiếp tục đồng hành cùng ta trên chuyến hành trình của cuộc sống, với tất cả sức mạnh và giá trị của nó. Thế nhưng những cơn sóng kỉ niệm có thể vừa vỗ về, vừa nhấn chìm ta. Kí ức về một tuổi thơ không hạnh phúc sẽ tàn phá tâm hồn và trái tim ta, như một bóng ma vô hình lởn vởn âm thầm và bất ngờ làm tổn thương ta thêm lần nữa. Vì vậy những ký ức tuổi thơ chúng ta dù êm đềm hay bão tố, đáng nhớ hay đáng quên, ta phải đối diện và tiếp nhận chúng, học cách nâng niu và buông bỏ. Một đại dương không thể thiếu sóng biển và một cuộc đời không thể đi qua mà không mang theo chút ký ức tuổi thơ nào. Trên chuyến hành trình của cuộc đời này, mong rằng những kỉ niệm sẽ luôn là cơn sóng vỗ về bận với tất cả êm đềm của nó…

9 tháng 11 2018

1. Mở bài:

Chị em Thúy Kiều là đoạn trích nằm ở phần mở đầu Truyện Kiều của Nguyễn Du – nhà thơ nhân đạo xuất sắc cuối thế kỉ XVIII, đầu thế kỉ XIX. Tác phẩm có giá trị hiện thực và nhân đạo to lớn, đồng thời cũng là đỉnh cao nghệ thuật của thơ ca tiếng Việt, đặc biệt là nghệ thuật miêu tả nhân vật mà đoạn trích này là một ví dụ tiêu biểu: (trích dẫn thơ)

2. Thân bài: Các ý chính:

- So sánh tài sắc của Thúy Vân và Thúy Kiều, Nguyễn Du đã tả Thúy Vân bằng những câu thơ:

      “Vân xem trang trọng khác vời,

   ..................

   Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da”

Vẻ đẹp của Thúy Vân là vẻ đẹp đoan trang, phúc hậu. Nó là vẻ đẹp của sự hài hòa và dung hòa được với "xung quanh".

- Vân đã đẹp, Kiều còn đẹp hơn:

      “Kiều càng sắc sảo mặn mà

   ..................

   Sắc đành đòi một tài đành họa hai”

Thúy Kiều chẳng những rất đẹp mà còn tài hoa nữa: Kiều giỏi thơ, giỏi họa, giỏi đàn, … Và tâm hồn đa sầu, đa cảm ấy còn tìm đến những khúc ca ai oán:

Khúc nhà tay lựa nên chương

Một thiên “bạc mệnh” lại càng não nhân.

- Tả Thúy Kiều và Thúy Vân, Nguyễn Du chịu ảnh hưởng bởi quan niệm tạo hóa hay ghen ghét với những người tài sắc (Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen). Qua cách miêu tả có thể thấy, tài sắc của Thúy Kiều như báo trước một cuộc đời dữ dội với đầy gian nan, trắc trở sau này. Đoạn trích thể hiện kín đáo dụng ý nghệ thuật nêu trên của Nguyễn Du.

3. Kết bài

Qua đoạn trích này, Nguyễn Du đã hết sức trân trọng đề cao vẻ đẹp con người, vẻ đẹp hoàn thiện , hoàn mỹ của hai chị em Kiều. Đây chính là một trong những biểu hiện của cảm hứng nhân đạo, nhân văn trong Truyện Kiều vậy. Tuy "mỗi người một vẻ" nhưng có thể thấy rõ vẻ đẹp của Thúy Vân là vẻ đẹp phúc hậu đài các, còn vẻ đẹp Thúy Kiều là vẻ đẹp sắc sảo mặn mà, đa tình. Đây là nét khác biệt cơ bản giữa hai chị em.