K
Khách

Hãy nhập câu hỏi của bạn vào đây, nếu là tài khoản VIP, bạn sẽ được ưu tiên trả lời.

26 tháng 2 2018

HƯỚNG DẪN

- Nước ta nằm ở vị trí tiếp giáp giữa lục địa và đại dương, liền kề với vành đai sinh khoáng Thái Bình Dương và Địa Trung Hải, nên có tài nguyên khoáng sản phong phú.

- Vị trí nước ta nằm trên đường di lưu và di cư của nhiều loài động, thực vật (luồng từ Hoa Nam và Himalaya xuống, luồng từ Ấn Độ và Mianma sang, luồng từ Inđônêxia - Malaixia lên) nên tài nguyên sinh vật phong phú.

- Nước ta nằm hoàn toàn trong vùng nhiệt đới Bán cầu Bắc, nên có nền nhiệt độ cao, tổng số giờ nắng lớn; lại nằm trong khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của gió Tín phong và gió mùa châu Á, khu vực gió mùa điển hình nhất trên thế giới, nên có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa.

21 tháng 11 2019

HƯỚNG DẪN

− Tài nguyên khoáng sản

+ Nguồn muối vô tận.

+ Nhiều sa khoáng với trữ lượng muối công nghiệp (ôxit titan, cát trắng).

+ Nhiều mỏ dầu, khí (ở thềm lục địa)

− Nguồn lợi sinh vật biển

+ Sinh vật biển phong phú, giàu thành phần loài.

+ Nhiều loài có giá trị kinh tế cao, một số loài quý hiếm; đặc sản (đồi mồi, vích, hải sâm…).

+ Nhiều tổ yến (đặc biệt ở các đảo đá ven bờ Nam Trung Bộ)

15 tháng 2 2019

Gợi ý làm bài

a) Tài nguyên du lịch tự nhiên

*Địa hình

-Nước ta có nhiều dạng địa hình (đồi núi, đồng bằng, bờ biển và hải đảo) tạo nên nhiều cảnh quan đẹp, hấp dẫn khách du lịch. Có dạng địa hình cácxtơ độc đáo với nhiều hang động đẹp có thể khai thác du lịch. Nhiều thắng cảnh nổi tiếng như vịnh Hạ Long (di sản thiên nhiên thế giới, được công nhận năm 1994), động Phong Nha (trong quần thể di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng, công nhận năm 2003),...

-Dọc bờ biển nước ta, suốt từ Bắc xuống Nam có khoảng 125 bãi biển lớn nhỏ có thể khai thác để xây dựng các khu du lịch và nghỉ dường. Điển hình là các bãi biển: Trà cổ (Quảng Ninh), Đồ Sơn (Hải Phòng), Sầm Sơn (Thanh Hoá), Cửa Lò (Nghệ An), Thiên Cầm (Hà Tĩnh), Thuận An, Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế), Non Nước (Đà Nẵng), Mỹ Khê (Quảng Ngãi), Đại Lãnh, Vân Phong, Dốc Lết, Nha Trang (Khánh Hòa), Ninh Chữ, Cà Ná (Ninh Thuận), Mũi Né (Bình Thuận), Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu),...

-Nước ta có nhiều đảo ven bờ có phong cảnh kì thú, hấp dẫn khách du lịch. Nổi bật là các đảo Phú Quốc, Cát Bà, Côn Đảo,...

*Tài nguyên khí hậu

-Khí hậu nước ta tương đối thuận lợi cho việc phát triển du lịch. Sự phân hoá theo vĩ độ, theo mùa và nhất là theo độ cao tạo nên sự đa dạng của khí hậu.

-Miền Nam khí hậu nóng cả năm nên có khả năng phát triển du lịch quanh năm.

*Tài nguyên nước: có hàng loạt thế mạnh để phát triển du lịch.

-Hệ thông sông, hồ, kênh rạch ở Đồng bằng sông Cửu Long tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch sông nước, miệt vườn. Một số hồ tự nhiên (Ba Bể,...) và nhân tạo (Hoà Bình, Dầu Tiếng, Thác Bà,...) đã trở thành các điểm tham quan du lịch.

-Nước ta có nhiều nguồn nước khoáng thiên nhiên: Kim Bôi (Hòa Bình), Mỹ Lâm (Tuyên Quang), Quang Hanh (Quảng Ninh), Suối Bang (Quảng Bình), Hội Vân (Bình Định), Vĩnh Hảo (Bình Thuận), Bình Châu (Bà Rịa - Vũng Tàu) có sức hút cao đối với du khách.

*Tài nguyên sinh vật: Vườn quốc gia ở nước ta cũng có giá trị lớn về du lịch và nghiên cứu. Các vườn quốc gia ở nước ta là: Bái Tử Long (Quảng Ninh), Ba Vì (Hà Nội), Ba Bể (Bắc Kạn), Cát Bà (Hải Phòng), Cúc Phương (Ninh Bình), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Hoàng Liên (Lào Cai), Xuân Sơn (Phú Thọ), Bến Én (Thanh Hoá), Pù Mát (Nghệ An), Vũ Quang (Hà Tĩnh), Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), Bạch Mã (Thừa Thiên - Huế), Chư Mom Ray (Kon Turn), Kon Ka Kinh (Gia Lai), Yok Đôn (Đắk Lắk), Chư Yang Sin (Đắk Lắk), Bù Gia Mập (Bình Phước), Núi Chúa (Ninh Thuận), Cát Tiên (Đồng Nai), Lò Gò - Xa Mát (Tây Ninh), Tràm Chim (Đồng Tháp), U Minh Thượng (Kiên Giang), U Minh Hạ (Cà Mau), Mũi Cà Mau (Cà Mau), Phú Quốc (Kiên Giang), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu),...

b) Tài nguyên du lịch nhân văn

*Di tích văn hoá - lịch sử:

-Là loại tài nguyên du lịch nhân văn có giá trị hàng đầu. Hiện cả nước có khoảng 4 vạn di tích các loại, trong đó hơn 2.600 di tích đã được Nhà nước xếp hạng. Tiêu biểu nhất là các di tích đã được công nhận là di sản văn hoá thế giới như quần thể kiến trúc Cô đô Huê (Thừa Thiên - Huế), Phố cổ Hội An và Di tích Mỹ Sơn (Quảng Nam).

*Các lễ hội truyền thống:

Lễ hội diễn ra hầu như trên khắp đất nước và luôn gắn liền với các di tích văn hoá - lịch sử. Phần lớn các lễ hội diễn ra vào những tháng đầu năm âm lịch sau tết Nguyên Đán với thời gian dài ngắn khác nhau. Các lễ hội nổi liếng: Đền Hùng (Phú Thọ), Chùa Hương (Hà Nội), Yên Tử (Quảng Ninh), hội Đâm Trâu (Gia Lai), lễ hội Ka Tê (Ninh Thuận), Núi Bà (Tây Ninh), Ooc Om Bóc (Sóc Trăng), Bà Chúa Xứ (An Giang).

*Làng nghề truyền thống: Đồng Kỵ (Bắc Ninh), Bát Tràng, Vạn Phúc (Hà Nội), Bầu Trúc (Ninh Thuận),...

*Các tài nguyên khác: văn hoá nghệ thuật dân gian, ẩm thực,...

2 tháng 8 2018

Gợi ý làm bài

- Tổng sản lượng thuỷ sản liên tục tăng từ 2250,5 nghìn tấn (năm 2000) lên 4197,8 nghìn tấn (năm 2007), tăng gấp 1,86 lần. Sản lượng thuỷ sản bình quân đầu người đạt 49,3 kg (năm 2007).

- Khai thác thuỷ sản:

+ Sản lượng thuỷ sản khai thác liên tục tăng từ 1660,9 nghìn tấn (năm 2000) lên 2074,5 nghìn tấn (năm 2007), tăng gấp 1,25 lần.

+ Tất cả các tỉnh ven biển đều đẩy mạnh đánh bắt hải sản, nhưng nghề cá ở các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ và Nam Bộ có vai trò lớn hơn. Các tỉnh dẫn đầu về sản lượng đánh bắt là Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Cà Mau, Bình Định,...

- Nuôi trồng thuỷ sản:

+ Sản lượng thuỷ sản nuôi trồng ngày càng tăng nhanh từ 589,6 nghìn tấn (năm 2000) lên 2123,3 nghìn tấn (năm 2007), tăng gấp 3,6 lần.

+ Hiện nay, nhiều loại thuỷ sản đã trở thành đối tượng nuôi trồng, đặc biệt là nuôi tôm (tôm sú, tôm càng xanh,...) và các loại cá.

+ Các tỉnh có sản lượng thuỷ sản nuôi trồng lớn nhất là Cà Mau, An Giang, Bến Tre,...

- Xuất khẩu thuỷ sản đã có bước phát triển vượt bậc. Trị giá xuất khẩu năm 1999 đạt 971 triệu USD, năm 2002 đạt 2014 triệu USD (đứng thứ ba sau dầu khí và may mặc). Xuất khẩu thuỷ sản đã là đòn bẩy tác động đến toàn bộ các khâu khai thác, nuôi trồng và chế biến thuỷ sản.

- Hiện nay, sản lượng khai thác vẫn chiếm tỉ trọng lớn, sản lượng thuỷ sản nuôi trồng tuy chiếm tỉ lệ nhỏ hơn nhưng có tốc độ tăng nhanh hơn.

17 tháng 9 2019

HƯỚNG DẪN

a) Hệ sinh thái:

- Hệ sinh thái rừng nguyên sinh đặc trưng của khí hậu nóng ẩm là rừng rậm nhiệt đới ẩm lá rộng thường xanh; tuy nhiên hiện nay còn lại rất ít.

- Phổ biến hiện nay là rừng thứ sinh vói các hệ sinh thái rừng nhiệt đới gió mùa biến dạng khác nhau, từ rừng gió mùa thường xanh, rừng gió mùa nửa rụng lá, rừng thưa khô rụng lá tới xavan, bụi gai hạn nhiệt đới.

b) Thành phần loài: Thành phần các loài nhiệt đới chiếm ưu thế.

- Thực vật: Phổ biến là các loài thuộc các họ cây nhiệt đới (họ đậu, vang, dâu tằm, dầu).

- Động vật: Các loài chim, thú nhiệt đới (công, trĩ, gà lôi, khỉ, vượn, nai, hoẵng)... bò sát, ếch nhái, côn trùng.

c) Cảnh quan tiêu biểu: Hệ sinh thái rừng nhiệt đới ẩm gió mùa phát triển trên đất feralit.

27 tháng 5 2019

HƯỚNG DẪN

a) Độ cao địa hình

- 3/4 diện tích địa hình Việt Nam là đồi núi, nhưng chủ yếu là đồi núi thấp (85% địa hình cao dưới 1000m), nên khí hậu chủ yếu của nước ta là nhiệt đới ẩm với nhiệt độ trung bình năm trên 20°C.

- Do độ cao địa hình, nên khí hậu nước ta phân hóa thành 3 đai cao: đai nhiệt đới gió mùa (độ cao trung bình đến 600 - 700m ở miền Bắc và đến 900 - 1000m ở miền Nam); đai cận nhiệt đới gió mùa trên núi (độ cao đến 2600m); đai ôn đới gió mùa trên núi (từ 2600m trở lên, chỉ có ở miền Bắc).

- Những đỉnh núi cao đón gió là những nơi mưa nhiều của nước ta (Móng Cái, các núi dọc biên giới Việt - Trung, dãy Bạch Mã, Ngọc Lĩnh, cực Nam Trung Bộ...). Nơi địa hình thấp, trũng, khuất gió có lượng mưa rất thấp (Móng Cái, thung lũng sông Ba...).

b) Hướng địa hình

- Hướng vòng cung:

+ Các cánh cung núi Đông Bắc mở rộng về phía bắc và phía đông đón gió mùa Đông Bắc trực tiếp, làm cho nền nhiệt độ ở đây vào mùa đông thấp nhất nước ta, có 3 tháng nhiệt độ xuống dưới 18°C.

+ Cánh cung Đông Triều thẳng góc với hướng gió Đông Nam vào mùa hạ, gây mưa ở sườn đón gió và ít mưa ở vùng khuất gió (Cao Bằng, Lạng Sơn).

- Hướng tây bắc - đông nam:

+ Dãy Hoàng Liên Sơn cao chắn gió mùa Đông Bắc, chặn sự xâm nhập trực tiếp gió này vào Tây Bắc, làm cho những nơi có cùng độ cao với Đông Bắc đều có nhiệt độ cao hơn.

+ Các dãy núi ở biên giới Việt - Lào cùng với gió Tây Nam đã gây nên hiện tượng phơn khô nóng ở Nam Tây Bắc và cả ở đồng bằng Bắc Bộ vào đầu mùa hạ.

+ Dãy núi Trường Sơn cùng với gió Tây Nam đầu mùa hạ đã gây nên hiện tượng phơn khô nóng ở Duyên hải miền Trung và gây mưa nhiều cho Tây Nguyên (ở sườn đông của Trường Sơn Nam). Về mùa đông, dãy Trường Sơn cùng với gió mùa Đông Bắc gây mưa cho Duyên hải miền Trung (nhất là khu vực từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế), gây hiện tượng phơn ở Tây Nguyên.

+ Nơi núi nhô ra sát biển (mũi Dinh, bán đảo Cam Ranh) đã chặn cả gió mùa Tây Nam về mùa hạ và gió Đông Bắc về mùa đông, làm cho khu vực khuất gió (Phan Rang) lượng mưa rất nhỏ (khoảng chừng 500- 600mm).

+ Dãy Bạch Mã chặn gió mùa Đông Bắc, là nguyên nhân chủ yếu tạo sự phân hóa khí hậu về mùa đông ở hai miền Bắc và Nam nước ta: miền Bắc có một mùa đông lạnh, nhiệt độ thấp và ít mưa; cùng trong thời gian đó, miền Nam là mùa khô rõ rệt, nhiệt độ tương đối cao.

15 tháng 1 2018

- Than antraxit tập trung ở khu vực Quảng Ninh với trữ lượng hơn 3 tỉ tấn, cho nhiệt lượng 7.000 - 8.000calo/kg

- Than nâu phân bố ở đồng bằng sông Hồng, trữ lượng hàng chục tỉ tấn.

- Than bùn tập trung nhiều ở khu vực U Minh.

12 tháng 1 2018

HƯỚNG DẪN

- Mạng lưới sông ngòi dày đặc.

+ Chỉ tính những con sông có chiều dài trên 10 km thì trên toàn lãnh thổ đã có 2360 sông. Dọc bờ biển, trung bình cứ 20 km lại gặp một cửa sông.

+ Sông nhiều, nhưng phần lớn là sông nhỏ. Trong tổng số các sông dài trên 10km, có đến 93% là các sông nhỏ và ngắn (diện tích lưu vực dưới 500km2). Các sông lớn như sông Hồng, Mê Công (Cửu Long) chỉ có phần trung lưu và hạ lưu chảy qua lãnh thổ nước ta.

+ Khí hậu nhiệt đới ẩm, mưa nhiều với cường độ lớn tập trung vào một mùa trên địa hình 3/4 là diện tích đồi núi với độ dốc lớn đã cắt xẻ tạo thành mạng lưới sông ngòi dày đặc.

- Sông ngòi nhiều nước, giàu phù sa.

+ Lượng nước lớn, tổng lượng nước là 839 tỉ m3/năm (trong đó 60% lượng nước là từ phần lưu vực bên ngoài lãnh thổ). Nguyên nhân chủ yếu do lượng mưa lớn (trung bình năm từ 1500 - 2000mm).

+ Tổng lượng phù sa hằng năm của sông ngòi trên lãnh thổ nước ta khoảng 200 triệu tấn/năm. Nguyên nhân do mưa nhiều, tập trung vào một mùa với cường độ lớn trên địa hình có 3/4 đồi núi với độ dốc lớn, lớp vỏ phong hóa dày, nhiều nơi mất lớp phủ thực vật...  

- Chế độ nước theo mùa.

+ Nhịp điệu của dòng chảy của sông ngòi nước ta theo sát nhịp điệu mưa. Mùa lũ tương ứng với mùa mưa, mùa cạn tương ứng với mùa khô. Lượng nước mùa lũ gấp 2 - 3 lần, có nơi đến 4 lần lượng nước mùa cạn và chiếm 70 - 80% lượng mưa cả năm. (Mùa lũ trên các sông ở Bắc Bộ từ tháng 6 - 10, ở Trung Bộ: 9-12, ở Nam Bộ: 7 - 11; nhìn chung đến muộn hơn mùa mưa 1 tháng và kết thúc đồng thời với thời gian mùa mưa).

+ Đỉnh lũ của sông ngòi tương ứng với thời gian đỉnh mưa. (Đỉnh lũ của các sông ở Bắc Bộ là tháng VIII, Trung Bộ: XI, Nam Bộ: X).

+ Chế độ mưa diễn biến thất thường làm cho chế độ dòng chảy cũng diễn biến thất thường.

6 tháng 12 2017

HƯỚNG DẪN

a) Chứng minh

- Di tích văn hoá - lịch sử: 4 vạn, tiêu biểu là các di sản văn hoá thế giới (thiên nhiên, văn hoá vật thể, văn hoá phi vật thể, hỗn hợp; các công viên địa chất toàn cầu: Cao nguyên đá Đồng Văn, Non nước Cao Bằng...).

- Lễ hội quanh năm ở hầu khắp đất nước, nhiều lễ hội lớn thu hút hàng vạn người.

- Giàu tiềm năng về văn hoá dân tộc, văn nghệ dân gian, ẩm thực; nhiều làng nghề truyền thống...

b) Giải thích

- Nhiều tài nguyên du lịch tự nhiên được khám phá và đưa vào sử dụng (Ví dụ: động Son Đoòng ở Phong Nha, Quảng Bình...). Nhiều tài nguyên du lịch nhân văn được công nhận là di sản văn hoá thế giới.

- Việc tham gia sâu vào toàn cầu hoá tạo điều kiện mở rộng việc quảng bá hình ảnh Việt Nam ra quốc tế; chính sách mở cửa, an ninh chính trị ổn định, môi trường hoà bình... thu hút nhiều du khách quốc tế đến Việt Nam.

- Chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao cùng với hội nhập quốc tế sâu rộng, làm cho khách du lịch nội địa tăng.

- Thu hút được nhiều đầu tư trong và ngoài nước, chất lượng cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch ngày càng được hoàn thiện...

17 tháng 2 2017

HƯỚNG DẪN

a) Tài nguyên du lịch tự nhiên

- Địa hình (2 di sản thiên nhiên thế giới, 125 bãi biển, 200 hang động).

- Khí hậu (đa dạng, phân hoá); nước (sông, hồ, nước nóng và nước khoáng).

- Sinh vật (hơn 30 vườn quốc gia; động vật hoang dã, thuỷ hải sản).

b) Tài nguyên du lịch nhân văn

- Di tích (4 vạn, trong đó có 2,6 nghìn được xếp hạng; có nhiều các di sản văn hoá thế giới vật thể và phi vật thể...).

- Lễ hội: quanh năm, tập trung vào mùa xuân, nhiều lễ hội lớn thu hút hàng vạn người.

- Các loại tài nguyên du lịch nhân văn khác: làng nghề, văn nghệ dân gian, ẩm thực.