K
Khách

Hãy nhập câu hỏi của bạn vào đây, nếu là tài khoản VIP, bạn sẽ được ưu tiên trả lời.

9 tháng 12 2021

   Tham Khảo 
       Truyện ngắn Lão Hạc được sáng tác theo phong cách hiện thực, phản ánh cuộc đời và tính cách của người nông dân trong xã hội cũ. Họ là người sống khổ cực vì bị áp bức bóc lột nặng nề, phải chịu sưu cao thuế nặng. Cuộc sống của họ lâm vào cảnh bần cùng, bế tắc. Tuy vậy, họ có những phẩm chất đáng quý là trong sạch, lương thiện, giàu tình thương yêu. Họ quyết liệt phản kháng hoặc thậm chí dám chọn cái chết để giữ gìn phẩm chất trong sạch của mình. Điều đó cho thấy: người nông dân trong xã hội cũ tiềm tàng một sức mạnh của tình cảm, một sức mạnh phản kháng chống lại áp bức, bất công

6 tháng 11 2017

Nam Cao là một nhà văn lớn của người nông dân Việt Nam, đặc biệt là người nông dân trước Cách mạng tháng Tám 1945. Ông vẫn cảm nhận được những vẻ đẹp cao quý trong tâm hồn của họ trước bờ vực của cái đói, cái nghèo. Truyện ngắn “Lão Hạc” của nhà văn là một tác phẩm như thế. Nhân vật chính của tác phẩm - nhân vật lão Hạc - dù có một hoàn cảnh bất hạnh, đau đớn nhưng lão vẫn giữ được tình yêu thương đối với những người thân yêu và đặc biệt là một lòng tự trọng cao cả. Qua nhân vật này, nhà văn đã thể hiện tư tưởng nhân đạo tiến bộ và sâu sắc.

Lão Hạc cũng như bao người nông dân Việt Nam khác phải đối mặt với cái nghèo, cái đói của cuộc sống cơ cực, tăm tối trước Cách mạng. Nhưng lão còn có những hoàn cảnh riêng vô cùng bất hạnh. Vợ lão chết sớm. Con trai lão phẫn chí vì nghèo không lấy được người mình yêu nên bỏ đi đồn điền cao su. Lão chỉ có con Vàng là kỷ vật của con để làm bạn. Vậy là cùng một lúc lão phải đối mặt với bao đau khổ: cái đói, sự cô đơn và tuổi già với ôm đau, bệnh tật. Rồi cuộc đời cực khổ, dồn lão đến mức hết đường sinh sống. Lão phải dứt ruột bán đi con chó Vàng mà lão yêu thương nhất. Lão bán con chó trong niềm khổ đau tột cùng: “Mặt co rúm lại, những nếp nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra, cái đầu ngoẹo về một bên, cái miệng móm mém mếu như con nít”, “lão hu hu khóc”,...

Ban đầu là “luôn mấy hôm lão chỉ ăn khoai”, “khoai cũng hết, lão chế tạo được món gì, ăn món ấy. Hôm thì lão ăn củ chuối, hôm thì lão ăn sung luộc, hôm thì ăn rau má, với thỉnh thoảng một vài củ ráy hay bữa trai, bữa ốc”. Rồi đến mức chẳng còn gì để ăn, để sống. Rồi điều gì đến sẽ phải đến. Không còn đường sinh sống, lão Hạc chỉ còn đường chết. Và đó là một cái chết thật đau đớn, thật tủi nhục: chết “nhờ” ăn bả chó tự tử...! Cái chết của
lão dữ dội vô cùng: lão sùi bọt mép, lão co giật phải hai người đàn ông lực lưỡng đè lên... Cái chết ấy khiến người đọc liên tưởng đến cái chết của con chó Vàng để rồi rùng mình nhận ra rằng cái chết của lão đâu khác gì cái chết của một con chó.

Đói nghèo như thế, khổ đau như thế nhưng lão không vì vậy mà tha hóa về nhân phẩm. Binh Tư đã tưởng lão xin bả chó để ăn trộm. Ông giáo cũng nghi ngờ lão. Nhưng không, Lão Hạc vẫn giữ được vẹn nguyên tâm hồn dào dạt yêu thương đáng quý, đáng trọng của người nông dân và cả sự tự trọng cao đẹp của mình.

Lão yêu thương con rất mực. Văn học Việt Nam đã có những “Cha con nghĩa nặng” của Hồ Biểu Chánh, “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng,... ngợi ca tình phụ tử. Và trong đó cũng cần nhắc đến “Lão Hạc” của Nam Cao. Vì thương con, lão chấp nhận đối mặt với cô đơn, với tuổi già để con ra đi cho thỏa chí. Con đi rồi, lão dồn cả yêu thương vào con chó Vàng. Đừng nghĩ đơn giản rằng lão cưng chiều “cậu” Vàng vì đó là con chó khôn, chó đẹp. Điều quan trọng nhất khiến lão yêu quý con Vàng đến mức chia với nó từng cái ăn, cho nó ăn vào bát như người, rồi đến lúc nó chết lão quằn quại, đau đớn,... là bởi con chó là kỉ vật duy nhất mà con trai lão để lại. Nhìn con chó, lão tưởng như được thấy con mình.

Không chỉ vậy, lão thương con đến độ chấp nhận cái đói, rồi cả cái chết chứ không chịu bán đi mảnh vườn của con. Nếu lão bán mảnh vườn, ắt lão sẽ đủ ăn tiêu để vượt qua thời khốn khó. Nhưng lão lại lo khi con trai về không có đất sinh sống làm ăn. Vậy là lão đã nhận lấy cái chết rồi nhờ ông giáo giữ đất cho con. Chao ôi! Tình yêu thương con của lão thật cảm động biết mấy!

Yêu thương những người thân yêu ruột thịt, lão Hạc còn là một người sống đầy tự trọng trước cuộc đời nhiều cám dỗ và tội lỗi. Vào hoàn cảnh như lão, người ta đã có thể ăn trộm, ăn cắp hay thậm chí ăn bám vào người khác (như Binh Tư chẳng hạn, hay người đàn bà trong “Một bữa no” của Nam Caor..) nhưng lão Hạc thì không. Với sự giúp đỡ của ông giáo (mà cũng có gì đâu, đó chỉ là củ khoai, củ sắn) lão “từ chối gần như hách dịch" khiến ông giáo nhiều khi cũng chạnh lòng. Binh Tư ngỡ rằng lão xin bả để ăn trộm chó “lão cũng ra phết đấy chứ chẳng vừa đâu”. Đến lượt ông giáo cũng nghi ngờ: “"con người đáng kính ấy bây giờ cũng theo gót Binh Tư để có ăn ư? cuộc đời quả thật cứ mỗi ngày một thêm đáng buồn”. Nhưng cuối cùng tất cả đều ngỡ ngàng, sửng sốt trước cái chết đột ngột của lão. Hay còn cách khác: lão có thể bán quách mảnh vườn di. Nhưng lão lại nghĩ rằng đó là mảnh vườn của con lão. Và lão đã thà chết chứ không ăn của con!

Lòng tự trọng của lão Hạc rực sáng nhất ngay khi thân xác lão đau đớn nhất. Lão đã chọn cái chết, một cái chết khốc liệt để tâm hồn mình được trong sạch, được trọn vẹn tình nghĩa với tất thảy mọi người - kể cả với con chó Vàng tội nghiệp. Nhưng còn một chi tiết khác cũng cảm động vô cùng. Lão đã tính toán để ngay cả khi chết đi rồi cũng không làm phiền đến mọi người: lão đã gửi ông giáo mấy chục đồng bạc, định khi mình nằm xuống thì nhờ ông giáo lo liệu ma chay khỏi làm phiền hàng xóm! Hỡi ôi lão Hạc!

Xây dựng nhân vật lão Hạc, Nam Cao đã sử dụng nghệ thuật khắc họa nhân vật tài tình. Điều đó được thể hiện trong đoạn văn miêu tả bộ dạng, cử chỉ của lão Hạc khi kể cho ông giáo chuyện lừa bán cậu Vàng, trong đoạn miêu tả sự vật vã đau đớn dữ dội của lão Hạc trước lúc chết. Ngôn ngữ nhà văn sử dụng trong tác phẩm sinh động, ấn tượng, giàu tính tạo hình và hết sức gợi cảm.

Qua nhân vật lão Hạc, nhà văn đã thể hiện tinh thần nhân đạo tiến bộ sâu sắc.

Nam Cao đã đồng cảm đến tận cùng với cái nghèo, cái đói của người nông dân Việt Nam trong nạn đói 1945. Thời cuộc đã dồn họ đến đường cùng và lối thoát nhanh chóng nhất là cái chết nghiệt ngã.

Nhưng trên hết, nhà văn đã biết nâng niu trân trọng vẻ đẹp tâm hồn cao khiết của người nông dân ngay cả khi họ bước vào đường cùng. Không chỉ giàu tình yêu thương, người nông dân còn sống đầy tự trọng. Trong cái đói, tự trọng là thứ gì đó xa xỉ vô cùng. Vì miếng ăn, người ta có thể tàn nhẫn, dã man, thậm chí mất hết nhân tính. Nhưng đáng trọng thay lão Hạc, lão không chỉ giữ được tình thương tươi mát mà còn giữ được lòng tự trọng vàng đá của mình.

Và chính nhờ vẻ đẹp tươi sáng ấy của lão Hạc mà Nam Cao đã chiệm nghiệm: “Cuộc đời chưa hẳn đáng buồn”. Chưa đáng buồn bởi còn có những con người cao quý như Lão Hạc. Viết câu văn ấy, nhà văn đã bày tỏ thái độ tin tưởng đối phẩm cách tốt đẹp của người nông dân Việt Nam trước Cách mạng. Điều ấy đáng quý vô cùng bởi trước Cách mạng, người nông dân bị coi rẻ như cỏ rác, thậm chí có nhà văn còn nhận định người nông dân “như những con lợn không tư tưởng”. Và bởi thế, tư tưởng của Nam Cao đáng ca ngợi biết bao!

Nhân vật lão Hạc của nhà văn Nam Cao là một nhân vật có nhiều đặc điểm đáng quý, đáng trân trọng. Từ lão Hạc, người nông dân Việt Nam có quyền tự hào về tâm hồn và phẩm cách của mình. Dựng lên nhân vật này, nhà văn Nam cao đã khẳng định một quan điểm giàu tính nhân đạo sâu sắc.

9 tháng 12 2017

Truyện ngắn “Lão Hạc” của nhà văn là một tác phẩm như thế. Nhân vật chính của tác phẩm - nhân vật lão Hạc - dù có một hoàn cảnh bất hạnh, đau đớn nhưng lão vẫn giữ được tình yêu thương đối với những người thân yêu và đặc biệt là một lòng tự trọng cao cả. Qua nhân vật này, nhà văn đã thể hiện tư tưởng nhân đạo tiến bộ và sâu sắc.Mặc dù lão phải sống khốn khổ , nghèo túng nhưng lão không vì vậy mà tha hóa về nhân phẩm. Binh Tư đã tưởng lão xin bả chó để ăn trộm. Ông giáo cũng nghi ngờ lão. Nhưng không, Lão Hạc vẫn giữ được vẹn nguyên tâm hồn dào dạt yêu thương đáng quý, đáng trọng của người nông dân và cả sự tự trọng cao đẹp của mình. Lão yêu thương con rất mực. Vì thương con, lão chấp nhận đối mặt với cô đơn, với tuổi già để con ra đi cho thỏa chí. Không chỉ vậy, tình yêu thương lão dành cho con được dâng trào đến cực điểm khi lão tử tự bằng bả chó. Qua đó , nhà văn đã bày tỏ thái độ tin tưởng đối phẩm cách tốt đẹp của người nông dân Việt Nam trước Cách mạng. Điều ấy đáng quý vô cùng bởi trước Cách mạng, người nông dân bị coi rẻ như cỏ rác, thậm chí có nhà văn còn nhận định người nông dân “như những con lợn không tư tưởng”. Và bởi thế, tư tưởng của Nam Cao đáng ca ngợi biết bao!




13 tháng 12 2021

Trước cách mạng tháng tám, số phận của người nông dân luôn là đề tài đặc biệt được các nhà văn quan tâm khai thác. Nếu như Ngô Tất Tố phát hiện ra cái đẹp, sức sống tiềm tàng của người nông dân, Vũ Trọng Phụng chỉ nhìn thấy cái xấu xa của họ thì đến Nam Cao là một người đến sau nhưng ông đã khai thác được mặt khác của người nông dân đó là bản chất lương thiện và bi kịch bị tha hóa. Nhân vật Chí Phèo chính là bản vẽ tổng quát nhất của Nam Cao khi viết về người nông dân. Đây đồng thời cũng là nhân vật để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng biết bao thế hệ bạn đọc.

Mở đầu tác phẩm, Nam Cao đã gây ấn tượng mạnh với người đọc bằng tiếng chửi của Chí Phèo, hắn chửi trời, chửi đời, chửi dân làng Vũ Đại, nhưng chẳng ai đáp lại, hắn lại chửi đến “đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn, đẻ ra cái thằng Chí Phèo” . Tại sao tiếng chửi lại đau đớn, uất ức đến vậy? Ngược về quá khứ, Nam Cao đã cho thấy số phận bất hạnh của Chí Phèo, đẻ ra là một đứa trẻ mồ côi, bị mẹ bỏ mặc ở lò gạch cũ, Chí may mắn được ông thả ống lươn nhìn thấy và nhặt về. Chí bị trao tay qua nhiều người, ban đầu là bà góa mù, rồi đến bác phó cối, khi bác phó cối mất, Chí lớn lên trong sự đùm bọc của xóm làng. Từ nhỏ Chí đã sống trong sự thiếu thốn tình yêu thương, nhưng bản thân Chí vẫn là con người lương thiện. Chí làm việc cho Bá Kiến để nuôi sống mình, Chí yêu lao động và có những mơ ước thuần phác, hồn hậu: lấy vợ, sinh con, chồng làm thuê cuốc mướn, vợ dệt vải, để được chút vốn liếng sẽ mua ruộng để làm. Không chỉ vậy, Chí còn là người có lòng tự trọng, bóp chân cho bà ba hắn chỉ thấy nhục hơn là thấy thích. Ai có thể ngờ rằng một con người lương thiện đến vậy có thể tha hóa, trở thành quỷ dữ của làng Vũ Đại.

Sự tha hóa của Chí Phèo nguyên nhân trực tiếp là Bá Kiến, sự ghen tuông khiến Bá Kiến đẩy Chí Phèo vào nhà tù thực dân. Nhà tù thực dân với sự tàn bạo, tra tấn dã man cả về thể xác và tinh thần đã biến Chí Phèo trở thành kẻ mất cả nhân hình và nhân tính. Ngày ở tù về Chí trông như thằng “săng đá” răng cạo trắng, đôi mắt gườm gườm, xăm trổ toàn thân, ... khiến cho ai cũng phải khiếp sợ. Người đọc vừa ngỡ ngàng, vừa đau đớn, anh Chí của ngày xưa đâu? Nhà tù thực dân có sức phá hủy nhân hình, nhân tính của con người ghê gớm đến vậy sao? Bi kịch chồng lẫn bi kịch, Chí trở về con bị chính kẻ thù của mình là Bá Kiến dụ dỗ, dùng những lời ngon ngọt làm lu mờ nhận thức của Chí. Trong cơn say triền miên, Chí chính thức trở thành tay sai cho Bá Kiến, đòi nợ, chém giết thuê. Bất cứ việc gì Bá Kiến sai Chí đều thực hiện. Có lẽ cuộc đời của Chí sẽ chấm dứt từ đây, từ giờ cho đến lúc chết Chí Phèo chỉ còn là tay sai của Bá Kiến, của xã hội thực dân.

Nam Cao khác so với những nhà văn trước đó là ở chỗ ông đã chỉ ra con đường người nông dân bị lưu manh hóa. Các tác phẩm trước mới chỉ miêu tả đời sống bí bách, túng quẫn bị đẩy đến bước đường cùng của người nông dân (Tắt đèn – Ngô Tất Tố; Bước đường cùng – Nguyễn Công Hoan). Còn Nam Cao đã tiến một bước xa hơn: ông khẳng định bản chất lương thiện, giàu lòng tự trọng vốn có của họ, đồng thời nêu lên nguyên nhân, con đường tha hóa chính là do nhà tù thực dân, bọn cường hào ác bá đã nhào nặn những người nông dân lương thiện trở thành những con quỷ dữ, bị cả xã hội xua đuổi.

Nhưng cái hay trong tác phẩm Nam Cao chính là liên tục tạo ra những khúc rẽ, những biến cố giúp thúc đẩy câu chuyện phát triển. Cuộc đời Chí tưởng rằng sẽ chìm trong bế tắc, sẽ mãi mãi không nhận ra kẻ thù của mình cho đến ngày Chí gặp thị Nở. Thị Nở xuất hiện như một luồng gió mới đến với cuộc đời chí Phèo. Sáng hôm sau, Chí nằm một mình trong lều, trận cảm đã làm hắn yếu đi nhiều, đây cũng là cơ hội để hắn cảm nhận cuộc sống xung quanh. Hắn nghe những âm thanh quen thuộc của cuộc sống, tiếng chim hót, tiếng người ta đi chợ và hắn chợt thấy nhớ về ngày xưa, về những mơ ước rất đỗi dung dị của mình. Nhìn lại thực tại hắn chẳng có gì ngoài những vết sẹo chằng chịt trên mặt, nhận ra mình đã sang cái dốc bên kia của cuộc đời. Trong dòng suy nghĩ miên man, Thị Nở xuất hiện với bát cháo hành trên tay. Lần đầu tiên trong cuộc đời chỉ có chém giết và ăn vạ chị được người ta cho bát cháo hành, chí đường người ta yêu thương, quan tâm, chăm sóc. Đây cũng là lần đầu Chí thấy cháo hành ngon đến vậy “những người suốt đời không ăn cháo hành không biết rằng cháo hành rất ngon. Nhưng tại sao mãi đến tận bây giờ hắn mới nếm mùi vị cháo hành?”. Câu hỏi ấy vang lên làm ta không khỏi nhức nhối, thương cảm cho số phận của Chí. Hắn cầm bát cháo Thị Nở cho bằng đôi mắt thật hiền, cảm động, đôi mắt hắn ươn ướt vì sự biết ơn. Cùng với năm ngày chung sống cùng thị Nở trong hắn lại trỗi dậy khao khát về một cuộc sống khác, hắn khao khát được làm hòa với mọi người biết bao. Mong mỏi được làm người lương thiện, nhân tính trong Chí đã trở về: “Trời ơi hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao, thị Nở sẽ mở đường cho hắn”. Năm ngày đó như ánh nắng rực rỡ làm bừng sáng quãng đời đen tối của Chí Phèo. Chưa bao giờ người ta thấy một thằng chuyên rạch mặt ăn vạ lại hiền lành đến vậy, hắn cố uống rượu cho thật ít, để tỉnh tạo tận hưởng hạnh phúc, để được say trong men tình. Lần đầu tiên sau khi ở tù về Chí Phèo mới có lại mục đích và lí tưởng sống. Đó là những mong ước giản dị mà bất cứ ai cũng nâng niu, trân trọng.

 

Nhưng cuộc đời Chí Phèo vẫn chưa thoát khỏi những bi kịch. Thị Nở từ người cứu vớt lại trở thành người chối tự quyền làm người và hạnh phúc của Chí Phèo, chỉ vì bà cô không cho phép lấy một kẻ chỉ có chuyên đi rạch mặt ăn vạ. Bà cô chính là đại diện cho những hủ tục của xã hội đương thời, đẩy Chí đến bi kịch của sự tuyệt vọng. Chí Phèo uống, nhưng càng uống lại càng tỉnh, càng nhận ra số phận nghiệt ngã của bản thân. Chí xách dao định tìm đến nhà Thị Nở để giết cả nhà “nó”, nhưng bước chân lại hướng về nhà Bá Kiến. Chí Phèo dõng dạc đòi lương thiện, nhưng bản thân hiểu rõ: “Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho mất được những vết mảnh chai trên mặt này? Tao không thể làm người lương thiện nữa?” Và hắn rút dao giết chết Bá Kiến rồi tự kết liễu đời mình. Cái chết của cả hai quá đỗi bất ngờ. Chí giết kẻ thù của mình, kẻ cướp đi người nông dân lương thiện, và tự giết chết thân xác của một thằng tha hóa, giữ lại cho mình phẩm chất lương thiện. Cái chết của Chí Phèo là hệ quả tất yếu nhưng cũng không khỏi làm cho ta thương xót, đồng cảm.

Qua nhân vật Chí Phèo, Nam Cao đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc về một người nông dân chất phác, lương thiện nhưng bị đẩy đến bước đường tha hóa phải tìm đến cái chết để khôi phục danh dự. Đồng thời với nhân vật Chí Phèo tác giả cũng lên án, tố cáo xã hội thực dân nửa phong kiến độc ác, bất nhân đẩy con đường đến bước đường cùng. Không chỉ vậy, ông còn thể hiện cái nhìn tin yêu vào bản chất lương thiện của những người nông dân.