K
Khách

Hãy nhập câu hỏi của bạn vào đây, nếu là tài khoản VIP, bạn sẽ được ưu tiên trả lời.

HQ
Hà Quang Minh
Giáo viên
23 tháng 11 2023

Bài nói mẫu

     Đề tài mùa hè, cảnh hè được nói nhiều trong thơ văn cổ dân tộc, các tác giả Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến... đều có một số bài thơ viết về mùa hè rất hay. Bảo kính cảnh giới nằm trong tập Quốc Âm thi tập là một thi phẩm khá tiêu biểu cho ngôn ngữ thi ca ức Trai, đậm đà dấu ấn thời đại, thời Lê, thế kỉ XV, hàm chứa nội dung giáo huấn trực tiếp, nhưng bài thơ số 43 rất đậm đà chất trữ tình, cho ta nhiều thú vị, nói lên cảnh sắc mùa hè làng quê và nỗi ước mong của nhà thơ. Cái hay của bài thơ không chỉ nằm ở đề tài, cảm hứng hay nội dung mà nó còn ở nghệ thuật thơ của Nguyễn Trãi, từ cảnh sắc thiên nhiên nói lên nỗi lòng của nhà thơ.

     Bài thơ Bảo kính cảnh giới (bài số 43) là bài thơ Nôm Đường luật, đặc biệt là sự kết hợp giữa những câu thơ thất ngôn và lục ngôn. Nếu câu thơ đầu nói lên cách sống của thi nhân thì năm câu thơ tiếp theo lại tả cảnh làng quê Việt Nam xa xưa. Câu thơ đầu tiên là câu lục ngôn với sáu chữ ngắn gọn, bình dị như một lời nói vui vẻ, thoải mái, hồn nhiên: “Rồi hóng mát thuở ngày trường”. Hình ảnh Ức Trai hiện lên trong câu thơ là một người tự do, tự tại, không bị ràng buộc bởi “áng mận đào”, vòng “danh lợi” của triều chính nữa, mà trở thành người có thú vui nơi vườn ruộng, làm bạn với cây cỏ, hoa lá nơi quê nhà. Nguyễn Trãi sử dụng những từ ngữ bình dị “ngày trường” là ngày dài, “rồi” là tiếng cổ, nghĩa là rỗi rãi, nhàn hạ, cả trong công việc lẫn tâm hồn càng thêm sự gần gũi với người đọc hơn. Câu thơ phản ánh một nếp sống sinh hoạt nhàn nhã: trong buổi ngày rỗi rãi, lấy việc hóng mát làm niềm vui di dưỡng tinh thần. Đọc câu thơ, ta có thể phán đoán Ức Trai viết về bài thơ này khi ông đã lui về Côn Sơn ở ẩn.

     Các câu 2,3,4 nói về cảnh sắc, hai câu 5,6 tả âm thanh chiều hè. Cảnh sắc hè trước hết là bóng hoè, màn hoè. Lá hoè xanh thẫm, xanh lục. Cành hoè sum suê, um tùm, lá “đùn đùn” lên thành chùm, thánh đám xanh tươi, tràn đầy sức sống: “Hoè lục đùn đùn tán rợp trương”. Cây hoè vốn được trồng nhiều ở làng quê; vừa làm cảnh, vừa cho bóng mát. Hoè nở hoa vào mùa hè, màu vàng, làm dược liệu, làm chè giải nhiệt. Tán hoè toả bóng mát, che rợp sân, ngõ, vườn nhà, lên như chiếc ô, chiếc lọng căng tròn. Mỗi từ ngữ là một nét vẽ màu sắc tạo hình, gợi tả sức sống của cảnh vật đồng quê trong những ngày hè: lục, đùn đùn, tán, rợp trương. Một lần nữa Nguyễn Trãi sử dụng ngôn ngữ thơ bình dị, hàm súc và ấn tượng để miêu tả cảnh thiên nhiên làng quê Việt Nam.

     Xuyên suốt cả bài thơ, Nguyễn Trãi đã sử dụng câu chữ bình dị, những hình ảnh gần gũi, quen thuộc với người dân Việt Nam từ cây hòe đến hình ảnh khóm thạch lựu ở hiên nhà trổ hoa rực rỡ: “Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ”. Trong câu thơ có sử dụng từ “thức” là tiếng cổ chỉ màu vẻ, dáng vẻ nhằm gợi tả không gian cành lá xanh biếc, những đoá hoa lựu như chiếc đèn lồng bé tí phóng ra, chiếu ra, “phun” ra những tia lửa đỏ chói, đỏ rực. Chữ “phun” được dùng rất hình tượng và thần tình, gợi lên hình ảnh khóm thạch lựu với những bông hoa nở đỏ rực trước sân nhà, một dấu hiệu cho thấy mùa hè đã đến rồi.

     Đến câu thơ thứ tư, người đọc bắt gặp hình ảnh hoa sen – một biểu tượng cho cái sắc mùa hè làng quê ta: “Hồng liên trì đã tịn mùi hương”. Không chỉ sử dụng những hình ảnh quen thuộc, Nguyễn Trãi cũng đưa vào thơ những tiếng cổ để tạo ra hình ảnh thơ sinh động hơn. “Tịn” là hết (tiếng cổ), sen hồng vẫn nở thắm ao làng, nhưng hương đã nhạt, đã dần phai. Khi sen trong ao làng đã “tịn mùi hương” tức là đã cuối hè. Nguyễn Trãi đã chọn hoè, thạch lựu, sen hồng (hồng liên) để tả và đưa vào thơ. Cảnh sắc ấy vô cùng xinh đẹp và bình dị. Nhà thơ đã gắn tâm hồn mình với cảnh vật mùa hè bằng một tình quê đẹp. Thiên nhiên trong thơ ông rất hữu tình và thân thuộc đến vậy. Đây cũng chính là cái hay của bài thơ, cái đặc biệt của thơ Ức Trai.

     Hè rất đẹp, rộn ràng trong khúc nhạc làng quê. Ngoài tiếng cuốc, tiếng chim hú, tiếng sáo diều còn có tiếng ve, tiếng cười nói “lao xao” của đời thường:

“Lao xao chợ cá làng ngư phủ,

Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương”.

     Tiếng “lao xao” từ một chài cá làng chài xa vọng đến, đó là tín hiệu cuộc đời dân dã đầy muối mặn và mồ hôi. Nhà thơ lắng nghe nhịp sống đời thường ấy với bao niềm vui. “Lao xao” là từ láy tượng thanh gợi tả sự ồn ào, nhộn nhịp. Hòa nhịp với tiếng lao xao chợ cá là tiếng vang lên rộn rã, nhịp nhàng. “Cầm ve”, hình ảnh ẩn dụ, tả âm thanh tiếng ve kêu như tiếng đàn cầm. “Dắng dỏi” nghĩa là inh ỏi, âm sắc tiếng ve trầm bổng, ngân dài vang xa. Nhà thơ lấy tiếng ve để đặc tả khung cảnh một chiều hè làng quê lúc hoàng hôn buông dần xuống mái lầu (lầu tịch dương) là một nét vẽ tinh tế đầy chất thơ làm nổi bật cái không khí êm ả một chiều hè nơi thôn dã. Tiếng ve lúc hoàng hôn thường gợi nhiều bâng khuâng, vì ngày tàn, màn đêm đang dần dần buông xuống. Nhưng với Ức Trai, nó đã trở thành nhặt khoan trầm bổng, dắng dỏi vang xa, làm cho khung cảnh làng quê một buổi chiều tà bỗng rộn lên bao niềm vui cuộc đời.

     Hai câu kết diễn tả ước mong của nhà thơ, toát lên một tình yêu lớn.

“Lẽ có Ngu cầm đàn một tiếng

Dân giàu đủ khắp đòi phương”

     Trong thơ ức Trai, hai câu kết luôn luôn là sự hội tụ bừng sáng của những tư tưởng tình cảm cao cả, đẹp đẽ. Hai câu kết với cảm xúc trữ tình được diễn tả bằng một điển tích phản ánh khát vọng cao đẹp của nhà thơ. Ức Trai chân thành bày tỏ: Hãy để cho ta gảy đàn thần của vua Thuấn, ta sẽ gảy lên khúc Nam phong cầu mong cho mọi nhà, mọi chốn, khắp các phương Trời (đòi phương) được ấm no, giàu có. Con người ức Trai lúc nào cũng hướng về nhân dân, mong ước cho nhân dân được ấm no và nguyện hi sinh phấn đấu cho hòa bình, hạnh phúc của dân tộc.

     Bài thơ Nôm Bảo kính cảnh giới (bài số 43) đã gợi cho chúng ta thấy một khung cảnh trữ tình mùa hè nơi đồng quê, đã đem đến cho chúng ta nhiều thú vị văn chương. Cái hay của bài thơ không chỉ nằm ở nội dung mà nó còn hay bởi một giọng thơ thâm trầm, hồn hậu đáng yêu với sự kết hợp của nhiều tiếng cổ, cấu trúc câu thơ thất ngôn xen lục ngôn. Phép đối ở phần thực và phần luận khá chặt chẽ về ngôn từ, thanh điệu, hình ảnh và ý tưởng cũng là một phần không thể thiếu để tạo nên cái hay ấy. Cảnh sắc và âm thanh mùa hè quê ta xa xưa như sống dậy qua những vần thơ nhuần nhị đầy cá tính sáng tạo. Ức Trai đã gửi gắm một tình yêu thiên nhiên nồng hậu, một tấm lòng thiết tha với cuộc sống, một niềm ước mong tốt đẹp cho hạnh phúc của nhân dân.

HQ
Hà Quang Minh
Giáo viên
21 tháng 11 2023

    Không biết đã từng có, sẽ còn có bao nhiêu bài viết về Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải? Vậy điều gì đã làm nên sức sống lâu bền cho bài thơ? Mỗi người sẽ có một cách lý giải không hoàn toàn giống nhau, nhưng chắc chắn sẽ gặp nhau ở một điểm chung cơ bản là: chính sự chân thành, giản dị của cảm xúc đã làm nên sức sống cho tác phẩm này!

     Trước hết cần phải khẳng định rằng, Thanh Hải hoàn toàn có quyền tự hào về cái “tôi” đã sống hết “công suất” từ tuổi 17 đến tuổi 50 của mình. Thông thường, khi con người biết chắc chắn rằng, mình đang sống trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời thì bao giờ người ta cũng tự soát xét lại nhân cách của mình một cách nghiêm khắc nhất. Vì thế, lúc nằm trên giường bệnh, Thanh Hải mới thấm thía nỗi cô đơn, bất lực của một cá nhân khi đang dần dần bị tách ra khỏi cộng đồng, một con người đang bị tước dần quyền làm việc. Chính tình cảm bị nén chặt đã bùng nổ thành khát vọng, thành bệ phóng cho sự sáng tạo. Nếu bản chất của sự sáng tạo là sự bất tử thì đây chính là khoảnh khắc thăng hoa tất cả những gì mà Thanh Hải đã chiêm nghiệm để viết thành bài thơ Mùa xuân nho nhỏ. Và khổ thơ đầu đã xuất hiện thật tự nhiên:

Mọc giữa dòng sông xanh

Một bông hoa tím biếc

Ơi con chim chiền chiện

Hót chi mà vang trời

Từng giọt long lanh rơi

Tôi đưa tay tôi hứng

     Khi Thanh Hải viết “Mọc giữa dòng sông xanh / Một bông hoa tím biếc” thì đây không chỉ là ngoại cảnh hay tâm cảnh, mà còn mang dáng dấp của một triết lí sống và sự bất tử. Dòng sông xanh vừa là chính nó và cũng vừa là một hình tượng về thời gian. Đó là dòng chảy vô thủy vô chung, vô tận và lạnh lùng của thời gian. Nó vừa là tác nhân tạo dựng, nâng niu “Một bông hoa tím biếc”, đồng thời cũng là một tác nhân bào mòn, hủy diệt tất cả. “Bông hoa tím biếc” đang hiện hữu kia sẽ trở thành hòai niệm để ngày mai sẽ có một bông hoa khác, cùng loài. Dòng sông thì vĩnh cửu, còn bông hoa dù có rực rỡ đến đâu chăng nữa thì cuối cùng cũng trở thành dĩ vãng. Cũng như mỗi đời người, dù có chói sáng đến đâu chăng nữa, rốt cuộc vẫn phải ra đi theo quy luật sinh tử của muôn đời.

     Thông qua các hình tượng nghệ thuật, chúng ta có thể cảm nhận được ý nghĩa đích thực của cuộc sống, ngay trong mạch cảm xúc buồn nhớ mênh mông, trong tâm tưởng của ông vẫn vang lên những âm thanh reo vui của cuộc sống: “Ơi con chim chiền chiện / Hót chi mà vang trời”. Tiếng chim hót là âm thanh của tự nhiên nhưng nó đã cộng hưởng với tiếng reo vui trong tâm hồn của nhà thơ, đó là tiếng reo vui của niềm tự hào về cái “tôi” trọn vẹn và thanh thản. Một bông hoa có thể sẽ tàn nhưng vẻ đẹp của nó thì vẫn còn ám ảnh lâu bền trong tâm trí con người. Một con người có thể sẽ phải ra đi vĩnh viễn, nhưng những đóng góp có giá trị về tinh thần của con người ấy thì có thể sẽ còn mãi với thời gian. Với niềm tự hào chân thành ấy, nhà thơ dường như đã bứt hẳn ra khỏi tâm trạng man mác hư vô để hòa mình vào không khí rộn rã, náo nức của mùa xuân; để cảm nhận và thâu nhận được cái “hồn vía” tưởng như rất vô hình của không gian và thời gian đang thấm đẫm sắc xuân, hương xuân: “Từng giọt long lanh rơi / Tôi đưa tay tôi hứng”. Chúng ta đã từng bất lực trước một “tiếng huyền” trong “Thơ duyên” của Xuân Diệu, một “vị xa xăm” trong “Quê hương” của Tế Hanh, nay có lẽ cũng sẽ bất lực trước “Từng giọt long lanh rơi” của Thanh Hải? Bất lực vì không thể giải thích một cách tường minh xem “tiếng huyền” là tiếng gì, “vị xa xăm” là vị gì và “từng giọt” là giọt gì, nhưng vẫn có thể cảm nhận bằng linh giác, bằng trí tưởng tượng...về cái hay, về vẻ đẹp và sự độc đáo của các hình tượng đa nghĩa này. Nếu “tiếng huyền” là những âm thanh xao xuyến ngân vang trong tâm hồn để trở thành âm hưởng chủ đạo cho “một cõi yêu đương”, “vị xa xăm” là hoài niệm về một thời thăm thẳm thì “từng giọt” có thể là những niềm vui lớn có khả năng làm hồi sinh lòng ham sống của một con người đang ý thức rất sâu sắc về cái chết không sao cưỡng nổi đang đến với mình từ từ, lạnh lùng và tàn nhẫn! Hiểu như thế chúng ta mới có thể đồng cảm và xúc động trước một hành động tha thiết hướng tới sự sống của nhà thơ: “Tôi đưa tay tôi hứng”!

     Từ hành động tha thiết hướng tới sự sống ấy, tác giả đã tái hiện cuộc sống lao động và chiến đấu sôi nổi, háo hức mà mình từng gắn bó suốt đời:

Mùa xuân người cầm súng

Lộc giắt đầy trên lưng

Mùa xuân người ra đồng

Lộc trải dài nương mạ

Tất cả như hối hả

Tất cả như xôn xao...

     Đây là niềm vui được bắt nguồn từ niềm tin sắt đá vào tương lai của đất nước:

Đất nước bốn nghìn năm

Vất vả và gian lao

Đất nước như vì sao

Cứ đi lên phía trước

     Đất nước hình thành, tồn tại và phát triển trong chiều dài của “bốn ngàn năm” lịch sử và chiều sâu của những nghĩ suy trăn trở để tỏa sáng “như vì sao” trong kí ức của mỗi con dân đất Việt. Chính “vì sao” ấy là vầng hào quang của quá khứ và cũng là điểm tựa tinh thần cho hiện tại. Như mọi công dân chân chính khác, trong cái “Vất vả và gian lao” của đất nước, tác giả cũng có phần đóng góp công sức nhỏ bé của mình, đó là phần đóng góp tự nguyện như một lẽ sống:

Ta làm con chim hót

Ta làm một cành hoa

Ta nhập vào hòa ca

Một nốt trầm xao xuyến

     Cái “tôi” của nhà thơ như một dòng suối nhỏ khiêm nhường đã hòa vào cái “ta” của “dòng sông xanh” trên quê hương, đất nước mình. Từ vị thế của cái “ta, chúng ta”, tức là vị thế của người trong cuộc, nhà thơ đã chân thành tâm sự với bạn bè, đồng chí của mình về một lẽ sống thật giản dị.

     Bài thơ ra đời vào tháng 11 năm 1980, đó là một năm trong thập kỷ (1976 – 1986) khi đất nước ta đang phải đối mặt với những khó khăn đặc biệt gay gắt. Làm sao Thanh Hải lại không buồn về những điều đó? Nguyễn Duy “giật mình” trước “đột ngột vầng trăng tròn” thi Thanh Hải chắc cũng giật mình khi chợt nghe tiếng chim hót, bông hoa nở...thì đã, đang và sẽ mãi mãi tồn tại; đó là những giá trị vĩnh cửu; đó là cái đẹp vĩnh cửu...Thế còn cái đẹp trong quan hệ giữa con người với con người? Trong quan hệ giữa cái “tôi” với cái “ta”? Liệu có vĩnh cửu không? Thanh Hải không trả lời trực tiếp câu hỏi này mà thay vào đó bằng một lời nhắn nhủ. Ông đã nhắn nhủ điều gì? “Ta làm con chim hót / Ta làm một nhành hoa / Ta nhập vào hòa ca / Một nốt trầm xao xuyến”. Làm con chim thì phải có tiếng hót riêng. Làm bông hoa thì phải có hương sắc riêng. Nhưng những cái riêng ấy chỉ được xác lập giá trị trong quan hệ với cái chung, tức là với những cá thể cùng loài xung quanh. Không thể và cũng không nên so sánh giữa tiếng hót của con chim với hương sắc của bông hoa, cái nào có ích hơn, cái nào quan trong hơn?...Mỗi người cũng vậy, có một giá trị riêng không thể so sánh. Vì thế trong bản “hòa ca” đoàn kết, nên có người ở vị trí khiêm tốn như một “nốt trầm”. Nhưng một “nốt trầm” ấy phải có bản sắc riêng của mình như tiếng hót riêng của mỗi con chim và hương sắc riêng của mỗi bông hoa bởi đó là bản “hòa ca” có “nhạc luật” chứ đâu phải là “hòa tan”: một cách vô vị, nhạt nhẽo?

     Nếu mùa xuân của đất nước là một mùa xuân lớn thì mùa xuân lớn lại được kết dệt bởi muôn vàn những mùa xuân nhỏ khác, đó là mùa xuân của mỗi đời người:

Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc

     Mỗi đời người lại giống như một dòng suối nhỏ lặng lẽ góp nước cho một dòng sông lớn để dòng sông lớn ấy góp nước cho đại dương. Cái sự “góp nhặt” ấy cứ lặp đi lặp lại tới muôn đời, cho dù là có tự giác hay không tự giác thì nó vẫn cứ diễn ra như vậy, không thể nào khác! Điều quan trọng là ở chỗ sự “góp nhặt” ấy phải kiên trì, bền bỉ trong mọi hoàn cảnh thăng trầm của cuộc đời để cuối cùng nó vượt lên hoàn cảnh như một đức hi sinh cao cả: “Dù là tuổi hai mươi / Dù là khi tóc bạc”. Đó chính là phẩm chất cao quý của ý thức tự nguyện hi sinh cái “tôi” cho cái “ta” bao la của mùa xuân đất nước:

Mùa xuân – ta xin hát

Câu Nam ai, Nam bình

Nước non ngàn dặm mình

Nước non ngàn dặm tình

Nhịp phách tiền đất Huế.

     Mùa xuân đẹp quá khiến ta bất giác cất lên lời. Tất cả đều xao xuyến, bồi hồi trong giai điệu buồn của câu “Nam ai” và chất trữ tình của câu “Nam bình”; trong “nhịp phách tiền” rất đỗi thân quen nhưng dường như bỗng trở nên da diết như một lời chào tiễn biệt? Trong cái mênh mông của “Nước non ngàn dặm”, nơi nào mà chẳng thấm đẫm tình bạn, tình người và tình yêu? Nơi nào mà ta chăng lưu luyến, bâng khuâng? Vì thế mà nỗi nhớ nhung cũng mênh mông không bến bờ! Giờ đây, nằm trên giường bệnh, ta dường như đang trôi trong vầng hào quang của hoài niệm...Cuộc đời ồn ào náo động xa dần, mơ hồ, văng vẳng... nhưng dường như càng xa nó càng trở nên cồn cào hơn, tha thiết hơn!

15 tháng 5 2018

- Bộ phận văn học chữ Hán:

Tên tác phẩm Tác giả Thể loại
Con hổ có nghĩa Vũ Trinh sưu tầm  
Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng Hồ Nguyên Trừng  
Sông núi nước Nam Lí Thường Kiệt Thơ
Phò giá về kinh Trần Quang Khải Thơ
Thiên Trường vãn vọng Trần Nhân Tông Thơ
Côn Sơn ca Nguyễn Trãi Thơ
Chiếu dời đô Lí Công Uẩn Chiếu
Hịch tướng sĩ Trần Quốc Tuấn Hịch
Bình Ngô đại cáo Nguyễn Trãi Thơ
Bàn luận về phép học Nguyễn Thiếp Tấu
Chuyện người con gái Nam Xương Nguyễn Trãi Truyện
Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh Lê Hữu Trác Tùy bút
Hoàng Lê nhất thống chí Ngô gia văn phái Tiểu thuyết chương hồi

- Các văn bản bằng chữ Nôm:

Tên tác phẩm Tác giả Thể loại
Sau phút chia li Đoàn Thị Điểm Thơ song thất lục bát
Bánh trôi nước Hồ Xuân Hương Thất ngôn tứ tuyệt
Qua đèo Ngang Bà Huyện Thanh Quan Thất ngôn bát cú
Bạn đến chơi nhà Nguyễn Khuyến Thất ngôn bát cú
Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác Phan Bội Châu Thất ngôn bát cú
Đập đá ở Côn Lôn Phan Châu Trinh Thơ thất ngôn bát cú
Muốn làm thằng Cuội Tản Đà Thơ thất ngôn bát cú
Hai chữ nước nhà Trần Tuấn Khải Song thất lục bát
Chị em Thúy Kiều Nguyễn Du Truyện thơ
Cảnh ngày xuân Nguyễn Du Truyện thơ
Kiều ở lầu Ngưng Bích Nguyễn Du Truyện thơ
Mã Giám Sinh mua Kiều Nguyễn Du Truyện thơ
Kiều báo ân báo oán Nguyễn Du Truyện thơ
Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga Nguyễn Đình Chiểu Truyện thơ
Lục Vân Tiên gặp nạn Nguyễn Đình Chiểu Truyện thơ
31 tháng 8 2023

Phương pháp giải:

Sau quá trình học tập, tự rút ra những lưu ý cho bản thân.

Lời giải chi tiết:

Bài học

Một số điều thu nhận được

Cách đọc một văn bản thơ.

- Đọc dựa vào mạch cảm xúc và cảm hứng chủ đạo của bài thơ.

- Đọc diễn cảm.

- Để ý các dấu hiệu nghệ thuật như vần, nhịp, thanh, thể thơ, các biện pháp tu từ,...

Cách sắp xếp trật tự từ trong câu.

- Đảm bảo đúng ngữ pháp và lô-gíc ngữ nghĩa.

- Giúp câu văn, bài văn của mình hay và tránh lặp từ cũng như thừa từ.

- Cách viết một văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm văn học: chủ đề, những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật và tác dụng của chúng.

- Cách giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm văn học.

- Giới thiệu rõ ràng tác phẩm sẽ phân tích, đánh giá.

- Xác định rõ, đúng đối tượng viết và người nghe.

- Hiểu được các sự kiện chính có trong tác phẩm.

- Phân tích, đánh giá chủ đề của tác phẩm.

- Đánh giá tác dụng của những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật trong việc thể hiện chủ đề của tác phẩm.

- Có lí lẽ thuyết phục và bằng chứng tin cậy lấy từ tác phẩm.

Cách nghe người khác trình bày ý kiến, quan điểm và trao đổi, nhận xét, đánh giá về các ý kiến đó.

- Tìm hiểu về các kiến thức liên quan đến vấn đề sẽ được nghe.

- Chuẩn bị giấy, bút để ghi chép.

- Ghi chép ngay những thắc mắc, những câu hỏi muốn trao đổi với người nói về bài đánh giá.

- Đưa ra những lời nhận xét, thắc mắc, trao đổi của mình với người nói bằng một giọng điệu nhẹ nhàng và thái độ tôn trọng.

6 tháng 5 2023

Bài học

Một số điều thu nhận được

Cách đọc một văn bản thơ.

- Đọc dựa vào mạch cảm xúc và cảm hứng chủ đạo của bài thơ.

- Đọc diễn cảm.

- Để ý các dấu hiệu nghệ thuật như vần, nhịp, thanh, thể thơ, các biện pháp tu từ,...

Cách sắp xếp trật tự từ trong câu.

- Đảm bảo đúng ngữ pháp và lô-gíc ngữ nghĩa.

- Giúp câu văn, bài văn của mình hay và tránh lặp từ cũng như thừa từ.

- Cách viết một văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm văn học: chủ đề, những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật và tác dụng của chúng.

- Cách giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm văn học.

- Giới thiệu rõ ràng tác phẩm sẽ phân tích, đánh giá.

- Xác định rõ, đúng đối tượng viết và người nghe.

- Hiểu được các sự kiện chính có trong tác phẩm.

- Phân tích, đánh giá chủ đề của tác phẩm.

- Đánh giá tác dụng của những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật trong việc thể hiện chủ đề của tác phẩm.

- Có lí lẽ thuyết phục và bằng chứng tin cậy lấy từ tác phẩm.

Cách nghe người khác trình bày ý kiến, quan điểm và trao đổi, nhận xét, đánh giá về các ý kiến đó.

- Tìm hiểu về các kiến thức liên quan đến vấn đề sẽ được nghe.

- Chuẩn bị giấy, bút để ghi chép.

- Ghi chép ngay những thắc mắc, những câu hỏi muốn trao đổi với người nói về bài đánh giá.

- Đưa ra những lời nhận xét, thắc mặc, trao đổi của mình với người nói bằng một giọng điệu nhẹ nhàng và thái độ tôn trọng.