(4 điểm) Đọc văn bản sau:
Tổ quốc em hình gì?
Đoàn Công Lê Huy
1. Nếu có một bài văn ra đề rằng: "Đất nước em hình gì?" em sẽ trả lời như thế nào?
2. Có phải là "Tổ quốc em như một con tàu, mũi thuyền ta đó mũi Cà Mau" để bày tỏ khát vọng ra khơi của đất nước mấy nghìn năm neo đậu? Để bày tỏ ước mơ giao hòa thế giới bao quanh địa cầu tươi đẹp này? Để gần hơn nữa với mọi quốc gia, mọi màu da trong thời kì hội nhập?
3. Có phải hiện hình trong em là "đất nước hình bông lúa" để em xót xa nhiều một dáng mẹ, dáng cha một nắng hai sương nuôi em ăn học? Để em mang theo trong mình hồn xứ sở khi em lớn khôn đi khắp mọi miền? Để em ơn nghĩa với bà con, với đồng bào đã góp sức lực, góp dáng hình vào trong mỗi bước em đi?
4. Có phải là "đất nước em mang hình tia chớp" để em không quên một thời đạn bom, một thời anh dũng. Để em không quên một xứ sở khó nhọc, quanh năm trông trời, trông đất, trông mây, trong mỗi giấc ngủ của ông cha cũng ám ảnh mưa nguồn chớp bể?
5. Có phải đất nước em hình người mẹ già ngồi đan nón lưng còng để nhắc em một lịch sử lâu dài cả đất nước đói nghèo trong rơm rạ? Để nhắc em Việt Nam mình còn đang ở top nghèo?
6. Có phải đất nước em "hình chim câu" để mơ mãi quê hương thanh bình, không có cảnh loạn lạc, không có cảnh đầu rơi máu chảy, mẹ đợi con, vợ chờ chồng trong biệt li, không hẹn ngày về? Có phải đất nước em "hình chim câu" cũng là để cho em mong đợi đất nước em có một ngày vỗ cánh?
7. Có phải đất nước em hình tro mái tranh nghèo che nắng, che mưa, che cả dải đất nép mình bên bờ biển Đông? Để em cảm động hơn về tình người "nhiễu điều phủ lấy giá gương"? Để em tự hào hơn về thành tựu xóa đói, giảm nghèo suốt mấy năm qua? Để em thấy tin tưởng hơn khi tỉnh này chủ trương xóa mái tranh nghèo vào năm 2005, khi tỉnh nọ quyết tâm hoàn thành dứt điểm việc xóa phòng học ba ca, tranh tre nứa lá vào năm 2004?
8. Và cứ thế, trong mỗi trái tim VIỆT có một dáng hình nước VIỆT. Nên chăng mỗi lớp học phải treo một bản đồ VIỆT NAM ở nơi cao nhất, trang trọng nhất để luôn khắc sâu trong tim mình hình chữ S này? Để nhắc nhở em chăm học, để nhắc nhở em danh dự và trách nhiệm của một công dân nước VIỆT? Bởi không phải Tổ quốc em hình gì mà điều quan trọng hơn em còn phải biết "hóa thân vào dáng hình xứ sở":
Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên ĐẤT NƯỚC muôn đời
(Nguyễn Khoa Điềm)
Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5 (trình bày ngắn gọn):
Câu 1. Xác định những phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản.
Câu 2. Chỉ ra luận đề của văn bản.
Câu 3. Cách mở và kết của văn bản có gì đặc biệt?
Câu 4. Nhận xét về cách lập luận của tác giả.
Câu 5. Phân tích tác dụng của phép lặp trong văn bản.
Bản sắc văn hóa dân tộc là linh hồn của một quốc gia, thể hiện qua ngôn ngữ, phong tục, tín ngưỡng, nghệ thuật và lối sống. Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa không chỉ là trách nhiệm của riêng một thế hệ mà là nhiệm vụ chung của toàn xã hội. Đặc biệt, thế hệ trẻ - những người chủ tương lai của đất nước – có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
Trước hết, thế hệ trẻ là cầu nối giữa quá khứ và tương lai. Họ không chỉ tiếp nhận tinh hoa văn hóa dân tộc từ thế hệ đi trước mà còn có nhiệm vụ truyền lại cho các thế hệ sau. Nếu không có sự tiếp nối này, bản sắc văn hóa sẽ dần mai một, khiến đất nước đánh mất dấu ấn riêng giữa dòng chảy hội nhập.
Bên cạnh đó, thế hệ trẻ có thể áp dụng những tiến bộ khoa học, công nghệ vào việc bảo tồn văn hóa. Thông qua các nền tảng số như mạng xã hội, phim ảnh, âm nhạc hay du lịch, họ có thể giới thiệu văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế, đồng thời làm cho văn hóa dân tộc trở nên gần gũi hơn với thế hệ trẻ trong nước. Những phong trào phục hưng trang phục truyền thống, quảng bá ẩm thực Việt hay tái hiện nghệ thuật dân gian qua các nền tảng trực tuyến là minh chứng cho sự sáng tạo của lớp trẻ trong việc giữ gìn di sản.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy một bộ phận thanh niên ngày nay có xu hướng chạy theo trào lưu ngoại lai, xem nhẹ giá trị văn hóa truyền thống. Điều này đặt ra yêu cầu về giáo dục và nâng cao nhận thức để thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về giá trị của bản sắc dân tộc. Gia đình, nhà trường và xã hội cần chung tay bồi đắp lòng tự hào dân tộc, giúp giới trẻ nhận thức được trách nhiệm của mình đối với di sản cha ông.
Tóm lại, thế hệ trẻ đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Họ không chỉ là người kế thừa mà còn là nhân tố sáng tạo, làm cho văn hóa truyền thống ngày càng phong phú và phù hợp với thời đại. Mỗi người trẻ hãy ý thức rõ trách nhiệm của mình, để bản sắc dân tộc không chỉ được bảo tồn mà còn tỏa sáng trên trường quốc tế.