Sáng tác hoặc kể lại những câu chuyện về thầy cô, mái trường để thể hiện niềm biết ơn với những người thầy đã truyền cho ta tri thức, nuôi dưỡng tình cảm, giáo dục nhân cách cho mỗi chúng ta.

-----------------------------

     CHÚC MỪNG CÁC BẠN DƯỚI ĐÂY ĐÃ ĐẠT GIẢI VĂN VUI HÀNG TUẦN - BÀI VĂN SỐ 89:

DƯỚI ĐÂY LÀ BÀI VĂN ĐẠT GIẢI NHẤT: NGọc LInh

       Trong cuộc đời của mỗi con người, lứa tuổi học sinh là khoảng thời gian không dài nhưng là những năm tháng mà ta nhớ nhất. Ở mái trường thân yêu được chơi cùng bạn bè, được thầy cô tận tình giảng dạy yêu thương. Cho đến bây giờ, em đã lên nhiều lớp, được sự quan tâm của nhiều thầy cô nhưng có lẽ không bao giờ em quên được người giáo viên đã dạy mình 3 năm cấp một.

       Em sẽ kể cho mọi người nghe về một người không có đũa phép nhưng vẫn là một cô tiên. Đây không phải là một câu chuyện cổ tích nhưng lại là câu chuyện cổ tích đẹp nhất trong khoảng thời gian đi học của em. Câu chuyện về một giáo viên tốt nhất trên đời đối với em.

       Người giáo viên chủ nhiệm năm em lên 8 tuổi, cô ấy tên là Thạch. Cô chẳng có đôi mắt hiền dịu hay gương mặt quá đẹp. Chỉ là ở trên người cô toát ra một loại cảm giác khiến người ta thấy cô rất sang. Và cô là một người vô cùng nghiêm khắc với học trò. Thủa mới vào lớp học, cũng như bao đứa bạn đồng trang lứa khác, em rất sợ cô. Mỗi tiết cô dạy cả lớp đều ngồi im nghe cô giảng không phải chỉ vì cô dạy quá hay mà còn là vì sợ cô phạt.

       Thủa đó em là một đứa học khá, đầu óc của em không tồi nên tiếp thu bài rất nhanh, cũng thường xuyên phát biểu trước lớp. Dần dần, em cảm nhận rõ rệt sự quan tâm của cô đối với em, nói sao nhỉ? Chính là có lẽ cô thương em nhất trong lớp. Tất nhiên học trò của cô ai cô cũng đều thương cả, chỉ là đối với em cô lại có một sự quan tâm nhiều hơn các bạn. Có rất nhiều lý do để giải thích điều này. Chắc là vì em là một cô học trò ngoan luôn nghe cô giảng bài tập trung phát biểu và làm bài tập đầy đủ. Nhưng có lẽ lý do lớn nhất bởi vì nhà em nghèo. Em sinh trong một gia đình không được sung túc như các bạn đồng trang lứa. Khi chúng bạn mang cặp đến trường với những cuốn sách mới tinh thì em lại học cuốn sách đã cũ của người chị hơn em tới năm tuổi. Khi chúng bạn đăng kí ăn nội trú ở trường thì em lại mang sách vở về để trưa làm bài tập ở nhà. Khi chúng bạn đua nhau đi học thêm ở thầy này cô khác thì em vẫn phải mày mò tự học bài để không thua kém bạn bè. Vì gia đình em đâu đủ tiền để cho em được phép như các bạn. Phải chăng cô thương một cô bé nhỏ chăm chỉ học hành, thương một cô bé ngày ngày được bố chở đi trên chiếc xe đạp đã cũ, thương một cô bé mỗi buổi trưa khi các bạn ăn xong rồi chơi vẫn phải đứng dưới gốc cây nắng khô chờ người nhà đến đón?

       Nguyên nhân chắc hẳn xuất phát từ nhiều điều nhưng thứ em cảm nhận rõ nhất là tình thương vô bờ mà cô ấy dành cho em. Mỗi buổi học, giảng xong bài cô sẽ lại gần em và hỏi “em hiểu bài chưa?”. Chỉ một cái lắc đầu nhè nhẹ, cô cũng sẵn sàng giảng lại cho em tỉ mỉ từng chút một. Cô luôn quan tâm và hỏi han về gia đình của em. Còn nhớ như in những lần bố em đến đón em về muộn vào mỗi buổi trưa, cô sẽ dừng bữa ăn của mình lại, đi ra chỗ em đứng chờ và đút vào tay em vài cái kẹo nhỏ, nói chuyện với em để em bớt buồn. Rồi những buổi chiều khi bố chở em tới trường để vào học như các bạn, thi thoảng trên đường có gặp cô thì cô sẽ không ngại mà bảo em lên xe cô chở. Chiếc xe của cô là một chiếc xe ga ngồi êm ru rất thích, không cứng và thi thoảng còn phát ra âm thanh cọc cạch khó nghe như xe của bố. Người mẹ hiền thứ hai ấy không chỉ dạy em cách trở thành một học sinh giỏi hơn mà còn giáo dục em giúp em trở thành một đứa con ngoan. Những lần ngồi sau xe cô, cô đều tranh thủ hỏi em về độ tiếp thu các môn học như thế nào nhưng điều cô dặn em nhiều nhất cũng chính là những điều cả đời này em không dám quên. Cô dạy em rằng bố mẹ em không được như những người khác, bố mẹ không có công việc ổn định vì vậy mà họ khổ về vật chất, họ vất vả lắm mới nuôi được 3 chị em học hành. Khuyên em đừng vì thế mà tự ti, phải nhìn vào những góc nhà dột, soi vào chiếc xe đạp cũ và cái lưng cong của bố mỗi khi gồng lên để chở em tới trường khỏi muộn mà biết yêu thương bố mẹ nhiều hơn. Em chả đếm được đã bao nhiêu lần sau khi cô gặp bố mẹ em và bảo với họ rằng cho em đến nhà cô học thêm. Cô khen em là đứa trẻ ngoan ngoãn, thông minh nếu được học thêm như các bạn nhất định chỉ có hơn chứ không có thua các bạn trong lớp nhưng điều đặc biệt nhất ở đó là cô khẳng định sẽ không lấy tiền của gia đình em. Cô muốn dạy em vì điều đó giúp được em và cũng khiến cô vui, vậy thôi. Sau này em đã không đến nhà cô học thêm vì nhiều lý do nhưng mà chuyện đó đọng trong lòng em mãi. Vì thế mà ở nhà em vẫn học hành rất chăm chỉ để không phụ sự mong mỏi của bố mẹ và cô giáo.

       Năm em học lớp 4, thật may mắn cô vẫn làm chủ nhiệm lớp và tiếp tục đồng hành với em. Năm đó có cuộc thi toán tuổi thơ, em có đi học bồi dưỡng nhưng không được đi thi chính thức. Dù vậy, không ít bạn cũng học như em phải nộp tiền duy chỉ có tiền em nộp cô nhất quyết không nhận. Tới năm em học lớp 5, bố mẹ quyết định cho em ở lại ăn bán trú. Em là một đứa nhỏ gầy khô vì di truyền tất cả mọi người trong đại gia đình của bố em đều như thế. Cô thì rất quan tâm đến suất ăn của em, thi thoảng em đang ngồi ăn với lũ bạn cô sẽ gọi em lên vừa ăn vừa trò chuyện cùng cô. Lại là những lời hỏi han về gia đình về bố mẹ và ông bà của em. Cô còn quan tâm như thể mẹ của em vậy, cô dùng đũa gắp thức ăn của cô vào bát bảo em ăn thật nhiều vào. Những điều đó khiến em cảm thấy ở bên cạnh cô không khác gì ở cạnh người mẹ đã sinh ra và nuôi dưỡng em từ tấm bé. Gặp được một nguời cô giáo tận tình yêu thương mình như vậy có lẽ là một trong những may mắn lớn nhất trong cuộc đời em. Cuối năm học lớp 5, ngày chia tay, trên tay em cầm lẵng hoa đại diện cho lớp tặng cô, cảm xúc lúc đó đối với em thật khó tả. Đó có lẽ là ngày buồn nhất trong suốt quãng thời gian học cấp 1 đối với em. Em phải xa cô rồi, cô giáo kính yêu!

       Sau này, có nhiều lần em trở lại trường cũ để thăm cô nhưng người mẹ thứ hai của em đã chuyển đến dạy nơi khác. Mặc dù đã lâu không còn được gặp cô nữa nhưng dáng vẻ cao cao của cô, sự nghiêm khắc trong dạy học và cả những cử chỉ ân cần ấy chưa từng phai mờ đi trong kí ức của em một chút nào. Bây giờ ở đây, viết ra những điều bình dị mà tuyệt vời cô đã làm cho em trong suốt 3 năm học cấp một, em lại được gặp cô rồi. Em lại được gặp cô trong chính hồi ức của em, gặp người giáo viên năm đó mỉm cười với cô bé 8 tuổi vào một buổi trưa hè, nhẹ nhàng đặt vào bàn tay nhỏ một chiếc kẹo hồng nhạt “lát nữa bố sẽ đến đón thôi. Con chờ một chút nhé, ăn kẹo đi, vị dâu ngọt lắm. Cô đứng đây với con.”

       Cô à, em nhớ cô lắm. Em chỉ muốn gặp lại cô để nói với cô một điều mà trước nay em chưa từng nói “Cảm ơn cô rất nhiều vì tất cả, ngày 20 tháng11 em chúc cô mãi mãi vui vẻ để tiếp tục sự nghiệp trồng người của mình cô nhé!”

DƯỚI ĐÂY LÀ BÀI VĂN ĐẠT GIẢI NHÌ: Ori Yan

       Thời gian thấm thoát trôi qua, còn nhớ như in cái ngày háo hức, hồi hộp níu chặt tay mẹ bước đến cổng trường lớp Một - ngày đầu tiên đi học. Còn nhớ như in câu hát của bài Bụi Phấn vang lên trong ngôi trường cấp hai... Trong nháy mắt, tự hỏi mình đã là học sinh cấp ba tự bao giờ? Thời gian là câu trả lời cho tất cả. Nó có thể xóa nhòa đi mọi thứ, nhưng chắc hẳn ai trong chúng ta cũng chiến thắng thời gian để lưu giữ những ký ức về thầy cô trong kho tàng trí nhớ. Bởi lẽ, thầy cô, mái trường gắn liền với mỗi người học trò trong suốt quãng đường dài, thẳng tắp có, quanh co có, con dốc có... trên mỗi nẻo đường đều chùng chình, dềnh dàng, thắm đượm tình thầy trò. Không bao giờ quên. Cô ơi, cô còn nhớ? Cái ngày ấy...

       Có lẽ khoảng thời gian còn là học sinh cấp Một là ký ức đẹp nhất trong lòng mỗi người. Bởi lẽ, đó là những ngày tháng vui tươi, hồn nhiên, tung tăng nhảy nhót không cần nghĩ suy như chú chim lảnh lót hót trên cành. Ngày tháng đó càng được tô đậm thêm màu hồng khi cô bước vào cuộc sống của em, cô Nguyệt! Em thầm cảm ơn tạo hóa vì đã cho em được gặp cô, giáo viên chủ nhiệm lớp Năm của em! Cô có nhớ đứa học trò đã nửa thật nửa đùa nói với cô rằng: "Em hết tiền rồi, cô bao em đi!". Khi cô hỏi có bút bơm mực để đi thi chưa? Đó là những ngày khẩn trương, gấp rút chuẩn bị cho kỳ thi Vở sạch chữ đẹp cấp quận, và em là một trong những người vinh dự có mặt tại đội ngũ đó. Có một sự thật mà em đã giấu cô suốt ngần ấy thời gian. Cô ơi, em xin lỗi! Thực ra em đã chuẩn bị bút "xịn" hết cả rồi, và không có ý định mua thêm cái mới, cho đến khi cô hỏi. Lúc ấy, chỉ đơn giản là em muốn thử lòng cô, hay nói đúng hơn, là em đoán rằng cô sẽ mỉm cười và cho qua lời đề nghị nực cười của em. Quả thật, cô mỉm cười. Nhưng rồi ngày hôm sau, cô đã dành trọn mấy mươi ngàn - số tiền không hề nhỏ cho một cây viết chỉnh chu - để mua cho em một cây bút mực màu xanh óng ánh - màu em cực kỳ thích. Lại thêm cái ngòi mỏng mảnh trơn tru trong từng nét chữ, thanh đậm hiện ra rõ như trăng rằm, hẳn là cô đã không những bỏ tiền ra mà còn trích quỹ thời gian không hề nhỏ cho món quà đặc biệt này. Em thích lắm, nhanh nhảu cầm lấy chiếc bút từ tay cô và vội cảm ơn cô trong hạnh phúc sau khi nhận được nhiều lời chúc từ cô. Thế là em đã có hai cây bút, vừa xinh xắn vừa giá trị. Tan trường, em vui sướng ca hát trên đường, cho đến khi em nhìn thấy cô... Ở một cửa tiệm bán đồ ăn, cô đứng thẳng người, đầu hơi cúi xuống để chiếu ánh mắt vào cái ví, lật qua lật lại cẩn thận từng ngăn, rồi lấy ra một xấp tiền lẻ. Cô mân mê từng tờ, và đếm. Một lát sau, vẻ sượng, cô ngước lên nhìn cô bán hàng rồi nói gì đó, cô cười ngượng. Cô bán hàng đáp lại bằng nụ cười, nói to: Ối, không sao đâu, chị em quen biết mà, coi như chị giảm giá cho em đấy! Dứt lời, cô Nguyệt vui vẻ nhận lấy hộp cơm tấm khi đã đưa xấp tiền lẻ cho cô bán hàng rồi nhẹ nhàng lên xe, bánh xe đã lăn xa, em phóng ánh mắt nhìn theo... Em đã hiểu ra mọi chuyện! Cô không phải là tiểu thơ đài cát. Cô cũng không mấy "chu đáo" cho bữa ăn của mình. Nhưng chỉ vì lời nói đùa của em, cô đã không ngần ngại dành ra một phần lớn trong gia tài ít ỏi của mình để sắm sửa cho đứa học trò chuẩn bị đi thi. Tự nhủ phải làm gì đó. Hôm sau, cô vẫn nét mặt rạng rỡ đến lớp. Cuối tiết, em ùa lên bàn cô, cười với vẻ ngại ngùng, em chìa ra hai bàn tay cùng số tiền: "Cô ơi, cho em gửi tiền viết bom mực ạ". Cô xoe tròn mắt, lấy lại bình tĩnh, cô nhẹ nhàng cuộn đôi bàn tay bé nhỏ ôm gọn số tiền, cô cười hiền hậu: "Cô không chỉ tặng em cây bút, mà còn có cả trái tim nồng cháy, em sẽ không bao giờ trả hết được đâu!". Em ngây ngô vẻ mặt: "Thế cô có tặng em trái tim nữa ạ? Bằng giấy hay nhựa ạ, sao em không thấy?". Cô cười một lần nữa, nhưng nét cười vẫn tươi như lần nào: "Lớn lên em sẽ hiểu!".

       Như đã nói, thời gian là câu trả lời cho tất cả. Từng câu nói ấm áp của cô luôn đi vào trong tâm trí em dịu dàng như những đóa hoa, một giọng nói trong trẻo như tiếng chuông. Và bây giờ, em đã hiểu! Số tiền năm ấy tuy có lớn về mặt vật chất đối với cô, nhưng lại nhỏ bé vô cùng so với tình cảm xuất phát từ trái tim của cô dành cho em. "Trái tim nồng cháy", không làm từ giấy cũng không sản xuất từ nhựa, tất cả mọi cấu trúc đều được tạo nên từ tình thầy trò vô bờ bến! Một lần nữa, em xin lỗi cô, vì ngày ấy em đã không đón nhận hết tình cảm đó. Và cũng cảm ơn cô rất nhiều, vì cô luôn bên cạnh động viên, an ủi em, chăm sóc em từng tí một. Cô hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu "Người mẹ thứ hai" của tất cả học trò chúng em!

       Ai đó đã nói rằng, trên thế gian, không ai là hoàn hảo. Nhưng trong mắt em, cô lúc nào cũng hoàn hảo. Em xin hát lại câu hát quen thuộc năm xưa, nhưng đến bây giờ mới hiểu hết ý nghĩa của nó: "Một bông hồng, em dành tặng cô. Một bài ca, hát riêng tặng thầy. Những món quà, bé nhỏ đơn sơ, nhưng chứa chan lòng kính yêu vô bờ...". Cô ơi! Em yêu cô, rất rất yêu!

DƯỚI ĐÂY LÀ BÀI VĂN ĐẠT GIẢI BA: Phạm Thị Thùy Linh

       Tôi viết ra đây dòng văn bằng tất cả cảm xúc của tôi, viết ra từ trái tim nhỏ bé này một tình yêu bao la và rộng lớn. Chỉ sợ, trang giấy này không đủ để tôi trải lòng, bàn tay này nhanh mỏi để tôi chẳng kịp nói hết. Còn với tôi, câu chuyện về người cô ấy cứ là dấu ấn mãi mãi trong lòng tôi, để mỗi lần nhắc đến, tôi lại không khỏi rưng rưng sao xuyến cả nỗi lòng. 

       Tôi lục lọi trong trí óc của mình và tìm lại những tháng ngày kỉ niệm của năm ấy và chợt nhận ra nỗi nhớ cứ tràn về như mới từ hôm qua. Cũng như năm ấy, năm nay, mùa thu lại sang khi những chiếc lá vàng rụng xuống làn đường đan vào nhau như tấm thảm trên nền đất. Cũng như năm ấy, tôi vẫn là đứa học sinh nhỏ bé, thơ dại. Lần đầu tôi gặp được cô cũng là một ngày vào thu, một ngày tựu trường vào lớp 6. Nhưng khi ấy, cảm xúc của tôi với cô cũng như bao cô giáo khác, cũng tôn trọng và nếu cô có chợt đi qua, tôi sẽ lặng lẽ cúi đầu nghiêm nghị chào. Ngoài ra, trái tim tôi cũng không có sự rung động gì thêm và với tôi, tôi cũng chẳng lấy điều đó làm ấn tượng. 

       Người ta nói, ấn tượng đẹp nhất là ở ấn tượng đầu tiên. Nếu như đã ấn tượng một ai về lần đầu thì học sẽ nhớ mãi cả đời. Nhưng không phải ai cũng thế. Tôi nhớ mãi về người cô ấy đâu phải tại ấn tượng lần đầu tiên, đó là tại cô đã dạy dỗ tôi trở thành con người biết yêu thương, cô đã nuôi nấng trái tim nhỏ bé của tôi, thật đấy! 

       Lần ấy là một ngày hạ, buổi chiều mà có lẽ tôi sẽ nhớ mãi trong cuộc đời học sinh này. Tôi vẫn nhớ, tiếng trống trường hôm ấy kéo dài lắm, giống như thời gian vậy. Tôi bước vào lớp, tâm trạng ngột ngạt, uể oải mệt nhoài. Tôi chờ điểm thi. Cái cảm giác chờ đợi đó còn khổ hơn cả tôi học bù đầu suốt ngày suốt đêm như khi chưa thi vậy. Cô bước vào lớp và giảng bài. Mọi thứ vẫn thế, vẫn chẳng có gì thay đổi như mọi khi. Đến cuối giờ, khoảng 5 phút nữa, cô bất chợt gọi tên tôi lên bảng kiểm tra bài, và thật bất ngờ, đúng hôm ấy tôi lại chưa chuẩn bị bài tốt. Cuối cùng là bị cô mắng... Nhưng tôi nghĩ, cô mắng cũng phải....

       Đến chiều tối hôm đó, dưới huyện thông báo có điểm, và tôi thật sự bất ngờ trước điểm số của tôi. Tôi vui vì tôi làm được, và tôi vui vì bản thân mình đã làm cô vui. So với người khác, điểm số đó không cao, nhưng đó là tất cả những nỗ lực của tôi, tất cả những gì tôi đã cố gắng và sau bao nhiêu khó khăn gian khổ, tôi đã được nếm mùi của hạnh phúc ngập tràn. Và đặc biệt nhờ cô, tôi mới được như thế ... 

       Chỉ sau 4 tháng, tôi lại tiếp tục với kì thi tiếp theo. Lần này, tôi cũng đã cố gắng hết mình để làm bài cho thật tốt. Nhưng điểm của tôi lại chẳng thể như mong muốn, và điều khiến tôi buồn nhất là tôi không thể tiếp tục làm cô giáo của tôi vui vì có lẽ và chắc chắn đó là kì thi cuối cùng rồi. Nhưng kì lạ thay, cô vẫn dành cho tôi một tình cảm yêu thương đến kì lạ , một tình yêu giống như một người mẹ. Tôi thất bại, nhưng cô không trách mắng, cô lại càng an ủi. Thế tôi mới biết, những thầy cô giáo luôn mỉm cười trước học sinh của mình, dù kết quả ra sao. Thế tôi mới biết, tình cảm của giáo viên là bao la thế nào. 

       Tôi đang viết lên bằng chính cuộc đời học sinh của tôi, bạn có hiểu?