Con người ta ấy, dù ít hay nhiều hẳn sẽ có một lần đắm chìm và choáng ngợp trước ánh sáng rực rỡ của pháo hoa giữa trời đêm. Nhưng liệu có một ai nhớ rằng, pháo hoa trước khi toả sáng lộng lẫy như thế chỉ là một hộp thuốc pháo bình thường? Muốn đập tan được màn đêm, pháo hoa đã chọn đốt cháy mình thay vì nằm im đợi chờ quên lãng. Mỗi lần nhìn pháo hoa như thế tôi lại nghĩ đến hai câu thơ quen thuộc: “Thà tôi cháy vèo trong gió/Còn hơn thối rữa trên cành”. Pháo hoa đã như thế, còn con người thì có dám như pháo hoa mà “cháy vèo trong gió” hay lại đợi “thối rữa trên cành”?

Viết về cách sống, nhà thơ Xergei Exenin đã mang một tâm thế thật sẵn sàng, thật nhiêt huyết mà khẳng định rằng ông muốn được “cháy vèo” thay vì “thối rữa”. “Cháy vèo” đó là chọn lựa dấn thân vào đời để cảm nhận sự sống thật trọn vẹn. Như mang trong mình một ngọn lửa, Exenin muốn hết mình sống, hết mình sáng rực lên như pháo hoa giữa trời đêm. Ngược lại, ông không chấp nhận một cuộc đời phẳng lặng đến nhàm chán, vô nghĩa như một chiếc lá trên cành. Bởi lẽ sau khi dấn thân để cháy vèo, những gì còn lại có thể chỉ là cát bụi, là tàn pháo rơi vãi trên mặt đất nhưng vẫn hơn sống vô vị rồi chết đi như một lẽ tất yếu. Có thể con người ta phải đánh đổi, phải chịu tổn thương, đau đớn cho một lần được “rực cháy” nhưng đó mới là một cuộc sống xứng đáng để lựa chọn thay vì cứ sống rồi chết như một cỗ máy được lập trình sẵn để tuân theo quy luật sanh-lão-bệnh-tử. Qua đây, Exenin đã gửi gắm với người ta một cách nhìn khác về lối sống và những chọn lựa để sống: Hãy can đảm dù chỉ một lần để sống cho đã đời, chếnh choáng dưới bầu trời này thay vì ái ngại, chùn bước rồi đợi đến ngày héo tàn.

Có bao giờ bạn thử nghĩ, rốt cuộc, sống là gì? Sống là khi bạn được sinh ra từ bụng mẹ, được ban cho hơi thở, hình hài? Sống là khi bạn có một chiếc thẻ căn cước để chứng minh được sự hiện diện của mình trên cõi đời? Hay sống thật sự chính là khi bạn tự tạo ra bản thân, tự định nghĩa mình bằng những gì đã làm được, những gì đã mang đến cho cuộc đời? Sống khác với tồn tại, sống là khi bạn dùng những hoạt động, những giá trị để ở trong cuộc đời chứ không phải quẩn quanh giữa những tù đọng, lây lất hiện hữu rồi tự biện minh cho sự tồn tại vô nghĩa lý của mình. Và “cháy vèo” là cách bạn định nghĩa, khẳng định sự sống thật sự của mình. Cái hành động nghe như ngông cuồng, mạo hiểm đó là cách để bạn và cuộc đời này nhận ra bạn là ai, bạn làm được gì và bạn sống ra sao. Trái lại, khi người ta chấp nhận “nhắm mắt đưa chân” cho một cuộc đời trôi nổi theo dòng chảy của cuộc đời, họ chỉ đang tồn tại: tồn tại một cách mờ nhạt, luẩn quẩn rồi đợi chờ để trở về với hư vô. Vậy nên, chỉ có chấp nhận những trở ngại, thử thách như thể chỉ một lần “cháy vèo” mới là sống, mới thật sự là tận hưởng cuộc đời trọn vẹn. Và cũng chính chọn lựa để hành động như thế mới là cách con người sống như chính mình là, trở thành “chính tôi” một cách hoàn toàn!

   

Làm một chiếc lá trên cành? Đã bao giờ bạn thử hình dung rồi sẽ ra sao nếu mình trải qua một cuộc đời thầm lặng mỗi ngày đều như một? Sẽ thế nào nếu như bạn có một cuộc đời yên ả giữa một nhịp sống vội vã nơi mà ai nấy đều hối hả, vội vàng với cuộc đời đầy biến động với những sắc màu đan xen trong nhau? Con người ta liệu có cách nào để sống một cách vui vẻ, đầy hứng khởi, hồ hởi nếu chỉ lẳng lặng một đời? Không, con người không thể trải nghiệm một cuộc sống mỹ mãn nếu không chịu dấn thân, không chịu trải nghiệm những điều quanh mình. Nếu chỉ ở mãi trong một vùng an toàn, lo sợ không dám vươn mình để ngước nhìn thế giới, con người ta sẽ bị bỏ lại phía sau cuộc đời, bị lãng quên và chìm đắm trong sự cô độc. Cuộc sống rồi sẽ chỉ là vô vị, chán chường nếu ta không dám thoát khỏi chiếc kén an toàn của mình để tung cánh bay lên trời cao. Vì sao loài bươm bướm bao đời này đều chấp nhận bỏ lại chiếc kén đã bảo vệ mình an toàn phía sau lưng? Vì chỉ bằng cách ấy, bằng cách để cho mình bay đi cùng những cơn gió thì nó mới có thể tự mình sống, tự mình trải nghiệm thế giới muôn hình vạn trạng. Bướm vàng sẵn sàng đối diện với hiểm nguy ngoài đời để được chiêm nghiệm, được thử sức với tất cả để kiếm tìm một cuộc đời thú vị, mới lạ, còn chúng ta, liệu có ai dám đương đĐối diện trước hai lựa chọn “cháy vèo trong gió” hay “thối rữa trên cành” phần lớn người ta không dám chọn đốt cháy mình là vì lo sợ. Con người ta thường hoài nghi, ngờ vực chính mình rằng không có đủ sức mạnh, năng lực để vượt qua những thử thách. Hầu hết mọi người đều ít nhiều sẽ có một đôi lần cho rằng bản thân không thể nào gánh chịu được những khó khăn, thách thức của cuộc đời. Nhưng người ta lại không biết rằng chỉ bằng cách chọn lựa “cháy vèo” trong gió họ mới có thể trở nên mạnh mẽ, giỏi giang hơn. Người ta thường hay sợ mình không vượt qua được những gian khó mà quên rằng gian khó sẽ trui rèn bản thân mình để trở nên kiên cường, cứng cỏi. Ai nấy đều dùng hàng vạn lý do để biện minh cho sự nhút nhát của mình mà lại chẳng nghĩ rằng bên trong mình tồn tại một sức chiến đấu tiềm tàng mà chỉ cần nhìn thẳng vào đó bằng niềm tin thì sẽ khơi dậy được nó để vượt qua mọi điều. Mọi chướng ngại trong đời thực chất đều như một ngọn lửa, ngọn lửa đó là phép thử, nó vừa huỷ diệt nhưng cũng lại hồi sinh con người. Giống như nàng Sita khi lành lặn bước qua ngọn lửa như một cách bảo chứng cho sự trong sạch, thuần khiết của mình, con người ta cũng chỉ cần tài năng, nghị lực rắn rỏi thì có thể vượt qua thách thức của mọi gian khó để dù có lao mình vào bão tố cuộc đời thì cũng không cháy thành tàn tro. Thay vì sợ hãi trước những gian truân, tôi tin rằng chỉ cần nỗ lực cùng với dũng khí thì con người ta vừa không phải “thối rữa trên cành” mà lại có thể sống trọn vẹn, dù cho “cháy vèo trong gió” thì vẫn sẽ như chim phượng hoàng luôn vùng mình sống dậy. Và chính nhờ thái độ sống như thế, con người ta sẽ ngày càng hoàn thiện, ngày càng chững chạc, lớn khôn. Cũng chính những lần thả mình vào cơn gió cuộc đời mà con người ta tìm ra chính mình với một sức sống mạnh mẽ luôn vẫy vùng như muốn bật tung tất cả !

 

Có một sự thật rằng, con người ta bất kể là ai đều không thoát khỏi cái chết. Chúng ta đều như nhau, sống trong một cõi khinh phù đầy hạn hữu. Dù có ra sao, chúng ta phải đều đi qua cái chết như một phần của sự sống. Thế nhưng, cái chết có còn quá nặng nề, quá day dứt và ám ảnh nếu ta đã sống đủ nhiều, đủ trọn vẹn, sống bằng tất cả những đam mê và say sưa? Người ta thường hay níu kéo cuộc đời mình, cho rằng phải sống thật lâu, sống đến trường sinh bất tử mới là điều tốt nhưng lại quên rằng sống bao lâu thật sự chẳng quan trọng bằng sống như thế nào. Sống lâu để làm chi khi mà ngày qua ngày đều là như nhau, đều lặp lại từng đó hành động, sống với từng đó tư duy để rồi trở nên lỗi thời, lạc hậu? Sống dai dẳng để làm gì khi mà luôn khép mình và ái ngại trước những thử thách của cuộc đời mà chẳng dám vượt qua, phá bỏ nó? Trong khi đó, sống vừa đủ với tất cả thời gian mà tạo hoá ban cho nhưng mỗi ngày đều dám “cháy vèo” trong gió, đều hết mình lao vào đời như ngày đầu tiên thì há chẳng phải, người ta đã tự trao cho mình cơ hội hàng chục, hàng trăm kiếp đời đấy ư? “Cháy vèo” trong gió có thể khiến người ta phải trả giá bằng sự mạo hiểm, ngông nghênh của mình nhưng đó lại là cái giá do chính ta lựa chọn. Trong khi đó, lẳng lặng ở trên cây để rồi thối rữa lại là do ta phó mặc cuộc đời mình cho sự đào thải của thời gian nghiệt ngã. Nhà văn Dazai Osamu đã chọn lựa tự tử ở tuổi đời 39, có người nói đó là vì ông hoàn toàn bất lực trong việc hoà nhập với thế gian. Nhưng đối với tôi, Osamu chọn lựa cái chết là bởi cuộc đời không còn một ý nghĩa gì để níu giữ ông. Ba mươi chín năm, đối với Osamu là đã đủ để cảm nhận, trải nghiệm cuộc sống này, đủ để ông hiểu và nắm bắt nó đến trọn vẹn. Ba mươi chín năm, Osamu tự cho mình là người thừa nhưng cái kẻ dư thừa ấy đã để lại bao nhiêu là sáng tác mà mỗi một câu chuyện đều đeo đuổi con người ta đến tận ngày hôm nay. Nhìn vào ông, ta lại càng thấm thía rằng, điều quan trọng không phải là ta sẽ chết ra sao, chết vào lúc nào mà là khi chết đi rồi, ta đã làm được gì và vẫn sẽ làm được gì ngay cả khi mình không còn trên cuộc sống này. Dám sống, dám dấn thân hay dè dặt, khép mình trong cuộc sống thì con người ta đều phải đi qua cái chết, đều phải chấp nhận rời khỏi cuộc đời vào một ngày nào đó. Chính vì vậy, bất kỳ sự trả giá nào cho sự sống hết mình đều là xứng đáng và quý giá hơn hết thảy mọi điều.

Đành rằng cuộc đời là hữu hạn nhưng trong chính dòng thời gian đó lại có những thời khắc gọi là bất tử, ví như cái khoảnh khắc người ta chọn “cháy vèo trong gió” vậy. Chính bằng chọn lựa ngẫu nhiên với những hành động bất thường, dữ dội ấy, con người ta đóng một dấu mốc vĩnh cửu vào một đoạn thời gian của mình và nhân loại. Đó là khi G.Washington đọc Tuyên ngôn độc lập của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ như một lời khẳng định cho sự ra đời của một dân tộc hùng mạnh, quyền lực. Đó là khi Nelson Mandela bắt đầu hành trình đấu tranh do dân quyền và nhân quyền của người da màu rồi chính thức xoá bỏ chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid. Tất cả những cột mốc lịch sử ấy đều là thời gian được bất tử hoá bằng chọn lựa của những con người vĩ đại nhất thế giới. Họ lao mình vào cơn gió, dấn thân vào cuộc đời vì tình yêu dân tộc và hoà bình để rồi biến tất cả thành sức mạnh. Họ đã sống một đời vì lý tưởng để rồi chưa một phút nào “thối rữa trên cành”. Cuộc đời này có thể đầy những giới hạn nhưng họ đã vượt ra tất cả chỉ bằng sự can đảm, tài năng, trí lực của chính mình. Thái độ sống đó không khỏi làm người ta nhớ đến câu chuyện về loài chim ẩn mình chờ chết trong lời kể của Colleen McCullough. Rằng có một loài chim chỉ hót một lần rồi để cho bụi mận gai đâm vào cổ họng nhưng đó là tiếng hót hay nhất thế gian, tiếng hót lay động tất cả mọi tâm hồn trên trần thế lẫn đấng tối cao trên thiên đường. Can trường, dũng cảm với những chọn lựa dù phải “cháy vèo trong gió”, những cái tên vĩ đại kia và ngay cả loài chim không tên nó đã mãi mãi với sự sống của mình, sự sống trong tâm thức của người đời dù cho tất cả đã chẳng còn trên thế gian này.

Tuy nói rằng con người ta phải sống hết mình, đánh đổi, trả giá và hy sinh để được hoà mình trọn vẹn vào cuộc đời thế nhưng không phải chọn lựa nào cũng là xứng đáng. Có những cái giá phải trả vô cùng đắt đỏ nhưng nó luôn dày vò, luôn khiến người ta phải ân hận. Không phải lúc nào sự can đảm và dũng khí cũng là phép màu cho cuộc sống, giúp con người ta trở thành pháo hoa lộng lẫy giữa trời sao.