Có bao giờ bạn tự hỏi, tại sao cuộc sống dài như thế, ngày nối ngày, tháng tiếp tháng vô hạn, thế mà cuộc sống lại chẳng nhàm chán? Có hay chăng bạn tự vấn, điều gì đã gắn kết người với người, với cuộc sống? Tất cả nằm ở hai từ - yêu thương! Yêu thương có sức mạnh vô thường: cảm hóa được trái tim mạnh mẽ, vực dậy cả những trái tim yếu đuối; cho ta nhận ra giá trị của người bên cạnh, và cho ta biết mình cần làm gì có ích. Nhưng yêu thương, không phải lúc nào cũng có sức mạnh như thế, vì yêu thương thực sự, không chỉ xuất phát từ cảm xúc, mà còn xuất phát từ suy nghĩ và sự thấu cảm. Đấy chính là tình yêu chân chính, thứ không cho phép sự ích kỷ tồn tại!

Đó cũng là ý nghĩa của câu chuyện trên. “Cánh bướm hồng”, một cái tên chứa đựng tất cả sự ngây ngô, trong sáng của một bé bướm. Cứ ngỡ bé bướm ấy sẽ được đón nhận những điều tốt đẹp, khi được người bố dành tình cảm đặc biệt để thể hiện sự trân trọng vẻ đẹp của nó. Ấy vậy mà vì người bố thừa tình cảm nhưng thiếu đi suy nghĩ và thấu cảm, nên ông đã vô tình giết chết nó, không những thế, ông đã dày vò tinh thần nó từng ngày trong cô độc. Khi giữ nó lại bên mình, ông có nghĩ bản năng của loài bướm là bay bổng trên bầu trời rộng lớn, chứ không phải chạy nhảy dưới lớp cỏ ngột ngạt? Bướm không như loài dế mà thích cựa quậy, oằn mình trong lá cỏ, bướm cũng không biết “đá nhau” như dế để ông cất nó trong hộp dùng cho trò tiêu khiển. Ông đã không hề nghĩ đến tất cả những điều đó. Suy cho cùng, ông chỉ quan tâm đến vẻ đẹp của nó và cảm nhận của mình mà quên mất nó cần gì, và nó thèm khát tự do thế nào trong cái hộp bia cũ kỹ kia. Cái chết của bé bướm chính là hồi chuông đánh thức lý trí của ông khi ông đã kịp nhận ra: yêu thương là một chuyện, cách thể hiện yêu thương lại là chuyện hoàn toàn khác, nó cần một cái “đầu lạnh” và một “trái tim ấm”. Nếu không, chỉ làm người trong cuộc tổn thương và đau khổ.

Cái “hồng” của cánh bướm còn ẩn dụ cho lứa tuổi hồng của con gái ông. Cô bé cũng giống như bé bướm vậy, rất cần được che chở và bảo vệ cho sự non nớt của mình. Nhưng lần này người bố đã mở lòng, trái tim không còn chật hẹp như trước nữa, cũng là lúc con gái ông được yêu thương thực sự. Vì ông bố đã kiểm soát được những ham muốn nhất thời và ích kỷ của mình để nghĩ cho sự trưởng thành của con gái. Trong vòng tay che chở của bố, cô bé sẽ được bố đỡ dậy, vỗ về mỗi khi vấp ngã; sẽ được bố xuýt xoa xin lỗi vì đã bất cẩn không giữ chắc tay lái, và bố sẽ thay mặt cô trừng trị chiếc xe đạp đáng ghét, cái mặt đường cứng đờ – nguyên nhân làm cô bé đau. Và cô bé cũng chẳng thể nào hiểu được cảm giác tự do khám phá thế giới xung quanh một quãng đường dài, mà chỉ dừng lại trong vùng an toàn của bố. Chỉ có khi ông buông tay, cô bé mới có trách nhiệm cho việc vấp ngã và có thể tự đứng lên trên đôi chân mình mà không cần phải dựa dẫm vào ai. Khi cô bé đã có khả năng tự lập, thì sự yêu thương lúc này không còn là che chở, bảo vệ nữa, mà là câu nói “Đạp mạnh lên con, giữ chắc tay lái", đó là những lời động viên, khích lệ để cô bé tiến xa hơn và tự tin vào đôi chân mình chứ không phải là đôi tay của bố. Thế đấy, tình yêu chân chính phải xuất phát từ lợi ích của hai bên, tức chúng ta phải đặt lợi ích chung lên trên những ham muốn cá nhân. Có như thế tình yêu mới lâu dài và bền vững, và mang đến những điều tốt đẹp cho đối phương.

Không phải ngẫu nhiên mà tạo hóa đặt não bộ ở phía trên trái tim chúng ta, và trên tất cả mọi bộ phận cơ thể. Ngài muốn nhắc nhở rằng, hãy để lý trí kiểm soát con tim thay vì con tim làm mù quáng lý trí; và hãy suy nghĩ trước khi hành động. Suy nghĩ đến cảm nhận, lợi ích của đối phương, từ đó có sự thấu cảm - thấu hiểu cảm xúc cho nhau, và làm những điều thực sự có ích. Đó là lý do yêu thương chân chính không chỉ cần một trái tim nóng (để hành động luôn xuất phát từ trái tim chân thành chứ không phải là lợi ích cá nhân), mà cần có thêm cái đầu lạnh, để tỉnh táo cho việc suy nghĩ thông suốt, thấu đáo, và kiểm soát tốt cách thể hiện yêu thương. Muốn được như vậy thì yêu thương thôi chưa đủ, cần có thêm lòng vị tha, bao dung, sẵn sàng hy sinh vì lợi ích của nhau. Nếu thiếu đi một trong số đó, thì tức là tình yêu thương không trọn vẹn, và khi đó tình yêu dù có chân thành đến đâu cũng chỉ là tình yêu cá nhân, không mang đến điều tốt đẹp, hạnh phúc cho đối phương, mà có khi chỉ làm cả hai thêm đau khổ. Yêu thương là bản năng, kiểm soát yêu thương đúng mực chính là bản lĩnh! Nếu không, tình yêu thương chỉ là vật biện minh cho sự ích kỷ, ham muốn của mình mà thôi. Bạn còn nhớ câu chuyện “Cậu bé và cái kén” chứ? Chính vì cậu bé quá thương con bướm khi chứng kiến sự khó khăn của nó trong việc chui ra từ cái kén, nên cậu đã khoét to khe hở cho con bướm chui ra dễ dàng. Nhưng cậu không biết rằng, cậu đã gián tiếp cướp đi đôi cánh của nó, cướp đi quyền làm bướm của nó, và chỉ để lại cho nó một cơ thể phồng rộp để bò trườn suốt cả cuộc đời. Biết yêu thương là tốt, nhưng yêu thương sai cách lại là một điều xấu xa, tồi tệ, vì nó có thể để lại hậu quả khôn lường cho người được yêu thương.

Là người, ai cũng biết yêu thương, nhưng mấy ai chịu thấu hiểu cho đối phương. Thực tế không ít những cha mẹ với câu nói “Tôi cũng vì muốn tốt cho nó!”. Là tốt cho nó, hay tốt cho những ham muốn ích kỷ nhỏ nhen của họ? Họ bắt con cái học hành suốt ngày, học đủ mọi thứ trên đời, họ chăm chăm ý nghĩ là để tốt cho tương của con. Ngay cả việc chọn ngành nghề, họ cũng bắt con chọn theo ý mình vì sợ con đi sai đường. Khộg thể phủ nhận tình yêu của họ dành cho đứa con đứt ruột đẻ ra của mình, nhưng phải khẳng định một điều rằng, họ chỉ là đang lo sợ cho nguyện vọng của họ không được đáp ứng. Vậy phải chăng họ nuôi con cái lớn khôn cũng vì muốn chúng thực hiện những điều mà họ không thể thực hiện, hoặc để tiếp bước sự nghiệp của mình? Tất cả đều xuất phát từ sự ích kỷ. Và đâu đó sự ích kỷ đã biến yêu thương thành con "mối" vô hình gậm nhấm tâm hồn con người từng ngày, từng giờ, thậm chí dẫn đến những cái chết bi thương.

Yêu thương không phải là bản năng, mà nó phải trải qua quá trình rèn luyện lâu dài và bền bỉ, qua việc kiềm chế cảm xúc và kiểm soát hành động. Yêu thương không phải là che chở, bảo vệ đối phương trong vùng an toàn, mà là sẵn sàng hy sinh vì đối phương trước những khó khăn, nguy hiểm. Đơn giản vì cuộc sống không bao giờ bằng phẳng và không cho phép bạn sống mãi trong nhung lụa. Hãy đứng lên bằng đôi chân của chính bạn và tiến về phía trước bằng tất cả sự tự tin vào năng lực của mình!

Câu chuyện “Cánh bướm hồng” cho ta cái nhìn đa diện về sự yêu thương. Đôi khi chúng ta cứ ngỡ, yêu thương lúc nào cũng tốt cho con người vì con người luôn cần có “tình" thay vì trái tim máu lạnh. Nhưng bạn ơi, nguồn gốc của yêu thương là gì? Là một trái tim căng tràn tình yêu chân thành? Nó chỉ dừng lại ở mức chân thành, còn tình yêu chân chính cần phải xuất phát từ lý trí. Không quan trọng tình yêu bạn to lớn ra sao, quan trọng là bạn thể hiện tình yêu đó thế nào. Đừng để lý trí bị cuốn theo con tim, bạn nhé! Mà hãy để yêu thương hóa hành động bằng lý trí! Là một học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, em sẽ cố gắng học tập thật tốt để biết thế nào là yêu thương chân chính. Và em cũng không quên thấu hiểu, sẻ chia với những người bên cạnh mình.