Cuộc đời là những chuyến phiêu lưu, trong đó con người là những người du hành không biết mệt mỏi thì ta phải trải qua quá trình rèn luyện, chọn lọc nghiêm ngặt của “trường đời”. Sự trưởng thành luôn phải trả một cái giá tương ứng thậm chí là bằng nỗi đau như Paulo Coelho từng viết “Khi viết bút chì, đôi khi phải dừng lại để gọt bút. Điều này sẽ gây đau đớn một chút nhưng sau đó, bút chì sẽ sắc bén hơn. “Gọt bút” là quá trình tôi luyện, rèn giũa thay đổi bản thân trở thành một phiên bản tốt hơn chính mình của ngày hôm qua. Trong quá trình ấy, con người không thể tránh khỏi tổn thương, đau đớn nhưng thành quả luôn là trái ngọt ngào. Qua đôi ba câu chữ, nhà văn Paulo muốn gửi đến độc giả một thông điệp sâu sắc: hãy mở lòng đón nhận khó khăn của nghịch cảnh ngoài kia như một phần tất yếu. Nó là nguồn dinh dưỡng quý giá để hạt mầm “trưởng thành” phát triển mạnh mẽ. Cuộc đời như một trục số biến thiên tại mọi điểm. Con người chỉ là một giá trị nhỏ bé trên trục số ấy nếu không thay đổi để bắt kịp tốc độ biến thiên của cuộc đời, ta sẽ trở thành “kẻ đi giật lùi” với bước tiến của xã hội nằm lại nơi ngăn kéo quên lãng. Nó đòi hỏi con người theo tiến trình “gọt bút” để thích nghi với sự biến đổi khôn lường của guồng quay cuộc sống. Tôi nhớ đến câu chuyện của hãng điện thoại Nokia. Từng là “ông trùm” thống trị thị trường điện thoại nhưng Nokia đã không chọn sự đổi mới phát triển điện thoại thông minh phù hợp với tốc độ phát triển của thời đại công nghệ, kết cục phải bán mình cho Microsoft. Phượng hoàng phải tự thiêu đốt mình để rồi hồi sinh từ đống tro tàn trở thành biểu tượng cho hạnh phúc. Đằng sau mỗi vẻ đẹp hào nhoáng đều là những đớn đau đánh đổi. “Để đến được thảo nguyên, đôi khi con người phải leo qua những đồi núi cao trong lòng mình”.( Nguyễn Nhật Ánh). Đó là quá trình “gọt bút” bước ra khỏi “vùng an toàn” chấp nhận dấn thân vào nghịch cảnh để thử thách tôi luyện ý chí mạnh mẽ, nghị lực kiên cường. Nếu Harland Sander không chấp nhận quá trình “gọt bút” qua mọi công việc mưu sinh khác nhau  có lẽ ông cũng không thể chạm tay vào thành công vào tuổi sáu lăm. Nếu Henry Ford không trải qua những “thăng trầm” trong sự nghiệp và học cách vượt qua sao có thể trở thành huyền thoại trong đế chế xe hơi? “Bạn sẽ khám phá mình ở một bậc cao hơn sau mỗi lần vượt qua nghịch cảnh” ( Edison). Quả đúng là như vậy, không có con đường nào trải đầy hoa hồng rộng mở chào đón. Thử thách là một phần trong từ điển trưởng thành nếu chúng ta khước từ trải nghiệm qua khó khăn, ta sẽ mãi mãi chỉ là viên ngọc thô không bao giờ được mài giũa, chỉ là sự tồn tại mờ nhạt chốn tạm bợ mang danh “cõi trần”. Nếu một chiếc đồng hồ chạy sai thì từng giây từng phút đều sai nhưng nếu nó dừng lại, ít nhất một ngày nó đúng được hai lần. Đôi khi, chúng ta cũng có thể dừng lại trước quyết định “gọt bút” để thay đổi bản thân. Dừng lại không phải là chấp nhận sự đào thải khắc nghiệt của tạo hoá mà cho chính mình thời gian tiến lên đại lộ danh vọng. Đó có thể chỉ là một bước lùi tạm thời để kiến tạo những bước tiến xa hơn. Bước vào thế kỉ XXI - thời đại tiên tiến của toàn thế giới, một thanh niên như tôi bước vào kỷ nguyên mới tự thấy mình như giọt nước trong muôn ngàn dòng nước xiết, tuy nhỏ bé tôi vẫn mang trong mình muôn ngàn lý tưởng và khát khao rực cháy trong trái tim. Để đến được với chân trời mơ ước tôi hiểu rằng mình cần phải dán thân vào khó khăn thử thách, để nghịch cảnh cho tôi sức bền bỉ, động lực mạnh mẽ chinh phục đỉnh cao Everest trong lòng mình. “Đừng chọn sống an nhàn khi còn trẻ” không chỉ là một tựa sách, đó còn là châm ngôn sống của tôi.