Bài làm:

Tôi nhớ mãi lần đầu tiên bố dạy tôi cách đi xe đạp hai bánh. Ngồi trên chiếc xe mất thăng bằng, tôi đã ngã dúi dụi, đã gào khóc và dùng dằng vì bố đã không giữ cho mình. Khi ấy, bố lặng lẽ nhìn tôi. Đôi mắt buồn nhưng nghiêm nghị. Bố kể cho tôi nghe câu chuyện “Con bướm hồng” mà cho tới tận giờ phút này đây, khi đã sắp bước sang tuổi 15, tôi vẫn rưng rưng xúc động khi nhớ lại. Một câu chuyện tuyệt vời, một bài học sâu sắc thâm thuý.

Người bố trong câu chuyện “Con bướm hồng” đã tâm sự với con trai của mình về một kỉ niệm buồn của tuổi thơ. Vì thấy một chú bướm hồng rất đẹp nên ông quyết định nhốt nó lại và khiến nó rời xa cuộc đời mãi mãi. Sau này khi dạy con đi xe đạp, ông đã quyết định không giữ chặt con bên mình, dù bản thân ông rất muốn điều đó. Một câu chuyện tưởng chừng như rất quen thuộc trong cuộc sống nhưng lại đem đến rất nhiều bài học có ý nghĩa mà không phải ai cũng có thể nhận ra. Người bố trong câu chuyện trên đã không vì sự ích kỷ cá nhân mà giam giữ con mãi bên mình. Người cha muốn con trưởng thành tự lập. Đây là một bài học về cách biểu lộ tình yêu thương đúng đắn, đặc biệt với những bậc làm cha làm mẹ: Tình yêu thương ích kỷ sẽ đem đến cho người mình yêu sự đau khổ. Hãy để cho người mình yêu cơ hội trưởng thành.

Tình yêu thương ích kỷ, quá bao bọc sẽ khiến con chết mòn trong cái bọc chở che, không thể vươn ra ngoài cuộc sống. Rất nhiều người lầm tưởng rằng yêu thương là luôn bao bọc  con vì sợ con sẽ gặp khó khăn vất vả, phải đối mặt với rất nhiều trở ngại trong cuộc sống. Nhưng họ đâu biết rằng điều đó đã vô tình tước đi sự trưởng thành và cuộc sống của con mình. Khi được bao bọc, đứa con sẽ không phải chịu những va vấp của đời sống, không tiếp xúc với những nghịch cảnh, từ đó không thể chuẩn bị cho mình những kĩ năng sống cần thiết để bước vào đời. Hơn nữa, quá nuông chiều, che chở sẽ khiến con không thể biết được năng lực của bản thân, không làm chủ cuộc đời mình, để rồi khi cha mẹ không còn nữa, lớp vỏ bảo vệ không còn nữa  thì loay hoay, bất lực và dễ dàng gục ngã trước thử thách của cuộc đời. Và khi không cho con mình cơ hội trưởng thành, cha mẹ đã vô tình đánh mất những cảm xúc đẹp đẽ nơi con, khiến con trở nên khô khan, không biết trân trọng những giá trị cuộc sống. Tâm hồn người con sẽ bị chết lặng. Bức thư bằng thơ gửi mẹ của nữ tử tù Sajida al-Rishawi chính là một lời tố cáo những bậc làm cha làm mẹ quá bao bọc, nuông chiều con cái mình. Trong bài thơ, cô đã nói rằng nếu như tội ác của cô đang bị tử hình thì mẹ cô cũng phải chịu chúng số phận. Bởi vì trong kí ức, cô đều được mẹ che chở, bao biện cho những hành vi tội lỗi của mình, để đến khi trưởng thành, những hành động ấy đã hình thành nên nhân cách xấu xa của cô:

Mẹ cho con cuộc sống

Nhưng cũng tước nó đi

Vì những lần trượt ngã

Mẹ chẳng trách cứ gì!

 Cô biết cô rất đáng trách, nhưng hành động của mẹ cô còn đáng trách hơn. Đây là bài học cảnh tỉnh tới tất cả các bậc làm cha làm mẹ vẫn đang nhầm lẫn tình yêu thương với sự đùm bọc quá mức. Điều đó sẽ khiến con phải chịu rất nhiều đau đớn về thể xác và tâm hồn, thậm chí còn bị lôi kéo vào cung đường tội lỗi, mất đi bản tính làm người.

Tình yêu thương đúng đắn – để người mình thương được sống là chính mình. Yêu một người không phải là khiến người ấy ở mãi mãi bên ta mà là khiến cho người ấy được hạnh phúc, giúp người ấy toại nguyện ước mơ. Các bậc cha mẹ cũng phải biết điều này. Hiện nay, căn bệnh trầm cảm đang diễn ra rất phổ biến, đang quan ngại hơn là thường mắc ở giới trẻ. Nguyên nhân là vì những áp lực đến từ phía gia đình, người thân. Cha mẹ luôn bắt ép con phải đi theo con đường mà mình đã vạch sẵn, bắt con phải theo học những trường đại học danh tiếng, không cho con theo đuổi ước mơ vì sợ con sẽ gặp thất bại…Đó chính là sự nhầm lẫn tai hại giữa tình yêu thương con với việc thao túng và bắt ép con làm theo ý mình. Mỗi người sinh ra đã được định là sống cuộc đời của riêng mình, vì vậy ta không thể sống thay người khác, cũng không thể cướp mất quyền làm chủ cuộc sống của con  cái mình. Điều đó sẽ biến người mà ta thương yêu trở thành một con rối, một công cụ để thoả mãn những mong muốn, ước nguyện của ta. Những đứa con mất đi quyền được làm một con người, chỉ có một thân xác trưởng thành nhưng trống rỗng, vô hồn. Thậm chí, những đứa con khi không được làm những gì mình mong muốn, thực hiện ước mơ, phải chịu nhiều áp lực từ phía cha mẹ có thể rơi vào trầm cảm, thậm chí nhiều trường hợp đã tìm đến cái chết để giải thoát cho bản thân. Theo bác sĩ tâm lí Park Jongseok, trong cuốn sách nổi tiếng cho giới trẻ “Tôi từng nghĩ mọi thứ sẽ ổn khi trở thành người lớn”, đã nói thế này “Tình yêu thương, nhu cầu bảo vệ con cái của cha mẹ bị bóp méo khiến họ lầm tưởng những ám ảnh và việc kiểm soát con cái quá đà chính là yêu thương chúng. Đó chỉ là sự lầm tưởng một cách trơ tráo của những người làm cha làm mẹ tự mãn.” Tôi đã từng đọc rất nhiều bài báo nói về cái chết thương tâm của những người trẻ tuổi khi  phải sống trong sự điều khiển của cha mẹ, và hiểu rõ hơn về câu nói của bác sĩ. Thủ khoa đại học Hàn Quốc, giáo sư của đại học Y, đại học Seoul Kang Jun Sang đạt được rất nhiều thành tựu lấp lánh. Tưởng chừng những danh hiệu cao quý đó sẽ giúp anh cảm thấy hạnh phúc, nhưng không, người thanh niên trẻ tuổi ấy vẫn luôn phải sống trong đau khổ vì không thể thực hiện ước mơ của mình, ngày ngày bị mẹ đem ra so sánh với người khác. Tất cả những điều đó đã hình thành nên căn bệnh trầm cảm trong anh, dẫn đến quyết định tự tước bỏ mạng sống của mình. Cái chết của anh đã thức tỉnh người mẹ, cũng là thức tỉnh những ai đang lầm tưởng tình yêu thương với việc kiểm soát con cái mình. Đó là một nhận thức sai lầm.

Vậy thế nào mới là tình yêu thương đúng đắn? Yêu thương chính là hãy để cho người mình yêu được sống theo cách của họ, chấp nhận hi sinh ích kỷ cá nhân để người ấy được làm theo những gì trái tim mách bảo. Người cha trong câu chuyện trên đã bộc lộ một tình yêu thương đúng đắn. Mặc dù ông vẫn còn nuối tiếc, luôn mong muốn con trở về bên mình nhưng ông đã để cho con được chắp cánh bay đến bầu trời tự do, vì ông hiểu rằng: làm như vậy con sẽ được trưởng thành. Mọi thứ đều giống như những hạt cát nhỏ bé, ta càng nắm chặt, chúng sẽ len lỏi qua kẽ tay và càng muốn thoát khỏi bàn tay ta. Điều tốt nhất là hãy thả cho chúng về với thiên nhiên tự tại, để chúng trở thành một phiên bản hoàn chỉnh do chính mình tạo nên. Khi biết hi sinh ích kỷ cá nhân để cho người mình yêu thương được tự do vươn tới bầu trời mơ ước là ta đã đang giúp họ tạo ra một tương lai tươi sáng cho chính họ, cũng là tạo ra niềm hạnh phúc cho chính mình. Sara Imas – một người mẹ Do Thái chuẩn mực đã từng nói: “Muốn giúp đỡ một người sắp chết đói, thay vì cho họ những chiếc bánh, bạn hãy cho họ công thức làm bánh. Muốn giúp một người đang thèm ăn cá, thay vì đưa cho họ xô cá, bạn hãy tặng họ một chiếc cần câu.” Bản thân bà cũng là minh chứng hùng hồn cho câu nói đó. Bà luôn răn dạy con cái rất nghiêm khắc, không làm trụ để cho con đứng mà bắt con phải tự đi trên chính đôi chân của mình. Bà luôn ủng hộ sự lựa chọn của con bằng tất cả tình thương của một người mẹ. Phương pháp dạy con đúng đắn đó đã giúp cho những người con của bà thành công rực rỡ trong cuộc đời. Bà nhận xét phương pháp đó là “vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương.” Đúng như thế, yêu một người không phải là khiến người ấy ở mãi bên ta mà là giúp người đó đạt được những gì mà họ mong muốn, đó mới là cách trao gửi yêu thương đúng đắn nhất. Dẫu biết rằng người mà ta yêu thương sẽ vấp ngã trước khó khăn, gian khổ của cuộc đời, nhưng nếu ta yêu thương họ đúng cách, ta sẽ không chạy tới đỡ họ dậy, mà ở bên kia ủng hộ hết mình: “Hãy đứng lên nào!”, thì khi đó, ta đã giúp họ tôi luyện bản lĩnh, phá bỏ những giới hạn của bản thân để tiến tới thành công. Bản thân cũng sẽ cảm thấy vô cùng thanh thản, hạnh phúc.

Tình yêu thương ích kỷ sẽ khiến cho người mình yêu phải chịu nhiều thiệt thòi, dày vò, đau đớn. Nhưng đừng trách cứ, vì điều đó xuất phát từ mong muốn cho ta những điều tốt đẹp nhất. Đó cũng là tình thương, nhưng là một cách bày tỏ tình thương không đúng đắn. Vậy làm thế nào để bày tỏ tình yêu thương đúng cách? Đó là hãy biết hi sinh ích kỷ cá nhân, để người mà ta thương yêu được hạnh phúc. Không nên quá bao bọc chở che, hãy để người ấy được tiếp xúc nhiều hơn với khó khăn, mở ra cho họ cơ hội trưởng thành. Những người không may phải chịu những hậu quả từ việc yêu thương không đúng cách, đừng tức giận, hãy lắng lòng mình để sẻ chia, bày tỏ quan điểm của mình, thuyết phục mọi người hãy để ta được thực hiện lí tưởng, đam mê, để ta tự do kiếm tìm hạnh phúc. Không nên để cho người khác kiểm soát cuộc sống của bạn, cũng không được kiểm soát cuộc sống của người khác. Hãy nhớ rằng:

Cách thương yêu con trẻ

Không phải bởi nuông chiều

Mà đòn roi, răn trị

Đấy mới là thương yêu!

Câu chuyện “Cánh bướm hồng” đã đem đến cho tôi rất nhiều bài học quý giá trong cuộc đời. Câu chuyện còn khiến tôi chạnh lòng nhớ tới người bố yêu quý của mình, người mà bao nhiêu lâu nay tôi đã không để ý tới. Tôi chợt nhớ lại đôi mắt sâu thăm thẳm của bố, cái nhìn của bố hướng về tôi khi tôi vô tư chạy về phía những người bạn. Bố đứng đó, lặng lẽ, đơn độc. Cho tới bây giờ, khi đã trưởng thành, tôi mới hiểu được đôi mắt ấy, đôi mắt của tình cha đong đầy hạnh phúc. Đó là đôi mắt vẫn còn muốn níu kéo lấy cô con gái bé bỏng, nhưng đã quyết định để con được tiến tới bầu trời của riêng mình…