Nhà văn M. Gorki đã nói: “Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới”. Chúng ta bước vào kỷ nguyên công nghệ dần hình thành nhiều phương tiện đưa chúng ta đến với những "chân trời tri thức" nhưng không có một phương tiện nào có thể thay thế giá trị của sách đặc biệt là các tác phẩm Văn học. Tuy nhiên trong số sách đồ sộ chỉ có một phần nhỏ có giá trị sâu sắc có thể tồn tại lâu bền với thời gian. Với tôi, khi nhắc đến một tác phẩm có thể trường tồn dù có trong thời đại đi chăng nữa chính là "Chiếc thuyền ngoài xa” của nhà văn Nguyễn Minh Châu. 

     Nhà văn Nguyễn Minh Châu là người được mệnh danh là người “kế tục xuất sắc của những bậc thầy văn xuôi Việt Nam”. Ông luôn hướng ngòi bút của mình vào việc khám phá và thể hiện con người. Và trong số những tác phẩm của ông phải kể đến “chiếc thuyền ngoài xa” được sáng tác năm 1983 như một lời dự báo về những cơn bão táp của thời đại. Qua đó khẳng định cái đẹp trong nhân cách con người. Từ câu chuyện về một bức ảnh nghệ thuật và sự thật cuộc đời đằng sau bức ảnh, truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa dạy chúng ta thêm cách nhìn nhận cuộc sống và con người: không nên đánh giá mọi thứ qua vẻ bề ngoài của nó. Đồng thời, câu chuyện trong bức ảnh nghệ thuật cũng đặt ra một vấn đề về nghệ thuật cho người nghệ sĩ: nghệ thuật vị nhân sinh hay nghệ thuật vì nghệ thuật? Cuộc sống không phải lúc nào cũng màu hồng mà vẫn còn những góc khuất chưa bao giờ chạm đến. Còn người nghệ sĩ mang trong mình sứ mệnh lớn lao là phản ánh hiện thực qua “đứa con tinh thần” của mình cần rút gọn khoảng cách giữa cuộc sống và nghệ thuật để nghệ thuật không bao giờ còn là “ánh trăng lừa dối”. Đọc tác phẩm khiến chúng ta phải nể phục Nguyễn Minh Châu khi xây dựng tình huống truyện độc đáo ẩn chứa những nghịch lý giữa hình ảnh của con thuyền khi ở ngoài xa với con thuyền lúc cập bến. Chính tình huống ấy đã đánh thức những suy nghĩ trong nhân vật của mình, cũng là độc giả. Tác phẩm ấy có được thành công như ngày hôm nay không thể không kể đến nghệ thuật khắc họa nhân vật, cốt truyện hấp dẫn kết hợp với ngôn ngữ sử dụng rất linh hoạt, sáng tạo góp phần làm nổi bật chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Chính những yếu tố đó cũng làm nên nét đặc trưng trong phong cách nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu - một màu sắc cá nhân độc đáo không trộn lẫn với ai trên văn đàn Việt Nam. Khi đọc tác phẩm điều khiến tôi trăn trở hơn cả chính là số phận của người đàn bà. Mụ xấu xí nhưng lại ẩn chứa những hạt ngọc quý giá trong bề sâu tâm hồn được nhà văn Nguyễn Minh Châu khai thác tỉ mỉ. Qua nhân vật ấy, tôi mới hiểu thế nào là “Cuộc đời đa sự, con người đa đoan”. Ngay cả một anh lính nơi chiến trận cũng thua ngay trong cuộc sống đời thường để ta thấy rằng cuộc sống phức tạp còn thách thức cả những con người dày dặn kinh nghiệm. Tôi nhận ra rằng “lòng tốt lơ ngơ cũng có thể bị lạc đường”, cán cân công lý dù có mạnh mẽ đến đâu cũng chưa chắc đã cứu rỗi được số phận đau khổ của con người. Bên cạnh đó, tác phẩm cũng đã giúp tôi chiêm nghiệm được thiên chức cao cả của một người nghệ sĩ. Nghệ thuật có tác dụng phục sinh cuộc sống con người vì vậy nó phải được bén rễ từ cuộc sống mới có giá trị vĩnh hằng. Nếu không nó chỉ là “những bông hoa ác đẫm máu”. “Chiếc thuyền ngoài xa” chính là lời nhắc nhở của chính nhà văn đến người nghệ sĩ không chỉ được sống bên bề ngoài của sự vật mà cần phải đi vào bề sâu khám phá những mặt đa đoan phức tạp của con người. 

      Có thể nói Nguyễn Minh Châu đã đưa văn chương đến gần con người hơn và phản ánh những vấn đề nhức nhối hơn. Những đề tài đời tư thế sự đã đem đến cho sáng tác người người nghệ sĩ họ Nguyễn cái nhìn mới mẻ chân thức đậm chất nhân văn. Đây cũng là một dấu mốc cho sự chuyển đổi hướng tiếp cận, phản ánh và lý giải hiện thực.”Chiếc thuyền ngoài xa” là một tác phẩm nghệ thuật vô cùng xuất sắc, tôi mong áng văn chương này có thể tồn tại lâu bền cùng thời gian và đến tay nhiều bạn đọc hơn nữa.