Trong cuốn sách tôi thích có một câu nói rất hay “Sự tồn tại của gã chẳng hơn bong bóng xà phòng, sống cuộc đời lơ lửng dạt trôi, có lẽ sẽ vỡ tan tành mất dạng nếu chạm vào bất kì ai?”. Và có lẽ để cuộc sống không vỡ tan như bong bóng xà phòng, chúng ta cần sống “động” như trong một câu ngạn ngữ châu Phi “Mỗi sáng ở châu Phi,một con linh dương thức dậy. Nó biết rằng nó phải chạy nhanh hơn cả con sư tử nhanh nhất nếu không nó sẽ bị ăn thịt. Mỗi sáng một con sư tử thức dậy. Nó biết rằng nó phải chạy nhanh hơn con linh dương chậm nhất hoặc nó sẽ bị chết đói. Điều quan trọng không phải việc bạn là sư tử hay linh dương. Khi mặt trời mọc,bạn nên bắt đầu chạy.” Câu ngạn ngữ ấy thật đúng khi dành cho thế hệ trẻ của nước ta hôm nay - những con người có thái độ sống tích cực, nỗ lực không ngừng không những mang về vinh quang cho bản thân mà còn làm rạng danh tổ quốc

             Chỉ qua câu nói ngắn gọn ta đã được tri nhận một lẽ sống cao cả. Ở châu Phi, dù là con vật tầm thường như linh dương hay chúa sơn lâm sư tử, cả hai đều phải “chạy” vì những mục đích của riêng mình nhưng đặt trên một hệ quy chiếu đó là “chạy” để sống, sinh tồn trong cuộc sống đầy khắc nghiệt. Nhưng không riêng gì thú vật phải chạy, con người không là ngoại lệ. Để trở thành người chiến thắng sau cùng, chúng ta cũng phải đánh đổi một cái giá tương đương: không ngừng nỗ lực trong trường đời rộng rãi vô thường định. 

             Như khối rubic đa chiều, đa sắc, hiện thực cuộc sống không ngừng xoay chuyển, với những “khúc cua” khó đoán. Sau mỗi lần rubik chuyển dịch, các mặt khối sẽ có một lần chuyển sắc mới; cũng như cuộc sống luôn xê dịch, vận động không ngừng, cứ một giây qua đi, thế giới đã có biết bao sự thay đổi. Nếu con người không học cách thay đổi để bắt kịp cái guồng quay vội vã ấy sẽ bị hiện thực khốc liệt quật ngã mà dừng bước và chấp nhận ”sự chọn lọc tự nhiên đào thải”? Phát triển là quy luật tất yếu không thể chuyển rời, nếu hôm nay chúng ta ngừng “chạy” chính là tự tay cắt đứt tương lai. Trong thế giới ai cũng tiến về phía trước, ta lại trở thành kẻ đi giật lùi. Liệu ta có còn chỗ đứng nào trong xã hội mà mỗi người đang cố gắng từng chút để có được vị trí xứng đáng cho bản thân? Vì thế, chúng ta đặc biệt là giới trẻ sống trong kỷ nguyên công nghệ số càng cần phải “chạy” nhanh hơn bền bỉ và nỗ lực. Và những điều thế hệ trẻ nước ta làm được trong thời gian gần đây đã phần nào chứng minh được thái độ sống tích cực không ngừng nỗ lực, “chạy” không ngừng hướng tới chinh phục từng đỉnh Olympia danh giá cho bản thân và đóng góp cho xã hội.

             Tôi chợt nhớ đến cô gái trẻ đầy mạnh mẽ Nguyễn Thúc Thùy Tiên - Miss Grand 2021. Tuy trải qua một thời thơ ấu không mấy hạnh phúc nhưng điều đó không cản bước Tiên ngừng “chạy” cống hiến cho cộng đồng và xã hội. Cô cùng Quang Linh Vlog tại Châu Phi đã hỗ trợ cho bao người dân Angola có việc làm để trang trải cuộc sống, trẻ em có quần áo để mặc, được đến trường tiếp nhận ánh sáng tri thức vượt lên đói nghèo để có cuộc sống tốt hơn. Không chỉ có Thùy Tiên, tôi còn vô cùng ngưỡng mộ Nguyễn Thị Ánh Viên - “kình ngư” làng thể thao Việt Nam. Xuất phát điểm từng bị nhận xét là chuyên môn yếu kém song bằng nghị lực và cố gắng không ngừng nghỉ, Ánh Viên đã từng bước khẳng định vị thế của mình tại đấu trường quốc tế với kỉ lục 25 huy chương vàng SEA GAME. Từ đó tên tuổi của Ánh Viên gắn với tên gọi “nữ hoàng đường đua xanh” với gần một thập kỷ thống trị đường đua châu Á. Đó còn là Nguyễn Lê Thảo Anh - thí sinh nữ duy nhất của Việt Nam xuất sắc giành huy chương vàng hóa học quốc tế. Bạn từng chia sẻ đã từng rất áp lực trước khi bước vào chung kết của cuộc thi hóa học quốc tế nhưng vượt lên tất cả, Thảo Anh đã giành được tấm huy chương danh giá cho nước nhà. “Nếu muốn làm nên lịch sử hãy giữ trong mình hình bóng của một người hùng”. Và Thùy Tiên, Ánh Viên, Thảo Anh chính là người hùng trong trái tim tôi truyền cho tôi cảm hứng “chạy” bền để tới đích. Khó khăn là một phần không thể tránh khỏi. Chỉ cần mạnh mẽ đối diện không có đỉnh cao nào là không thể chinh phục. 

             Song bên cạnh những tấm gương sống hết tuổi trẻ của mình để không ngừng nỗ lực thì vẫn còn một bộ phận gen Z lại chọn sống như một “con rùa nuôi trong xó cửa”. Họ có cả tương lai phía trước nhưng lại chọn trở thành “hikikomori”- những ẩn sĩ thời hiện đại. Không mục đích, không có chính kiến sống phụ thuộc vào bố mẹ vô tình trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Thậm chí một số khác lại để chính mình sa đọa trong nghiện ngập, những “cuộc vui” tai hại để lại những vết nhơ không thể xóa sạch. 

                 Tôi từng nghe một câu nói “Giữa người với người, khoảng cách ngắn nhất là IQ, khoảng cách xa nhất là sự kiên trì và nỗ lực”. Xuất phát điểm của ta so với người khác có thể thua kém. Song chúng ta vẫn nắm giữ trong tay một kho báu quý giá, đó là sự nỗ lực không ngừng nghỉ. Hạnh phúc không có thứ lượt nhưng thành công thì có. Trữ lượng cuộc đời là hữu hạn, ta nên tận dụng từng khoảnh khắc sống thật “sâu”, hành động khi còn có thể tất cả những gì trong khả năng của bản thân để hoàn thiện trở thành phiên bản hoàn hảo nhất của chính mình. Đặc biệt là cần lựa chọn thái độ sống đúng đắn trở thành ngọn hải đăng soi đường cho ta trong đêm tối. Giữ vững lòng kiên trì, đích đến ngay trước mắt. 

                        Một cái cây sẽ luôn phát triển hết mức mà nó có thể. Bằng tất cả năng lượng chuyển hóa, nó sẽ phát triển bộ rễ, vươn cao và xa nhất có thể cho dù là cây bao báp khổng lồ hay chỉ là cây hành lá nhỏ đều không thể vượt qua giới hạn của nó. Nhưng con người thì có. Vậy sao chúng ta không “chạy” để bứt phá giới hạn của bản thân?