Tôi nhớ đến một lời tâm sự đầy cảm động “Ngay cả những đoá hoa bồ công anh nương theo gió cũng có hành trình riêng của mình”. Số phận đặt chúng ta lên những cơn gió khác nhau nhưng ai cũng đang vươn đến chân trời mơ ước. Song đời người lắm giấc mộng đẹp nhưng đâu phải mộng nào cũng thành chân. Vậy điều gì đã làm nên sự khác biệt giữa những số phận? Đó vẫn luôn là nghi vấn vướng bận trong lòng tôi cho đến khi được đọc câu danh ngôn “Những con người thông thái thật sự cũng tựa như những bông lúa: khi còn lép, chúng vươn đầu lên đầy kiêu ngạo; nhưng khi hạt đã đầy và chắc, chúng bắt đầu khiêm nhường cúi đầu”. Nó đã bừng mở trong tôi cánh cửa đi tới một chân lý. Phải chăng con người cần giữ thái độ sống khôn ngoan phù hợp với từng chặng đường phát triển của bản thân? 

            “Khi còn lép” là thời gian đầu của sự sinh trưởng của một cây lúa non ẩn dụ cho những ngày non trẻ, những bước chân khởi đầu của con người bước ra khỏi vùng an toàn, mở rộng tầm nhìn, chinh phục thế giới. Đây cũng là thời kỳ “chúng vươn lên đầy kiêu ngạo” như tuổi thanh xuân của con người, cháy hết sức trẻ hướng tới  tương lai rực rỡ đón chờ. Ngược lại với khoảng thời gian “khi còn lép” thì lúa “khi hạt đã đầy”- khoảng thời gian đi qua sự nông nổi của tuổi trẻ trở thành người dày dặn kinh nghiệm, từ nhận thức và hành động đều đã đạt tới độ chín hoàn mỹ để gặt hái “quả ngọt” thành công, thì chúng bắt đầu “khiêm nhường cúi đầu” để học hỏi, lĩnh hội kinh nghiệm từ “trường đại học cuộc sống”. Danh ngôn sử dụng hình ảnh “bông lúa” một cách đầy sáng tạo, in đậm ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả gửi đến quan niệm mới mẻ về định nghĩa người thông thái. Thực chất, họ là những người sống biết thích nghi, cải biến mình với hoàn cảnh tạo nên những điều kiện thuận lợi nhất cho sự phát triển của bản thân. Con người cần phải biết tận dụng quỹ thời gian của tuổi trẻ nhiệt huyết kiêu ngạo vươn mình, mạnh mẽ đối mặt để đặt những viên gạch đầu tiên  xây dựng nấc thang thành công. Nhưng khi đã chinh phục được đỉnh cao nhất cũng chớ tự phụ. Để theo kịp tốc độ phát triển của cuộc sống, ta phải không ngừng học hỏi, tiếp thu tri thực bằng cách cúi đầu, khiêm nhường lắng nghe những chiêm nghiệm quý giá. 

            Nhắc tới một tiếng thiếu niên, nên gạt đi hai chữ “tầm thường”. Thần linh dường như tịch thu tất thảy mọi sự hèn nhát của loài người khiển tuổi trẻ trở nên sôi nổi, đầy mạnh mẽ. “Mỗi chú bé đều nằm mơ ngựa sắt/ Mỗi con sông đều muốn hóa Bạch Đằng”. Tuổi trẻ ai chẳng ôm ấp những giấc mơ cao đẹp, dù không thể nắm chắc trong tay nhưng chúng ta vẫn không ngừng cố gắng với niềm tin mãnh liệt, say mê sáng tạo đến tột cùng. Chính sự cố chấp ấy mang đến một nguồn sức mạnh rất riêng của tuổi trẻ đó là bản lĩnh vươn lên đầy kiêu ngạo. Chúng ta sẵn sàng trở thành thuyền trưởng cầm bánh lái, bẻ cánh buồm đưa con tàu cuộc đời băng qua sóng gió hướng ra biển cả nhân sinh. Những ngọn hành nhỏ bé hay những cây bao báp khổng lồ đều phát triển đạt đến giớ hạn của nó sẽ dừng lại. Duy chỉ có con người giới hạn không có biên giới. Tuổi trẻ như chất xúc tác kỳ diệu để con người nắm chắc trong tay thành công của mình. Tôi chợt nhớ đến những người trẻ tuổi đã truyền động lực vô cùng mạnh mẽ cho tôi như: Khánh Vy, Tun Phạm, hoa hậu H’hen Niê hay Nguyễn Thúc Thuỳ Tiên… Dù mới chỉ bước sang tuổi 22 nhưng thành công của Vy thật đáng ngưỡng mộ. Cô từng chia sẻ, tuổi đôi mươi của cô gói gọn trong ba từ “nhiệt huyết, cầu tiến và va vấp”. Khánh Vy cho dù gặp bất cứ khó khăn gì vẫn không ngừng cố gắng, đi từ những thất bại mở đường cho thành công như trở thành MC trẻ nhất của chương trình truyền hình nổi tiếng như “đường lên đỉnh Olympia” hay được bình chọn là một trong số những KOL có ảnh hưởng tích cực tới giới trẻ… Cô gái trẻ ấy khiến tôi có niềm tin rằng tuổi trẻ không phải là lúc tự phong bế mình trong những chiếc kén, trong những khuôn khổ chật hẹp mà đó là quá trình tạo bước đệm hoàn hảo vững chắc cho những bước tiến lớn, đặt nền móng cho những thành tựu rực rỡ.

            Cuộc sống như một khối rubik lập diện đa chiều đa sắc, hiện thực thâm phồn của cuộc sống không ngừng xoay chuyển, khó đoán. Con người muốn khẳng định bản thân giữa những xoay vần không thể luôn “vươn cao đầu kiêu ngạo” vô tình đi vào lãnh địa của “kiêu căng” và “tự phụ”. Đó là liều thuốc độc của tâm hồn, ăn mòn trái tim và làm đồi bại trí tuệ. Dẫu chúng ta có hiểu biết tới đâu cũng chỉ là hạt cát trên sa mạc rộng lớn, một giọt nước nhỏ bé trong đại dương bao la. Vì vậy, khi chúng ta nắm trong tay thành công cũng là lúc chúng ta cần “cúi đầu” lắng nghe học hỏi kinh nghiệm từ những tiền bối đi trước. 

              “Sấm cũng bớt bất ngờ/ Trên hàng cây đứng tuổi” ( Sang Thu - Hữu Thỉnh). Chúng ta được sóng gió tôi luyện cho một ý chí thép, nội lực mạnh mẽ, trí tuệ sáng suốt để chèo lái con thuyền băng qua mọi khó khăn thử thách. Song cuộc sống là chiều sâu ta chẳng thể nào khám phá hết. Vì vậy, khiêm nhường “cúi đầu” học hỏi là cách con người tự làm giàu cho tâm hồn của mình. Charles Darwin được mệnh danh là “thiên tài của nhân loại” với cuốn sách “Nguồn gốc của loài người” nhưng không vì thế mà ngừng lại việc học của mình. Ông từng nói rằng “Bác học không có nghĩa là ngừng học”. Ông học hỏi trong sách vở và học hỏi từ chính những nhà khoa học khác để bồi đắp phù sa trí thức của mạch nguồn trí tuệ dạt dào trong “khối óc thiên tài” ấy. Sự khiêm nhường “cúi đầu” không chỉ là cách đưa con người tới chân trời tri thức, nó còn thể hiện tấm lòng của một nhân cách lớn, không ngừng cầu tiến và cố gắng trở thành “phiên bản giới hạn” hoàn hảo nhất của bản thân. Nhà bác học Thomas Edison khi được hỏi về bí quyết thành công, ông từng phát biểu “Thành công 99% là mồ hôi, chỉ có 1% là thiên bẩm”. Cả hội trường như vỡ oà trước câu nói khiêm tốn của “thầy phù thuỷ ở Menlo Park” khiến càng nhiều người trân quý sự nỗ lực và những cống hiến của ông dành cho nhân loại. 

         Câu danh ngôn giúp tôi đốn ngộ thật nhiều điều. Còn trẻ là còn đấu tranh. Đừng chọn sống an nhàn khi còn trẻ” không chỉ là một tựa sách mà còn là phương châm sống của tôi”. Nếu không thể trở thành “mặt trời” ở vị trí trung tâm vũ trụ, tôi quyết không để mình sống như áng mây phù du. Đó là cuộc sống đang “mòn đi, rỉ ra và nổi váng” chỉ như những cánh bèo trôi lang thang, vô định không biết tới bến bờ, không mang tới mục tiêu sống của mình. Tôi xin chọn cách sống như những ngọn núi “vươn tới tầm cao”. Tuổi trẻ thật quý giá, nó không phải thứ để tôi hoang phí, lẩn quẩn trong vùng an toàn chật hẹp mà để đột phá, gỡ bỏ những định kiến, ranh giới cản bước tôi đặt chân tới “đại lộ danh vọng” cao quý trong lòng mình. Nhưng tôi cũng ý thức được rằng “ Cúi đầu là bông lúa, ngẩng đầu là cỏ dại. Cây lúa càng chín hạt càng chắc, đầu sẽ rủ xuống; còn cỏ dại lúc nào cũng ngẩng đầu lên, thể hiện bản thân. Thế nhưng, ai cũng coi trọng bông lúa, chẳng mấy ai đoái hoài cỏ dại…” ( Gieo trồng tâm trí). Dù có là một đỉnh núi cao vời vợi suy cho cùng cũng thật nhỏ bé so với bao Thái Sơn ngoài kia. Việc tôi có thể làm là khôn khéo trong thái độ sống. Cho dù đã đặt đến thành công nhưng không quên khiêm nhường, cẩn trọng, tiếp thu bài học giá trị từ “trường đời” làm đầy chiếc túi vốn sống của bản thân. 

              Trong bài thơ “Thế hệ của chúng tôi”, nhà văn Nga Vinokurov từng bộc bạch: 

                               “Làm thú vật thánh thần cũng dễ

                                Chỉ có con người khó biết bao nhiêu” 

Bởi lẽ, trên hành trình làm người ấy có biết bao thử thách sóng gió đang chờ đợi mà để chinh phục được nó chúng ta cần sự khôn ngoan khéo léo, lựa chọn thái độ sống phù hợp khi nào cần “vươn lên kiêu ngạo” và khi nào cần “cúi đầu khiêm nhường. Còn bạn, bạn chọn cho mình thái độ sống như thế nào ?