Tôi rất tâm đắc một câu nói của Suzy Kassem: "Nếu bạn đưa một cây nến lại gần mình, ngọn lửa bùng cao. Và nếu bạn đưa nó ra xa mình, ngọn lửa hạ xuống. Hãy giữ tất cả kế hoạch, khát vọng, dự án, và giấc mơ cũng gần sát mình như cách bạn giữ cây nến ở gần mình. Đừng chia sẻ kế hoạch hay mục tiêu khi bạn chưa hoàn thành chúng, bởi khi bạn đưa cây nến ra xa mình – sự ghen tị, đố kỵ, và căm ghét có thể dập tắt ngọn lửa của bạn trước khi nó kịp bùng lên." Trong xã hội ngày nay, chúng ta sẽ phải thua trong nhiều cuộc cạnh tranh , sẽ thất bại trước bao sóng gió, sẽ gặp biết bao điều mà chúng ta mơ ước mà không thuộc về mình,... Và lúc đó, ta sẽ có hai luồng suy nghĩ, hành động trái ngược nhau: Cố gắng vượt qua và nảy sinh lòng đố kị. Vậy lòng đố kị là gì?

Đố kị là một từ để chỉ sự tiêu cực, ghen tức, không công nhận việc ai đó hơn hoặc có thứ gì đó hơn ta, có những gì mà ta ao ước nhưng không có được. Lòng đố kị có thể khiến ta có những suy nghĩ, hành động không đúng đắn, bài trừ với những người mà ta có sự ganh ghét với họ, thậm chí ta có thể phạm tội, chỉ để thỏa mãn lòng đố kị của mình. 

Tất nhiên, một cái cây có ngọn sẽ phải có gốc, một con suối chảy ra biển lớn cũng phải có nguồn. Lòng đố kị cũng vậy. Nó xuất phát từ sự buồn chán, bất mãn trong cuộc sống hay khi bạn cảm thấy ganh ghét với những người thành công, phát đạt, giỏi giang hơn mình. Nó như một thứ gì đó vô hình, chỉ chực bao lấy tâm hồn bạn. Chính vì vậy mà nhà văn lừng danh Aleksandr Solzhenitsyn đã từng nói: "Sự ghen tị với người khác nuốt chửng chúng ta nhiều nhất." là vậy. 

Lòng đố kị xuất hiện trong những câu chuyện cổ tích mà ta đã từng được bà, được mẹ kể lại từ hồi ấu thơ: mẹ con dì ghẻ thâm độc trong chuyện Tấm Cám; hai cô chị lắm mưu trong câu chuyện Sọ Dừa,... Nổi tiếng ở Trung Quốc thời xưa, ta có Chu Du, Bàng Quyên,... Lòng đố kị cũng luồn lách dần vào hành động, suy nghĩ, lời nói của giới trẻ ngày nay, ta có thể gặp ở bất cứ đâu, bất cứ nơi nào cụm từ "gato" để ám chỉ họ. Tất cả những điều đó, luôn luôn để lại nhiều hậu quả khôn lường. Đối với mỗi cá nhân, đố kị khiến họ mất dần các mối quan hệ, mất dần sự uy tín, thành công, khiến họ thất bại, càng xa vời với tham vọng của bản thân. Họ trở thành con người không tiền bạc, không tình thương, không danh dự, trở thành một con người bình thường, thậm chí độc ác, ích kỉ. Không chỉ vậy, đối với xã hội, lòng đố kị của ta có thể khiến mọi thứ như đi chậm lại một bước. 

Hai bức ảnh ta có thể nhìn thấy phía trên cũng thể hiện lòng đố kị. Ánh đèn rọi vào một con người với nụ cười rạng rỡ, tay nâng chiếc cúp danh giá. Một người tỏ ra không mấy vui vẻ, anh ấy cảm thấy không ưa con người kia, anh muốn mình phải hơn tất cả mọi người - đó chính là lòng đố kị. Một cặp đôi đang rất hạnh phúc bên nhau, từ xa, một ánh nhìn dõi theo họ. Đôi mắt ấy trần ngập sự lạnh lẽo, cô đơn, và rồi, con người cô độc ấy cảm thấy ghen tức với họ khi mình không có tình yêu - và đó cũng là lòng đố kị. Nó len lỏi khi bạn cảm thấy buồn, không bằng người khác, không đầy đủ như mọi người,.... Nếu sự ghen tức ấy nhẹ, có thể đó là một nỗi buồn của bạn. Nhưng nếu nó quá lớn - đồng nghĩa với việc con người bạn đang bị nọc rắn đố kị cực độc bào mòn - bạn sẽ trở thành một con người cô lập, ích kỉ, có thể phạm tội ác.

Là con người, mỗi chúng ta luôn có mặt tốt và mặt chưa tốt, ưu điểm và khuyết điểm. Vậy nên, không có ai và không có gì hoàn hảo đến mức bạn có thể ganh tị với họ. Bạn hoàn toàn có thể ngang tầm, ngang sức, đi trước hay có được những thứ giống họ, nếu bạn biết công nhận, học hỏi họ và cố gắng vượt qua những trở ngại, khó khăn, cố gắng với lấy thứ mà mình ao ước.

Chắc hẳn, bạn đã từng nghe câu "Lúa chín cúi đầu, người khiêm ít tiếng". Bạn - một bông lúa, khi bạn còn non nớt, bạn ngẩng cao đầu và bạn nghĩ rằng: "Mình cao thật, chắc chắn, những hạt gạo bây giờ của mình rất thơm, ngon." Vậy nhưng, khi đó, bạn chỉ là cây lúa xanh mới trổ đòng, bạn chưa tạo ra được những hạt gạo, bên trong bạn không có gì cả, bạn chỉ tưởng tượng, và bạn ngẩng cao đầu. Đến khi bạn chín, sức nặng của những hạt lúa khiến bạn phải từ bỏ lòng tự cao của mình và cúi mình. Lúc đó, bạn mới rút ra được bài học cho mình: "Những người tài giỏi luôn luôn khiêm tốn, những thứ quý giá không bao giờ tự cao". Đó là tính cách của những người thành công trong cuộc sống. Khi bạn giỏi rồi, bạn được công nhận, bạn thành đạt, liệu lúc đó bạn có là một người tài giỏi thực sự? Điều quyết định sẽ là tính cách của bạn. Bạn nghĩ rằng: "Tôi giỏi quá, bây giờ tôi là nhất", và sau đó, những người nỗ lực sẽ vượt qua bạn. 

Vậy nên, loại bỏ lòng đố kị, có gắng vươn lên, và hãy nhớ rằng, bên cạnh đó bạn cũng phải luôn khiếm tốn, hãy như một bông lúa trĩu nặng, bạn nhé!

Chính vì vậy, ngay ngày hôm nay, hãy thức tỉnh, lấy lại sự quyết tâm vươn lên, học hỏi những người giỏi giang, thành đạt và ghi nhận những người hơn mình. Hãy cùng tạo nên một môi trường sống lành mạnh, tốt đẹp và loại bỏ sự ghen ghét, đố kị khỏi tâm hồn của con người. Bạn đã sẵn sàng?