1. Câu thơ em biết về người lính đó là :

     “Anh bạn dãi dầu không bước nữa  

        Gục trên súng mũ bỏ quên đời!”

Hai câu thơ trên được trích trong đoạn mở đầu từ bài thơ “ Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng. Đó là một bài thơ rất hay, đặc sắc, cảm động và tiêu biểu, tượng trưng cho hồn thơ của người lính- thi sĩ tài hoa xứ Đoài. Trên những cung đường hành quân đầy khó khăn, gian khổ được mở ra theo cả hai chiều : không gian và thời gian để dẫn đến sự hòa bình, tự do, và hạnh phúc cho nhân dân ta như ngày hôm nay, những người lính cụ Hồ đã trải qua biết bao nhiêu nguy hiểm, gian nan. Trên đường ra chiến trường, người lính Tây Tiến đã lường trước thực tế gian lao khắc nghiệt, nhưng vẫn tự nguyện dấn thân, dám đối đầu với những thử thách nghiệt ngã, khốc liệt sẵn sàng chấp nhận cả cái chết luôn rình rập đe doạ. Vượt núi rừng trùng điệp hoang vu hiểm trở, băng qua mưa ngàn suối lũ, chịu bao gian khổ đói rét, bệnh tật không thuốc chữa, nhưng vẫn quyết giữ vững khí phách quả cảm, can trường của người lính miền Tây Và hai câu thơ ấy như một thước phim chầm chậm, từ từ quay, thước phim ấy chậm rãi phơi bày những sự thật khắc nghiệt, đau khổ, và sự hi sinh anh dũng của những người  lính. Những người lính mệt mỏi vì đường xa, vì đói khát,.. nhưng bằng sức mạnh của trái tim người lính cụ Hồ, họ vẫn cố gắng bước đi bằng những bước chân vững chai trên con đường gập gềnh dẫn đến cách mạng còn lắm gian nan, nhưng cũng đến lúc họ phải bắt buộc nằm lại trên dọc đường hành quân. Và cách nói tránh như “ không bước nữa”, “bỏ quên đời”, đã gợi nên vẻ đẹp và tư thế  ngạo nghễ của người lính Tây Tiến. Họ chủ động đón nhận cái chết, họ thanh thản đi vào cõi chết, họ chỉ coi điều đó như một điều bình thường, hay chỉ như là một giấc ngủ mà thôi. Tư thế “ gục trên súng mũ” gây cảm giác xót xa, đau thương và xúc động vô ngần cho tôi nói riêng, và những người đọc nói chung. Người lính Tây Tiến nói riêng và bộ đội, công an Việt Nam chúng ta nói chung, họ đều âm thầm và sẵn sàng hi sinh gian khổ vì sự nghiệp cách mạng nói riêng và sự ấm no, hạnh phúc của nhân dân ta ngày hôm nay. Họ có đòi hỏi điều gì đâu, không hề có gì. Họ chỉ làm như vậy vì những tiếng cười đùa non nớt, vui vẻ của những em bé thơ, những cô cậu bé được cắp sách đến trường trong niềm vui và hạnh phúc. Hình ảnh người lính như vậy cũng không hề xa lạ đối với chúng ta phải không? Đặc biệt là trong dịch bệnh Covid như hiện nay, hình ảnh người lính càng trở nên sâu sắc hơn. Họ đã cùng nhau góp phần xây dựng chân dung người lính anh dũng, bi tráng của dân tộc Việt Nam ta.

2.

       Tôi vẫn còn nhớ, khi còn thơ bé, lon ton những bước chân nhỏ xíu theo mẹ đến trường mẫu giáo. Tuy lúc đó chưa nói rõ, nhưng trong cái đầu bé xíu còn non nớt của tôi vẫn luôn in sâu giọng hát trong trẻo, dịu dàng của cô giáo : “ Cháu yêu chú bộ đội, nơi rừng sâu biên giới, cháu thương chú bộ đội canh giữ ngoài đảo xa, cho chúng cháu ở nhà có mùa xuân ấm no, cho tiếng hát hòa bình vang trời xanh quê ta”, hay là giọng hát nghiêm trang, nhưng cũng không kém phần dịu dàng, trong trẻo của cô: “Vai chú mang súng mũ cài ngôi sao đẹp xinh, đi trong hàng ngũ chú hành quân trông thật nhanh, chú bộ đội, chúng cháu yêu chú lắm…” Lúc đó, trong đầu óc non nớt của một đứa trẻ 4 tuổi, tôi đã tưởng tượng ra hình ảnh chú bộ đội oai phong, lẫm liệt, cao lớn, giống như Thạch Sanh trong câu chuyện mà bà thường kể mỗi đêm trăng sáng ngời. Năm tháng thoa đưa, giờ tôi đã là một cô bé sắp lên cấp 3 rồi, nhưng những hình ảnh, câu chuyện tốt đẹp về chú vẫn không nguôi ngoai trong lòng tôi. 

      Giờ đây, chúng ta đã rời xa chiến tranh, rơi xa tiếng bom nổ, tiếng đạn rơi mỗi đêm nghe nát ruột gan, và cũng rơi xa những tên giặc độc ác, lưu manh. Chúng ta thực sự đã rời xa chiến tranh, để đến với hòa bình, độc lập, tự do, và hạnh phúc. Nhưng có khi nào ta tự hỏi với bản thân mình rằng : “Nhờ đâu mà ta có được một cuộc sống ấm no như ngày hôm nay?” Đó chính là nhờ công lao to lớn của những người lính can đảm đã hi sinh thân mình để anh dũng chiến đấu, giành lại được độc lập cho nước nhà. Những con người phi thường đó đã đem lại và mở ra cho chúng ta một cuộc sống tốt đẹp như bây giờ. 

      Và sau khi lớn lên, được học lịch sử và được tìm hiểu qua những bài thơ, tôi càng hiểu thêm về hình ảnh người lính can trường . Tôi hiểu qua suốt chặng đường 70 năm chiến đấu, rèn luyện và trưởng thành của quân đội nhân dân Việt Nam, từ trong chiến tranh, những mất mát, đau thương và sự hy sinh là biết bao câu chuyện huyền thoại về người lính đã trở thành bất tử. Chúng ta cùng nhớ lại, 2 cuộc kháng chiến, hơn 30 năm đất nước hằn sâu trong ký ức của mỗi nười con đất Việt đó là: những hố bom của quân thù, hàng ngàn vạn thanh niên lên đường ra trận dâng hiến tuổi xuân và nhiệt huyết cho nền hòa bình.

      Tôi còn hiểu rằng trải qua 30 năm chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ, mỗi con đường, mỗi xóm làng, mỗi bờ đê, mỗi dòng sông, mỗi ngọn suối như ngày nay, tất cả đều là mồ hôi, nước mắt, là sương máu của những người lính, đều sáng ngời lấp lánh những chiến công oanh liệt. Mỗi vùng quê trên mảnh đất cong cong hình chữ S của đất nước Việt Nam chúng ta đều có hình ảnh, bóng dáng của những người lính cụ Hồ dũng cảm, quên thân mình để chiến đấu vì nhân dân, đều có những anh hùng, liệt sĩ đã kiên cường hi sinh vì quê hương, tổ quốc thân yêu. Cả một chặng đường dài hi sinh, chiến đấu quên mình và chiến thắng vẻ vang, lớp lớp các thế hệ chiến sĩ quân đội nhân dân đã lập biết bao chiến công vang dội trong các cuộc kháng chiến cứu nước giành độc lập tự do, thống nhất đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta có quyền được tự hào, và khâm phục thêm những tấm gương sáng chói đó, cũng có quyền được tự hào vì đất nước ta có lòng nồng nàn yêu nước như vậy. Đúng như chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói rằng : “Tinh thần yêu nước kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. 

      Tôi càng thêm cảm phục, kính nể những con người phi thường, xứng đáng là những “Thạch Sanh” của dân tộc Việt Nam. Nào là chị Võ Thị Sáu- người con gái xinh đẹp vùng đất đỏ , đã bị quân Pháp bắt được khi đang làm nhiệm vụ cách mạng và bị tòa án binh Quân đội Pháp xử tử hình khi 19 tuổi. Khi nghĩ đến hình ảnh người con gái xinh đẹp nhưng khốn khổ, tôi lại nhớ đến câu thơ:  “Mùa hoa Lê-ki-ma nở Ở quê ta miền Đất đỏ …. Người thiếu nữ ấy như mùa xuân Chị đã dâng cả cuộc đời Để chiến đấu với bao niềm tin Dù chết vẫn không lùi bước … Dù hoa Lê-ki-ma nở Mồ xanh vẫn còn nức nở Khi đất nước vẫn chia làm hai miền Đêm đến bao giờ sáng Cho hoa kia nở Mùa xuân lan tràn xứ sở Tôi đến hát trước nấm mồ chôn sâu Người nữ anh hùng.”

     Còn là Phan Đình Giót dù bị thương ở vai và đùi, mất máu rất nhiều, vẫn lấy thân mình lấp lỗ châu mai và hô to:    

              " Quyết hy sinh… vì Đảng… vì dân "

Do thi thể Phan Đình Giót đã lấp kín lỗ châu mai, quân Pháp bên trong bị vướng không bắn ra được nữa, quân Việt Nam chớp cơ hội xung phong tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam vào ngày 13 tháng 3 năm 1954, giành thắng lợi trong trận đánh mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. 

       Hay là anh hùng Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo, như là Bế Văn Đàn hy sinh thân mình làm giá súng. Đó chỉ là một số anh hùng không ngần ngại hy sinh cho tổ quốc cho nhân dân. Nhưng chính họ đã góp phần làm sâu sắc và xúc cảm thêm trang sử vàng và truyền thống yêu nước quý báu của dân tộc Việt Nam oai hùng của chúng ta.  

     Vậy những người lính ngày nay có được xem là những vị anh hùng dũng cảm của dân tộc Việt Nam ta hay không? Ngày nay, những người lính thời bình thì khác, họ không thể lấy thân mình lấp lỗ châu mai hay hi sinh thân mình giá sung hoặc chèn pháo,.. Nhưng điểm chung làhọ đều có lòng yêu nước nồng nàn vô cùng. Họ vẫn được gọi là những anh hùng của dân tộc. Trong đêm khuya, vẫn là những người lính đang thầm lặng canh gác nơi biên giới hẻo lánh, vẫn là những người đang đứng đầu sóng ngọn gió ngoài biển Đông. Có ai biết rằng trong khi mình đang yên giấc thì cũng đang có những con người thầm lặng ngã xuống. Mỗi người chúng ta cảm thấy thế nào khi đứng trước vong linh của họ.

Hiếm có một dân tộc nào mà hình ảnh người lính lại được toàn dân coi đó là một hình mẫu của con người trong thời đại mới, để hết lòng tin yêu, quý trọng như dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, trong thời bình, hình ảnh những người lính không quản ngại khó khăn, gian khổ, luôn ở vị trí xung kích đi đầu, dũng cảm hy sinh quên mình vì nhiệm vụ càng làm rạng ngời hơn phẩm chất của những người chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà nhiệt tình phục vụ như vậy.

      Điển hình, trong dịch bệnh như ngày nay, vai trò của người lính càng quan trọng hơn bao giờ hết . Trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” như ngày nay, qua bao nhiêu thử thách, gian khổ, chông gai, ta mới hiểu thấm thía được tình quân- dân như cá-nước. Khi đại dịch COVID-19 bắt đầu hoành hành ở trong nước, những cán bộ, chiến sỹ “Bộ đội Cụ Hồ” lại chủ động ra quân, trở thành lực lượng nòng cốt, đi đầu. Hàng vạn cán bộ, chiến sỹ trực tiếp tham gia phòng, chống dịch, ngày đêm chăm sóc, hỗ trợ hàng vạn người cách ly tập trung, dù  đêm hay ngày, dù trời nắng hay trời mưa, sẵn sàng đối mặt với những rủi ro và cả khả năng lây nhiễm cao của bệnh dịch.

       Với tinh thần, “nhường cơm, xẻ áo”, nhiều đơn vị quân đội đã nhường chỗ ở cho người dân, tạo điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt nhất để nhân dân yên tâm cách ly. Những bức tâm thư, những dòng lưu bút, nhật ký, những câu chuyện được viết bằng thơ, bằng hình ảnh và những dòng cảm xúc tốt đẹp của người dân đang trong khu cách ly hoặc sau khi hết thời gian cách ly y tế chính là sự ghi nhận chân thực và sinh động nhất về những đóng góp của các chiến sĩ “Bộ đội Cụ Hồ”.

Trên khắp các ngả đường, tuyến phố, ngõ hẻm, khu dân cư thuộc Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương phía Nam, hình ảnh những cán bộ, chiến sĩ mang quân phục màu xanh đã trở nên thân quen với người dân. Thoăn thoắt đôi tay, cùng nhịp chân nhanh nhẹn, các cán bộ, chiến sĩ nhanh chóng đưa gạo, mì gói, dầu ăn, nước tương... cùng nhiều nhu yếu phẩm khác đến từng gia đình ở các “vùng đỏ”... Dù mồ hôi lấm tấm trên trán nhưng ánh mắt các chiến sĩ đều ánh lên niềm vui khi được hỗ trợ người dân với phần việc ý nghĩa. Sự có mặt kịp thời của các cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân đã tiếp thêm cho nhân dân niềm tin, nghị lực, quyết tâm để vượt qua khó khăn, đẩy lùi đại dịch COVID-19.

     Tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc giãn cách xã hội, bên cạnh các biện pháp mạnh, lực lượng quân đội bắt đầu công việc đến từng nhà lấy phiếu đăng ký "đơn hàng", đi chợ thay, chọn hàng hóa, thực phẩm... và mang đến tận tay bà con. Cần nhấn mạnh là, bất kể người dân nào trên địa bàn thành phố, đều được cấp phát lương thực và được đi chợ hộ. Họ đã đi chợ hộ giúp người dân mà không cần gì cả. Có một người ở thành phố Hồ Chí Minh, mấy hôm trước còn than thở trên trang facebook cá nhân về nỗi gia đình thuộc vùng đỏ, phải “án binh bất động”, không được ra khỏi nhà vì bất cứ lý do gì thì hôm nay, nhận món đồ và khoe bức ảnh chụp “chú bộ đội” đã phấn khởi mà rằng: Dân luôn lo xa muôn nỗi sinh tồn. Thế là ngay lập tức các chú bộ đội xuất hiện, thương thế chứ. Bộ đội tận tình như vậy, cứ bảo sao đi dân nhớ, ở dân thương. Đúng là ấm lòng dân giữa tâm dịch.

Từ đi chợ giúp dân, trực chốt chặn đến lấy mẫu xét nghiệm..., không quản nắng mưa, tất cả các chiến sĩ đều làm việc với tinh thần xông xáo và chuyên nghiệp đúng tác phong của một người lính. Họ đã ngày đêm quên mình, chăm sóc hỗ trợ hàng vạn người người cách ly tập trung dù ban đêm hay ban ngày, trời nắng hay mưa. Nhiều đơn vị nhường chỗ ở cho người cách ly tại đơn vị được phân công.

Những miếng cơm vội, những giấc ngủ muộn màng bên lề đường, vỉa hè dưới cái nắng gay gắt có khi đến 40C, và ban đêm thì lạnh thấu xương càng làm ta càng thấy xót xa. Có khi, họ còn phải ăn những gói mì ăn liền, những món ăn đạm bạc, nhanh gọn, để cơn đói ăn mòn ruột gan họ, để họ dành dụm, nhường nhịn cho những người dân cần đươcj giúp đỡ. Những cơn nhớ, những phút giây đau xé lòng vì nhớ người thân, những nguy hiểm rình rập, có khi phải hi sinh cả tính mạng, nhưng họ vẫn kiên cường.

Đi chợ hộ - có lẽ, là nhiệm vụ thật “đặc biệt” đối với những người lính lần tiến này. Giờ thì người dân thành phố Hồ Chí Minh đã yên tâm “ở yên” trong nhà khi có lực lượng áo xanh lo chu đáo, trao thực phẩm đến tận tay. “Rồi sẽ ổn thôi” -  chả nhẽ lực lượng quân đội đã vất vả lo từ việc nhỏ đến việc lớn cho dân như vậy mà người dân lại không thể thực hiện nghiêm việc giãn cách trong 2 tuần quyết định, để thành phố sớm bình yên?

 Thế nhưng lại có những thành phần chỉ biết nghỉ đến bản thân mình, lại chống đối những bộ đội, người lính cụ Hồ- những người đang thi hành công vụ, để rồi để lại những đau thương, xót xa cho những con người anh dũng ấy. Điển hình như vụ trung úy bị người vi phạm quy định phòng chống dịch đánh bị thương nặng và hi sinh khi đang thi hành công vụ. Khi đọc những dòng chữ đau lòng này, tim tôi như thắt lại và đau xót vô cùng. 

 Tôi mong rằng những con người như thế chỉ mãi mãi là “ con sâu làm sầu nồi canh” mà thôi. Những chiến sĩ, những người lính cụ Hồ đã ngày đêm kiên cường, sẵn sàng hi sinh ngoài kia, chúng ta cũng phải là hậu phương vững chắc. Ta nên ở trong nhà, nếu nhất thiết phải ra khỏi nhà thì phải đeo khẩu trang. Vừa về nhà, ta phải rửa tay bằng nước sát khuẩn, xúc miệng bằng nước muối ngay. Và đặc biệt hãy ghi nhớ quy định 5K của bộ y tế : khoảng cách- khẩu trang- khử khuẩn-không tụ tập- khai báo y tế. Tôi tin chắc rằng nếu chúng ta làm tốt, nhất định chúng ta sẽ vượt qua đại dịch.

                           _ _ _ Việt Nam ơi, cố lên_ _ _

      Sự vĩ đại của những người lính không thể nào kể hết được. Bây giờ ta chỉ có thể làm được những việc nhỏ nhoi mà so với những công lao to lớn đó thì chẳng bao giờ lấp đầy sự mất mát của những người lính. Những sự mất mát đó có thể vơi đi được phần nào là tùy thuộc vào những việc làm của mỗi người chúng ta trong tương lai. Chúng ta có thể thay họ chăm sóc người thân của những người lính đã hy sinh, chăm sóc mộ phần của những người đã ngã xuống cho Tổ quốc và chúng ta – những người chủ tương lai của nước nhà – phải luôn có ý thức và nghị lực gìn giữ nền hòa bình đáng quý này. Hình ảnh về người lính anh dũng, kiên cường, sẽ mãi mãi khắc sâu trong trái tim tôi. Và sau này tôi mong muốn được trở thành một nữ công an như vậy.  Tôi cũng muốn góp phần xây dựng đất nước giống như những người lính cụ Hồ anh dũng ấy. Và quan trọng nhất, tôi muốn nói to rằng : “ Cố lên những người lính cụ Hồ kiên dũng, nhất định chúng ta sẽ vượt qua đại dịch”.

                       “Với đồng bào mình ở vùng dịch nguy nan

                      Chính phủ đón về cách ly trong doanh trại

                      Bộ đội vào rừng chịu nắng dầm sương dãi

                      Để họ nghỉ ngơi nơi đầy đủ chiếu giường

                      Trái tim người lính cụ Hồ là thế đấy

                      Chỉ một chữ “cao thượng”, và thế thôi

                      Nước rửa tay,  khẩu trang… trao tặng mọi nhà

                     Đều thấm đẫm câu ca: “Bầu ơi thương bí…”

                      Dân đồng lòng ta tin thắng chắc về ta.”