Những nhân vật trong các tác phẩm văn học của nhà văn Nguyễn Tuân thường là những người tài hoa, uyên bác. Chính vì vậy, Nguyễn Tuân được đánh giá là cây bút tài hoa nhất của nền văn học Việt Nam hiện đại. Và tác phẩm “Chữ người tử tù” được xây dựng dựa trên hình tượng đẹp như vậy và tiêu biểu là nhân vật Huấn Cao xuất hiện trong chuyện với vai trò là một người tài hoa, khí phách hiên ngang, thiên lương trong sáng.

Truyện kể về nhân vật Huấn Cao - một kẻ cầm đầu quân phản loạn dám đứng lên chống lại triều đình. Khi được giải đến nhà giam ở tỉnh Sơn, vì cảm mến trước tấm lòng viên quản ngục ông đã đồng ý cho chữ. Và đó là một cảnh tượng xưa nay chưa từng có. Tình huống truyện vô cùng độc đáo. Huấn Cao là người cho chữ nhưng lại là tử tù chờ ngày ra pháp trường, viên quản ngục là người xin chữ nhưng đồng thời lại là người quản ngục nơi giam giữ Huấn Cao. Cuộc gặp gỡ đã tạo nên tình thế vô cùng kịch tính, làm nổi bật lên vẻ đẹp rạng ngời của nhân vật Huấn Cao.

Trước hết, nhân vật Huấn Cao bước ra với hình tượng được gắn ngay từ đầu là một người tử tù, cổ đeo gông, nhưng lại mang trong mình một tài hoa đó là tài viết chữ đẹp nổi tiếng khắp vùng. Với tài “bẻ khóa vượt ngục” dựa theo lời kể của viên quản ngục, lại có tài viết chữ Hán nhanh và đẹp khiến cho viên quản ngục hết lần này đến lần khác mong muốn có được chữ của ông.

Tuy nhiên với vị trí là người tử tù, Huấn Cao lại có những hành động thể hiện khí phách hiên ngang của mình. Ông luôn thể hiện rằng thái độ khinh thường bọn lính qua hành động giỗ gông. Thêm vào đó là cái tính cách không chịu khuất phục trước quyền lực và tiền bạc. Với tình cách thản nhiên vô ưu chờ ngày ra pháp trường kèm theo đó là thản nhiên nhận rượu thịt từ tay viên quản ngục mà không cần mảnh may suy nghĩ.

Ngoài vẻ đẹp tài hoa uyên bác, một tính cách cũng khiến cho người đọc hiểu và ngưỡng mộ nhân vật Huấn Cao đó là thiên lương trong sáng. Kiêu bạc là thế, nhưng khi hiểu được tấm lòng chân thành của ngục quan, ông vui vẻ nhận cho chữ, mà còn tỏ ra cảm động. “Thiếu chút nữa, ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”. Sau khi cho chữ, ông còn chân thành khuyên bảo viên quản ngục. Huấn Cao ca ngợi thiên lương, tức là cái bản chất tốt đẹp của con người: “Tôi bảo thực đấy, thầy Quản nên tìm về nhà quê mà ở đã… Ở đây, khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng nhem nhuốc mất cả đời lương thiện đi”. Lời khuyên bảo cuối cùng đối với viên quản ngục thể hiện cái tâm của nhân vật Huấn Cao vậy.

Như vậy, qua hình tượng nhân vật Huấn Cao khiến cho người đọc hiểu thêm được về sự tài hoa, uyên bác, hiểu được thế nào là cái đẹp và niềm đam mê cái đẹp. Ngoài ra, nó còn là sự hy sinh cho cái đẹp và cái tâm thế luôn luôn bảo vệ cái đẹp. Nhà văn đã sử dụng ngòi bút tả thực đầy kịch tính kết hợp với việc khắc hoạ tính cách nhân vật và ngòi bút miêu tả phong cảnh hiện thực lẫn lãng mạn. Có thể nói "Chữ người tử tù" với bút pháp sắc sảo khi dựng người, dựng cảnh, với ngôn ngữ văn xuôi giàu có và góc cạnh, với vẻ đẹp tuyệt vời của Huấn Cao, tác phẩm xứng đáng là một áng văn chương một thời vang bóng và nó mãi mãi vang bóng trong bạn đọc nhiều thời.