Qua câu chuyện “Ốc sên và Ếch xanh”, bài học tôi rút ra được là đừng bao giờ sống bằng sự đố kỵ với người khác khi bản thân chúng ta chưa hiểu hết về họ. Trong câu chuyện trên ốc sên là nhân vật có thành kiến với ếch xanh chỉ vì ếch nhảy tới nhảy lui trong khi ốc sên phải mang vỏ ốc bò chậm chạp trên mặt đất. Chỉ khi diều hâu đến và tha ếch đi ta mới thấy thứ ốc sên cho là “gánh nặng” lại là thứ giúp nó thoát chết, bảo vệ an toàn cho nó. Từ câu chuyện ấy, tôi hiểu rằng các loài động vật hay con người đều như một hình tròn vẽ bằng tay không bao giờ có vòng tròn nào là hoàn hảo cả. Chúng ta cần phải biết chấp nhận những gì mình đang có thay vì luôn so sánh bản thân mình với người khác, nuôi lòng đố kỵ với hạnh phúc của họ. Brian Tracy từng viết “Nếu bạn ghen tị với những người thành công, bạn đang tạo ra một trường lực tiêu cực đẩy bạn ra xa khỏi những điều bạn cần làm để thành công”. Hiện thực đã chứng minh tính chân xác của câu nói ấy. Khi con người ươm mầm hạt giống xấu không bao giờ có thể ra trái ngọt. Mục đích của người đố kị chính là khao khát muốn hạ bệ người khác, muốn nhìn người khác thất bại lấy đó là chiến lợi phẩm của thành công. Sự đố kị chính là một loại độc dược khiến chúng ta cảm thấy ban đầu rất ngọt ngào nhưng sau cùng lại là đau đớn dằn vặt thấu tâm can. Đơn cử như câu chuyện về Bàng Quyên - vị tướng tài hoa trong thời chiến quốc mang lòng đố kị đến mức tính kế với bạn đồng môn của mình là Tôn Tẫn. Cũng vì chút tâm cơ ất mà lọt bẫy và chết dưới hàng trăm mũi tên của Tôn Tẫn. Phải chăng vì thế mà Herodotus mới khẳng định “Bí mật của thành công không nằm ở chỗ không bao giờ thất bại mà là không có đố kị”? Và trên hết, tôi nghĩ chúng ta nên tập cho mình suy nghĩ “hài lòng với những gì mình đang có”. Phật gia tăng từng có câu “Sinh tử hữu mệnh, phú quý tại thiên”,”mệnh lý hữu thì chung tu hữu, mệnh lý vô mạc cưỡng cầu”, tức là trong mệnh đã có thì cuối cùng sẽ có, trong mệnh không có thì chớ cưỡng cầu. Con người nên vui với bổn phận của mình, sống cuộc đời an hòa, biết đủ với những gì mình đang có, dửng dưng với những thứ không thuộc về mình. Ấy mới là thuận theo thiên lý. Tâm lý “hài lòng với những gì mình đang có” cũng là chiếc bàn ủi tinh thần là phẳng con đường tới mơ ước đồng thời cho chúng ta cơ hội được gặp Thượng đế bên trong mình. Tuổi 18 với nhiều bấp bênh, tôi nhận ra bản thân mình đã để sự đố kỵ đeo bám quá lâu và tôi nhận ra đã đến lúc thoát khỏi việc làm “con rối” của nó để tận hưởng tuổi trẻ của mình thật trọn vẹn. Làm một người bình thường chấp nhận những khuyết điểm song vẫn không ngừng tiến bước chinh phục những đỉnh cao cũng là một loại hạnh phúc tuyệt đích.