Như khối rubik lập diện đa chiều, đa sắc, hiện thực thậm phồn của cuộc sống không ngừng xoay chuyển, khó đoán. Sau mỗi lần rubik chuyển dịch các mặt sẽ là một lần chuyển sắc. Cuộc sống luôn xê dịch, vận động không ngừng, cứ một giây qua đi, thế giới đã có biết bao sự thay đổi. Nếu con người không học cách chủ động chuẩn bị để bắt kịp cái guồng quay vội vã ấy sẽ bị hiện thực khốc liệt quật ngã mà dừng bước và chấp nhận” sự chọn lọc tự nhiên” của tạo hoá? Thuở còn non trẻ, tôi chưa hiểu tại sao con người luôn trong tư thế sẵn sàng chuẩn bị “hành lí cần thiết” để tồn tại trong mọi hoàn cảnh sống? Nhưng trong một lần vô tình đọc được câu nói “Khi trời đẹp, hãy chuẩn bị cho thời tiết xấu’ của Thomas Fuller, tôi thấy mình đã tìm ra cánh cửa để tôi hiểu triết lý cuộc sống ấy. 

    “Khi trời đẹp”- thiên thời - địa lợi- nhân hoà hội tụ tạo nên những thời cơ lí tưởng cho con người vươn lên mạnh mẽ. “Thời tiết xấu” - những cái bẫy bất ngờ của cuộc đời đặt con người vào nghịch cảnh khắc nghiệt. Song chữ nghĩa đâu phải sỏi đá, đâu chỉ là những con chữ nằm thẳng đơ trên trang giấy mà nó truyền đến sức sống tư tưởng của tác giả đến với độc giả. Mượn hình ảnh “trời đẹp” và “thời tiết xấu”, Thomas Fuller đã bắc một cầu nối kì diệu tới trái tim người đọc với thông điệp: Khi chúng ta đang trên đài vinh quang của thắng lợi đừng tự ru ngủ mình bằng chiến thắng. Hãy chủ động bắt tay vào chuẩn bị “hành trang thiết yếu” để chờ đón khó khăn phía trước. 

     Du hành thời gian về thế kỉ XX với những mốc son chói lọi của dân tộc Việt Nam - tháng 8/1945 - cách mạng tháng Tám thành công. Dù với thành công vang dội ấy đã mở ra cho đất nước kỉ nguyên của độc lập tự do song Đảng và chính phủ của ta không “ngủ quên” trên chiến thắng. Nhận thấy tình hình đất nước có những chuyển biến thuận lợi, ngay lập tức Đảng đã đi vào những bước chuẩn bị đầu tiên về kinh tế,bộ máy chính trị, giáo dục… đưa đất nước vượt qua tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, tiến tới mục tiêu bảo vệ trọn vẹn chủ quyền lãnh thổ đất nước khỏi “ánh mắt” lăm le xâm lược của kẻ thù. Thực tiễn đã chứng minh, đất Việt ta có những trang sử hào hùng như chiến thắng Việt Bắc Thu Đông - mồ chôn giặc Pháp, Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” hay Ngày Chiến Thắng 30/4/1975, Nam Bắc xum vầy, đằng sau thành công ấy đều có “bóng dáng” của sự chuẩn bị lâu dài, chu đáo, lâu dài của Đảng và Chính phủ. Sự chuẩn bị trong hoàn cảnh thuận lợi giúp chúng ta đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng từng nấc thang vững chắc đưa ta chạm tới đài vinh quang của danh vọng. Thành công tự nhiên đến với chúng ta chỉ là một xác suất rất nhỏ nhưng với sự chuẩn bị chu đáo dựa trên nền tảng cơ hội sẵn có, tôi tin chắc rằng ngày “Thần Vui” gõ cửa đưa tin chiến thắng sẽ không còn là ngày xa xôi hay chỉ là suy nghĩ trong mộng tưởng. Sự chuẩn bị có thể coi nó là thước đo định giá khả năng chiến thắng của bản thân trong trường đua cuộc đời trước bao đối thủ xuất sắc đang lao mình chạy tới đích. 

        Ca dao ta có câu:

                                   “Cây cao thì gió càng lay

                       Càng cao danh vọng, càng dày gian truân”

     Mỗi ngày con người đều bước từng bước nhỏ tiệm cận tới “thiên đường mơ ước” nhưng tự trong lòng ta tự hiểu rằng: cánh cửa thiên đường không bao giờ mở ra dễ dàng?. Có mấy ai có đủ dũng khí, lòng tin để sẵn sàng bước trên “con đường trải đầy hoa hồng mà bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai”? Vì vậy, con người cần đến sự trang bị sẵn sàng đương đầu khó khăn cản lối. “Hành trang” được chuẩn bị dệt cho con người tấm áo “mạnh mẽ, nghị lực, dũng cảm” với một đức tin bền chắc Thượng đế luôn trao cho con người “món quà phúc đáp” xứng đáng. Robert Knight - cựu huấn luyện viên bóng rổ nổi tiếng là người kĩ tính trong khâu chuẩn bị cho đội bóng trước khi ra sân. Anh từng chia sẻ sự chuẩn bị giúp anh có niềm tin mạnh mẽ vào chiến thắng của đội mình. Các cầu thủ trên sân cũng vậy, họ luôn trong tâm thế thoải mái, tin tưởng vào kinh nghiệm được trang bị từ vị huấn luyện viên của mình. Với châm ngôn “ưu tiên chuẩn bị trước cho mọi tình huống, Robert đã làm nên sự nghiệp huấn luyện viên rực rỡ với vô số thành tựu nổi bật khiến bao người phải “ngả mũ” thán phục. “Thất bại trong sự chuẩn bị nghĩa là chuẩn bị thất bại” ( William Arthur Ward). Nếu không có sự chuẩn bị, mọi con đường phía trước ta đi đều là ngõ cụt tựa như con thuyền mất phương hướng thì chiều nào cũng là ngược gió, xung quanh bốn bể ta chỉ thấy giông tố bủa vây.

       Thật đáng buồn, cuộc sống không giống như mặt hồ phẳng lặng, êm đềm. Nó là một đại dương bao la với những con sóng bạc đầu có lúc dịu êm, lặng lẽ, có lúc lên phong ba dữ dội. Con người là một thuyền trưởng lênh đênh trên biển cả nhân sinh. Cuộc đời không phải là cuốn sách đọc trang đầu có thể đoán trước được kết thúc. Chúng ta đều không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Vì không thể biết trước nên chúng ta không thể bỏ qua khâu chuẩn bị ban đầu mà chọn cách liều lĩnh như thiêu thân lao vào ánh sáng dẫu biết phía trước là bao gian khó. Để tồn tại con người không nằm ngoài quy luật “chọn lọc” và “đào thải”. Ai có thể thích ứng với khó khăn, cộng sinh cùng nghịch cảnh là người chiến thắng cuối cùng. Sự chuẩn bị là một phần để chúng ta bắt đầu với hành trình cải biến bản thân phù hợp với cuộc sống, vượt qua quy luật “đào thải” khắc nghiệt của tạo hoá. Tôi nhớ đến nhà toán học thiên tài Euler - một người mà tôi vô cùng ngưỡng mộ. Thời còn trẻ nhà toán học sau một cơn sốt mà mất đi thị lực mắt phải. Đến khi về già, ông bị đục thuỷ tinh thể mắt trái và phần đời còn lại sống trong bóng tối. Vậy điều gì đã giúp nhà toán học Euler vượt qua và tiếp tục quá trình nghiên cứu của bản thân? Đó là sự chuẩn bị ngay từ khi ông biết mình không còn nhìn được trong bao lâu nữa. Ông đã nhắm hai mắt làm quen với bóng tối, luyện tập thích ứng cho cuộc sống. Quả nhiên sau khi ông mất hoàn toàn thị lực, cuộc sống của ông không bị xáo trộn, nó vẫn tiếp diễn như cách nó vốn được vận hành trước đây. Mọi sự chuẩn bị không bao giờ là vô ích. Mỗi lần chúng ta chuẩn bị cho tương lai là một lần ta học được cách thích nghi với mọi biến thiên, xoay vần bất ngờ của cuộc sống. 

       Câu nói còn giúp tôi hiểu một điều rằng sự chuẩn bị luôn cần song hành với chủ động nắm bắt thay đổi và hành động. Có trong tay sự chuẩn bị như nắm trong tay chiếc la bàn hạnh phúc đưa con người tìm đến hướng đi đúng đắn sau những ngày tháng lạc lối trong “nhà giam tâm trí”. Nhưng mọi sự chuẩn bị đều sẽ vô nghĩa nếu chúng ta không chủ động bắt tay thực hiện. “Sấm thì tốt, sấm thì gây ấn tượng lắm nhưng sét mới làm nên chuyện”. Khi chúng ta bắt tay vào thực hiện, sự chuẩn bị của chúng ta không còn là lí thuyết nằm trên trang giấy trắng hay chỉ tồn tại như một dự định mà chuyển hóa thành hiện thực.Ta chủ động thực hiện, ta sẽ gọi tên những ước mơ thành lời. Tuy nhiên ta không thể phủ nhận được rằng cuộc sống là một trục số biến thiên tại mọi điểm, ta không thể biết chắc “thời tiết” có thể xấu đến mức nào. Đôi khi sự chuẩn bị của chúng ta lại không thể đáp ứng được mục tiêu được đề ra như kế hoạch ban đầu. Chúng ta phải học thêm cả những cách ứng biến khôn khéo, đối phó linh hoạt với hoàn cảnh. Không nên chủ quan với sự chuẩn bị của mình mà quên mất cách linh động trong mọi tình huống. 

      Tuổi xuân tựa như chuỗi chuông gió treo trên ngưỡng của 18, gió thổi tới chuông phát ra âm thanh du dương như vẫy gọi tôi từ biệt tuổi xuân xanh chát bước trên con đường chính chắn của mình. Tôi chọn sống vươn tới những tầm cao bởi:  “Khát vọng của tôi mang dấu chân của những cuộc hành trình/ Chạy hoang hoài trong vô cùng vũ trụ” ( Nguyễn Văn Huy). Để hoàn thành được ước mơ, tôi hiểu rằng mình cần một hành trang vững chắc được chuẩn bị kĩ lưỡng, chu đáo ngay từ những bước đầu tiên. Câu nói của Thomas Fuller đã truyền cho tôi cảm hứng mãnh liệt, thức tỉnh lương tri còn đang say giấc bên trong mình thôi thúc hành động. Ngay cả khi tôi đang chìm trong vị ngọt của chiến thắng, tôi không được phép quên việc chuẩn bị cho những cạm bậy cuộc đời đang đón đợi ở phía trước. Chủ quan là “bả ngọt” đưa con người vào quên lãng song chủ động luôn là cách nắm chắc trong tay chìa khoá của tương lai. Bạn chuẩn bị những gì để đón đợi “thời tiết xấu” trên con đường phía trước?