Hồn trở về neo đậu trong những trang sách tuổi thơ, tồn tại mang dấu vết thời gian thuộc là hồi ức đẹp đẽ nhất -Doremon. Có lẽ một tác phẩm truyện tranh tồn tại lâu đến như vậy không phải chỉ tính giải trí mà nó mang lại mà cả bài học cuộc sống đáng giá sau những mẩu chuyện chỉ vọn vẻn vài trang. Đến giờ tôi mới nhận ra giá trị yêu thương mà tập truyện truyền tải qua bao thế hệ. Doremon từng thấy Nobita ôm mẹ mà suy nghĩ “Ước gì mình cũng có mẹ” và mẹ Nobita đáp lại “Con cũng là con của mẹ mà, Dora”. Dẫu chỉ là một chi tiết nhỏ nhưng nó đã gieo vào lòng tôi suy tư lắng đọng : liệu tình yêu của con người liệu có đủ lớn để giành tình yêu thương cho những thứ “khác biệt” trong đời như cách mẹ Nobita giành tình yêu của một người mẹ cho mèo máy vốn không phải con người như Doremon không? Dù câu hỏi ấy chỉ thoáng qua như mây qua đỉnh núi nhưng tôi không ngừng tìm lời giải đáp trong suốt thời gian qua. Chỉ đến khi tìm đến trang sách Luis Sepulveda đến với “Chuyện con mèo dạy hải âu bay”, tôi mới tìm được câu trả lời cho riêng mình thông qua những chiêm nghiệm về câu nói của mèo mun Zorba với hải âu nhỏ Lucy mà nó nhận nuôi dưỡng:"Thật dễ dàng để chấp nhận và yêu thương kẻ nào giống mình, nhưng để yêu thương ai đó khác mình thực sự rất khó khăn, và con đã giúp chúng ta làm được điều đó". Yêu thương thật màu nhiệm nhưng chỉ khi ta mở lòng với tất cả chấp nhận cái khác biệt - đó mới là tình yêu cao cả nhất của nhân loại.

      Có lẽ đã không còn xa lạ với thế hệ trẻ, từng được coi là cuốn sách gối đầu giường của nhiều trẻ em trên thế giới. “Chuyện con mèo dạy chim hải âu bay” trở thành bông hoa không tuổi tựa vào dòng chảy văn chương nhân loại. Không chỉ đơn thuần chỉ là hành trình làm mẹ của mèo Zorba với hải âu nhỏ Lucy mà còn là lời nhắc nhở yêu thương thấm nhuần trong tư tưởng bạn đọc qua nhiều thế hệ :"Thật dễ dàng để chấp nhận và yêu thương kẻ nào giống mình, nhưng để yêu thương ai đó khác mình thực sự rất khó khăn, và con đã giúp chúng ta làm được điều đó". “ Kẻ nào đó giống mình” là những người cùng chí hướng, suy nghĩ. Những “hồn đồng điệu” ấy họ dễ dàng cảm thông chia sẻ cho nhau ngọt bùi, gánh vác những khó khăn. Còn “ai đó khác mình” là những người có lập trường khác biệt, đối lập với chúng ta. Trong mối quan hệ với người đó luôn là những mâu thuẫn giằng xé vì những quan niệm tư tưởng khác biệt. Vì vậy mà chúng ta dễ dàng chấp nhận “yêu thương kẻ giống mình” và thật khó để yêu thương “ai đó khác mình” đều được sinh ra từ tâm lí chung trong tiềm thức của con người. Nhưng liệu chỉ yêu thương những người giống mình đã là “yêu thương”? Mỗi người sẽ có một quan điểm riêng nhưng tôi cho rằng để tiến đến một “yêu thương” trọn vẹn đúng nghĩa cao cả vốn có chúng ta đều cần phải học cách : tôn trọng, chấp nhận những điều khác biệt. 

     

     “Yêu thương” chính là tình cảm cao quý nhất, có thể ví như viên ngọc minh châu sáng giá nhất trong chiếc rương kho báu là tâm hồn con người. Mang trong mình sức mạnh vô hình có thể cữu rỗi cả nhân loại cải tạo một thế giới tốt hơn, yêu thương không bao giờ là sự ích kỉ trong tâm hồn chỉ chấp nhận ôm một vòng người chật hẹp. Nó phải được trải rộng theo chiều dài của cuộc sống bao gồm cả “ai đó khác mình”- điều khác biệt. Để sống đúng nghĩa yêu thương trước hết ta nên học cách tôn trọng chấp nhận cái khác biệt. Chấp nhận khác biệt là cảm thông, bao dung, mở lòng với những đối lập giữa chúng ta với đối phương. Con người sinh ra là một cá thể độc nhất mang tính chất khác nhau. Sao có thể mọi người đều là bản sao của một bản chính duy nhất? Chúng ta luôn khác nhau. Vì vậy việc tôn trọng những cái khác biệt ấy là điều cần thiết để duy trì mối quan hệ xã hội tốt đẹp. Có một câu nói tôi vô cùng tâm đắc “Phần lớn sức sống của tình bạn nằm trong sự tôn trọng khác biệt không chỉ là thưởng thức sự tương đồng” song tôi nghĩ không chỉ là tình bạn mà mọi quan hệ đều cần sự tôn trọng ấy. Tôn trọng khác biệt giúp ta thêm thấu hiểu, co lại khoảng cách giữa hai con người. Có lẽ đó cũng là sợi dây liên kết một mối quan hệ bền bỉ vượt qua lớp bào mòn của thời gian. 

        Khi chúng ta học được cách chấp nhận khác biệt, ta như đã thành công gạn lọc, mở rộng góc nhìn toàn diện về một con người. Cũng bằng cái nhìn ấy, chúng ta khám phá từ bên trong - đứa trẻ của nội tâm. Thái độ nhìn nhận “khác biệt “ theo cách toàn diện sẽ trở thành chiếc chìa khoá mở cánh cửa tâm hồn con đang đóng khép. Giống như công việc khai hoang đất, ta có cái nhìn trực quan phát hiện ra những “dinh dưỡng quý” mà ngay cả bản thân ta chưa bao giờ khám phá hết. Từng một thời gắn bó với những trang viết Hwang Sun-mi về “Cô gà mái xổng chuồng”. Giống như mèo Zorba trở thành điểm tựa cho hải âu Lucy, gà mái Mầm Lá cũng trở thành mẹ của chú vịt Đầu Xanh. Vốn là gà công nghiệp nhưng Mầm Lá mang một khát vọng đặc biệt đó là được làm mẹ. Dù đứa con của cô không phải do chính mình đẻ ra nhưng cô đã yêu thương Đầu Xanh như con ruột của mình. Chính hành trình “làm mẹ” sẵn sàng mở lòng yêu thương con của một loài không cùng dòng giống với mình đã khiến Mầm Lá trưởng thành. Nó đã đánh thức tình cảm mang thiên tính nữ trong lòng cô gà công nghiệp luôn khao khát có một đứa con cho riêng mình. Trở thành mẹ của Đầu Xanh là bắt đầu chuỗi ngày chiến đấu với mu Chồn gian ác để bảo vệ đứa con của mình. Gà - chồn một cuộc chiến đấu không tưởng giữa hai thiên địch nhưng Mầm Lá đã giành chiến thắng. Chấp nhận yêu thương một loài khác cùng hành trình bảo vệ đứa con nhỏ của mình, cô gà Mầm Lá đã mở ra chiếc hộp chứa sức mạnh tiềm tàng : tình mẫu tử thiêng liêng mạnh mẽ. Tôi tin rằng không chỉ có Mầm Lá khi mở lòng với “ai đó khác mình” trao cho họ tình yêu sẽ mở được cánh cửa khám phá bản thân mình, mà chính chúng ta đều có thể. 

        Không chỉ dừng lại ở bước chân thấu hiểu được bản thân, ta có thể tạo thành con đường mới cho những ai còn khác biệt mặc cảm vì “khác biệt” của bản thân đến với thế giới. Sự thấu hiểu chấp nhận từ người khác là cõi khởi sinh gieo niềm tin hi vọng cho họ tìm được giá trị đích thực của mình.. Không còn quá xa lạ với cái tên Quasimodo nổi tiếng gắn với kiệt tác “Thằng gù ở nhà thờ Đức Bà” của nhà văn Pháp Victor Hugo. Tôi vẫn ấn tượng với nàng Esmeralda với trái tim nhân hậu. Khi Quasimodo bị xử phạt trên đài bêu rếu vì tội bắt cóc và gây rối ban đêm. Là một kẻ hình dị dạng, vừa mù vừa chột - cái ngoại hình khác biệt so với những người khác, không một ai quan tâm đến hắn. Chỉ có Esmeralda đem đến cho hắn ngụm nước mà không xa lánh hay sợ hãi. Chính hành động yêu thương ấy đã mở cửa cho một trái tim chai sạn của Quasimodo, lần đầu tiên hắn được sống như một con người. Như mũi tên hai chiều, tác động qua lại, khi chúng ta chấp nhận sự khác biệt cũng là hành trình khám phá cái tôi bản thể và cũng là kim chỉ nam cho những tâm hồn còn mặc cảm với khác biệt của bản thân với mọi người tìm đến khát vọng mới.

        Trưởng thành không được đo tính bằng tuổi tác mà bằng những trải nghiệm. Bằng vốn sống hiện có tôi thấy mình đủ lớn để nhận ra sống yêu thương là chưa đủ mà phải luôn học song hành với cách tôn trọng chấp nhận khác biệt ở mỗi con người. Opralwin Frey từng nói “Bài học tồi tệ nhất của lịch sử là chúng ta thường bỏ qua một ai khác vì họ là người ngoại quốc hoặc họ khác biệt với chúng ta. Chế độ Apacthai trong lịch sử là hồi chuông cảnh báo cho nhân loại khi chúng ta chỉ sống yêu thương đồng loại “kẻ nào đó giống mình” về màu da, tính cách mà gạt bỏ “ai đó khác mình” khỏi quyền được sống tự do và mưu cầu hạnh phúc. Nếu lối sống thiên vị ấy vẫn còn thì liệu ngày mai con được mở lối? Yêu thương vẫn hàm chứa trong “nhỏ nhen”,”ích kỉ” sẽ còn đâu giá trị trọn vẹn của nó? Vì vậy, chúng ta nên học được cách tôn trọng khác biệt mới vượt qua những khúc mắc để thấu hiểu lòng được nhau. “Chiến tranh”, mâu thuẫn sẽ lùi xa chỉ còn màu xanh của hoà bình còn mãi ôm trọn góc trời yêu thương.

    Câu nói của mèo Zorba :"Thật dễ dàng để chấp nhận và yêu thương kẻ nào giống mình, nhưng để yêu thương ai đó khác mình thực sự rất khó khăn, và con đã giúp chúng ta làm được điều đó". Chỉ ngắn ngọn nhưng lại gieo vào lòng người đọc bao suy nghĩ về cách tôn trọng, mở lòng yêu thưởng cả điều khác biệt ở những con người khác nhau. Khác biệt ở mỗi bản thể là qui luật tự nhiên khi con người được tạo ra. Điều ấy không thể thay đổi chỉ có cách con người biết chấp nhận cảm thông cho đối phương. Nhà thơ Tố Hữu từng viết :

                        “Có gì đẹp trên đời hơn thế

                              Người yêu người sống để yêu nhau"

  

     

Đừng để yêu thương trong lòng bị cản bước bởi định kiến hạn hẹp bài xích cái “khác biệt”.