Ta hãy nghĩ cuộc đời như rặng núi
Biết bao đèo, bao dốc lớn phải qua
Từ tinh mơ cho tới lúc chiều tà
Trong bụi gai hoa tỏa hương khoe sắc!

          Những câu thơ trên nhắn nhủ chúng ta về những khó khăn, trắc trở trong cuộc sống. Dẫu chẳng ai muốn điều không may xảy đến nhưng nó vẫn tồn tại như một lẽ hiển nhiên. Ngay lúc hạnh phúc, vui vẻ nhất vẫn có thể tiềm ẩn nguy cơ bất hạnh, khổ đau. Và để nhắc nhở mọi người có tâm thế bĩnh tĩnh nhất trước mọi biến cố, Thomas Fuller gửi gắm “Khi trời đẹp, hãy chuẩn bị cho thời tiết xấu”.

          “Trời đẹp” là cách nói ẩn dụ chỉ hoàn cảnh, điều kiện thuận lợi để thực hiện công việc nào đó. Cũng có thể hiểu đó là những kết quả tốt đẹp mà hiện tại con người đã đạt được. “Thời tiết xấu” là cách nói ẩn dụ chỉ hoàn cảnh, điều kiện bất lợi có thể xảy ra. Cũng có thể hiểu đó là kết quả không tốt, hoặc những việc xảy ra không như mong muốn…Hãy chuẩn bị” thể hiện sự cần thiết của việc chủ động trước bất cứ hoàn cảnh nào… Câu nói của Thomas Fuller khuyên mọi người: Để đạt được một mục đích tốt đẹp của cuộc sống, con người cần có cái nhìn thấu suốt không chỉ trong hiện tại, mà còn phải hướng đến cả tương lai; không quá thỏa mãn với kết quả đạt được ở hiện tại, mà còn phải lường trước những điều không thuận lợi có thể xảy đến trong tương lai. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, con người cũng cần hướng đến lối sống chủ động trước hoàn cảnh, chuẩn bị những giải pháp cần thiết cho những điều khó khăn, những tình huống xấu có thể xảy ra…

          Chủ động, chuẩn bị trước những tình huống xấu có thể xảy ra trong cuộc sống là một sự cần thiết. Cuộc sống luôn tiềm ẩn những bất trắc mà con người không lường trước được. Nếu chủ quan trước những kết quả đã có trong hiện tại (dù tốt), thì khi bất trắc xảy ra, ta sẽ phải nhận lấy những hậu quả khôn lường. Sự chủ động chuẩn bị trước những tình huống xấu có thể xảy ra trong cuộc sống sẽ giúp con người bình tĩnh, có phương án xử lí và khắc phục những khó khăn một cách tốt nhất… Một lập trình viên làm code gửi bao nhiêu hi vọng vào sản phẩm của mình nhưng cũng phải chuẩn bị tâm thế sẵn sàng sửa lại nếu có bất cứ sai sót nào để trang web chạy mượt hơn, nhanh hơn. Một kĩ sư chế tạo ô tô dồn tất cả tâm huyết vào sản phẩm nhưng qua thời gian, nếu nó bộc lộ những điểm chưa hợp lí thì cũng sẵn sàng để chỉnh sửa làm sao cho chiếc ô tô đó thân thiện nhất với người dùng. Tình huống xấu có thể đến bất cứ lúc nào, sự chuẩn bị tinh thần sẵn sàng đối mặt luôn giúp cho chúng ta trở nên tự tin, bình tĩnh hơn.

Biết chủ động, chuẩn bị trước những tình huống xấu có thể xảy ra trong cuộc sống là một thái độ sống tích cực. Người có thái độ chủ động là người dù có thành công trong hiện tại nhưng biết nhận thức đúng về bản thân, không thỏa mãn trước thành tích, mà luôn chủ động rèn luyện, trau dồi để duy trì thành tích. Và chủ động trước những thách thức trong tương lai.

Chủ động, chuẩn bị trước những tình huống xấu có thể xảy ra chính là cách để con người có thể nắm bắt những cơ hội tốt nhất để có thể thành công trong tương lai. Đó là cách để chuẩn bị cho những gì chưa đến, chứ không phải thụ động chờ đợi cơ hội đến với mình. Nếu thụ động chờ đợi, con người sẽ đánh mất rất nhiều cơ hội để bản thân có thể khẳng định mình…

Chủ động sẽ giúp con người làm chủ hoàn cảnh, một người có khả năng nhìn xa trông rộng, ứng biến rõ thời cơ, biết vạch ra kế hoạch, nhanh chóng quan sát khả năng được và mất nếu như ta hành động thì có lẽ sớm muộn gì người đó cũng nuôi cái tính cách để trở thành một người lãnh đạo giỏi, ai ai cũng đều tin tưởng, luôn thích làm theo những lời mách nước, các biện pháp thông minh, hợp lý. Như trong các cuộc chiến tranh của dân tộc nếu như không có những người chỉ huy giỏi như  một Hồ Chủ Tịch, một Đại tướng Võ Nguyên Giáp,…vô số người tướng tài ba trong lịch sử dân tộc có tâm có tài, họ lăn xả vào cuộc chinh chiến cùng anh em, họ trực tiếp tham gia vào trận chiến dù không cần quá lăn xả, nhưng họ đã có thể hình dung, suy tính được rõ ràng đường đi nước bước, các kế hoạch trù bị khẩn cấp khi cần, kể cả thắng nhưng không bao giờ cho phép mình bị động.

Kỳ thi Đại học diễn ra ta phải chủ động và chuẩn bị kiến thức cho thật vững vàng nhưng cũng có khi ta phải chuẩn bị tinh thần và đặc biệt là chuẩn bị tinh thần  cho những tình huống không may xảy ra. Sự chủ động có thể là bạn học ôn kỹ càng tất cả các kiến thức nhưng bạn cũng sẽ phải chuẩn bị nhiều thứ khách như đi sớm hơn để phòng tắc đường, chuẩn bị giấy tờ. Tâm lí phòng thi là thứ cần rèn luyện nhưng cũng cần phải chuẩn bị tâm lý nếu như không đỗ đại học thì bạn sẽ có con đường khác cho mình. Như thế, ếu chủ động được tất cả mọi tình huống không hay xảy ra như vậy chắc chắn rằng bạn cũng sẽ làm chủ được cuộc sống của chính mình. Luôn vững tin và sống thật tích cực.

Bên cạnh những người biết lo xa “khi thời tiết đẹp”, có chuẩn bị cho “thời tiết xấu” thì lại có những người luôn thụ động, vô lo. Từ đó dẫn đến tình trạng “Nước đến chân mới nhảy”. Nhưng cũng phải khẳng định rằng sự chủ động và chuẩn bị trước mọi hoàn cảnh không đồng nghĩa với việc lúc nào cũng âu lo, suy tính đến những điều chưa xảy ra một cách thiếu căn cứ. Đó là sự lo xa không cần thiết!

“Muốn thấy cầu vồng phải đi qua những cơn mưa”. Nếu không có bất trắc thì chẳng ai mong muốn thuận lợi, nếu không có những đau đớn, tổn thương thì chẳng ai mưu cầu hạnh phúc. Bởi không lường trước được điều gì có thể đến nên hãy cứ chủ động, tích cực, chuẩn bị thật tốt đối mặt với mọi tình huống, bạn nhé!