Sự sống của con người là hữu hạn, ai rồi cũng phải bệnh rồi phải lìa xa cõi đời như một cái cây đã trụi hết lá. Nhưng nếu ta chỉ lắc đầu làm ngơ, biết là ai cũng phải chết mà thờ ơ và cho qua, thì ta sẽ mãi sống trong vô vị và lãng phí cả một đời người. Dựa theo tư tưởng ấy, nhà thơ nổi tiếng Exenhin đã bày tỏ cảm nhận và quan niệm của mình về cái chết:

"Thà tôi cháy vèo trong gió

Còn hơn thối rữa trên cành"

     Hai câu thơ lắng đọng, súc tích đưa người đọc đến với cảm xúc dâng trào đến tột độ. Trước hết, tác giả đã sử dụng cặp từ "thà... còn hơn" để ám chỉ sự khao khát được sống một cách thật ý nghĩa, thật vinh quang của mình. Tác giả mong muốn được sống hết mình, để dù cho có "cháy vèo trong gió" ông cũng không hối hận. Hai cách nói đối lập "cháy vèo trong gió >< thối rữa trên cành" thể hiện hai cái chết trái ngược nhau. "Cháy vèo trong gió" tức là một cái chết an nhiên, không còn vướng bận điều gì sau một cuộc đời đã được cống hiến hết mình; còn "thối rữa trên cành" là một cái chết vô vị, một cái chết sau vòng sinh tử luân hồi rất đỗi bình thường, một sự kết thúc sau cuộc đời tự phát, thụ động. Như vậy, nhà thơ muốn khẳng định bản thân muốn sống có ý nghĩa, dù có phải đánh đổi sự hy sinh, sự đau đớn ông vẫn muốn bản thân góp phần và cống hiến hết mình cho cuộc đời. Từ hai câu thơ, ta rút ra được bài học: hãy sống một cuộc sống thật ý nghĩa, dù có phải trải qua những thăng trầm bão tố, ta cũng phải cố gắng vượt qua, như vậy có chết thì cũng mãn nguyện, đừng sống lãng phí, sống như một chiếc máy lập trình chỉ biết làm theo vòng luẩn quẩn, để rồi phải "thối rữa trên cành".