hatma Gandhi (1869-1948) được nhân dân Ấn Độ tôn sùng như bậc thánh nhân, ông là nhà cải cách chính trị và tôn giáo, ông đã đi vào lịch sử nhân loại bằng phong trào đấu tranh bất bạo độngchống lại đế quốc Anh đối với thuộc địa Nam Phi và ở vai trò lãnh đạo trong cuộc đấu tranh dành độc lập cho Ấn Độ với sự ủng hộ của hàng triệu người dân. Ông được dân Ấn Độ gọi một cách tôn kính là “Linh hồn lớn”, “Vĩ nhân”, “Đại nhân” hoặc là “Thánh Gandhi”. Cách sống của ông như được ghép lại từ những câu chuyện mang đậm tính nhân văn thoát thai từ dáng vóc của một cư sĩ giản dị. Chuyện về “Chiếc giày và Thánh Gandhi” luôn gợi mở cho đời sau hiểu hơn về tính cách của một con người vĩ đại từ những điều tưởng chừng nhỏ nhặt, xin được phép trích lược lại:

Người ta kể chuyện là có thời ông Gandhi đi trên một chuyến xe lửa. Khi tàu bắt đầu lăn bánh thì ông nhảy vội lên tàu khiến cho một chiếc giày của ông tuột rơi xuống đường. Ông không thể nào nhảy xuống để nhặt lại chiếc giày trong khi tàu thì chạy càng lúc càng nhanh. Ông bèn tháo luôn chiếc giày còn lại trong chân và ra sức ném về phía chiếc giày kia đang nằm ở dưới đường. Hành khách trên tàu tỏ vẻ ngạc nhiên khi thấy thế và có người còn lấy làm lạ về hành động kỳ quặc của ông. 

Một người mạnh dạn hỏi: “Tại sao Ngài lại làm thế?”. Gandhi mỉm cười và ôn tồn giải thích rằng: “Nếu có một người nghèo nào lượm được chiếc giày thứ nhất thì người đó có thể tìm thấy chiếc thứ hai và như thế là có được đủ đôi giày để đi”.

Chúng ta ít khi nghĩ đến người khác mà thông thường chỉ nghĩ về chính bản thân mình và người thân của mình mà thôi. Khi bị mất mát thì điều đầu tiên chúng ta nghĩ đến là những thiệt thòi và bất hạnh của mình để rồi than vãn, trách móc cho sự rủi may. Kế đó, có lẽ sẽ mất thêm nhiều thời gian nữa để nuối tiếc, thậm chí khóc lóc rồi sinh ra bực bội, chán nản. 

Gandhi đã có một hành động thật cao quý vì trong khi bản thân bị mất mát như thế, ông vẫn để tâm mà nghĩ đến người khác. Hành động này chứng tỏ việc nghĩ đến người khác đã trở thành một phần trong tâm tưởng và nguyên tắc sống của ông. 

Nếu trong những lúc chúng ta đang được sống an bình và gặt hái thành công mà lại thiếu đi sự quan tâm tới những kẻ bất hạnh hơn mình thì liệu khi gặp gian khó khăn mất mát, ta có thể làm được điều đó hay không? Một xã hội bị xem là xô bồ như hiện nay thì hàng ngày có biết bao nhiêu người thiếu thốn đang cần tới sự giúp đỡ. Những gì họ cần đến không nhất thiết luôn là vật chất, nhiều khi chỉ cần một lời động viên an ủi là quá đủ để họ có thể đứng dậy và đi tiếp. Cõi đời này sẽ ấm áp và hạnh phúc biết bao nếu mỗi người trong chúng ta không chỉ chăm lo cho lợi ích của riêng mình mà còn biết san sẻ cho người khác nữa thì thật hữu ích và tuyệt vời lắm thay!

Trong cuộc sống, hầu hết chúng ta hay đặt câu hỏi: “Nếu giúp họ, chúng ta sẽ được gì?”. Nhưng với những người vĩ đại thì lại nghĩ khác: “Nếu mình không giúp họ, điều gì sẽ xảy ra với những con người đang gặp gian khó này?”. Người có từ tâm khi giúp ai cũng không bao giờ mong đợi đến sự đền đáp mà chỉ nghĩ đó là việc nghĩa nên làm mà thôi.