Người ta thường nói trăm nghe không bằng một thấy, ấy vậy mà đâu phải lúc nào ta cũng nhìn được thấu những thứ ta đang thấy, cũng không phải lúc nào ta cũng nên tin những gì ta thấy. Thật thật giả giả, tin hay không tin, có ích hay không có ích cũng phải tùy vào trường hợp nhất định. Giống như câu chuyện hòn đá cũng vậy, nó vốn vô dụng bỗng một ngày trở thành quý giá bởi “rơi từ vũ trụ xuống đã mấy trăm năm” đặt ta vào vấn đề lớn về cách nhìn nhận giá trị trong cuộc sống.
Câu chuyện ta thấy trước hết hai góc nhìn khác nhau: góc nhìn của những “mọi người” và góc nhìn của “nhà thiên văn”. Ở đây tôi không bàn đến học thức hay trí tuệ mà cần bàn đến góc nhìn theo mục đích của mỗi người. Rõ ràng mọi người thấy hòn đá này “xù xì án ngữ trước của nhà”, chẳng thể dùng xây tường, làm bậc hè hay làm cối, thậm chí có khi còn hơi vướng víu, thật quá vô dụng. Mọi người nhìn nhận giá trị của hòn đá như vậy vốn là bởi đối với họ hòn đá chỉ có mục đích sử dụng đến thế, không có gì hơn. Còn đối với nhà thiên văn, ông ta nhìn hòn đá với tác dụng khác, một tác dụng thần kỳ, cao siêu nào đó.
Thực tế cũng không thể phủ nhận rằng nhà thiên văn vì có kiến thức hơn, có tầm nhìn khác hơn nên mới nhận ra được mặt giá trị cao quý của hòn đá. Nhưng ngược lại với những người bình thường cùng lắm cũng chỉ ngạc nhiên về sự quý hiếm của hòn đá mà thôi. Dù có biết hòn đá quý hiếm hơn nữa, họ ngoài trưng bày cũng chẳng thể làm gì hơn để tận dụng đúng giá trị đó. Nhà thiên văn đã nói: "Đương nhiên không thể xây tường, lát bậc lên xuống, không thể điêu khắc và giặt vò quần áo. Nó không phải là thứ để làm những trò ấy, cho nên thường bị người đời chê bai". Phải chăng thứ dù có trân quý đến đâu cũng chỉ phát huy giá trị khi nó đến được đặt vào đúng hoàn cảnh xứng đáng.