Nhà chính trị lỗi lạc Nelson Mandela đã có nhận định "Giáo dục là thứ vũ khí mạnh nhất mà người ta có thể sử dụng để thay đổi thế giới.", với em, đây là quan điểm hoàn toàn đúng. Trước hết, ta hãy tìm hiểu đối tượng quan trọng nhất cần bàn luận ở đây: "Giáo dục" là gì? Giáo dục là một cách tiếp thu về kiến thức, thói quen, phong tục và những kĩ năng đã được chắt chiu gìn giữ, lưu truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác bằng hình thức giảng dạy, nghiên cứu hoặc đào tạo. Giáo dục đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc sống của chúng ta. Nó là một yếu tố làm nên sự tiến bộ, hiểu biết của loài người so với muôn loài khác. Từ xưa, trong xã hội chưa phát triển như hiện tại, con người đã biết tới giáo dục. Không đi học ở trường lớp thì con em được bố mẹ dạy dỗ khi ở nhà. Họ dạy con trẻ những kiến thức cơ bản về đời sống, cách cư xử với mọi người, kính già yêu trẻ; họ dạy con cách tự bảo vệ bản thân, và dần dần biết quan tâm đến người khác. Khi xưa, những người được giáo dục bài bản ở trường lớp như thư sinh, học sĩ, thầy đồ,... đều ở một vị trí cao hơn trong xã hội phong kiến, được nhiều người coi trọng và nể phục. Nhưng ta vẫn luôn thấy, ở những thời đại phong kiến có bóc lột, những cuộc nổi dậy của nông dân phần nhiều là do các nông phu không được học ở trường lớp bài bản nhưng họ vẫn có thể dẫn dắt đoàn quân của mình đạt được chiến công vang dội. Sự thật mà nói, những người nông dân anh dũng ấy là những người có giáo dục. Họ được cuộc sống giáo dục cho sự dũng cảm, tinh thần dân tộc, tinh thần đấu tranh chống áp bức và một lòng yêu thương những con người đồng cảnh ngộ. Thế ta mới thấy, giáo dục không phải thứ cao siêu vượt xa tầm với, phải có bằng cấp, học vị, tiền tài, danh vọng... Một người không hay chữ vẫn có thể được coi là một người có giáo dục. Trong những thế kỉ 18, 19 đã bắt đầu hình thành mầm mống những đế quốc và thuộc địa. Thế kỉ 20 là cao trào giải phóng thế giới khỏi chiến tranh và bóc lột. Nelson Mandela sinh ra ở thời điểm này, và ông là một người đã giải phóng dân tộc mình, được đất nước coi là "vị cha già dân tộc". Ông nhận định giáo dục là thứ vũ khí mạnh nhất. Tại sao lại như vậy? Thứ nhất, đây là một câu nói mang tính ẩn dụ. Giáo dục là một khái niệm trìu tượng ta không thể cầm nắm hay nhìn thấy như đồ vậy. Ấy mà thứ vô hình trìu tượng ấy lại là thứ vũ khí mạnh nhất thay đổi toàn bộ cục diện thế giới. Ngẫm về những cuộc chiến tranh, các nước đế quốc tàn sát người dân vô tội ở các thuộc địa nhìn chung mà nói, họ có những thứ vũ khí hủy diệt. Những thứ vũ khí ấy được tạo ra nhờ các kiến thức toán, hóa học, các định luật vật lí... Còn chưa kể đến các chiến thuật đánh quân, lí lẽ đanh thép trên bàn đàm phán của các nhà ngoại giao, kĩ năng lãnh đạo của những bộ óc đầy sạn nơi đế quốc. Còn người dân ở các nước thuộc địa chưa có nền giáo dục, nên họ phải chịu khổ đau từ những gã khổng lồ đế quốc kia. Tương quan mà nói, giáo dục dẫn đến sự phát triển khoa học, kĩ thuật của phương Tây. Và chính sự phát triển đó đã thúc đẩy các nước giàu có thời ấy nhăm nhe các nước chưa mấy coi trọng giáo dục, nghèo đói, lạc hậu. Như vậy, trong các cuộc chiến tranh xâm lược, giáo dục làm bàn đạp đề các nước đế quốc thực hiện những hành động xấu tác động đến người dân vô tội trên toàn thế giới. Cũng là giáo dục, nhưng đóng một vai trò khác: giải phóng con người. Nelson Mandela là một người da màu, ông bị bắt vì chế độ phân biệt chủng tộc của bọn đế quốc áp đặt vào quê hương ông. Trong nhà tù, ông Mandela vẫn không ngừng học, truyền tải kiến thức cho những người cùng đang bị cầm tù, chưa phút giây nào ông từ bỏ lí tưởng giáo dục của mình. Câu nói của Mandela có lẽ cũng được rút ra từ sự nghiệp giải phóng dân tộc của ộng. Được giáo dục, ông mới biết về mình, về thế giới, vạch ra đường lối đúng đắn để giải thoát cho dân tộc khỏi cảnh lầm than, đói nghèo. Hay như đất nước Việt Nam của chúng ta, cũng từng là một thuộc địa của bọn đế quốc, mà dân tộc ta đã được giải phóng. Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước cũng là đi tìm giáo dục, đi tìm chân lí cho dân tộc mình. Giáo dục là nguồn cơn của mọi hành động. Giáo dục biến một đất nước trở thành một cường quốc hoặc biến nó thành một thuộc địa. Giáo dục tạo ra thứ vũ khí hủy diệt tàn độc hoặc lá cờ của một đất nước tự do. Thử hỏi, nếu không có giáo dục, ông Mandela lấy gì để đấu tranh đòi lại tự do, công bằng, sự phát triển cho Nam Phi? Thử hỏi đất nước Việt Nam của chúng ta sẽ ra sao nếu Bác Hồ và các vị tướng tài khác không được tiếp cận với chân lí giáo dục? Đất nước ta phát triển như ngày hôm này phần lớn do giáo dục. Giáo dục là quốc sách. “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Đó là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trích trong “Thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa”, ngày 15-9-1945. Đó là lời dặn dò tồn tại thiên thu, nhắc nhở tất cả các thế hệ học sinh về nhiệm vụ của giáo dục. Người có giỏi, tài năng từ bé không được giáo dục đúng cách cũng khó thành người. Bây giờ, tiếp cận với giáo dục đã trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Nhưng bên cạnh đó, có những người được tiếp cận với giáo dục nhưng không biết quý trọng, phát huy đã trở thành những người không có ích cho xã hội, đó là một thực trạng đáng buồn. Chính vì thế, mỗi chúng ta - những học sinh đang cắp sách tới trường đã nhận biết được tầm quan trọng của giáo dục thì phải chăm chỉ học hỏi, tiếp thu những tinh hoa kiến thức, để tương lai xây dựng đất nước ngày một giàu đẹp, văn minh hơn.