Quê hương là chùm khế ngọt

Cho con trèo hái mỗi ngày 

Quê hương là đường đi học

Con về rợp bướm vàng bay… 

Cuộc sống nhộn nhịp đã đưa đẩy hàng triệu triệu người trên thế giới gắng sức để học. Họ học để có một cuộc sống đầy đủ. Họ học để được đi sang nước ngoài. Mỗi lần xa quê, ai cũng bồi hồi, xao xuyến; ai cũng muốn được nhìn thấy quê hương một lần nữa trước khi cất bước sang nơi đất khách quê người. Một thời gian đầu ở chốn quê người, người ta thấy rất thích thú. Nhưng sự thích thú đó dần bị lấn át bởi nỗi nhớ quê luôn day dứt trong tâm trí người xa xứ. Biết bao lần tôi gặp những người nước ngoài, có người đã ở Việt Nam mấy chục năm trời. Có ai biết rằng, nỗi nhớ quê, nỗi nhớ nơi chôn rau cắt rốn vẫn theo đuổi người xa xứ, họ vẫn nung nấu ý định về thăm quê nhà… 

Câu chuyện xa xứ đã khiến tôi day dứt hơn bao giờ hết. Tôi vẫn đang ở nơi quê cha đất tổ của mình đây, nhưng chẳng hiểu sao tôi thấy như mình là một người xa xứ. Trong đầu những người xa xứ luôn âm vang hai chữ " quê hương". Quê hương là nơi ta sinh ra, là nơi chôn rau cắt rốn của ta, đã gắn bó với ta suốt tuổi thơ. Vậy nên, ở nước ngoài, cho dù cuộc sống rất tiện nghi, ta vẫn thèm khát những thứ giản dị nhất của quê hương. 

Ở nước ngoài, ta phải hoa mắt trước những khách sạn sang trọng, những món đồ ăn ngon, đậm đà, nhưng trong đầu ta vẫn là bóng cây đa xanh mát ta ngồi nghỉ giữa trưa hè, vẫn là những cánh đồng lúa vàng ươm. Vì sao người xa xứ luôn day dứt hai chữ quê hương? Quê hương, dù giản dị, dù kém tiện nghi hơn nước ngoài, vẫn là nơi ta cất tiếng khóc chào đời. Quê hương chính là nơi tiễn ta đến những vùng đất lạ, và cũng chính là nơi đón ta trở về. Ở đó, có những người thân yêu nhất, ở đó có tình yêu của những người thân nhất. Không một ai xa quê mà lại không nhớ nhung. Một thời gian đầu, chúng ta dễ chịu với đủ thứ tiện nghi. Nhưng khi thời gian trôi qua đã lâu, nỗi nhớ quê lại ám ảnh tâm trí người con xa xứ. Khi đó, quê hương lại vẫy gọi ta, động viên ta. " Chúng ta có nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi để về." Nơi để về ấy không gì khác chính là quê hương. Ở đó có những người tiễn ta đi để đón ta về. Và cái thứ đầu tiên mà khi họ đón ta về là lời hỏi thăm, là cái ôm ấm áp. Cho nên, dù đi khắp năm châu bốn bể, vẫn không có nơi nào bằng quê hương. 

Trong mẩu chuyện trên, hai lần đầu người em xa xứ viết thư về đều nói hết sự tiện nghi ở nước ngoài. Nhưng đến lần thứ ba, nỗi nhớ quê đã được gửi gắm qua những dòng chữ: " Em thèm một chút nắng ấm quê nhà, muốn được đi giữa phố bụi bặm, ồn ào, nhớ bến chợ xôn xao, lầy lội… Biết bao lần em đuổi theo một người Châu Á để hỏi xem có phải người Việt không…" Nỗi nhớ quê, niềm mong muốn được ở cạnh quê nhà sao mà day dứt, ám ảnh… Nó luôn canh cánh trong lòng mỗi người con xa xứ, nó khiến ta mất ăn, mất ngủ mà đâm ra chán những thứ sang trọng nơi đất khách. Lúc đó, ta không mong muốn gì hơn là được ở cạnh quê nhà, được thả những cánh diều sặc sỡ ở cánh đồng lúa… Tại quê hương, những người thân cũng nhớ ta, thậm chí là còn khóc cạn cả nước mắt. Ta chỉ muốn được gần gũi họ, được nhìn thấy những thứ giản dị nhất của quê hương. Và ta sang nơi đất khách rồi lại về, đi để trở về. Cuộc sống tiện nghi ở nước ngoài không thể làm ta quên đi những gì thân thuộc ở quê nhà. Nó chỉ khiến ta phát chán và luôn nung nấu ý định trở về. 

Giờ đây, tôi mới thấm thía hết nỗi nhớ quê trong lòng mỗi người con xa xứ. Tôi thèm được sống tiện nghi, đầy đủ ở nước ngoài lắm! Nhưng nó không ngăn cản được nỗi nhớ quê. Tôi chỉ muốn dù đi khắp năm châu bốn bể, vẫn không ai quên nơi chôn rau cắt rốn của mình… 

                                                   Xa hoa đường sá quê người

                                            Thèm mong được có những đồ dùng kia

                                                 Làm sao nói hết nỗi niềm

                                               Xa quê bao tháng, bồi hồi nhớ quê.