"Đứa trẻ muốn hái sao, cô độc là môn học bắt buộc của chúng, ta không sợ chính mình nỗ lực rồi không ưu tú, ta chỉ sợ người ưu tú hơn ta còn nỗ lực hơn ta". Quả vậy, Lư Tư Hạo đã đưa ra cho chúng ta một bài học vô cùng sâu sắc về sự thành công, về những thứ cần đánh đổi để có được thành tựu. Trong câu nói của ông, "đứa trẻ muốn hái sao" chính là hình ảnh của những con người mang trong mình những ước muốn và khao khát có được thành công. Vậy muốn thành công thì phải làm gì? Theo Tư Hạo, đó là phải học được cách "cô độc". "Cô độc" là như thế nào? Liệu có phải là ta phải học cách tách mình ra khỏi thế giới, rồi tự cô lập mình hay không? Không phải. Ở đây Tư Hạo muốn nói, mỗi chúng ta cần phải tự lập, cần phải làm quen với sự cô độc trong cuộc sống. Tại sao nhỉ? Bởi thế giới là muôn màu muôn vẻ và mỗi người đều có cuộc đời của chính mình, có con đường riêng khác biệt cần chính họ tự khám phá. Sẽ không có ai thay bạn đi trên con đường của chính bạn, mà bạn phải tự mình bước đi trên đôi chân của mình. Nhiều lắm họ chỉ ở bên đường cổ vũ, khích lệ bạn vượt qua những trở ngại khó khăn đó mà thôi. Có một sự thật là trong cuộc sống, trong công việc hay bất cứ phương diện nào đó, sẽ có những người, những việc rời xa ta cho dù ta không muốn đi chăng nữa: ông bà, cha mẹ rồi bạn bè, đồng nghiệp..... Nếu ta cứ ỷ lại vào họ thì ta sẽ không thể nào thành công được. Vì thế làm quen với cô độc, trở nên tự lập, không phụ thuộc ai chính là "môn học bắt buộc" của những "đứa trẻ" muốn hái được sao trời. Một lời khuyên nữa mà Tư Hạo đưa ra cho chúng ta đó là cần phải nỗ lực không ngừng. Đây có thể coi là chìa khóa của sự thành công như ai đó đã từng nói "Thành công 1% là may mắn, 99% là nỗ lực". Có những người dù có thiên phú xuất sắc nhưng chủ quan, lười biếng thì dần dần sẽ tụt lùi, không bao giờ thành công được, nhưng những ai luôn cố gắng chăm chỉ học tập, tu dưỡng thì dù không có thiên phú cũng sẽ tỏa sáng. Và ánh sáng đó là thứ ánh sáng chói nhất, vì nó được thời gian tôi luyện, được chăm sóc bởi biết bao mồ hôi, công sức của mình. Chúng ta nỗ lực vì thành công nhưng thành công không phải là lí do tất cả. Điều quan trọng là chúng ta đã cố gắng hết sức để đạt được điều mình muốn, đã thật sự nỗ lực chứ không bỏ lỡ để sau này phải hối tiếc. Có những lúc chúng ta không đạt được thành công, nhưng không sao, sau mỗi lần vấp ngã chính là một lần chúng ta có thêm kinh nghiệm, có thêm bài học, kiến thức trở nên "dày dặn". Đó cũng là một yếu tố quan trọng để có được thành công sau này. Và mỗi khi vấp ngã ta cũng không cần lo sợ, bởi thất bại là một điều bình thường với tất cả mọi người. Ai ai cũng từng thất bại ít nhất một lần, chẳng thể nào có ai đó một đường thuận lợi đi tới thành công cả. Như Edison cũng mất đến 10000 lần mới sáng chế ra bóng điện, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng mất rất lâu mới tìm ra con đường cứu nước. Song, điều duy nhất chúng ta cần sợ đó là khi chúng ta mất hết sự quyết tâm nhưng những người giỏi hơn ta vẫn luôn nỗ lực không ngừng. Khi đó ta mới là kẻ thất bại thực sự. Đối với tôi, câu nói của Lư Tư Hạo giống như một chân lý trong cuộc sống. Câu nói của ông đã cho tất cả chúng ta một bài học, một lời khuyên vô cùng sâu sắc: Muốn thành công, phải biết cách làm quen với cô độc; muốn tỏa sáng, phải luôn không ngừng nỗ lực. Tôi mong mọi người - những ai đang mang trong mình ước mơ, hoài bão, khát vọng sẽ luôn giữ được sự quyết tâm như thuở ban đầu, và luôn không ngừng để cố gắng hoàn thiện bản thân. Mỗi lần thất bại, hãy nhớ về lí do tại sao ta từng theo đuổi nó, bạn nhé!