Câu chuyện trên kể về những nhân vật đã trở thành huyền thoại trong lịch sử nhân loại: hai nhà du hành vũ trụ đầu tiên đặt chân lên mặt trăng: Neil Alden Armstrong và Edwin Eugene Aldrin. Sự kiện con người đặt chân lên mặt trăng là sự kiện vô cùng quan trọng đánh dấu sự phát triển của thiên văn học và khoa học vũ trụ của thế giới, chứng minh khả năng vô tận của con người trong hành trình chinh phục vũ trụ. Tuy nhiên, lịch sử chỉ ghi tên tuổi một người duy nhất đầu tiên đặt chân lên mặt trăng, đó là Neil Amstrong. Người đồng hành cùng với ông là Edwin Aldrin thì không được nhắc đến. Ai cũng nghĩ rằng đó là một thiệt thòi, một ấm ức với Aldrin, nhưng câu chuyện “Người đầu tiên” đã cho chúng ta một bài học sâu sắc về cách ứng xử thông minh, nhân văn của nhà khoa học này. Câu trả lời tuyệt vời của Aldrin cho chúng ta một bài học về góc nhìn và ứng xử trong cuộc sống: Luôn nhìn nhận vấn đề ở nhiều góc độ, bằng cái nhìn lạc quan và quảng đại.

Người đầu tiên”: là người thứ nhất, đi tiên phong trong một lĩnh vực, công việc, hành trình… và ghi dấu ấn của mình ở lĩnh vực, công việc đó. Nhưng cũng là người khai phá, mở đường, phát hiện ra những lĩnh vực mới, ghi những dấu mốc quan trọng góp phần thay đổi lịch sử của bản thân, cộng đồng, dân tộc, nhân loại; là những người có tầm ảnh hưởng lớn lao, nổi tiếng và được đông đảo công chúng biết đến, họ được lịch sử ghi nhận, được xem như những vĩ nhân, biểu tượng cho cộng đồng. Trở thành “người đầu tiên” của một việc gì đấy, là người sáng lập ra một cái gì đấy thật là một điều tuyệt vời và đáng tự hào, ngưỡng mộ biết bao. Nhưng trở thành “người đầu tiên” trên sự “tái tạo” một cái gì đấy đã cũ cũng vinh dự không kém.

 

Nam Cao chẳng phải là nhà văn đầu tiên viết về giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức nghèo tiểu tư sản nhưng ông vẫn luôn được coi là người thành công nhất ở thể loại này. Xuân Diệu chẳng phải “người mở đường” cho phong trào Thơ mới 1932-1945 nhưng ông vẫn được người đời ngợi ca là “Nhà thơ mới nhất trong những nhà thơ mới”! Chắc hẳn chúng ta đều đã từng đọc câu chuyện về những người đứng lên cho rằng “Trái đất quay xung quanh Mặt trời” chưa? Cô-péc-ních là người đầu tiên. Đúng vậy. Nhưng về sau này Ga-li-lê chứng minh lại thì điều ấy mới được công nhận. Vậy Ga-li-lê không được coi là người đầu tiên sao?  Trong câu trả lời của mình, Aldrin đã khẳng định, ông cũng là người đầu tiên, tuy không phải là đầu tiên đặt chân lên mặt trăng, nhưng lại là người đầu tiên từ hành tinh khác bước chân lên trái đất. Người trái đất đầu tiên đặt chân lên mặt trăng và người ở mặt trăng đầu tiên đặt chân lên trái đất, chẳng phải đều là những điều kì diệu sao? 

 Phải là người có trí tuệ sắc sảo, óc hài hước và quảng đại, mới có thể cho chúng ta một câu trả lời hay đến vậy. Vì thế mà tất cả mọi người đều vỗ tay tán thưởng nồng nhiệt trước câu trả lời của Aldrin. Ai mà chẳng muốn trở thành người đầu tiên. Tuy nhiên, Aldrin đã nhường lại vinh dự ấy cho người bạn đồng hành với mình: Neil Amstrong. Phải chăng, ông không muốn có được danh tiếng? Chắc hẳn không phải như vậy, chỉ đơn giản, đó là cách ông nhường chỗ ngồi cho bạn mình khi hai người chỉ có duy nhất một chiếc ghế. Cách ứng xử của Aldrin là một cách ứng xử đẹp, dựa trên sự khiêm tốn và tôn trọng người khác, không chỉ vì danh tiếng của bản thân mình.Cách ứng xử của Aldrin nhắc nhở mỗi chúng ta khi muốn vượt lên trên người khác, hãy nghĩ đến họ; nhắc nhở ta về những cách ứng xử hẹp hòi, ích kỉ, so đo, tính toán mà hằng ngày chúng ta vẫn thường bắt gặp, thậm chí là người trong cuộc.

Từ câu chuyện “Người đầu tiên”, chúng ta cần nhận thức được: danh tiếng là điều cần thiết, nhưng bản lĩnh, nhân cách và lối ứng xử nhân văn của con người trước danh tiếng mới là điều quan trọng. Hiện nay, nhiều người bằng mọi giá, đánh đổi nhiều thứ quý giá để có được danh tiếng. Điều đó đáng lên án, phê phán. Cách ứng xử đẹp của Aldrin cần được nhân rộng, để xã hội ngày càng trở nên tốt đẹp hơn, nhân văn hơn.