Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Đề tham khảo số 3 SVIP
Phần I. Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu. (6,0 điểm)
Chân phải bước tới cha
Chân trái bước tới mẹ
Một bước chạm tiếng nói
Hai bước tới tiếng cười
Người đồng mình yêu lắm con ơi
Đan lờ cài nan hoa
Vách nhà ken câu hát
Rừng cho hoa
Con đường cho những tấm lòng
Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới
Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời.
(Ngữ văn 9, tập 2, NXB Giáo dục)
Câu 1. Đoạn thơ trích trong bài thơ nào? Của ai? Em hiểu gì về cách gọi “người đồng mình” của tác giả? (1,0 điểm)
Câu 2. Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ nhân hóa được sử dụng trong hai câu thơ: “Rừng cho hoa/Con đường cho những tấm lòng”. (1,0 điểm)
Câu 3. Hai câu thơ “Rừng cho hoa/Con đường cho những tấm lòng” gợi cho em nhớ tới câu thơ nào trong chương trình Ngữ văn lớp 9 cũng nói về sự bao bọc và nuôi dưỡng của thiên nhiên với con người? Chép chính xác câu thơ đó và cho biết tên bài thơ. (0,5 điểm)
Câu 4. Dựa vào phần đã trích dẫn, hãy viết đoạn văn nghị luận khoảng 10 - 12 câu theo cách lập luận tổng - phân - hợp để làm rõ cội nguồn sinh dưỡng của mỗi con người. Trong đoạn văn có sử dụng câu ghép và phép thế (gạch chân và chú thích rõ). (3,5 điểm)
Hướng dẫn giải:
Câu 1.
Trích trong “Nói với con”, tác giả Y Phương.
Cách gọi “người đồng mình” của tác giả nhằm chỉ người vùng mình, người miền mình, người cùng sống trên một vùng đất, cùng một quê hương, dân tộc.
Câu 2.
Biện pháp nhân hóa “Rừng cho” và “Con đường cho”.
- Làm câu thơ hay, sinh động, gợi hình, gợi cảm.
- Nhấn mạnh sự giàu có, nghĩa tình của thiên nhiên quê hương.
- Khẳng định sự tự hào, trân trọng, ngợi ca của tác giả dành cho quê hương, xứ sở.
Câu 3.
Gợi nhớ tới câu thơ: “Biển cho ta cá như lòng mẹ”.
Trích bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá”.
Câu 4.
*Về hình thức: đảm bảo đúng độ dài theo yêu cầu; diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi dùng từ, đặt câu. (0,25 điểm)
*Về tiếng Việt: sử dụng hợp lí câu cảm ghép và phép thế. (0,5 điểm)
*Về nội dung: đảm bảo các ý cơ bản sau. (2,5 điểm)
- Khung cảnh gia đình đầm ấm:
+ Liệt kê “chân phải, chân trái; một bước, hai bước; tiếng nói, tiếng cười” + ẩn dụ chuyển đổi cảm giác “chạm tiếng nói, tới tiếng cười”: em bé bi bô tập nói và gợi về khung cảnh gia đình đầm ấm, hòa thuận luôn tràn ngập niềm vui, hạnh phúc, đầy ắp tiếng nói, tiếng cười.
=> Gia đình chính là cội nguồn sinh thành và nuôi dưỡng con.
- Giới thiệu quê hương qua lối nói hình ảnh của người vùng cao:
+ “Người đồng mình” là người vùng mình, người miền mình, người quê hương. => Cách nói giản dị, thân thuộc, mộc mạc của người miền núi.
+ Từ “yêu”, phó từ “lắm”, thành phần biệt lập gọi đáp “con ơi”: lời thơ trìu mến, thân thương.
+ “Đan lờ cài nan hoa”: tả thực công cụ lao động còn thô sơ.
+ “Vách nhà ken câu hát”: tả thực đời sống sinh hoạt cộng đồng.
+ Động từ “cài, ken”: miêu tả động tác khéo léo, cho thấy sự gắn bó của con người với cuộc sống lao động.
- Quê hương hiện lên với những hình ảnh thơ mộng, trữ tình:
+ Nhân hóa “Rừng cho hoa”: sự giàu có, hào phóng của thiên nhiên quê hương.
+ Điệp từ “cho”: tấm lòng hào phóng của thiên nhiên quê hương.
=> Quê hương với văn hóa, lao động đã nuôi dưỡng và chở che cho con thêm lớn khôn, trưởng thành.
+ Cha mẹ “nhớ về ngày cưới”: kỉ niệm cho sự khởi đầu của một gia đình hạnh phúc.
Đoạn thơ là lời dặn dò, nhắn nhủ tâm tình của cha với con về cội nguồn sinh thành - gia đình và về cội nguồn sinh dưỡng - quê hương nuôi con khôn lớn.
*Sáng tạo: thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. (0.25 điểm)
Phần II. Đọc đoạn trích và thực hiện các yêu cầu. (4,0 điểm)
Câu 1. Xác định nội dung của đoạn trích. (0,5 điểm)
Câu 2. Cụm từ in đậm trong đoạn trích thực hiện phép liên kết nào? (0,5 điểm)
Câu 3. Em hiểu “hoàn cảnh nghiệt ngã” là gì? Tại sao nó lại có thể nhấn chìm con người? (1,0 điểm)
Câu 4. Từ ý nghĩa đoạn trích kết hợp với hiểu biết xã hội, hãy viết đoạn văn có độ dài khoảng 2/3 trang giấy thi trình bày suy nghĩ của em về ý kiến: “Trong cuộc sống, lạc quan là liều thuốc tinh thần giúp chúng ta vượt lên mọi khó khăn, thử thách”. (2,0 điểm)
Bài đọc:Hoàn cảnh nghiệt ngã tưởng chừng đã có lúc nhấn chìm tôi. Hơn ai hết, tôi từng muốn tự tử, và tôi đã từng rất nhiều lần bỏ cuộc. Nhưng cuối cùng, tôi đã can đảm đứng dậy sau hàng ngàn lần ngã... Thường thì chúng ta cứ tự nhủ rằng mình không đủ thông minh hoặc không đủ hấp dẫn, hoặc không đủ tài năng để theo đuổi những ước mơ. Chúng ta tin những gì người khác nói về chúng ta, hoặc tự đặt ra những giới hạn cho bản thân. Tồi tệ hơn, khi bạn tự coi mình là một người vô giá trị, nghĩa là bạn đang đặt ra ranh giới cho những điều kì diệu. Cho dù những thách thức mà bạn đang phải đối mặt là gì đi nữa, cho dù những thách thức ấy có khốc liệt, nghiệt ngã đến mức nào đi chăng nữa, tôi cũng mong bạn hãy tin tưởng và cảm thấy như vậy về cuộc sống của chính mình.
(Cuộc sống không giới hạn, Nick Vujivic, First New)
Hướng dẫn giải:
Câu 1. (0,5 điểm)
Đoạn trích nói về những điều tồi tệ xảy đến khi con người chấp nhận chìm mình trong hoàn cảnh nghiệt ngã và khuyên mỗi người hãy biết nỗ lực vươn lên trong hoàn cảnh.
Câu 2. (0,5 điểm)
Phép nối.
Câu 3. (1,0 điểm)
Hoàn cảnh nghiệt ngã là hoàn cảnh khó khăn, trở ngại, gây gian nan, thử thách, đòi hỏi con người phải mạnh mẽ, nghị lực để vượt qua.
Nó có thể nhấn chìm con người vì rơi vào hoàn cảnh nghiệt ngã, nhiều người có cái nhìn tiêu cực, tuyệt vọng, không thể vượt qua được áp lực, thách thức.
Câu 4. (2,0 điểm)
a. Bảo đảm yêu cầu về hình thức đoạn văn (0,25 điểm)
Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo một cách hoặc kết hợp các cách: diễn dịch, quy nạp, móc xích, song hành, tổng - phân - hợp; bảo đảm yêu cầu về cấu trúc đoạn văn.
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận (0,25 điểm)
Vai trò của lạc quan trước khó khăn, thử thách.
c. Triển khai vấn đề nghị luận (1,0 điểm)
Thí sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp, triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách để làm rõ ý nghĩa của thái độ sống tích cực trước thử thách; bảo đảm hợp lí, thuyết phục, phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật. Có thể triển khai theo hướng:
+ Giải thích “lạc quan”, “liều thuốc tinh thần”.
+ Bàn luận: lạc quan giúp mỗi người tìm kiếm giải pháp, cải thiện tâm trạng và cảm xúc; tạo tâm thế tích cực, vui vẻ; đem lại những niềm vui sống trước khổ đau và lan tỏa giá trị tích cực tới cộng đồng.
+ Dẫn chứng.
+ Phản biện.
+ Liên hệ và rút ra bài học.
d. Chính tả, từ ngữ, ngữ pháp (0,25 điểm)
Bảo đảm chuẩn chính tả, từ ngữ, ngữ pháp tiếng Việt.
đ. Sáng tạo (0,25 điểm)
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc, có ý tưởng phù hợp với vấn đề nghị luận; có cách lập luận, diễn đạt mới mẻ.