Đề số 1
PHẦN I. ĐỌC HIỂU
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Nhiều người cho rằng có tiền là có tất cả. Tiền bạc quả thật có sức mạnh lớn lao. Nhưng tiền bạc không phải là vạn năng.
Nó có thể mua được chiếu giường nhưng không mua được giấc ngủ.
Nó có thể mua được châu ngọc, nhưng không mua được sắc đẹp.
Nó có thể mua được giấy bút, nhưng không mua được ý thơ.
Nó có thể mua được nhà cửa, nhưng không mua được gia đình.
Nó có thể mua được thức ăn, nhưng không mua được sự ngon miệng.
Nó có thể mua được trò chơi nhưng không mua được niềm vui.
Nó có thể mua được xu nịnh, nhưng không mua được lòng trung thành.
Nó có thể mua được cánh hẩu nhưng không mua được tình bạn.
Nó có thể mua được quyền thế, nhưng không mua được trí tuệ.
Nó có thể mua được thể xác, nhưng không mua được tình yêu.
Nó có thể mua được vũ khí, nhưng không mua được hòa bình.
(Theo Thác-cơ-rê, dẫn theo Ngữ văn 11, nâng cao, tập 2,
NXB Giáo dục Việt Nam, 2016, tr. 17)
Câu 1. Đoạn trích trên sử dụng thao tác lập luận nào?
Câu 2. Tác giả sử dụng thao tác lập luận đó nhằm mục đích gì?
Câu 3. Hãy nêu cách hiểu của anh (chị) về một lí lẽ được nêu trong đoạn trích trên.
Câu 4. Anh (chị) có đồng tình với quan điểm về tiền bạc “tiền bạc không phải là vạn năng” không? Vì sao?
PHẦN II. LÀM VĂN
Câu 1. Từ nội dung của đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh (chị) hãy viết 1 đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của mình về vấn đề: Nếu không có tiền…
Câu 2. Cảm nhận của anh (chị) về hình tượng “sóng” trong bài thơ cùng tên của Xuân Quỳnh.
PHẦN I.
Câu 1. Đoạn trích sử dụng thao tác lập luận bác bỏ.
Câu 2. Thao tác lập luận bác bỏ được tác giả sử dụng để bác bỏ quan niệm “có tiền là có tất cả”. Đây là quan niệm của nhiều người nhưng không phải lúc nào quan niệm đó cũng đúng. Bằng những lí lẽ xác đáng và dẫn chứng thuyết phục, tác giả đã chỉ ra rằng tiền bạc có thể mua được những giá trị vật chất nhưng không mua được những giá trị tinh thần.
Câu 3. Hs chọn một trong những lí lẽ được nêu trong đoạn trích và nêu lên cách hiểu của mình.
Chẳng hạn, với lí lẽ tiền bạc “có thể mua được chiếu giường, nhưng không mua được giấc ngủ”, có thể nêu cách hiểu theo hướng: chiếu giường là vật dụng (vật chất) để người ta nằm ngủ và người ta có thể dùng tiền để mua, nhưng giấc ngủ thì không thể dùng tiền để mua, bởi nhiều người mặc dù có “chiếu giường” đầy đủ, sang trọng, nhưng vẫn “mất ngủ” vì buồn phiền, lo lắng, mệt mỏi về tinh thần)
Câu 4.
- Nếu đồng tình, cần lập luận theo hướng: tiền bạc có thể mua được các giá trị vật chất nhưng không mua được giá trị tinh thần.
- Nếu phản đối, cần lập luận theo hướng: con người trước hết phải tồn tại bằng vật chất: cơm ăn, áo mặc, nhà ở… Nếu không có tiền thì ngay cả những nhu cầu vật chất tối thiếu con người cũng không thể chi trả, do đó, sẽ khó có thể tồn tại, khó có được cuộc sống hạnh phúc.
- Nếu vừa đồng tình vừa phản đối, cần kết hợp cả 2 hướng lập luận trên hoặc lập luận theo quan điểm của riêng mình nhưng phải chặt chẽ, hợp lí, không trái với các chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
PHẦN II. LÀM VĂN
Câu 1. HS dựa vào câu 4 (Phần I) để viết đoạn văn 200 chữ.
Câu 2.
1. Mở bài: Giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm, dẫn vào yêu cầu của đề.
2. Thân bài.
a. Khái quát.
- Vị trí, xuất xứ, hoàn cảnh sáng tác.
- Giá trị nội dung, nghệ thuật của tác phẩm.
- Khái quát về hình tượng nghệ thuật có trong bài:
+ Hình tượng sóng
+ Hình tượng em.
+ Sóng và em là 2 hình tượng chính trong tác phẩm, có khi gắn bó song hành có khi lại tách rời nhau, tạo nên những ấn tượng độc đáo.
b. Cụ thể.
* Cấu tứ của bài thơ Sóng dựa trên sự tương đồng, hòa hợp giữa hai hình tượng trữ tình: sóng và em. Sóng là ẩn dụ cho em – người phụ nữ đang yêu. Sóng giống như em và sóng cũng chính là em. Với mỗi khám phá về sóng, em lại thấy mình trong đó.
* Trong các khổ thể, sóng hiện lên với những diện mạo và trạng thái khác nhau, qua đó, làm hiện lên hình ảnh người phụ nữ đang yêu đứng trước biển, đối diện với cái vô biên, cái vĩnh hằng để suy tư, chiêm nghiệm về tình yêu và tự khám phá tâm hồn mình.
- Khổ 1: Sóng được thể hiện qua những trạng thái trái ngược: Dữ dội và dịu êm/ Ồn ào và lặng lẽ. Đây là những biểu hiện thường thấy của những con sóng dịu êm, lặng lẽ. Cũng như “sóng, người phụ nữ đang yêu tự nhận thức về những biến động trong lòng mình, chân thành bộc bạch những trạng thái tâm lí, tình cảm vừa phong phú vừa phức tạp của một tâm hồn khao khát yêu đương: lúc giận dữ, hờn ghen, khi dịu hiền, sâu lắng.
Sóng hiện lên thật mạnh mẽ trong hành động vượt thoát khỏi thế giới chật hẹp vào thiếu sự đồng cảm của sông để ra biển rộng bao lao, tìm đến với môi trường đích thực của nó. Cũng như sóng, em dứt khoát từ bỏ tình yêu nhỏ bé chật hẹp, chủ động tìm kiếm một tình yêu lớn lao, một tâm hồn đồng điệu để được cảm thông, thấu hiểu, chia sẻ, bao dung.
- Khổ 2: Từ xưa đến nay, và mãi mãi về sau, những con sóng ngoài biển khởi đã, đang và sẽ luôn chuyển động. Sóng vẫn là sóng, vẫn ru mãi ngàn năm để làm thành bản tình ca muôn đời của biển cả. Sóng mãi bồi hồi, dào dạt, sôi nổi trong lòng biển cũng như tình yêu mãi mãi là niềm khao khát cháy bỏng, bồi hồi trong trái tim con người, nhất là tuổi trẻ.
- Khổ 3, 4: Em truy tìm nguồn gốc của sóng, mượn sóng để cắt nghĩa nguồn gốc của tình yêu nhưng tình yêu mãi vẫn là một điều bí ẩn mà em không bao giờ lí giải được.
- Khổ 5: Những con sóng dù ở trên mặt nước hay ở dưới lòng sâu thì cũng không bao giờ ngủ, tạo nên sự dạt dào của biển cả. Sóng là nhịp đập của biển, là trái tim, là sự sống của biển. Sóng luôn hướng vào bờ cát, luôn “nhớ bờ” cũng như “Lòng em nhớ đến anh/ Cả trong mơ còn thức”. Đó là nỗi nhớ cồn cào, da diết không thể nguôi yên, lúc nào cũng cuồn cuộn, dạt dào.
- Khổ 7, 8: Sóng vượt qua mọi trở ngại để tới bờ. Cũng như sóng, tình yêu của em dù có trải qua cách trở, bão dông nhưng cuối cùng cũng sẽ đến được bến bờ hạnh phúc. Nó cũng tất yếu như “năm tháng vẫn đi qua”, “mây vẫn bay về xa” giữa cuộc đời dài rộng vậy.
- Khổ 9: Cũng như những con sóng nhỏ hòa mình vào đại dương để không bao giờ khô cạn, để “ngàn năm còn vỗ”, nghĩa là sống mãi với thời gian, nhịp bước cùng năm tháng, em mong ước hóa thân thành sóng để được sống hết mình, cháy hết mình trong tình yêu. Và khi con người dâng hiến hết tất cả cho tình yêu, khi tình yêu riêng hòa vào một tình yêu chung lớn lao, cao cả thì nó sẽ đạt được đến sự vĩnh hằng.
c. Nhận xét, đánh giá:
- Mượn hình tượng sóng, Xuân Quỳnh đã diễn tả được sự nồng nàn, mãnh liệt, cháy bỏng mà đằm thắm, dịu dàng và cũng không ít lo âu, trăn trở của người phụ nữ trong tình yêu.
- Bài thơ là một cách nói đậm chất Xuân Quỳnh về tình yêu của người phụ nữ. Trong đó, sóng là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo và hấp dẫn.
3. Kết bài
BÀI VIẾT THAM KHẢO BÀN LUẬN VỀ VẤN ĐỀ TIỀN BẠC
Nêu quan điểm của anh (chị) về vai trò của đồng tiền trong cuộc sống.
Tác giả: Nguyễn Trung Hiếu - Lớp 11 chuyên Lý - trường chuyên Amsterdam - Hà Nội
Bài làm
“Trời ơi là trời ! Anh ăn đi cho tôi nhờ, đừng có nhịn ăn sáng nữa. Đừng có dở hơi đi tiết kiệm mấy đồng bạc lẻ thế, anh tưởng rằng thiếu tiền như thế thì tôi chết à ?”. Đó là những “điệp khúc” mẹ cất lên hàng ngày dạo gần đây vì con quyết định nhịn ăn sáng đi học để tiết kiệm chút tiền cho mẹ, cho gia đình. Có lúc mẹ còn gắt lên, hỏi con “Sao cứ phải đắn đo khổ sở về tiền đến thế nhỉ ?” .
Mẹ ơi, những lúc ấy mẹ đang giận nên con không dám cãi lại. Nhưng giờ đây con muốn được bày tỏ lòng mình rằng tại sao con lại có những suy nghĩ, hành động kì lạ như vậy. Vâng, tất cả là vì tiền. Chỉ đến tận bây giờ con mới nhận ra cả một quãng thời gian dài trước đó con đã non nớt, ngây thơ biết chừng nào khi nghĩ về tiền.
Cách đây 8 năm bệnh viện đã chuẩn đoán mẹ bị suy thận mãn tính độ 4 (độ cao nhất về suy thận). 8 năm rồi nhà ta đã sống trong túng thiếu bần hàn, vì bố mẹ không kiếm được nhiều tiền lại phải dành tiền cho mẹ đi chạy thận. Nhưng bố mẹ vẫn cho con tất cả những gì có thể, và cậu bé học trò như con cứ vô tư đâu biết lo gì.
Hồi học tiểu học, tiền bạc đối với con là một cái gì đó rất nhỏ, nó là những tờ giấy với đủ màu có thể dùng để mua cái bánh, cái kẹo, gói xôi hay cái bánh mì … Con đâu có ngờ tiền chính là yếu tố quyết định sinh mạng mẹ mình, là thứ bố mẹ phải hàng ngày chắt bóp và bao người thân gom góp lại để trả cho từng ca lọc máu cho mẹ tại bệnh viện Bạch Mai, là thứ càng làm mẹ thêm đau đầu suy nghĩ khi mẹ buộc phải nghỉ việc làm vì điều kiện sức khỏe không cho phép. Rồi đến khi con học lớp 8, mẹ càng ngày càng yếu và mệt, phải tăng từ 2 lên 3 lần lọc máu/ tuần. Những chỗ chích ven tay của mẹ sưng to như hai quả trứng gà, nhiều hôm máu thấm ướt đẫm cả tấm băng gạc. Do ảnh hưởng từ suy thận mà mẹ còn bị thêm viêm phổi và suy tim.
Rồi ông lại bị ốm nặng, bố phải nghỉ việc ở nhà trông ông, nhà mình vì thế càng trở nên túng quẫn, mà càng túng thì càng khổ hơn. Tờ một trăm ngàn hồi ấy là một thứ gì đó xa xỉ với nhà mình. Cũng từ dạo ấy, đầu óc non nớt của con mới dần vỡ lẽ ra rằng tiền bạc chính là mồ hôi, nước mắt, là máu (theo đúng nghĩa đen của nó, vì có tiền mới được chạy thận lọc máu mà) và bao nỗi niềm trăn trở lo lắng của bố và mẹ. Hôm trước con có hỏi quan điểm của mẹ về tiền bạc thế nào để con có thêm ý viết bài làm văn nghị luận cô giao. Mẹ hơi ngạc nhiên vì câu hỏi đường đột ấy. Rồi mẹ chỉ trả lời với 3 từ gọn lỏn “Mẹ ghét tiền”. Nếu con còn thơ dại như ngày nào, hay như một người ngoài nào khác thì chắc con đã ngạc nhiên lắm.
Nhưng giờ đây con cũng đồng ý với mẹ: con cũng ghét tiền. Bởi vì nó mà mẹ phải mệt mỏi rã rời sau mỗi lần đi chạy thận. Mẹ chạy thận 3 lần mỗi tuần, trước đây bố đưa đón mẹ bằng xe đạp nhưng rồi mẹ bảo đi thế khổ cả hai người mà còn phải chờ đợi mất ngày mất buổi của bố nữa nên mẹ chuyển sang đi xe ôm. Nhưng đi xe ôm mất mỗi ngày mấy chục, tốn tiền mà lại chẳng kiếm đâu ra, mẹ quyết định đi xe buýt. Mỗi khi về nhà, mẹ thở hổn hển, mẹ lăn ra giường lịm đi không nói được câu gì. Con và bố cũng biết là lúc ấy không nên hỏi chuyện mà nên để yên cho mẹ nghỉ ngơi. Tám năm rồi, tám năm chứng kiến cảnh ấy nhưng con vẫn chưa bao giờ có thể quen được. Con chỉ biết đứng từ xa nhìn mẹ, và nghiến răng ước “giá như có dăm chục ngàn cho mẹ đi xe ôm thì đâu đến nỗi!”.
Con bỗng ghét, thù đồng tiền. Con bỗng nhớ hồi trước, khi mẹ vẫn nằm trong viện. Ba người bệnh chen chúc chung nhau một chiếc giường nhỏ trong căn phòng bệnh ngột ngạt và quá tải của bệnh viện Bạch Mai. Con đã ngây thơ hỏi mẹ “Sao mẹ không vào phòng bên kia, ở đấy mỗi người một giường thoải mái lại có quạt chạy vù vù, có tivi nữa ?” Mẹ chỉ nói khẽ “cha tổ anh. Đấy là phòng dịch vụ con ạ”. Con lúc ấy chẳng hiểu gì. Nhưng rồi con cũng vỡ lẽ ra rằng đó là phòng mà chỉ những ai rủng rỉnh tiền thì mới được vào mà thôi. Còn như mẹ thì không được. Con căm nghét đồng tiền vì thế. Con còn sợ đồng tiền nữa. Mẹ hiểu con không ? Con sợ nó vì sợ mất mẹ. Mẹ đã phải bốn lần đi cấp cứu rồi. Những người suy thận lâu có nguy cơ tử vong cao vì huyết áp dễ tăng, máu dồn vào dễ làm tắc ống khí quản và gây tắc thở. Mẹ thừa biết điều này.
Nhiều người bạn mẹ quen trong “xóm chạy thận” đã phải chịu những cái kết bi thảm như thế. Nhiều đêm con bỗng choàng tỉnh dậy, mồ hôi đầm đìa mà lạnh toát sống lưng bởi vừa trải qua một cơn ác mộng tồi tệ …Con sợ mẹ lại phải đi cấp cứu, và sợ nhỡ nhà mình không đủ tiền để nộp viện phí thì con sẽ mất đi người thân yêu nhất trong cuộc đời này. Mỗi buổi mẹ đi chạy thận là mỗi buổi cả bố và con đều phấp phỏng, bồn chồn, lo lắng. Mẹ về muộn là lòng con nóng như lửa đốt, còn bố thì cứ đi đi lại lại và luôn hỏi “bao giờ mẹ mày mới về?” Với con cơ hội là 50/50, hoặc là mẹ chạy thận an toàn và về nhà, hoặc là… Con lo sợ hơn khi đọc báo thấy bảo có người không đủ tiền trả phần ít ỏi chỉ là 5% bảo hiểm y tế, tiền thuốc men mà phải về quê “tự điều trị”. Với những bệnh nhân phải chạy thận, như thế đồng nghĩa là nhận bản án tử hình, không còn đường sống.
Con bỗng hoảng sợ tự hỏi nếu không còn BHYT nữa thì sao? Và nếu ông mất thì sao? Chi tiêu hàng ngày nhà mình giờ đây phần nhiều trông chờ vào tiền lương hưu của ông, mà ông thì đã già quá rồi …Mẹ ơi, tiền quan trọng đến thế nào với gia đình mình thì chắc mẹ hiểu rõ hơn con. Cứ nghĩ đến tiền là con lại nhớ đến những đêm bố mất ngủ đến rạc cả người, nhớ đến những vết chích ven sưng to như quả trứng gà của mẹ, nhớ đến cả thìa đường pha cốc nước nóng con mang cho mẹ để mẹ uống bồi bổ mỗi tối. Mẹ chắt chiu đến mức sữa ông thọ rẻ tiền mà cũng không mua để tự bồi dưỡng sức khỏe cho mình.
Con sợ tiền mà lại muốn có tiền. Con ghét tiền mà lại quý tiền nữa mẹ ạ. Con quý tiền và tôn trọng tiền bởi con luôn biết ơn những người hảo tâm đã giúp nhà mình. Từ những nhà sư tốt bụng mời mẹ đến chùa vào cuối tuần, những cô bác ở Hội chữ thập đỏ quyên góp tiền giúp mẹ và gia đình mình. Và cả những người bạn xung quanh con, dù chưa giúp gì được về vật chất, tiền bạc nhưng luôn quan tâm hỏi thăm sức khỏe của mẹ… Nhờ họ mà con cảm thấy ấm lòng hơn, vững tin hơn.
Con cảm thấy bất lực ghê gớm và rất cắn rứt lương tâm khi mẹ không đồng ý với các kế hoạch của con. Đã có lúc con đòi đi lao động, đi làm gia sư hay đi bán bánh mì “tam giác” như mấy anh sinh viên con quen để kiếm tiền giúp mẹ nhưng mẹ cứ gạt phăng đi. Mẹ cứ một mực “tống” con đến trường và bảo mẹ chỉ cần con học giỏi thôi, con giỏi thì mẹ sẽ khỏe. Vâng, con xin nghe lời mẹ. Con vẫn đến trường. Con sẽ cố gắng học thật giỏi để mẹ và bố vui lòng. Nhưng mẹ hãy để con giúp mẹ, con đã nghĩ kĩ rồi, không làm gì thêm được thì con sẽ nhịn ăn sáng để tiết kiệm tiền. Không bán bánh mì được thì con sẽ ăn cơm với muối vừng.
Mẹ đừng lo mẹ ạ, mẹ hãy an tâm chạy chữa và chăm sóc cho bản thân mình. Hãy để con được chia sẻ sự túng thiếu tiền bạc cùng bố mẹ. Vậy con khẩn thiết xin mẹ đừng cằn nhằn la mắng con khi con nhịn ăn sáng. Mẹ đừng cấm đoán con khi con đi lấy chầy, cối để giã lạc vừng. Dù con đã sút 8 cân so với năm ngoái nhưng con tin rằng với sự thấu hiểu lẫn nhau giữa những người trong gia đình thì nhà ta vẫn có thể sống yên ổn để đồng tiền không thể đóng vai trò cốt yếu trong việc quyết định hạnh phúc nữa. Đứa con ngốc nghếch của mẹ!"