Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Bài soạn SVIP
MÙA XUÂN NHO NHỎ
(Thanh Hải)
Câu 1. Đọc nhiều lần bài thơ và tìm hiểu mạch cảm xúc trong bài (gợi ý: từ cảm xúc về thiên nhiên, đất nước dẫn đến suy nghĩ, ước nguyện của tác giả). Từ việc nhận ra mạch cảm xúc, hãy nêu bố cục của bài thơ.
Trả lời
- Bài thơ bắt đầu bằng những cảm xúc trực tiếp, hồn nhiên trước vẻ đẹp và sức sống của mùa xuân. Từ mùa xuân của thiên nhiên, cảm xúc thơ mở rộng ra hình ảnh mùa xuân của đất nước, của cách mạng và cuối cùng là mùa xuân của mỗi con người trong mùa xuân của quê hương, ước nguyện của tác giả là được nhập vào bản hoà ca cuộc đời bằng một nốt trầm xao xuyến của riêng mình.
- Từ mạch cảm xúc trên, bài thơ có bố cục bốn đoạn:
• Khổ thơ 1: Cảm xúc trước mùa xuân thiên nhiên đất trời.
• Khổ thơ 2, 3: Hình ảnh mùa xuân đất nước.
• Khổ thơ 4, 5: Suy nghĩ và ước nguyện của nhà thơ.
• Khổ thơ 6: Ca ngợi quê hương.
Câu 2. Mùa xuân của thiên nhiên, đất nước đã được miêu tả như thế nào qua những hình ảnh, màu sắc, âm thanh trong hai khổ thơ đầu?
Trả lời
Từ mùa xuân của thiên nhiên, đất trời, nhà thơ cảm nhận về mùa xuân của đất nước với những hình ảnh:
Mùa xuân người cầm súng
...
Tất cả như xôn xao...
Nhà thơ đón nhận mùa xuân với những suy nghĩ sâu lắng. Trong cảm quan của nhà thơ, những cành lá ngụy trang gài trên lưng những người cầm súng chính là lộc của mùa xuân: đi bảo vệ tổ quốc, người chiến sĩ như mang cả mùa xuân cho đất nước. Những nương mạ xanh non của người ra đồng cũng chính là lộc của mùa xuân, lộc trải dài nương mạ họ đã đem mùa xuân đến mọi nơi trên đất nước.
Câu 3. Phân tích đoạn thơ "Ta làm con chim hót... Dù là khi tóc bạc" (chú ý những hình ảnh biểu tượng, từ ngữ và cách diễn đạt rất gợi cảm thể hiện một ước nguyện chân thành của tác giả). Đoạn thơ ấy gợi cho em những cảm nghĩ gì về ý nghĩa cuộc sống của mỗi con người.
Trả lời:
* Trước mùa xuân của đất trời, nhà thơ ao ước được góp phần của mình. Một phần rất nhỏ bé, khiêm tốn:
- Như là tiếng chim hót của chim
- Như là hương sắc của hoa
- Như là một nốt trầm trên bản hoà ca
* Phép hoán dụ: “Tuổi hai mươi” – “khi tóc bạc”, để chỉ một đời người. Đó là mùa xuân do con người làm ra: mùa xuân nho nhỏ. Mùa xuân ấy được góp vào, được tạo nên khi con người ở tuổi thanh xuân và mái đầu đã bạc.
* Tác giả dùng đại từ xưng hô “ta” vừa là số ít mang sắc thái trang trọng, kiêu hãnh, vừa là số nhiều, vì vậy mà vừa nói được điều riêng lại diễn đạt được cái chung.
Câu 4. Bài thơ có nhạc điệu trong sáng, thiết tha, gợi cảm, gần gũi với dân ca. Những yếu tố như thể thơ, cách ngắt nhịp, gieo vần, điệp ngữ,… đã được sử dụng như thế nào để tạo được nhạc điệu ấy ?
Trả lời
- Bài thơ là tiếng nói tâm tình, là cảm hứng mùa xuân. Tác giả đã phát hiện được sự hoà hợp các tầng bậc mùa xuân. Xuân của đất trời – xuân của đất nước, của những người làm nên lịch sử - xuân trong lòng của mỗi người.
- Sự thay đổi cách xưng hô, sử dụng cấu trúc điệp, lựa chọn từ ngữ chính xác đã làm cho bài thơ vừa cụ thể lại vừa khái quát, vừa riêng vừa chung. Nó là một nốt trầm, nhưng là nốt trầm xao xuyến không hoà lẫn.
- Hai khổ thơ đầu hay ở sự liên tưởng từ mùa xuân của đất trời đến mùa xuân của cá nhân. Khổ thơ còn hay ở sự điệp cấu trúc: Ta làm, ta làm, ta nhập… Dù là, dù là… Nó hay ở việc dùng đại từ số ít vừa số nhiều, tâm tình riêng, khát vọng chung…
- Tất cả làm cho bài thơ mang sức sống riêng, như là ước nguyện của đời người, như là châm ngôn cho cuộc sống.
Câu 5. Em hiểu thế nào về nhan đề Mùa xuân nho nhỏ? Hãy nêu chủ đề của bài thơ.
Trả lời
- Đề tài mùa xuân là đề tài phong phú cho các thi nhân thử bút. Đã có rất nhiều bài thơ hay về mùa xuân. Nhà thơ Thanh Hải khá thành công khi thể hiện Một mùa xuân nho nhỏ - ước vọng khiêm tốn, mong muốn dâng hiến bản thân cho cuộc đời. Hãy làm tiếng chim, làm sắc hoa, làm nốt nhạc hoà vào bản hoà ca mùa xuân bất tận của đất trời.
Tâm sự của nhà thơ trước mùa xuân là lặng lẽ dâng cho đời một mùa xuân nho nhỏ của chính cuộc đời mình, làm một nốt trầm xao xuyến trong bản hoà ca vĩ đại của đất nước vào xuân.
LUYỆN TẬP
Yêu cầu: Viết một đoạn văn bình một khổ thơ trong bài mà em thích.
Bài làm mẫu:
Sau khi cảm nhận về vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên mùa xuân và cảm nhận khung cảnh đất nước khi bước vào xuân, Thanh Hải đã đưa ra ước nguyện được hóa thân, được dâng hiến và được cống hiến hết mình góp phần làm nên mùa xuân đất nước ấy. Ở khổ ba bài thơ, Thanh Hải viết:
"Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến."
Khổ thơ trên là lời ước nguyện thiết tha mà chân thành của nhà thơ, mong muốn được cống hiến cho đất nước. Điệp từ “ta” được lặp lại ba lần đi cùng với những động từ “làm”, “nhập” đã thể hiện một cách trực tiếp tư thế sẵn sàng nhập cuộc, sẵn sàng cống hiến của nhà thơ.
Nhà thơ muốn trở thành một “con chim hót”, “một cành hoa”, “một nốt trầm xao xuyến”, những điều tuy giản đơn, bé nhỏ nhưng đẹp đẽ, ý nghĩa. Nhà thơ ý thức được sự nhỏ bé của cá nhân trước tầm vóc của cả một dân tộc. Ước nguyện của nhà thơ là trở thành một “mùa xuân nho nhỏ” hòa cùng với sắc điệu mùa xuân của cả đất nước, chỉ khi có thể góp sức mình cho dân tộc thì cuộc sống mới trở nên có ý nghĩa, đáng sống.
Tấm lòng cao đẹp, tinh thần dân tộc sáng ngời được gửi gắm đằng sau cách nói khiêm tốn nhưng đầy chân thành khiến cho ý nghĩa của đoạn thơ càng trở nên sâu sắc, cảm động.
Bạn có thể đánh giá bài học này ở đây