Đề 1:

     Trong một trận động đất, khi những người cứu hộ đang tìm kiếm những người còn sống sót thì thấy thi thể một người phụ nữ đã cứng đờ trong đống đổ nát. Nhưng người phụ nữ này lại chết quỳ trong tư thế cầu nguyện và điều đó khiến những người cứu hộ thấy lạ. Hóa ra, trong lòng người phụ nữ có một đứa bé khoảng 3 tháng tuổi, nhờ sự che chở của thân thể người mẹ mà vẫn còn sống. Trong tay người phụ nữ cầm chặt chiếc điện thoại có ghi tin nhắn soạn dở, chưa kịp gửi đi: "Nếu con có thể sống sót, con phải nhớ rằng mẹ rất yêu con".

     Qua mẩu chuyện trên, hãy nêu suy nghĩ của mình về tình mẫu tử trong cuộc sống. Nếu là đứa trẻ ấy, em tự nhủ sẽ làm gì khi lớn lên?

Đề 2:

      Viết một bài văn tưởng tượng về cách Thomas Edison phản ứng với điện thoại di động nếu ông ghé thăm thế kỉ 21.

-----------------------------

CHÚC MỪNG CÁC BẠN DƯỚI ĐÂY ĐÃ ĐẠT GIẢI CỦA VĂN VUI HÀNG TUẦN SỐ 69.

Dưới đây là bài văn đạt giải NHÌ: Tớ Thích Cậu

      Chúng ta đã biết đến với nhà phát minh Thomas Edison với cái tên nhà sáng chế 10.000 thất bại và cũng như là cha đẻ của bóng đèn. Hồi ấy, bóng đèn có giá trị rất lớn trong kinh tế và đánh dấu một bước ngoặt lớn trong phát triển khoa học của cả nhân loại. Chắc hẳn trong số chúng ta vẫn còn những người tò mò rằng nhà phát minh này mà đến thế kỉ 21 của chúng ta thì sẽ nghĩ sao về những máy móc cũng đã rất phát triển như vậy rồi. Ví dụ như cái điện thoại chẳng hạn. Thomas Edison sẽ nghĩ sao khi nhìn thấy chiếc điện thoại của nền khoa học 4.0? Vậy thì chúng ta hãy cùng xem phản ứng của ông như thế nào bằng trí tưởng tượng nhé!

      Chúng ta hãy tưởng tượng đến một nhà khoa học rất thông minh nhưng khi đến thế kỉ 21 của chúng ta đây, Thomas Edison lại có phần lạc hậu! Hãy hình dung nhà phát minh ấy trầm trồ như thế nào khi ông ta bước vào một căn nhà với những chiếc bóng đèn lộng lẫy, sắc màu, lại còn rất đẹp và sáng nữa. Ông sẽ thốt lên "Ồ, thật đẹp" và sau đó sẽ nhìn chăm chăm vào chiếc đèn đó, xuýt xoa ca ngợi. Nhưng đó chỉ là chiếc bóng đèn mà thôi, còn chiếc điện thoại thì sao? Tại sao chúng ta lại hình dung ông nhìn thấy điện thoại mà không phải những đồ vật khác? Vốn dĩ vì chiếc điện thoại rất là đa năng và thực dụng. Nhưng đối với ông, đó là điều kì lạ. Thomas Edison sẽ có phản ứng như thế nào nhỉ? Được rồi, chúng ta hãy đi tiếp vào mẩu chuyện tưởng tượng đang rở dang nhé!

     Có lẽ rằng sau khi nhà phát minh lỗi lạc này tìm hiểu về những chiếc đèn màu sắc kia đã bắt đầu thấy chán thì ông sẽ tìm những thứ xung quanh. À, chắc ông ấy đang cảm thấy mọi thứ xung quanh đều hiện đại, nên muốn tìm hiểu thêm nhiều điều nữa. Và ông đã nhìn vào chiếc điện thoại di động để trên bàn. "Trời, cái gì đây?" - Ông hét lên. Và Thomas Edison đã cầm chiếc điện thoại mỏng lên, xem xét xung quanh. "Nó là cái điện thoại di động đó, thưa nhà phát minh" - Một người hướng dẫn viên nói. Thôi, đành thêm nhân vật hướng dẫn viên vào trong câu chuyện mà chúng ta đang tưởng tượng. Nếu không, chẳng biết đời nào Thomas Edison mới biết đó là cái điện thoại! Và chắc chắn sau khi được hướng dẫn viên nói vậy, nhà phát minh đã thêm phần kinh ngạc". Chiếc điện thoại di động đây hả, trời ơi, tại sao nó lại gọn nhẹ thế này, vậy nó có thể gọi điện được không?". Hướng dẫn viên cười: "Thưa ông, nó không chỉ gọi điện được mà còn được lắp thêm rất nhiều chức năng như chụp ảnh, lên mạng, chơi trò chơi điện tử.... và rất nhiều tính năng vượt trội khác so với chiếc điện thoại thời ngài đang sử dụng". Và đương nhiên, nhà phát minh sẽ rất ngạc nhiên trước sự thông minh của chiếc điện thoại nhỏ bé ấy . Ông không ngớt lời khen "Nó thật kì diệu" , "Tôi chưa bao giờ thấy chiếc điện thoại di động nào thú vị như vậy" , "Trời ơi thật tuyệt vời",....

     Có lẽ, Thomas Edison chỉ muốn ở lại thế kỉ 21 này để tìm hiểu sự hiện đại ở đây. Nhưng các bạn biết không, nếu ông ở luôn thế kỉ 21 này thì ai sẽ là người phát minh ra những máy móc hiện đại đây? Vì thế mà sau khi tham quan ở thế kỉ 21, ông đã xách ba lô trở lại thời đại của mình. Dù ông không ở đây, nhưng tôi tin chắc rằng ông cũng đã cảm thấy rất vui về chuyến tham quan hữu ích này, nhất là về chiếc điện thoại hiện đại khiến ông rất ngạc nhiên trước sự thông minh của nó. 

Dưới đây là bài văn đạt giải BA: Mình là song ngư

     Nhắc đến mẹ, nhắc đến tình mẫu tử thiêng liêng thì dù là ai chăng nữa, ta cũng thấy chạnh lòng. Vốn dĩ "Vì cuộc sống mẹ suốt đời lam lũ, vì con vui mẹ gánh hết buồn đau" nên người mẹ đối với ta là tất cả... Đã thế, chúng ta càng thêm yêu thương mẹ hơn khi người mẹ ấy một nắng hai sương giữa dòng đời đầy bão tố. Để làm gì? Để cho ta niềm vui và hạnh phúc. Và có những người mẹ còn cao cả hơn thế, có những con người có thể sẵn sàng hi sinh vì đứa con, để có thể đem lại sự sống cho đứa con của mình. Đó chẳng phải là hành động cao cả của một bà mẹ ở Nhật Bản đã hi sinh vì đứa con thân yêu, đã gồng mình để che chở cho con khỏi gạch đá đổ xuống. Để con thêm giấc ngủ ngon... Hình ảnh đó đã chiếm lấy trái tim của bao người mà khiến một con người dù có trái tim lạnh cóng cũng phải rớt nước mắt. Chúng ta hãy suy ngẫm một chút, và hãy tưởng tượng nếu như những đống gạch đá đó chính là khó khăn, vất vả, gian lao và giấc ngủ kia chính là niềm hạnh phúc thì chẳng phải ta đã thấy rõ ràng rằng người mẹ đang cố gắng gánh hết tất cả nỗi nhọc nhằn để đem đến cho ta niềm vui hay sao? Quan trọng hơn là người mẹ ấy, không phải chỉ đau đớn mà còn mất đi sự sống. Thật là một người phụ nữ đáng nể. Vậy điều gì đã khiến cô có thể làm được điều cao cả như thế? Đó chính là tình mẫu tử. Chính tình mẫu tử đã làm cho lòng người không còn trở nên vị kỉ, mà khiến cho tình cảm mẹ con càng thêm gắn bó hơn. Nếu không có tình mẫu tử, liệu người mẹ đó có hi sinh để bảo vệ cho đứa con không? Nếu không có tình mẫu tử, liệu đứa trẻ đó còn sống sót nữa không? Như vậy ta mới hiểu được tình mẫu tử quan trọng đến nhường nào...

     Nếu là đứa trẻ như vậy, tôi vừa thấy bất hạnh vừa thấy tự hào. Bất hạnh là tại sao khi ấy, người mẹ ấy lại phải hi sinh để ngay từ nhỏ tôi đã không có mẹ. Nhưng tự hào nhiều hơn hết, tôi tự hào bởi tôi đã từng có một người mẹ yêu thương tôi hơn yêu thương chính cuộc đời mình. Như vậy chắc mọi người cũng hiểu rằng tôi biết ơn người mẹ ấy đến dường nào. Có lẽ vẫn ít ai để ý đến dòng thư, hay cứ coi đó là lời từ biệt cuối cùng mà mẹ dành cho tôi, chứa chan một tình yêu thương sâu sắc: "Nếu con còn sống, con hãy nhớ rằng mẹ rất yêu con",... Những lời nói giản dị mộc mạc ấy có lẽ khiến tôi đã in sâu vào lòng rồi. Nếu mẹ vẫn còn, tôi sẽ quấn quýt bên mẹ, thủ thỉ với mẹ rằng với tôi mẹ là tất cả rồi. Nhưng đớn đau thay, người mẹ ấy đã chẳng còn nữa,... Tôi muốn sau này lớn lên, tôi sẽ làm một người có ích, phải thật có ích. Vì như vậy mới xứng đáng với cuộc đời mà mẹ đã trao lại cho tôi được sống. Có lẽ mẹ tin, tôi sẽ là người tốt. Và tôi sẽ sống vị tha như mẹ từng sống vậy. Tôi không có ước mong sẽ thật giàu có, cũng chẳng dám ước ao mình giỏi giang, tôi chỉ muốn mai sau mình sống sao cho có ích cho xã hội.... Chỉ như vậy thôi đã đủ lắm rồi. Có lẽ, đó cũng chính là mong muốn của mẹ tôi, mong muốn đứa con mình nếu còn sống sót sẽ làm được điều gì đó kì diệu và có một tương lai sáng sủa hơn mình. Tôi chưa phải là một đứa trẻ có được hạnh phúc một cách toàn diện, vì tôi đã mất mẹ, vì thế mà nếu được, tôi cũng muốn có ước mơ để mọi người hạnh phúc. Tôi ước rằng bản thân mình sẽ trở thành người cứu hộ, để cứu sống những con người trong những trường hợp rủi ro, chẳng hạn như động đất. Nếu cứu được họ, thì sẽ không còn cảnh mẹ mất con, sẽ không còn cảnh hạnh phúc bị đau thương vùi lấp nữa,...

--------------------

BÀI VĂN SỐ 69 không có bài đạt giải nhất. Cảm ơn các em đã tích cực tham gia viết bài. Mong rằng sẽ có nhiều bài viết hay, chất lượng hơn nữa trong những số tiếp theo.