1. Bức ảnh trên khiến em nghĩ đến người làm nghề nghiệp gì?

2. Trong chương trình Ngữ văn THCS, em đã được học tác phẩm nào có nhắc tới nghề nghiệp đó?

3. Hình dung hoàn cảnh của họ trong những ngày đối mặt với đại dịch toàn cầu này, em hãy nêu suy nghĩ của mình về những con người nơi tuyến đầu chống dịch ấy bằng một bài văn ngắn (khoảng 200 chữ).

-----------------------------

     Các bạn trình bày lời giải đầy đủ của mình vào ô Gửi Ý kiến phía dưới (chú ý không copy trên mạng). Ba bạn có lời giải hay và sớm nhất sẽ được giải thưởng từ Online Math (Giải nhất 200 000 đồng, giải nhì 100 000 đồng, giải ba 50 000 đồng). Giải thưởng sẽ được công bố vào Thứ Sáu ngày 24/04/2020. Câu đố tiếp theo sẽ lên mạng vào Thứ Sáu ngày 24/04/2020.

CHÚC MỪNG CÁC BẠN DƯỚI ĐÂY ĐÃ ĐẠT GIẢI VĂN VUI HÀNG TUẦN - BÀI VĂN SỐ 106:

DƯỚI ĐÂY LÀ BÀI VĂN ĐẠT GIẢI NHẤT: Phạm Thị Thùy Linh

Câu 1 : Bác sĩ

Câu 2 : Thầy thuốc giỏi cốt ở tấm lòng

Câu 3 : 

      Nhà khoa học A.Einstein - người suốt cả cuộc đời cống hiến hết mình những thành tựu cho khoa học- từng nói " Chỉ có cuộc sống vì người khác mới là cuộc sống đáng quý ". Quả thật, từ câu nói đó mà trong thâm tâm ta gợi bao suy tưởng và niềm cảm hứng dạt dào về ước mơ sống để hiến dâng cho đời. Và có lẽ chẳng có gì xa lạ, những con người đóng góp âm thanh đẹp vào bản hòa ca của dân tộc , góp phần thể hiện vẻ đẹp phẩm chất của con người Việt Nam ấy là những người bác sĩ trong thời kì dịch covid. Những người bác sĩ ấy ngày đêm vẫn thúc trực trong những ca làm việc, mong được mang tấm thân để đẩy lùi dịch bênh, cống hiến thầm lặng như những con ong ngày đêm lặng lẽ dâng mật cho đời.

      Họ sống và suốt một đời vì bệnh nhân của họ, tưởng chừng như dễ dàng nhưng có ai hiểu những phút giây đau đớn mà họ từng trải qua ? Chính bản thân tôi cũng không thể hiểu hết được sự vĩ đại trong con người họ, nhưng nhìn thấy mồ hôi trên vầng trán, những vết lằn do đeo khẩu trang quá lâu, những vết đau do nghề nghiệp thì thật sự tôi đã phần nào mường tượng được họ phải trải qua những gì...

    Có lẽ đầu tiên khiến họ phải đối mặt là miếng ăn giấc ngủ. Đối với người Bác sĩ, đồng hồ sinh học của họ như bị đảo lộn. Việc ăn đúng giờ ngủ đủ giấc như là một khái niệm không tồn tại, một khoảnh khắc hiếm hoi đối với những người ngành y. Khó khăn là thế, vậy mà họ lại càng phải khổ sở hơn khi dịch covid xuất hiện. Lúc trước họ ăn cơm không đúng giờ thì bây giờ chẳng có thời gian để ăn, chỉ pha tạm bát mì tôm để đấy, rồi tiếp tục làm việc. Lúc quay vào thì mì đã chương cả, nhưng họ vẫn ngậm ngùi ăn cho xong, nào đâu có thời gian chờ mì kịp chín ! Khi xưa có những người bác sĩ phải trực ca đêm, về ban ngày vẫn còn đường ngã lưng, còn bây giờ thức cả ngày lẫn đêm, vừa ngủ được một chút đã bệnh nhân gọi, thật là đáng thương làm sao !

     Thiếu thốn không chỉ dừng lại ở đó, những bác sĩ, y tá còn phải lo sợ khi thiếu trang bị y tế cẩn thiết. Nhiều lúc có ai tự hỏi, đầu tư cho một dự án giải trí thì đến vài chục tỉ, mà một bộ quần áo cho Bác sĩ có vài trăm nghìn cũng không mua cho đủ. Chính sự thiếu thốn về vật chất, mà có bao những bác sĩ một lòng cống hiến cho xã hội cũng đành phải nằm xuống đất mẹ, cũng chính bởi nhiễm phải căn bệnh mà mình hết lòng cứu chữa. Tiếp xúc hàng ngày với bệnh nhân, họ còn có nỗi lo lắng hoang mang như canh cánh mãi trong lòng, chỉ sợ, bệnh dịch không được cứu vãn, bệnh nhân thì không khỏi bệnh, nếu chính bản thân mà nhiễm bệnh thì lấy ai chăm sóc những ca dương tính về sau ? Sống trong khu vực cách li, như " những người cô độc nhất thế gian", nào có ai sung sương ? Rồi nỗi nhớ người thân và gia đình cứ tăng lên, nhưng nỗi nhớ chẳng đập tan được khoảng cách, nhớ vẫn là nhớ và gặp thì chẳng thể nào gặp được. 

    BIết là thế, vậy mà bao nhiêu những người bác sĩ vĩ đại vẫn sắn tay áo xung phong đứng ở tuyến đầu chống dịch. Có lẽ bởi " Tình yêu thương là một đóa hoa có thể mọc trên bất kì mảnh đất nào, tỏa ra những điều kì diệu ". Họ cũng thế, bất kì trong hoàn cảnh nào, chỉ cần có tình yêu thương họ sẵn sàng đứng lên vì đất nước. Nguyễn Khoa Điềm có sáng tác hai câu thơ trong bài thơ đất nước, và tôi tưởng chừng hai câu thơ ấy là để dành cho họ " Họ đã sống và chết / Giản dị và bình tâm "- những con người sống lặng lẽ và cao cả. Hãy biết ơn và tôn trọng họ, vì họ là những thiên thần áo trắng, những chiến sĩ áo xanh, những con người quả cảm và nhân hậu.

DƯỚI ĐÂY LÀ BÀI VĂN ĐẠT GIẢI NHÌ:  Bae joo-hyeon

1. Bức ảnh trên khiến em liên tưởng đến những thiên thần trong đời thường - những y bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch.

2. Tác phẩm : " Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng" của Hồ Nguyên Trừng chính là 1 tác phẩm đề cập, nhắc đến những y bác sĩ của chương trình Ngữ văn THCS.

3. Bài viết :  " Thầy thuốc như mẹ hiền" có lẽ chính là cảm nhận của biết bao con người trên toàn thế giới khi nhắc đến các y bác sĩ ở nơi tuyến đầu chống lại dịch bệnh. CoVid - 19 - mang lại cho toàn cầu nhiều biến động, gây ra những thiệt hại khó lường, nhưng cũng từ đó, người ta mới thấu hiểu hết những tấm lòng tận tâm, vì người bệnh quên mình của những lương y - những chiến binh thầm lặng. " Sống trong đời sống cần có một tấm lòng" - một tấm lòng thuần khiết, trong trắng, bao la như trời biển của những thiên thần áo trắng.

Những y bác sĩ góp mặt vào đội ngũ chống dịch tuyến đầu của Tổ quốc - họ chính là những cây cầu lớn và vĩ đại. Là những cây cầu vững chắc giữa đại dịch, bảo vệ cho tính mạng, sức khỏe, và trên hết là sự an toàn của những bệnh nhân mắc bệnh. Họ là những cây cầu đưa người bệnh nhìn thấy ánh sáng của sự sống, là người truyền cho những con người giữa làn ranh giới sinh tử kia niềm tin vào cuộc sống, vực dậy họ từ hố sâu tăm tối mang tên " Tuyệt vọng" để tin tưởng vào một ngày mai tươi sáng, họ lại được sống, được bước đi, được hồi sinh khi đứng dưới lưỡi đao của tử thần. Họ hi sinh sức lực, phó mặc sức khỏe của mình,... để trở thành những cây cầu - đưa người bệnh đến tương lai đầy ánh nắng của sự sống... Tôi gọi họ là những cây cầu không biết mệt mỏi.

Các y bác sĩ - họ là những thiên thần nhưng không mang đôi cánh trắng ở trên lưng mà nó ở một nơi đặc biệt hơn - trái tim của họ. Trái tim họ mang đôi cánh trắng, nhắc nhở họ từng phút từng giây về trách nhiệm lớn lao của họ. " Trăm năm trồng người" - mạng sống của con người ta quý giá nhường ấy, nên đâu thể để vụt mất dễ dàng. Những thiên thần có trái tim mang đôi cánh của sự nhân hậu ấy đã đến và đang chiến đấu quyết liệt với thần chết để mang những bệnh nhân mấp mé cái chết kia trở về, trở về nhân gian một lần nữa. Tôi gọi họ là những thiên thần với đôi cánh ở trong tim.

Những y bác sĩ - họ là những thuyền trưởng vĩ đại nhất. Giữa những cơn sóng to mang tên Corona, thiết nghĩ họ sẽ tự cứu lấy mình, " thân ai nấy lo" nhưng không, họ hiên ngang đi vào trong những con sóng to bạc đầu, cầm vững tay chèo mà chiến đấu. Bởi, lời thề y đức mà họ đã đọc, lương tâm của một người thầy thuốc không cho phép họ bỏ mặc bệnh nhân - những người cần họ để giành lấy sự sống ít ỏi của mình. Những con người quả cảm, sẵn sàng chiến đấu, chấp nhận làm tấm lá chắn, dũng cảm hiên ngang đối đầu với thần chết không hề run sợ, bỏ chạy để bảo vệ bệnh nhân,... Tôi gọi họ là những thuyền trưởng quả cảm trong đời thường.

Còn những điều dưỡng thì sao? Họ đang phó thác hết trách nhiệm cho những y bác sĩ hay sao? Nếu muốn có câu trả lời, hãy nhìn vào tấm lưng ướt đẫm mồ hôi của họ khi phát cơm đến các bệnh nhân nhé! Hãy nhìn vào bữa cơm ăn vội của họ mỗi ngày có được không? Hãy để ý đến những giấc ngủ của họ trong đêm bạn nhé! Và hãy quan sát thật kỹ cách họ quét dọn những căn phòng, lau từng cánh cửa để đảm bảo an toàn cho những người bệnh nhé! Chỉ có một vài câu hỏi, nhưng có hàng trăm hàng nghìn câu trả lời khác nhau, nhưng tất cả đều có một ý chung: Họ thật sự đâu phó thác trách nhiệm cho ai, họ đâu có bỏ mặc bệnh nhân của mình, chỉ là họ không muốn khoe khoang, đánh bóng tên tuổi mình lên đấy thôi. Những công việc thầm lặng không tên khiến họ thấy hạnh phúc và chúng ta thấy được gì?  

Những công việc thầm lặng không tên khiến họ thấy hạnh phúc và chúng ta thấy được giá trị thật sự của tình người khi gặp khó khăn hơn là việc khoác lên mình những bộ cánh giả dối mà phải không?!

 Có biết bao lời ta muốn nói, muốn nhắn nhủ. Biết bao lời cảm ơn ta muốn những y bác sĩ, những điều dưỡng nơi tuyến đầu chống dịch được nghe thấy,... Hãy trân trọng những y bác sĩ, những điều dưỡng và cả những người phục vụ đã vì nhân dân, vì cộng đồng, vì người bệnh mà đã xa gia đình, đã không màng đến sức khỏe, danh lợi mà bỏ mặc tất cả. Mỗi bác sĩ, mỗi một tấm lòng nhỏ bé đã thêu dệt nên một tập hợp không thể phá vỡ: Trách nhiệm, niềm tin, tình người và lòng nhân hậu. Từ những thứ nhỏ bé tạo ra những thứ vĩ đại, cuộc sống vì thế mà đẹp tuyệt vời! Chung tay, chúng ta sẽ đẩy lùi được dịch bệnh. Xin cảm ơn những anh hùng áo trắng để đến với đôi cánh trong tim.

DƯỚI ĐÂY LÀ BÀI VĂN ĐẠT GIẢI BA: mai thị huỳnh phương

1. Bức ảnh trên khiến em nghĩ đến người làm nghề nghiệp: Bác sĩ ( y sĩ)

2. Trong chương trình Ngữ văn THCS, em đã được học tác phẩm có nhắc tới nghề nghiệp đó là : Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng

3: "Nếu là chim, tôi sẽ là loài bồ câu trắng/ Nếu là hoa, tôi sẽ là một đóa hướng dương/ Nếu là mây, tôi sẽ là một vầng mây ấm/ Nếu là người, tôi sẽ chết cho quê hương."

          Con người ai sinh ra cũng có những sứ mệnh thiêng liêng do bản thân mình lựa chọn. Người chọn làm giáo viên với mong muốn chia sẻ kiến thức vun đắp những mầm non trưởng thành có ích cho đất nước.  Người chọn làm kiến trúc sư muốn thiết kế ra những ngôi nhà tuyệt vời, những ngôi nhà cao thẳng trời mà trước đây không nghĩ rằng có thể làm được. Nhưng trái tim tôi có lẽ yêu thích nhất là nghề bác sĩ, họ là những người anh hùng, những người con cao cả đã cứu vớt nhân loại ra khỏi những thảm họa dịch bệnh như dịch gần đây là Covid -19. Họ đã âm thầm cống hiến hết mình cho con người, cho quê hương không màng đến bản thân với mong ước mang lại " Tương lai, hi vọng" cho những người đang mắc bệnh dịch tưởng như không qua khỏi ở nơi  tuyến đầu chống dịch.

          Danh y Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác xưa kia đã từng nói "Đạo làm thuốc là một học thuật cao quý để giữ gìn mạng sống, cũng là đầu mối lớn lao về đạo đức chân chính” Vâng đó là một câu nói vô cùng chính xác và trở thành bài học đắt giá cho những người làm bác sĩ ngày nay. Kế thừa và phát huy lời dạy bảo của ông, những người danh y hiện nay đã làm rất tốt tròn bổn phận của người y sĩ  trong đại dịch corona : cứu người không tham lam mà bỏ rơi người bệnh. Không ngạo mạn mà bình thản mang lại hi vọng cho gia đình bệnh nhân vì" lương y như từ mẫu".

            Trong cuộc sống hiện tại, chúng ta cũng chứng kiến được biết bao những lời cầu xin, những lời chữa trị bệnh không chỉ  Việt Nam mà cả thế giới nói chung trong mùa dịch bệnh Covid 19 đang diễn ra vô cùng gay gắt. Nhưng bạn thấy sao? Những người bác sĩ ở Việt Nam họ làm rất tốt, đã chữa khỏi được hơn 200 ca bệnh và rất được người dân chúng ta tin tưởng mà không lấy tiền hay phân biệt giàu sang. Cảm động hơn khi tôi đã đọc một bài báo về một nữ bác sĩ ở Trung Quốc tên là Tào Hiểu Anh. Mặc dù bà đã về hưu nhưng khi có dịch diễn ra bà và các đồng nghiệp đã sẵn sàng bất chấp sức khỏe để vào khu dịch cứu người. Bà đã viết cho con trai một lá thư gây xúc động và ấn tượng sâu đậm với câu nói " Con trai, con đã bao giờ nhìn vào ánh mắt cầu cứu của những bệnh nhân và gia đình họ chưa? Họ luôn nhìn mẹ để gửi trao niềm tin và sự khao khát sống". Có thể nói rằng những người làm y sĩ như vậy thật đúng chuẩn mực với đạo đức của con người là yêu thương. Hay bác sĩ  Xu Hui vì làm việc cứu người suốt 18 ngày liên tục không nghỉ ngơi đầy đủ nên đã đổ bệnh và ra đi vĩnh viễn khi ở tuổi 51 để lại nhiều thương cảm và cũng là bài học cho những người làm bác sĩ về lòng nhân đạo. Hoặc những bác sĩ đã làm việc liên tục nhiều giờ khiến cho khuôn mặt bị hằn những vết của khẩu trang, chân tay mỏi mệt nhưng vẫn tiếp tục khám chữa bệnh. Họ phải đối mặt với tử thần nhiều lần và lnguy cơ bị lây lan rất cao nhưng họ không sợ bởi trái tin nhiệt huyết của nghề làm bác sĩ.

         Những con người nơi tuyến đầu chống dịch, bạn đã làm rất tốt. đã làm hết mình để bẩo vệ cho người dân đồng bào chúng ta. Khi bạn trở về, chúng tôi nhất định sẽ không bao giờ quên công lao của các bạn - những người anh hùng vĩ đại đáng để ghi danh vào sử sách.

         Bên cạnh đó cũng có không ít những người bỏ qua lương tâm nghề nghiệp  mà không hành thiện cứu người với lí do không đủ tiền bạc, hết giường bệnh,... Đó là những con người táng tận lương tâm và sẽ bị quả báo cũng như pháp luật trừng trị.

            Là một người học sinh tôi sẽ cố gắng học thật giỏi để tương lai trở thành con người vĩ đại như những bác sĩ đang chống dịch nơi tuyến đầu. Tôi rất tin tưởng những vị bác sĩ tài năng và giúp ích cho dân tộc trong đại dịch bởi vì tôi rất thích câu nói khi  bác sĩ nói " Hành y để cứu người chứ không phải giết người".

           Covid 19 đang dần kết thúc ở Việt Nam chúng ta bởi sự tận tâm của chính phủ đặc biệt là các bác sĩ đang chiến đấu trực tiếp với  "đội quân corona". Mong rằng dịch bệnh sẽ qua đi trả lại quỹ đạo ban đầu của cuộc sống để đền đáp xứng đáng với sự nỗ lực của những vị bác sĩ có lương tâm nghề nghiệp cao cả.