Đề thi khảo sát chất lượng quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
UBND QUẬN HOÀN KIẾM PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO | ĐỀ KIỂM TRA KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG MÔN NGỮ VĂN LỚP 9 NĂM HỌC 2017 – 2018 |
ĐỀ CHÍNH THỨC | Ngày kiểm tra: 11/5/2018 Thời gian làm bài: 120 phút |
Phần I (3,5 điểm)
Văn bản “Chuẩn bị hàng trang vào thế kỉ mới” của tác giả Vũ Khoan có viết:
“Nhưng bên cạnh cái mạnh đó cũng còn tồn tại không ít cái yếu. Ấy là những lỗ hổng về kiến thức cơ bản do thiên hướng chạy theo những môn học “thời thượng”, nhất là khả năng thực hành và sáng tạo bị hạn chế do lối học vẹt nặng nề. Không nhanh chóng lấp những lỗ hổng này thì thật khó bề phát huy trí thông minh vốn có và không thể thích ứng với nền kinh tế mới chứa đựng đầy tri thức cơ bản và biến đổi không ngừng.”
(Trích Ngữ văn 9, tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam, 2015)
1. Căn cứ vào cách lập luận trong câu văn được in đậm, theo em nội dung chính của những câu văn liền trước đó là gì?
2. Tìm câu phủ định trong đoạn trích trên và nêu tác dụng.
3. Những năm gần đây, phong trào khởi nghiệp sáng tạo đang phát triển mạnh mẽ với nhiều thành công nhưng cũng không ít thất bại. Từ văn bản trên đây và những hiểu biết của em về xã hội, em hãy trình bày trong khoảng 2/3 trang giấy thi những điều em đã, đang và sẽ làm để chuẩn bị cho việc “khởi nghiệp” của chính mình trong tương lai?
Phần II (6,5 điểm)
Một bạn đã chép nhầm 4 câu thơ trong đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích như sau:
“Nhớ người dưới nguyệt chén đồng
Tin sương luống những rày trông mai chờ
Bên trời góc bể bơ vơ
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai”
1. Em hãy ghi lại chính xác những câu thơ trên và so sánh sắc thái biểu cảm của từ bị chép nhầm với từ ngữ mà tác giả Nguyễn Du sử dụng.
2. Xác định vị trí của đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích trong tác phẩm?
3. Trong 4 câu thơ tiếp theo của đoạn thơ vừa cho, tác giả có sử dụng một thành ngữ. Tìm và giải thích ý nghĩa của thành ngữ ấy. Theo em, việc tác giả sử dụng thành ngữ này góp phần cho ta thấy vẻ đẹp nào trong tâm hồn của nhân vật Thúy Kiều?
4. Viết đoạn văn theo cách lập luận quy nạp (khoảng 12 câu) phân tích 4 câu thơ em vừa chép trên đây. Trong đoạn thơ có sử dụng câu mở rộng thành phần và phép lặp để liên kết (gạch chân dưới câu mở rộng thành phần , từ ngữ dùng làm phép lặp và chú thích rõ)
5. Truyện Kiều còn có tên gọi khác là Đoạn trường tân thanh, có thể hiểu là “tiếng kêu mới về nỗi đau đứt ruột”. Em hãy kể tên một văn bản khác trong chương trình Ngữ Văn THCS cũng là “tiếng kêu mới” về số phận khổ đau của người phụ nữ trong xã hội cũ. Cho biết văn bản đó do ai sáng tác?
Ghi chú:
Điểm phần I: 1. (0,5 điểm), 2. (0,5 điểm), 3. (2,5 điểm)
Điểm phần II: 1. (0,5 điểm), 2. (0,5 điểm), 3. (1 điểm), 4. (3,5 điểm), 5. (1 điểm).
Đề thi có 0, 2 trang
Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.
-------------- Hết --------------
Phần I.
1. Nội dung của những câu văn trước đó là nói về điểm mạnh của con người Việt Nam.
2. Câu phủ định là: Không nhanh chóng lấp những lỗ hổng này thì thật khó bề phát huy trí thông minh vốn có và không thể thích ứng với nền kinh tế mới chứa đựng đầy tri thức cơ bản và biến đổi không ngừng.
3. Gợi ý: Bài viết cần trình bày các ý sau:
- Khởi nghiệp là gì? Biểu hiện?
- Tầm quan trọng và vai trò của khởi nghiệp trong thời đại mới.
- (phản đề) Thời cơ và thách thức của khởi nghiệp: Khởi ngiệp là hành động nên có ở thế hệ trẻ để góp phần phá triển đất nước nhưng nếu nóng vội, thiếu kinh nghiệm, tiền vốn thì sẽ đứng trước nguy cơ thất bại..
- Giải pháp và liên hệ bản thân: (Phần chính mà đề bài yêu cầu)
+ Bản thân em khi còn là học sinh khi ngồi trên ghế nhà trường, em sẽ nỗ lực học tập, chinh phục và trau dồi tri thức, kinh nghiệm. ...
+ Nêu hành động của mỗi cá nhân để khởi nghiệp (ý kiến riêng của mỗi bạn)
Phần II:
1. "Tưởng người dưới nguyệt chén đồng
Tin sương luống những rày trông mai chờ
Bên trời góc bể bơ vơ
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai"
So sánh sắc thái biểu cảm của từ "tưởng" và "nhớ":
- Từ "nhớ" bộc lộ cảm xúc nhớ mong của nhân vật.
- Từ "tưởng" bên cạnh bộc lộ cảm xúc nhớ mong còn cho thấy trạng thái của nhân vật lúc nào cũng day dứt, xót xa và cảm thấy có lỗi với chàng Kim. Kiều luôn đau đáu và nhớ tới lời thề hẹn ước trăm năm của đôi lứa.
2. Kiều ở lầu Ngưng Bích nằm trong phần 2, Gia biến và lưu lạc của tác phẩm Truyện Kiều.
3. Thàng ngữ được sử dụng là "Quạt nồng ấp lạnh"
Đây là điển tích chỉ người con có hiếu: Mùa hè ngồi quạt mát cho cha mẹ ngủ còn mùa đông, nằm để sưởi ấm chăn, giường cho cha mẹ trước khi cha mẹ đi ngủ.
Thành ngữ "Quạt nồng ấp lạnh" cho thấy Kiều còn là người con gái rất hiếu thảo với cha mẹ.
4.
- Yêu cầu về hình thức: Đoạn quy nạp là đoạn câu chủ đề nằm ở cuối đoạn văn. Đoạn văn trình bày cần đạt đủ số câu theo yêu cầu + Trong đó có sử dụng câu có thành phần mở rộng và phép lặp.
- Nội dung của đoạn thơ: Nói về nỗi nhớ người yêu của Kiều. Đoạn thơ còn cho thấy Kiều là người tình thủy chung của Kim Trọng. Bởi nàng dù hi sinh chữ tình, giữ trọn chữ hiếu, đã trao duyên cho Thúy Vân để trả nghĩa cho Kim Trọng nhưng nàng vẫn luôn tự áy náy và cho mình là kẻ bội ước, không giữ trọn lời thề.
5. Đó là tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ.