Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Đề tham khảo giữa học kì I - Đề số 4 SVIP
Đọc văn bản và thực hiện yêu cầu từ 1 đến 5.
THẠCH SANH
Hai hồn khi ấy vào kho,
Cùng nhau lấy hết cả đồ kim ngân.
Giở đi giở lại tần ngần,
Cho quân canh biết dời chân ra ngoài.
Gốc cây, trông thấy nằm hoài,
Bảo nhau bắt lấy nó thời chẳng sai.
Thạch Sanh mới hỏi một hai,
Thưa rằng: "Các chú bắt ai vậy mà?"
Bảo rằng: "Sao dám vào Tòa,
Bạc vàng trộm lấy vậy mà trốn đây?"
Sanh rằng: "Việc ấy lạ thay!
Thế mà các chú bắt rày làm chi?
Bảo tôi, tôi sẽ theo đi,
Phòng như trộm cắp vậy thì có tang".
Quân rằng: "Này bạc, này vàng,
Mày còn biến trá nói năng chi rày?"
Sanh rằng: "Như vậy oan thay,
Vốn tôi vẫn ở xưa nay thực thà,
Việc này thôi hẳn oan ta".
Chịu gông khi ấy về tòa Viện vương.
Bằng nay của cải bạc vàng,
Quân vào thưa hết mọi đường được hay:
[...] Thông nghe biết tỏ chân tình,
Chắc rằng hẳn chú Thạch Sanh đó rày.
[...] Dạy đem giam ngục Lại lê,
Canh cho nghiêm mật, chớ hề hở han.
Vâng lời Thông dạy liền giam,
Đêm ngày tra khảo, nỗi chàng mà thương!
[...] Thông rằng: "Bay cứ canh giờ,
Để ta sớ tấu vậy mà giết đi".
Vâng lời Thông nói một khi,
Về nhà mới bảo vậy thì nghiêm canh.
Lý Thông ngồi nghĩ một mình,
Nếu mà tâu sợ sự mình tỏ ra.
Chẳng bằng khâm mệnh quốc gia,
Chờ ba ngày nữa, đem ra xử tù.
Sanh từ đến ở ngục u,
Trong lòng cũng chẳng hận thù cùng ai.
Nhân khi vắng vẻ thảnh thơi,
Chàng bèn mới hỏi rằng ai lạ lùng?
Quân rằng: "Quốc tế quận công,
Chính danh tên gọi Lý Thông thực người".
Sanh nghe quân nói đầu đuôi,
Biết rằng Thông thực là người bất nhân.
Biết mà lòng chẳng oán hờn,
Mặc ai vô nghĩa bất nhân cũng đành.
Biết mà lòng chẳng phàn nàn,
Lấy đàn mới gẩy nhặt khoan tính tình.
Đàn kêu nghe tiếng nên xinh,
Đàn kêu tang tịch tình tinh tang tình.
Đàn kêu: Ai chém trăn tinh,
Cho mày vinh hiển dự mình quyền sang?
Đàn kêu: Ai chém xà vương,
Đem nàng công chúa triều đường về đây?
Đàn kêu: Hỡi Lý Thông mày
Cớ sao phụ nghĩa lại rày vong ân?
Đàn kêu: Sao ở bất nhân,
Biết ăn quả lại quên ân người giồng?
Đàn kêu năn nỉ trong lòng,
Tiếng ti tiếng trúc đều cùng như ru.
[...] Đàn kêu thấu đến cung phi,
Trách nàng công chúa vậy thì sai ngoa.
(Trích Kho tàng truyện Nôm khuyết danh, Tập 2, NXB Văn học, Hà Nội, 2000, tr. 1989 - 1993)
Câu 1. Xác định thể loại của văn bản.
Câu 2. Văn bản trên kể về sự việc nào?
Câu 3. Tóm tắt văn bản trên một cách ngắn gọn và cho biết văn bản ấy thuộc mô hình cốt truyện nào?
Câu 4. Xác định và phân tích tác dụng của một câu hỏi tu từ trong văn bản.
Câu 5. Chỉ ra và nêu tác dụng của yếu tố hoang đường kì ảo trong văn bản.
Hướng dẫn giải:
Câu 1.
Thể loại: truyện thơ Nôm bình dân.
Câu 2.
Văn bản kể về sự việc: Thạch Sanh bị hồn ma trăn tinh, xà vương hãm hại, đẩy vào tù oan. Tại đây, chàng nhận ra bộ mặt xảo trá, bất nhân của Lý Thông.
Câu 3.
- HS tóm tắt văn bản trên một cách ngắn gọn: Thạch Sanh bị hai hồn ma mang đồ bạc vàng lấy trộm ở Tòa đến lều của chàng để chàng bị bắt giam. Lý Thông biết chuyện, sai lính giam giữ Thạch Sanh nghiêm ngặt. Sợ chuyện của mình bại lộ, Lý Thông dự định xử tù Thạch Sanh. Biết được bộ mặt thật của Lý thông, Thạch Sanh mang đàn ra gảy. Tiếng đàn như bộc lộ hết tâm sự của Thạch Sanh và bay đến tận cung của công chúa.
- Từ đó, HS kết luận về kiểu mô hình của cốt truyện: cốt truyện trên thuộc mô hình cốt truyện nhân quả thể hiện quan niệm ở hiền gặp lành, ác giả ác báo.
Câu 4.
- HS chỉ ra một trong số các câu hỏi tu từ thuộc văn bản:
+ Đàn kêu: Ai chém trăn tinh,/ Cho mày vinh hiển dự mình quyền sang?
+ Đàn kêu: Ai chém xà vương,/ Đem nàng công chúa triều đường về đây?
+ Đàn kêu: Hỡi Lý Thông mày/ Cớ sao phụ nghĩa lại rày vong ân?
+ Đàn kêu: Sao ở bất nhân,/ Biết ăn quả lại quên ân người giồng?
- Tác dụng:
+ Vạch mặt tội cướp công, ăn ở tráo trở, vô đạo, bất nhân, bất nghĩa của Lý Thông.
+ Thể hiện thái độ bất bình, giận dữ, tinh thần đấu tranh quyết liệt, không khoan nhượng của nhân dân ta trước cái xấu, cái ác.
Câu 5.
- HS chỉ ra một yếu tố kì ảo trong văn bản. Chẳng hạn như chi tiết: hồn ma xà vương và trăn tinh trộm vàng bạc vu vạ cho Thạch Sanh, tiếng đàn của Thạch Sanh như cất lên những bản "luận tội" đanh thép, mạnh mẽ dành cho Lý Thông.
- Tác dụng:
+ Thúc đẩy sự phát triển của cốt truyện, giúp giải quyết mâu thuẫn, xung đột truyện.
+ Thể hiện quan điểm đạo đức và khát vọng về sự công bằng của nhân dân: ở hiền gặp lành, vạch mặt cái ác, minh oan cho người lương thiện.
+ Giúp cho câu chuyện trở nên thu hút, hấp dẫn, bay bổng hơn.
Câu 1. (2 điểm)
Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) làm rõ giá trị nội dung của văn bản Thạch Sanh.
Câu 2. (4 điểm)
Trong thời đại số hóa, công nghệ đã thay đổi cách chúng ta giao tiếp với nhau một cách cơ bản. Hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ quan điểm của anh/chị về về vai trò của công nghệ trong việc thay đổi phương thức giao tiếp của con người. Phân tích những mặt tích cực và tiêu cực của việc sử dụng công nghệ trong giao tiếp hàng ngày, và đề xuất những cách để tận dụng tối đa lợi ích của công nghệ trong khi giảm thiểu những tác động tiêu cực.
Hướng dẫn giải:
Câu 1.
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn
- Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn.
- Về kiểu đoạn văn, HS có thể trình bày theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: làm rõ giá trị nội dung của văn bản Thạch Sanh.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
- Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:
+ Mặc dù mang hình thức khác với nguyên mẫu truyện cổ tích, song truyện thơ Thạch Sanh vẫn giữ nguyên giá trị nội dung vốn có. Qua câu chuyện của chàng Thạch Sanh, các tác giả dân gian gửi gắm tới chúng ta bài học sâu sắc về lối sống ở hiền gặp lành. (Chú ý làm rõ bài học này được thể hiện ở những chi tiết nào trong văn bản.)
+ Quan niệm sống này đã có từ rất lâu và trở thành một nét đẹp về văn hóa của người Việt Nam.
- Sắp xếp được hệ thống ý hợp lí theo đặc điểm bố cục của kiểu đoạn văn.
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau
- Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
- Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2.
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài
- Xác định đúng yêu cầu của kiểu bài: nghị luận xã hội.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: vai trò của công nghệ trong việc thay đổi phương thức giao tiếp của con người; phân tích những mặt tích cực và tiêu cực của việc sử dụng công nghệ trong giao tiếp hàng ngày, và đề xuất những cách để tận dụng tối đa lợi ích của công nghệ trong khi giảm thiểu những tác động tiêu cực.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
- Xác định được các ý chính của bài viết.
- Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục 3 phần của bài văn nghị luận:
* Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề.
* Triển khai vấn đề nghị luận:
- Giải thích vấn đề nghị luận.
- Thể hiện quan điểm của người viết, có thể theo một số gợi ý sau:
+ Thực trạng: có nhiều ứng dụng giao tiếp mới ra đời như Facebook, Zalo, Zoom,... giúp cho việc giao tiếp trở nên nhanh chóng, không bị giới hạn bởi khoảng cách địa lý.
+ Những mặt tích cực: kết nối dễ dàng, tiện lợi; tiết kiệm thời gian, chi phí; nâng cao hiệu quả công việc;...
+ Những mặt tiêu cực: sự phụ thuộc vào công nghệ; mất đi sự riêng tư; ảnh hưởng đến sức khỏe;...
+ Biện pháp khắc phục: hạn chế sử dụng; tăng cường các hoạt động gắn kết trực tiếp, các hoạt động ngoài trời;...
- Bàn luận mở rộng với những quan điểm trái chiều để bài viết thêm sâu sắc.
* Khẳng định lại tầm quan trọng của vai trò, sự tác động mang tính hai mặt của công nghệ trong việc thay đổi phương thức giao tiếp của con người và nhấn mạnh những biện pháp khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực của nó.
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau
- Triển khai được ít nhất hai luận điểm để làm rõ quan điểm của cá nhân.
- Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
Lưu ý: HS có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.