Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Đề tham khảo giữa học kì I - Đề số 3 SVIP
Đọc văn bản và thực hiện yêu cầu từ 1 đến 5.
CHỦ NGHĨA HIỆN THỰC NAM CAO
(1) Người ta còn gọi Nam Cao là nhà văn của một chủ nghĩa hiện thực tâm lí. Ông chú ý đến nội tâm hơn là ngoại hình nhân vật - trừ những trường hợp có dụng ý đặc biệt (những bộ mặt ghê sợ hay đặc biệt xấu xí của Trương Rự trong Nửa đêm, của Chí Phèo, thị Nở trong Chí Phèo,... có lẽ đã được vẽ ra như là một cách tố cáo cái xã hội tàn bạo đã huỷ hoại cả đến nhân hình, nhân dạng của con người). Dường như mọi đặc sắc nghệ thuật của ông đều gắn với sở trường ấy. Trong Chí Phèo, có những đoạn tả ánh trăng rất thú vị: ánh trăng in cái bóng thằng Chí Phèo trên đường làng "Nó xệch xạc về phía bên phải, nó xệch xạc về bên trái, thu gọn vào rồi lại dài loang ra, xé rách ra vài chỗ. Nó cứ quần quật dưới chân Chí Phèo"; ánh trăng chiếu trên "những tàu lá chuối nằm ngửa, ưỡn cong lên hứng lấy trăng xanh rời rợi như là ướt nước thỉnh thoảng bị gió lay lại giãy đành đạch như là hứng tình". Đó là nghệ thuật diễn tả tâm lí hơn là vẽ cảnh thiên nhiên: tâm lí thằng say rượu sắp sửa gặp thị Nở. Ở truyện này, ông ghép nên những cặp nhân vật tâm sự (Lão Hạc - ông giáo hàng xóm; Chí Phèo - thị Nở; Lang Rận - mụ Lợi,...), ở truyện kia, ông lại tạo những nhân vật gây sự (vợ chồng anh trí thức nghèo chẳng hạn). Xét ở một phương diện nào đấy, đó cũng là một cách sắp đặt tình huống độc đáo để bộc lộ những tâm sự sâu kín của các vai truyện. Nếu so sánh Nam Cao với Ngô Tất Tố, thì dễ dàng nhận thấy Ngô Tất Tố chủ yếu dùng bút pháp ngoại hiện để diễn tả tâm lí nhân vật hơn là trực tiếp quan sát và phân tích thế giới nội tâm của chúng. Nếu so sánh với Nguyễn Công Hoan thì thấy nhà văn trào phúng thường chỉ thành công khi diễn tả những khoảnh khắc tâm lí đơn giản, giới hạn trong một truyện ngắn có một chủ để hết sức rõ ràng. Còn Nam Cao thì có khả năng "du lịch" triền miên trong thế giới nội tâm của nhân vật để theo dõi những quá trình tâm lí phức tạp, quanh co, nhiều khi thật khó phân biệt là vui hay buồn, cười hay khóc, say hay tỉnh, ghét hay thương,...
Chính vì thông thuộc tâm lí con người mà Nam Cao có lối kể chuyện rất biến hóa, cứ nhập thẳng vào đời sống bên trong của nhân vật mà dẫn dắt mạch tự sự theo dòng độc thoại nội tâm. Lối kể chuyện theo quan điểm nhân vật như thế tạo ra ở nhiều tác phẩm Nam Cao một lối kết cấu bề ngoài có vẻ rất phóng túng, tùy tiện, xáo trộn trật tự tự nhiên của không gian, thời gian, mà thực ra rất chặt chẽ như không thể nào phá vỡ nổi. Đây cũng là lối trần thuật nhiều giọng điệu rất độc đáo và hấp dẫn của Nam Cao.
(2) Như đã nói, Nam Cao luôn băn khoăn về vấn đề nhân phẩm, về thái độ khinh trọng đối với con người, ông dễ bất bình trước tình trạng con người bị lăng nhục vì nghèo đói cùng đường. Nam Cao đặt vấn đề này ra là để minh oan chiêu tuyết cho những con người bị miệt thị một cách bất công: Chí Phèo, Một bữa no, Lang Rận,... Để giải quyết vấn đề này, nhiều khi ông phải đặt nhân vật của mình vào tình thế cheo leo nơi ranh giới giữa con người và thú vật. Và như thế thì ngòi bút của nhà văn cũng thật cheo leo. Người đọc lắm lúc có cảm giác như đứa trẻ trong rạp xiếc lo lắng nhìn bước chân người tài tử đang diễn trò leo dây giữa khoảng không. Nam Cao không làm xiếc ngôn từ, không làm trò kĩ thuật, ông tự thử thách mình về tư tưởng, về cái tâm đối với con người. Nhiều cây bút khác, đi trên đất bằng mà có lúc cũng vấp ngã, Nam Cao đi trên dây làm sao tránh khỏi có lúc ngả nghiêng. Nhưng người đọc, sau những giây phút hồi hộp, căng thẳng, càng cảm thấy khoan khoái khi thấy nhà văn đã đạt tới đích mà không hề sa chân hụt bước.
Một cái tâm vững vàng, đằm thắm, đó là nền tảng của mọi tác phẩm của Nam Cao. Cho nên dù ông nhiều khi có cố tình làm ra vẻ lạnh lùng, cố tình dùng những từ vô cảm, thậm chí có sắc thái miệt thị và châm biếm nữa đối với các nhân vật của mình (như những đại từ nhân xưng: hẳn, y, thị...), thì người ta vẫn thấy có biết bao đau xót, biết bao nước mắt trong đó.
Ấy cũng là một đặc điểm cơ bản của chủ nghĩa hiện thực của Nam Cao.
(Nguyễn Đăng Mạnh, Nhà văn Việt Nam hiện đại, chân dung và phong cách, NXB Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, 2000, trang 276 - 278)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản.
Câu 2. Văn bản trên đã làm sáng tỏ chủ nghĩa hiện thực của Nam Cao trên những phương diện nào?
Câu 3. Biện pháp tu từ so sánh trong câu văn: "Người đọc lắm lúc có cảm giác như đứa trẻ trong rạp xiếc lo lắng nhìn bước chân người tài tử đang diễn trò leo dây giữa khoảng không" có tác dụng gì?
Câu 4. Nhận xét về ngôn ngữ nghị luận được sử dụng trong phần (2).
Câu 5. Nhận xét về cách lập luận của tác giả.
Hướng dẫn giải:
Câu 1.
Phương thức biểu đạt: nghị luận.
Câu 2.
Văn bản trên đã làm sáng tỏ chủ nghĩa hiện thực của Nam Cao trên những phương diện sau:
- Chú trọng khắc họa nội tâm nhân vật.
- Quan tâm đến nhân phẩm con người.
Câu 3.
Biện pháp tu từ so sánh trong câu văn: "Người đọc lắm lúc có cảm giác như đứa trẻ trong rạp xiếc lo lắng nhìn bước chân người tài tử đang diễn trò leo dây giữa khoảng không" có tác dụng nhấn mạnh, khẳng định tài năng nghệ thuật của Nam Cao và cái tâm vững vàng của ông khi viết về vấn đề nhân phẩm con người.
Câu 4.
HS nhận xét về ngôn ngữ nghị luận được sử dụng trong phần (2). Gợi ý: Ngôn ngữ nghị luận được sử dụng trong phần (2) rất giàu hình ảnh và giàu sức biểu cảm khi diễn tả cách viết của Nam Cao khi đặt nhân vật vào tình thế cheo leo.
Câu 5.
HS nhận xét về cách lập luận của tác giả:
- Luận điểm rõ ràng, cụ thể.
- Lí lẽ sắc sảo, xác đáng.
- Dẫn chứng chính xác, tiêu biểu.
=> Cách lập luận của tác giả rất chặt chẽ, xác đáng và giàu sức thuyết phục.
Câu 1. (2 điểm)
Viết đoạn văn thuyết minh (khoảng 200 chữ) thuyết minh về một quy trình tạo ra một sản phẩm thủ công mà anh/chị quan tâm. Bài viết có lồng ghép một hay nhiều yếu tố như miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận.
Câu 2. (4 điểm)
Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ suy nghĩ của anh/chị về vấn đề chảy máu chất xám ở Việt Nam hiện nay.
Hướng dẫn giải:
Câu 1.
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn
- Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn.
b. Xác định đúng quy trình tạo ra sản phẩm cần thuyết minh
HS lựa chọn quy trình tạo ra một sản phẩm thủ công bất kì mà các em quan tâm để viết bài.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ quy trình tạo ra sản phẩm
- Xác định được các ý phù hợp thuyết minh về quy trình tạo ra một sản phẩm thủ công, sau đây là một số gợi ý:
+ Giới thiệu quy trình tạo ra một sản phẩm thủ công được thuyết minh.
+ Miêu tả bao quát về quy trình tạo ra một sản phẩm thủ công.
+ Trình bày từng phương diện của quy trình tạo ra một sản phẩm thủ công theo một trình tự hợp lí (trước – sau, trên – dưới, trong – ngoài, khái quát – cụ thể,…).
+ Làm rõ vai trò, ý nghĩa của quy trình tạo ra một sản phẩm thủ công.
+ Đánh giá chung và nêu cảm nhận về quy trình tạo ra một sản phẩm thủ công.
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau
- Trình bày các ý mạch lạc, hệ thống.
- Sử dụng lồng ghép các yếu tố miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận để làm tăng hiệu quả thuyết minh.
- Sử dụng phương tiện phi ngôn ngữ để hỗ trợ nội dung thuyết minh.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về quy trình tạo ra sản phẩm được thuyết minh; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2.
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài
- Xác định đúng yêu cầu của kiểu bài: nghị luận xã hội.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: vấn đề chảy máu chất xám ở Việt Nam hiện nay.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
- Xác định được các ý chính của bài viết.
- Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục 3 phần của bài văn nghị luận:
* Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề.
* Triển khai vấn đề nghị luận:
- Giải thích vấn đề nghị luận.
- Thể hiện quan điểm của người viết, có thể theo một số gợi ý sau:
+ Thực trạng: số lượng sinh viên du học không trở về nước ngày càng tăng; nhiều nhà khoa học, chuyên gia và người lao động có trình độ cao tìm kiếm cơ hội làm việc ở nước ngoài.
+ Nguyên nhân: môi trường làm việc trong nước chưa tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển nghề nghiệp và nghiên cứu; thiếu cơ hội thăng tiến và phát triển kỹ năng chuyên môn; mức lương và chế độ đãi ngộ trong nước chưa đủ hấp dẫn so với các quốc gia phát triển;...
+ Hệ quả: sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao ảnh hưởng đến năng suất và hiệu quả kinh tế; chi phí đào tạo nhân lực cao bị lãng phí khi họ không làm việc trong nước;...
+ Cách khắc phục: tạo điều kiện thuận lợi cho nghiên cứu và phát triển nghề nghiệp; xây dựng các trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm hiện đại; xây dựng chế độ lương bổng, đãi ngộ tương xứng với năng lực;...
- Mở rộng, trao đổi với quan điểm trái chiều hoặc ý kiến khác để có cái nhìn toàn diện.
* Khẳng định lại sự nghiêm trọng của vấn đề chảy máu chất xám ở Việt Nam và tầm quan trọng của việc giải quyết vấn đề này.
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau
- Triển khai được ít nhất hai luận điểm để làm rõ quan điểm của cá nhân.
- Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
Lưu ý: HS có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.