Có lúc nào mọi người bỗng dưng xúc động khi đọc một vài dòng chữ chẳng có mấy đau buồn không? Em đã trải qua cảm xúc như thế khi đọc câu chuyện này, bởi vì dường như em thấy mình trong đó, rất quen thuộc.


Hồi bé, đã ai từng trải qua cảm giác này chưa? Đã từng, đã từng có rất nhiều lần em...
 Lên lớp bị bạn đánh, về nhà ôm mẹ khóc, mẹ liền mắng: Tại sao con lại không nói với cô mà để về nhà rồi mới nói? 
 
 Ba em tính rất hay gắt gỏng, có những ngày em bị ông ấy dùng roi đánh vô cớ, chỉ vì em chơi trước mặt ông khi ông đang làm việc. Tuy không phải thương tích gì nghiêm trọng, chỉ là những vết lằn nhỏ nhưng cũng đủ làm một đứa trẻ tổn thương. Mẹ em đi làm về thấy vậy, chỉ nói: Có sai mới bị đánh. Đừng khóc nữa. 
 
 Đi chơi bị bạn làm hỏng món đồ được tặng, em về nhà khóc một trận rất lâu. Khi mở cửa ra chị gái thấy liền cười và trêu em. Có hôm họ hàng đến chơi cũng đem chuyện này ra kể như một điều gì đó hay ho lắm, chủ yếu là cười một đứa nhỏ chuyện bé xé ra to. 

Cho đến kì thi học sinh giỏi môn ngữ văn năm lớp 7, kết quả khiến em và bạn em rất buồn vì đều không như ý. Chúng em đều đã rất cố gắng trong một quãng thời gian không ngắn. Thế rồi bạn em, cô ấy nằm xuống bàn, bắt đầu bật khóc. Những bạn khác và ngay cả em cũng ở bên cạnh bạn ấy, cùng nhau an ủi. Và khi về nhà, núp trong căn phòng của mình, em cũng bắt đầu khóc, thút thít, nhỏ thôi, vì sợ mẹ bên ngoài sẽ nghe thấy. Lúc ấy vừa lau nước mắt thậm chí em còn sợ khi khóc xong rồi ra khỏi phòng, đôi mắt còn đỏ hoe ấy sẽ không giấu được.
Sáng ngày hôm sau, em vẫn như bao ngày khác, tung tăng cắp sách tới trường. Bạn bè xung quanh, thậm chí là người thân cũng không một ai biết rằng một đứa hay cười như em vào ngày đó cũng đã từng có lúc thấy rất buồn.


Và lúc em đọc được câu chuyện trên, em rất nhiều kí ức đan xen cứ vồ vập chảy vào tâm trí em như thế. Một ông lão mất vợ, lúc đó ông ấy đã khóc vì đau buồn. Nghe nói người già rất khó rơi nước mắt nhưng ông lão trong câu chuyện có lẽ đã khóc rất lâu. Khi đọc những dòng chữ ấy có lẽ nhiều người đã tự hỏi rằng. Tại sao? Tại sao những lời quan tâm, an ủi lại không bằng sự im lặng. Giá trị của sự im lặng đó nằm ở đâu?

Có phải hầu hết tất cả mọi người đều an ủi người khác theo cách này không: "Đừng khóc nữa. Không sao đâu. Thực ra đó cũng là chuyện thường tình ở đời thôi." Rồi người ta lôi ti tỉ những cái đau thương khác ra để đắp lên, để người ta thấy rằng họ chẳng phải người đau nhất. Hoặc cũng có người lại ra sức nói về những chuyện khác để lảng đi vết thương trong lòng người kia. Có ích gì không, thử hỏi chính mình xem? Đó không tính là an ủi, thật đấy, đó những lời vô nghĩa được thốt ra, không chứng minh được gì ngoài sự thiếu cảm thông của bạn cả. Khi một người đang rất đau, thứ họ cần là ai đó chạm vào vết thương và chữa lành nó chứ không phải tới và chỉ vào những vết thương khác sâu hơn, hay nói rằng trăng hôm nay rất đẹp. Tất cả điều đó như kì vọng đổ một chậu nước xuống biển có thể khiến biển dâng hay dùng một chiếc rổ đựng cát thay vì chậu. Đều vô ích! 

Nhưng có đôi khi, trong cơn đau, người ta không thiết gì ngoài sự im lặng, đó không phải là cái im lặng bàng quan, thờ ơ hay hời hợt mà là sự im lặng phát ra sóng âm mà chỉ có người đau và người tới mới cảm nhận được. Cái im lặng ấy nói rằng: Này, tôi đã đến, tôi biết bạn đau thế nào. Bạn cứ khóc đi. Tôi sẽ ở đây, bên cạnh bạn, cùng bạn vượt qua nó.

Không phải những lời nói khiến người ta nghĩ rằng bạn quá tầm thường để ngồi đây bật khóc vì có nhiều người còn đau hơn. Hay bạn đừng khóc, có gì đâu mà phải khóc. Trong khi chẳng ai trong những người tới nói ra những lời tựa như thế nghĩ rằng, nếu đã không đáng khóc, nước mắt sẽ không rơi. Mỗi giọt lệ trên thế gian này đều tồn tại vì một ý nghĩa riêng dù vì bất kì lý do gì. Đau buồn, vui vẻ, cảm động thậm chí là tức giận. Nó biểu lộ rất nhiều thứ trong sự trong suốt ấy mà chỉ những người có trái tim cảm thông thực sự mới hiểu được. Không phải một ai đó thấy vết thương, rùng mình một chút và nghĩ là đau rồi cho rằng mình hiểu trọn vẹn cảm xúc ấy.

Cậu bé trong câu chuyện dùng sự "im lặng có âm thanh" đã khiến ông già ngừng khóc không có nghĩa là những lời động viên an ủi không có giá trị. Chúng thậm chí mang một sức mạnh lớn lao mà có đôi khi là phép màu có thể chữa nhiều thương tổn hơn bất kì phương thuốc nào.

Em biết điều ấy, em chắc chắn điều ấy. Vì khi bị bạn đánh, em cần mẹ ôm và nói rằng mai mẹ sẽ lên báo cô biết chuyện này. Khi bị ba đánh vô cớ, em cũng cần mẹ dỗ dành, hỏi em lý do vì sao lại bị đánh, lúc ấy em nhất định sẽ òa lên nức nở trút những uất ức ra chứ không phải là nín khóc từ từ. Khi bị mất thứ đồ yêu thích, em đã khóc, và cần ai đó hỏi rằng vì sao món đồ đó lại quan trọng với em đến mức ấy, chứ không phải là nụ cười vô tình, dẫu nó không mang theo ác ý. Lúc đó em tự hỏi, có gì sai sao? Em chỉ khóc thôi, điều đó trong mắt người lớn đáng cười đến vậy ư? Có những lời nói, những hành động thậm chí còn in sâu hơn nỗi đau thể xác. Rất lâu sau này, thứ tồn tại trong kí ức của em không phải là những vết hằn roi của ba mà những lời nói của mẹ và chị gái. Lúc em buồn nhất nghe những lời đó chỉ khiến tất cả tệ hơn. Và thế là lên lớp 7, kì thi năm đó nếu có khóc em cũng khóc một mình, em sợ nghe lời an ủi lạnh nhạt hơn hay thậm chí là cười cợt hơn bất kì một điều gì. 

Lúc đó, lúc người ta đang cần bạn nhất đó, nếu không thể an ủi thực sự, động viên thực sự bằng cả tấm lòng. Xin hãy im lặng. Chỉ ôm họ thôi, hoặc đừng làm gì cả. Nếu bạn không muốn sau này bạn sẽ không bao giờ thấy họ buồn nữa. Đúng vậy, không phải họ không bao giờ biết buồn, chỉ là họ không bao giờ muốn cho bạn hay thậm chí cả những người khác thấy nỗi buồn của họ nữa.

Và nếu trong trường hợp phải nói điều gì đó, hãy đừng ngần ngại nói về nỗi đau đó của họ, để họ nói hết ra tất cả và có lẽ mọi thứ sẽ đỡ hơn. Đừng sợ làm họ tổn thương càng sâu vì hơn ai hết họ hiểu nỗi đau của họ. Bởi thứ con người ta cần khi buồn đau, khi mệt mỏi không phải một vài lời sáo rỗng mà chính là sự sẻ chia.

Hy vọng mỗi người trên thế giới này đều có được những người xung quanh sẵn sàng sẻ chia cùng bạn từng khoảnh khắc.

.........