William Arthur Ward đã từng nói rằng :”Ba chiếc chìa khóa dẫn tới cuộc sống mãn nguyện: quan tâm tới người khác, dám làm vì người khác, chia sẻ cùng người khác. “ Đúng vậy, tình yêu thương, quan tâm giữa con người đối với con người là vô cùng thiêng liêng, quan trọng, nó thể hiện sự gắn bó, sự sẻ chia, đồng cảm khi đứng trước những mảnh đời bất hạnh. Cuộc đời  của con người giống như một cuốn nhật ký. Mỗi ngày chúng ta lại viết nên những trang giấy nhiều điều: có niềm vui, cũng có nỗi buồn, có thành công, cũng có thất bại. Trên hành trình để hoàn thiện cuốn nhật kí cho riêng mình, chúng ta cần phải có được lối sống và chuẩn mực của mình khi ở ngoài xã hội, “sống trong đời sống cần có một tấm lòng”, tấm lòng đó là tấm lòng biết yêu thương, sẻ chia và đồng cảm. ​Ngày nay, trong xu thế xã hội xô bồ, xã hội này càng phát triển khiến con người ta phải dần đối mặt với những sự khó khăn, gian khổ từ xã hội, họ luôn phải chạy theo đồng tiền, để lo miếng cơm, manh cơm cho gia đình, vợ con, bản thân, nhưng họ vẫn không đánh mất được lối sống quý báu đó. Lối sống đó hiện nay đang được coi trọng và là chuẩn mực sống đúng đắn nhất và đó là một trong những đức tính quý trọng, thiêng liêng nhất của con người Việt Nam chúng ta. Và câu chuyện của diễn giả  Lê-Ô Bu-sca-gli-a đã làm cho chúng ta nhận thức sâu sắc về tình thương, sự đồng cảm trong cuộc sống.

                    “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng

                                   Để làm gì, em biết không?

                                       Để gió cuốn đi”.

                         (Để gió cuốn đi – Trịnh Công Sơn)

 

      Đồng cảm đó là sự chia sẻ, thấu hiểu và quan tâm sâu sắc đối với mọi người xung quanh, luôn luôn có một thái độ biết yêu thương và cảm thông sâu sắc trước mọi hoàn cảnh sống, đồng cảm đó là một thái độ biết nhập tâm và hiểu được đối phương một cách chân thành nhất, đồng cảm giúp kết nối con người với con người để từ đó họ có những cách đánh giá và nhìn nhận cuộc sống này một cách chân thành và da diết nhất.

     Sẻ chia đó là sự chia sẻ những nỗi đau, niềm vui, nỗi buồn cùng với mọi người xung quanh, sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình, sống luôn luôn phải biết cho đi và bản thân sẽ nhận được những điều tốt lành nhất, đó là một tình cảm tinh thần phong phú và giàu có, bản thân sẽ làm nên được những điều tốt nhất, da diết và mang trong trái tim, biết bao nhiêu hoài niệm và cả những niềm hạnh phúc lớn lao khi làm được những điều có ý nghĩa.

     Đồng cảm và sẻ chia nó có mối liên hệ với nhau, có sự đồng cảm, hiểu được hoàn cảnh và con người của đối phương, thì từ đó chúng ta mới có những sẻ chia sâu sắc và có ý nghĩa nhất, đó là niềm vui được sống là chính mình, được sống trong một xã hội ngập tràn tình yêu thương. Đúng như trong ngạn ngữ đã từng viết: “Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi không có tình thương", quả đúng là như vậy, tình yêu thương là một niềm vui, là một căn cước để xây dựng nên hạnh phúc của mỗi cá nhân. Luôn biết yêu thương và đồng cảm với mọi người xung quanh, chúng ta sẽ nhận được những điều tốt lành và hạnh phúc nhất.

    Có một thi nhân nào đó đã từng nói rằng “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”. Cuộc sống bao giờ cũng cần những tình yêu thương sự đùm bọc chia sẻ giữa người và người. Nếu không có tình thương thì con người chẳng khác gì loài thú vật. Chúng ta hơn chúng vì chúng ta có khối óc và có trái tim đầy lửa yêu thương. Nếu không có tình thương chắc hẳn sẽ không đủ sức để thức tỉnh con thú khát máu trong người Chí Phèo. Hắn sẽ không thể biết được thế nào là ham muốn lương thiện. Và nếu không có tình thương thì làm sao có được chú bé Hồng ấm áp và mạnh mẽ đến vậy? Nhưng cũng chính sự thiếu thốn tình thương, sự ghẻ lạnh đó đã giết chết Chí trong định kiến của xã hội. Và một lần nữa nó lại khiến chú bé Hồng tổn thương trước những định kiến cay nghiệt của bà cô….

    Khi đọc câu chuyện trên, có thể nhiều người sẽ nghĩ rằng :”Thằng nhóc 4 tuổi “miệng còn hôi sữa “ ấy làm vậy mà sao có thể làm ông lão ngưng khóc và đó đâu phải là một sự quan tâm, sẻ chia đặc biệt gì đâu, chỉ cần ngồi vào lòng ông ấy và chờ cho ông ngưng khóc thôi mà !”Phải chăng phép màu đã xảy ra ? Nhưng thực ra họ không hiểu rằng :” Quan tâm là phải đi đôi cùng với sự thấu hiểu.” Họ cũng không hiểu rằng : Người được chia sẻ cũng không đòi hỏi gì, chi cần một chỗ dựa trong lúc đau đớn cũng là quá đủ. Những lời nói, lời khuyên nhủ của họ chả có tác dụng gì trong tình huống này, chúng chỉ khoét sâu vào quá khứ của ông lão, chúng là "những con sâu làm sầu nồi canh" và làm ông lão càng buồn tủi và u sầu hơn mà thôi. Sự thấu hiểu không phải là ở những lời nói, an ủi, điển hình như :" Đừng khóc nữa", "Hãy quên đi chuyện đó đi", "Khóc có ích gì đâu",...Tuy cách em bé quan tâm đến người khác cũng rất “trẻ con”: ngồi vào lòng người hàng xóm nhưng đó là cách chia sẻ hiệu quả nhất trong tình huống đó. Đúng như Marie Cruise đã từng nói rằng :"Có lẽ người ta không mong muốn được yêu thương nhiều bằng mong muốn được thấu hiểu."

      Cậu chỉ ngồi im lặng chờ cho ông lão đến khi ông lão ngừng khóc. Hành động đó chỉ là một hành động đơn giản, em chỉ là một cậu bé mới 4 tuổi, chưa có thể có những hành động, cử chỉ, lời an ủi vỗ về hay lời động viên người khác, hạnh động đó đã xuất phát từ tình cảm chân thực, đơn thuần nhất xuất phát từ trong tâm hồn của cậu bé ấy. NHư có người đã từng nói rằng :" Nước mắt có một nhiệm vụ tuyệt diệu. Nó có thể đẩy vô số đá tảng ra khỏi lồng ngực. Cho dù sau đó, chỉ còn lại sự trống rỗng",cậu đã lựa chọn im lặng để cho ông lão vơi đi nỗi buồn. Nước mắt sẽ đổi lấy sự thanh thản và những nỗi buồn xót xa của ông. Với sự trải nghiệm, kinh nghiệm trong cuộc sống và sự cảm nhận của riêng mỗi người, ta có thể có nhiều phương thức bày tỏ, thấu hiểu, chia sẻ và đồng cảm khác nhau. NHưng sự quan tâm, thấu hiểu tự xuất phát từ tình cảm, sự rung động chân thành mới là quan trọng nhất. Tuy nhiên cũng có trường hợp ta không thể an ủi, động viên người đó được, việc ta cần làm chỉ là "im lặng là vàng " và ở bên cạnh người đó , để họ yên tĩnh. Những giọt nước rơi đi, nỗi buồn trong lòng cũng sẽ vơi đi. Nhà viết kịch vĩ đại thế giới William Shakespeare đã từng thể hiện quan điểm của mình như: “Nếu bạn buồn bã, hãy bày tỏ cảm xúc của mình. Sự kìm nén và che giấu nỗi đau chỉ khiến trái tim bạn trở nên chai sạn, tổn thương nhiều hơn”.

    Trong cuộc sống, đôi khi con người gặp phải những mất mát, đau thương cần có một sự đồng cảm từ những người xung quanh. Biết quan tâm, sẻ chia với người khác là một hành động đẹp. Nhưng cách thể hiện sự quan tâm đó như thế nào còn tùy thuộc ở mỗi người. Trong cuộc sống, có những bài học vô cùng quý giá mà ta học được từ những điều hết sức bất ngờ. Em bé cũng có việc làm mà mọi người phải suy ngẫm. Thấu hiểu và chia sẻ với nỗi đau của người khác là mình đã làm được một việc ý nghĩa. Sống đẹp sẽ nhận được cái đẹp từ cuộc sống.

    Hiện nay khi xã hội ngày càng phát triển nhiều người chỉ chạy theo đồng tiền, mà dường như quên đi các mối quan hệ từ cuộc sống, mối quan hệ giữa con người với con người, để từ đó họ có những suy nghĩ lệch so với cuộc sống, họ có những suy nghĩ sai lầm về sự yêu thương và trân trọng đối với mọi người xung quanh, niềm vui đó, họ thờ ơ, bỏ ngoài tai những lời van xin đáng thương của những em bé, cụ già ăn xin tội nghiệp, họ bỏ đi trong tiếng kêu cứu của những người gặp nạn, họ không giúp đỡ, yêu thương với những mảnh đời bất hạnh, khốn khổ ở ngoài kia mà họ đang nghĩ đến chỉ là những đồng tiền mà họ đang chạy đua với nó, đây là một thái độ rất đáng báo động, chúng ta cần phải thay đổi tư tưởng sống ngày càng một đúng đắn hơn.

    Có câu chuyện mà khiến tôi phải suy gẫm rất nhiều :” Một cô gái hỏi ông lão bán trứng: “Bao nhiêu tiền một quả trứng vậy ông?”

Ông lão trả lời: “Một đô hai quả thưa cô”.

Cô gái đáp: “Bán cho tôi một đô bốn quả, nếu không tôi không mua nữa”.

Ông lão: “Được thôi, cô lấy đi, đây là khởi đầu tốt vì có lẽ tôi sẽ chẳng bán được gì trong ngày hôm nay”.

Cô gái lấy trứng rồi hãnh diện bước đi. Cô cảm thấy mình đã trả được một món hời và đến một nhà hàng sang trọng gặp bạn bè. Ở đó, cô cùng các bạn ăn bất cứ thứ gì họ muốn. Tàn tiệc, hóa đơn của của họ lên tới 420 đô la. Cô gái đưa 500 đô cho chủ nhà hàng và bảo không cần trả lại.” Sự việc có vẻ giản đơn nhưng lại thật đau khổ đối với ông lão bán trứng. Nhiều người trong chúng ta luôn hào phóng với những người giàu có, mà lại quên đi tình người với những người khốn khổ.

    NHưng may mắn thay, đó chỉ là một ít trong toàn bộ nhân dân Việt Nam “con rồng cháu tiên “ ta. Tình yêu thương giữa con người với con người từ xưa đến nay vẫn luôn luôn được coi trọng, nó không chỉ là truyền thống của dân tộc Việt Nam, mà nó còn là một phẩm chất vô cùng đáng quý mà mỗi người cần phải có. Đối với một xã hội, sự sẻ chia yêu thương là điều vô cùng cần thiết. Nó chính là sợi dây nối liền tình cảm giữa người với người. Nó khiến cho chúng ta cảm thấy cho đi yêu thương không bao giờ là điều lãng phí. Lãng phí nhất là chúng ta để thừa yêu thương trong lòng mà không biết gửi gắm nơi đâu. Như trong ca dao, dân ca Việt Nam đã phản ánh một cách chân thực được những hiện tượng đó, con người cần phải biết sống đúng đắn, luôn biết yêu thương và thể hiện sự da diết trong cảm xúc và nỗi lòng của mỗi con người trong cuộc sống của mình, tình yêu thương đó đang ngày càng được thể hiện mạnh mẽ, tiếp nối truyền thống của dân tộc: “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”, hay là “lá lành đùm lá rách” đây đều là những truyền thống tốt đẹp mà cuộc sống này dành tặng cho cuộc đời của mỗi chúng ta, luôn luôn biết sống và cải thiện bản thân mỗi ngày.    

  Thực tế hiện nay, xã hội rất quan tâm đến những người nghèo, những người bệnh tật, khuyết tật… cũng có rất nhiều hoạt động giúp họ vươn lên trong cuộc sống. Đó là nghĩa cử cao đẹp, thể hiện sự cảm thông chia sẻ, thắt chặt tình người. Qua các chương trình “Vì người nghèo”, “Thắp sáng ước mơ”, “Trái tim cho em”, “Ngôi nhà mơ ước”…. đã gieo vào tâm hồn những người, những gia đình được giúp đỡ một hi vọng sống mãnh liệt. Đó chính là nghĩa cử cao đẹp của những con người có tấm lòng bao dung nhân ái đáng được hoan nghênh. Việc làm tốt đẹp ấy không chỉ gói gọn trong một nhóm nhỏ những người có tấm lòng nhân ái mà đã và đang kêu gọi được thêm nhiều người khác cùng nhau chung sức giúp đỡ những người nghèo khó.     

  “Có thương người , người ta mới biết yêu thương, đồng cảm”. Khi nhìn thấy những mảnh đời bất hạnh, tàn tật ngoài kia, ta sẽ động lòng thương cảm, ta rơi nước mắt, ta giúp đớ họ, đó chính là sự chia sẻ, đồng cảm. Sau tháng 9 năm 1945, chính quyền mới, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa non trẻ bấy giờ phải đối diện với những “kẻ thù” đó là giặc đói, giặc dốt, ngân khố trống rỗng, thù trong giặc ngoài… tất cả đều đe dọa đến sự tồn vong của đất nước, hơn lúc nào hết cần sự chung tay của cả dân tộc. Trước tình hình đó, nhiều phong trào, nhiều chương trình được đưa ra, trong đó có phong trào “Hũ gạo cứu đói” do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng đã nhận được sự đồng lòng hưởng ứng của nhân dân, góp phần giúp chính quyền và nhân dân giải quyết nạn đói lúc bấy giờ. Từ thực tế lịch sử đã cho thấy “Hũ gạo cứu đói năm 1945” cho thấy sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân. Hiện nay trong cuộc chiến chống Covid-19, chúng ta sẽ thấy đó là bài học lịch sử mang giá trị thực tiễn sâu sắc. Bác Hồ cũng như hàng triệu gia đình đã giảm bớt khẩu phần hàng ngày, dành gạo để cứu đói. Chiến thắng được giặc đói lúc bấy giờ là một thành tích to lớn của cách mạng, là do sức mạnh lòng nhân ái của nhân dân ta. Chỉ điều đó thôi cũng đã cho thấy được lòng thương yêu, sẻ chia và đồng cảm của người dân Việt Nam ta.

     Hãy mở rộng đôi bàn tay của sự chân ái và yêu thương, sẻ chia, hãy nhớ rằng yêu thương chưa bao giờ là muộn. KHi trao đi sự yêu thương cho người khác, bản thân mình sẽ nhận lại được yêu thương từ ánh mắt ấm áp, từ nụ cười chân thành và lời cảm ơn nặng nghĩa tình. Chỉ như vậy thôi chúng ta cũng đã thấy được rằng sẻ chia chưa bao giờ “lỗ” với trái tim mình. Đó cũng chính là ý nghĩa của thông điệp Cho yêu thương, nhận hạnh phúc .

     Thông cảm nỗi đau khổ của người khác- rất tốt, song có 2 loại đồng cảm. Một, nhỏ nhen, ủy mị. Về bản chất nó chẳng khác gì sự ích kỉ của trái tim, càng nhanh càng tốt thoát ra khỏi trạng thái nặng nề trước bất hạnh của người khác. Đây không thể gọi là đồng cảm mà chỉ là một mong muốn bản năng rào chắn sự bình yên của bản thân. Song, còn có một trạng thái đồng cảm khác- chân chính. Nó đòi hỏi hành động chứ không phải những tình cảm ủy mị. Nó biết muốn gì, dằn vặt, đồng cảm với lòng quyết tâm sẵn sàng làm tất cả trong khả năng con người cho phép, thậm chí còn hơn thế nữa. Nếu như ngài sẵn sàng đi đến tận cùng, lắng xuống đến tận đáy cay đắng, nếu như ngài được trang bị bởi một lòng nhẫn nại vĩ đại, khi đó ngài mới biết cách giúp đỡ mọi người. Chỉ khi nào ngài dám xả thân mình…” (Trái tim nôn nóng- S.Zweig) .Vì vậy ta phải thông cảm, sẻ chia niềm vui, nỗi buồn của người khác một cách chân thành từ trong tâm hồn và trái tim của chúng ta, đừng nên làm điều này vì mục đích, danh lợi gì.

      Cũng trong đợt dịch Covid -19 này, ta đã thấy có biết bao hình ảnh “người tốt việc tốt”, tấm gương giúp đỡ người khác. Điển hình như ở tâm dịch Thành Phố Hồ Chí Minh, có biết bao nhiêu người dân từ khắp 63 tỉnh thành cả nước đã chung tay giúp đỡ, quyên góp cho những đồng bào đang cách ly ở các tâm dịch. Thông qua đó, ta đã thấy tự hào về tấm lòng thương yêu, đồng cảm của những người con Việt Nam biết bao nhiêu.

     Cỏ dại cũng là hoa khi bạn đã hiểu chúng. Hãy chủ động tìm kiếm cơ hội cho sự tử tế, cảm thông và kiên nhẫn. Sự thành công trong cách ứng xử với người khác phụ thuộc vào việc nắm được góc nhìn của người khác với thái độ cảm thông. Hãy nhớ rằng ba chiếc chìa khóa dẫn ta tới cuộc sống mãn nguyện chính là quan tâm tới người khác, dám làm vì người khác, dám chia sẻ cùng người khác. Có điều kỳ diệu xảy đến với những người thực sự biết yêu thương: họ càng cho nhiều, họ càng có nhiều. Và cũng thông câu chuyện, ta còn thấy được xung quanh ta có biết  những trái tim giàu tình yêu như cậu bé trong câu chuyện kia. Câu chuyện ấy khiến cho chúng ta cảm động bởi thứ tình cảm thương yêu chân thành, tự nhiên nhất, nó xuất phát từ chính tấm lòng trong sáng, từ mong muốn được sẻ chia nỗi đau với người bị tổn thương. Câu chuyện cũng mang đến cho chúng ta rất nhiều bài học quý giá về sự sẻ chia và đồng cảm. Hãy lắng nghe và chiêm ngưỡng chúng để thấy rằng Trái đất này luôn được sưởi ấm bằng tình yêu, bằng sự cảm thông chia sẻ tuyệt vời giữa những con người với nhau.