Mỗi giây, trên thế giới lại có 1.8 người chết đi. Có những người trẻ, có những người già. Và có bao giờ chúng ta tự hỏi, làm thế nào để những giây phút nhắm mắt xuôi tay, chúng ta được mãn nguyện vì mình cuối cùng cũng đã sống trọn một cuộc đời không. Nhớ lại ý thơ mà Nguyễn Trọng Tạo viết xưa kia “Có những cánh rừng chết vẫn xanh trong tôi/ Có con người sống mà như qua đời” thấy thôi thúc trong bản thân tôi bỏ qua những mặc cảm của bản thân về những sai lầm để bắt đầu cuộc hành trình khám phá thế giới. Bởi vì như một câu nói mà tôi rất tâm đắc của Albert Einstein “Những kẻ chưa từng mắc lỗi lầm cũng là những kẻ chưa bao giờ thử làm việc gì cả.”

 

            Lỗi lầm là hành vi sai lệch, chưa đúng đắn theo chuẩn mực mà chúng ta gây ra để lại hậu quả tiêu cực. Những lỗi lầm như vết thương hằn sâu trong tâm hồn ngày đêm nhức nhối khiến chúng trở thành nỗi sợ hãi lớn nhất của con người. Song nhà bác học Albert Einstein lại đem đến một quan điểm mới mẻ về những lỗi lầm. Đó là tiền đề để bắt đầu hành trình chinh phục đỉnh Everest trong lòng người. Nó thôi thúc con người tiến về phía trước xây dựng tượng đài thành công.

 

            “ Trong truyền thuyết, nếu cá chép muốn hóa rồng, thì phải rút đi toàn bộ vẩy cá trên người mình, chặt đứt vây cá, mới có thể hóa thành rồng. Trong truyền thuyết, con chim phải tự đốt cháy mình, trải qua cơn đau thiêu đốt của ngọn lửa, mới có thể hóa thành phượng hoàng”( Thời niên thiếu không thể quay lại ấy - Đồng Hoa). Có thể nói, lỗi lầm như những nỗi đau mà cá chép phải chịu khi tự “chặt đứt vây cá, rút toàn bộ vảy cá” và con chim chìm trong đau đớn “thiêu cháy mình” trong quá trình hoá thân mới. Nhưng nhìn vào kết quả, con cá hóa thành rồng, con chim hóa phượng hoàng, ta mới nhận ra lỗi lầm có vai trò quan trọng trong sự trưởng thành của con người. Chúng ta đều xuất phát từ con số 0 từ những vấp ngã, học cách tự đứng dậy mà trưởng thành. Nếu ai từng vỗ ngực tự hào, họ trưởng thành mà chưa từng có hai chữ “lỗi lầm” nào âu cũng chỉ là sự ngộ nhận ngọt ngào. Nhìn lại hành trình cuộc đời của các vĩ nhân, tôi càng chắc chắn hơn về suy nghĩ của mình. Harland Sander trước khi cười đắc thắng với đời từng phạm phải lỗi lầm và thất bại 1009 lần có khi từng suy sụp và muốn bỏ cuộc. Thomas Edison - thầy phù thuỷ ở Menlo Park trước khi được biết tới với các phát minh vĩ đại cũng từng sai lầm hơn 10000 lần mới tạo nên dây tóc bóng đèn thắp sáng cho nhân loại như ngày hôm nay. Hay Walt Disney cả thời niên thiếu cơ cực theo đuổi đam mê từng đi qua biết bao lỗi lầm mới tạo nên những kiệt tác phim hoạt hình nổi tiếng nhất mọi thời đại. Ta đều thấy không ai thành công ngay từ những bước chân đầu tiên. Trong qua trình phát minh vĩ đại, xây dựng thương hiệu gà rán trứ danh hay thiết lập một đế chế phim hoạt hình hùng mạnh, họ đều bước ra từ bóng tối của những sai lầm để trở thành một vĩ nhân ghi dấu trong dòng chảy của lịch sử thời đại.

 

                   Trong quan niệm một số người, sai lầm là khổ ải - một điều chúng ta luôn muốn tránh xa hoặc rũ bỏ nó trong những trang viết trong cuốn sách trưởng thành. Song ít ai biết rằng sai lầm là một thứ gia vị không thể thiếu trog món ăn ‘thành công”. “Con sinh ra vốn bất toàn và đề làm những điều lỗi lầm. Nó đẹp vì bất toàn. Nó đáng yêu vì nó luôn lầm lỗi”.( Trịnh Công Sơn) Dường như sai lầm là điều không thể tránh khỏi. Nhưng hãy tự đặt câu hỏi cho chính mình lỗi lầm đã dạy ta điều gì. Tôi chợt nhớ về tác phẩm “Những người khốn khổ” của Victor Hugo trong đó có nhân vật Jean Valjean. Anh từng trộm đồ bạc của giám mục và bị giám mục Myriel phát hiện. Nhưng vị giám mục đáng kính ấy đã tha thứ cho anh để anh tự hạnh ngộ với bản thân sai lầm của chính mình. Sau này anh đã trở thành thị trưởng nhân hậu và tốt bụng. 

                   "Bất cứ một người lao động nào dù thông minh đến đâu đôi lúc cũng có thể phạm sai lầm khoanh tay ngồi không". Đó là câu nói của chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã chỉ cho chúng ta thấy được rằng sai lầm nếu chúng ta qua những lối mòn suy nghĩ. Chúng ta không còn là những con tằm tự phong bế mình trong những chiếc kén. Chúng ta tự mình bước ra khỏi vùng an toàn bắt đầu cuộc hành trình khám phá thế giới. "Sai lầm là cánh cổng khám phá". Chúng ta sẽ khám phá chính mình ở một bậc cao hơn sau mỗi lần chiêm nghiệm những bài học từ những lỗi lầm. Song cuộc đời không phải là cái bẫy để chúng ta sa xuống rồi đổ tội. "Cứ sai đi vì cuộc đời cho phép", nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta để những lỗi lầm trở thành một vòng tuần hoàn không thể khắc phục được. Nếu như coi mỗi ngày là một thước phim thì tôi hiểu rằng lỗi lầm là cảnh quay không thể thiếu trong đời tôi. Nhưng điều đó không làm tôi nản lòng nó càng tiếp thêm cho tôi động lực sẵn sàng bước tiếp bỏ qua những lo âu về việc mình có thể mắc những sai lầm. Giữ vững tâm thế, một cái đầu lạnh một trái tim nóng tiến băng qua biển cả nhân sinh đến với đại lộ danh vọng cuộc đời mình. 

                    Tôi nhớ trong tác phẩm "vừa nhắm mắt vừa đóng cửa sổ", Nguyễn Ngọc Thuần từng viết: "người sống là một âm thanh nên khi sống, người ta sẽ gây tiếng vang bằng chính cuộc đời của mình" . Và có lẽ từ ngày hôm nay bản thân tôi sẽ tạo ra một "tiếng vang" như thế khi đã ý thức được giá trị của những sai lầm trên hành trình từ biệt tuổi xuân xanh chát bước trên con đường chín chắn của mình. Câu nói của nhà bác học Albert Einstein đã truyền cho tôi nguồn cảm hứng dồi dào thôi thúc tôi vị tha hơn với với những lầm lỗi, bồi đắp tâm hồn để trở nên hoàn thiện hơn tôi của ngày hôm qua.